Xây dựng Nông thôn mới theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chia sẻ với cộng đồng bài viết "Xây dựng Nông thôn mới, theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh" đăng trên Văn Hiến ngày 24/10/2019 của tác giả Vương Xuan Nguyên

Sau 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới” giai đoạn 2010-2020, cả nước đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, mang tính lịch sử, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo tiền đề giữ vững, củng cố ổn định chính trị, an ninh Quốc phòng, trật tự xã hôi, phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện để tiến hành CNH, HĐH Đất nước thành công. Đó cũng chính là kết quả của quá trình xây dựng, đổi mới Đất nước theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

NTM phải cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân

Nhận thức vấn đề xây dựng nông thôn ở nước ta có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và an ninh, quốc phòng. Vì vậy, ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào “Xây dựng đời sống mới”. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng và là nội hàm của xây dựng Nông thôn mới (NTM) hiện nay.

Để hiện thực hóa các mục tiêu của phong trào này, ngày 3 tháng 4 năm 1946, Ủy ban vận động đời sống mới Trung ương được thành lập. Ngày 20 tháng 3 năm 1947, tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời với bút danh Tân Sinh có tác dụng chỉ đạo và là cơ sở lý luận quan trọng cho sự nghiệp xây dựng NTM của chúng ta.

Muốn xây dựng thành công NTM mỗi người phải tự xây dựng đời sống mới cho riêng mình. Trên cơ sở đó góp phần xây dựng đời sống mới cho cả cộng đồng. Bác chỉ rõ: “Do nhiều người nhóm lại mà thành Làng, do nhiều Làng nhóm lại mà thành Nước. Nếu người này cũng xấu, người kia cũng xấu, thì thành Làng xấu, Nước hèn; nếu mỗi người tốt, thì Làng tốt, Nước mạnh. Người là gốc của Làng, Nước, nếu mỗi người cố gắng làm đúng đời sống mới thì Dân tộc nhất định phú cường”.

Việc xây dựng đời sống mới phải được thực hiện trên các nguyên tắc: Cần, Kiệm, Liêm, Chính và tích cực tăng gia sản xuất theo tinh thần “Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”. Bác nhấn mạnh: “Muốn tăng gia sản xuất, mọi người phải Cần, phải Kiệm. Không Cần, thì phí thời giờ nhiều mà sản xuất được ít. Không Kiệm thì làm được bao nhiêu, dùng hết bấy nhiêu, rút cục cũng như sản xuất được ít. Tăng gia sản xuất ích riêng cho mình mà cũng ích chung cho cả nước. Nếu không có tinh thần Liêm và Chính, nếu tham lam ích kỷ, thì không thể phát đạt việc tăng gia sản xuất. Vì vậy, tăng gia sản xuất và đời sống mới phải đi đôi với nhau, không thể lìa nhau”.

bacho2

Bác Hồ với Nông dân; Ảnh tư liệu

Đất nước ta còn nghèo lại đang phải khắc phục nhiều hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại. Vì thế mỗi cá nhân, mỗi tập thể và cả cộng đồng phải cố gắng nhiều hơn nữa trong lao động, sản xuất, trong tìm tòi - học hỏi và áp dụng tiến bộ của khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả lao động. Bác dạy rằng: “Đối với mỗi người: Việc gì có lợi cho Nước phải ra sức làm, việc gì hại cho Nước phải hết sức tránh; bất cứ việc to, việc nhỏ, có ích chung thì phải hăng hái làm. Đối với làng xã: Về văn hóa phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của công dân. Về phong tục, phải cấm hẳn say sưa cờ bạc, hút sách, trộm cắp, đĩ điếm. Tìm cách làm cho không có đánh chửi nhau, kiện cáo nhau. Làm cho làng mình trở thành một làng “thuần phong mỹ tục”.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc xây dựng phẩm chất đạo đức, nhân cách và khả năng của người nông dân mới là vấn đề nòng cốt của xây dựng NTM. Trên cơ sở đó, người nông dân phải siêng năng, cần cù, hăng hái thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm, có tinh thần làm chủ, chủ động, sáng tạo trong lao động, sống có tinh thần, trách nhiệm, có tình, có nghĩa, luôn thương yêu, sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo”... Về mặt kinh tế phải làm cho người dân nông thôn có đủ cơm ăn, áo mặc, được học hành đầy đủ, được chăm sóc sức khỏe, được chữa bệnh mỗi khi ốm đau. Về mặt đạo đức phải trên thuận, dưới hòa, không thiên tư, thiên ái, không tham lam, ích kỷ, không tư lợi dù là cây kim sợi chỉ của chung. Về tác phong, từ sinh hoạt đến làm việc, phải rõ ràng, công bằng, sòng phẳng, có kế hoạch, khoa học và gọn gàng, ngăn nắp.

Mùa xuân Kỷ Hợi năm 1959 cách đây 60 năm, Bác Hồ đã phát động phong trào Tết trồng cây với tư tưởng là một cuộc cách mạng cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái làm cho “phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp". Bác nhấn mạnh việc thực hiện “Tết trồng cây” một cách liên tục, bền bỉ và vững chắc thì không chỉ góp phần vào nhiệm vụ phát triển “kinh tế văn hóa” mà còn làm cho “phong cảnh của ta cũng thật sự làn non sông gấm vóc, tươi đẹp vô cùng”. Không chỉ có vậy Người còn lưu ý Tết trồng cây có ý nghĩa chính trị to lớn.

Ngày 20/01/1965, trong bài “Hãy nhiệt liệt tổ chức tết trồng cây” đăng trên báo Hà Đông, Người viết: “Muốn xây dựng NTM. Việc đầu tiên của NTM là xây dựng lại nhà ở cho đàng hoàng...". Trong nhiều bài viết, bài nói về phong trào Tết Trồng cây, Bác Hồ đã nhắc tới khái niệm "NTM" với mục đích cuối cùng là "làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày càng được cải thiện".

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân muôn vàn tình yêu thương là một bản Di chúc lịch sử thể hiện cô đọng và sâu sắc những tư tưởng đổi mới của Người vào sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam, trong đó có quan điểm về nông dân - nông nghiệp - nông thôn. "Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta ra, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất", Người căn dặn.

Quan điểm xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng nông thôn nước ta là hướng tới mục tiêu cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; lấy văn hóa làm nền tảng tinh thần vì nó vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Xây dựng đời sống văn hóa của NTM cần gắn với cội nguồn mà nhân tố trung tâm là con người. Người chỉ rõ: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tư do. Đồng thời văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng”.

Kết quả xây dựng NTM là to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử

Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức và những lời dạy thiêng liêng của Người, Đảng và Nhà nước ta luôn giành sự quan tâm hàng đầu trong hoạch định, cũng như thực thi chính sách về phát triển Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn.

Ngày 5/8/2008, Hội nghị BCH TW Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26 - NQ/TW về Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn. Tiếp đó, Thủ tướng Chính thủ đã bàn hành số 800/QĐ - TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 với mục tiêu chung: “Xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

NTM11111

Diện mạo NTM Việt Nam

Sau 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2010-2020, chúng ta đã đạt những kết quả to lớn, toàn dân, toàn diện, mang tính lịch sử. Đây là luồng gió đổi mới, tích cực cho sự phát triển toàn diện vùng nông thôn và ngành nông nghiệp nước ta, tạo động lực cho công cuộc CNH - HĐH Đất nước.

Chương trình xây dựng NTM đạt kết quả vượt bậc, về đích trước gần 2 năm so với kế hoạch. Bên cạnh 4.665 xã (chiếm 52,4% tổng số xã) đạt chuẩn NTM, 109 đơn vị cấp huyện (chiếm 16,5% số huyện) của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương  được được công nhận đạt chuẩn NTM. Hai tỉnh Đồng Nai (133/133 xã, 11/11 huyện đạt chuẩn NTM) và tỉnh Nam Định (209/209 xã, 10/10 huyện đạt chuẩn NTM). Vùng đồng bằng sông Hồng (đạt 84,86%), miền núi phía Bắc (đạt 28,6%) đã hoàn thành vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao; có 36/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành sớm và vượt mục tiêu 5 năm được Thủ tướng Chính phủ giao; có 8 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM (Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ). Trong số các xã được công nhận đạt chuẩn NTM, có 87 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và 42 xã vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.

Đồng thời, có 63 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đã có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Bình quân cả nước đạt 15,32 tiêu chí/xã, hoàn thành vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, có 2/7 vùng và 19/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành và vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao.

Sản xuất nông nghiệp với các ngành trụ cột là trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thuỷ sản được phát triển vững chắc, với hơn 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Nông nghiệp Việt Nam vào tốp đầu châu Á về kim ngạch xuất khẩu. Đời sống người dân nông thôn nhờ vậy được cải thiện. Nếu năm 2009, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm ở nông thôn chỉ gần 10 triệu đồng thì đến cuối năm 2018 đạt 36 triệu đồng. Số hộ nghèo cả nước chỉ còn 4%. 

cay123

Nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, người dân được tiếp cận và hưởng thụ nhiều giá trị văn hóa tinh thần lành mạnh tốt đẹp

Chương trình được triển khai quyết liệt, đồng bộ, rộng khắp cả nước, với sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của nhân dân, có nhiều cách làm hay, hiệu quả, tạo sự chuyển biến lớn cả về lượng và chất đối với làng quê Việt Nam. Kết cấu hạ tầng điện đường, trường, trạm được xây dựng đồng bộ. Hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn được đồng bộ hơn với sản xuất hàng hóa, quy mô lớn. Cùng với đó, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ có nhiều tiến bộ và nhiều kết quả tốt. Công tác đào tạo nghề cho khu vực nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh. Đã hình thành nhiều trang trại, hợp tác xã kiểu mới, các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn với 14.800 hợp tác xã, 11.000 doanh nghiệp, 33.000 trang trại hoạt động có hiệu quả.

Chương trình trong gần 10 năm qua đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân với tổng nguồn lực khoảng 2,2 triệu tỷ đồng, mỗi năm bình quân khoảng 10 tỷ USD đầu tư cho NTM, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Phong trào thi đua thực sự trở thành một phong trào có ý nghĩa, đi vào cuộc sống và có sức lan tỏa sâu rộng ở địa phương, thu hút được người dân và cộng đồng hăng hái tham gia. Tư duy nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân trong xây dựng NTM chuyển biến rõ nét.

Hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn đã có bước phát triển cả về số lượng và quy mô, đa dạng về loại hình và cấp độ chợ (chợ đầu mối nông sản, chợ chuyên doanh, chợ đầu mối bán buôn, chợ hoa – sinh vật cảnh, chợ văn hoá – du lịch, chợ ẩm thực…) từng bước đáp ứng được nhu cầu của người dân nông thôn.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM còn bộc lộ một số tồn tại hạn chế. Đó là sự phát triển từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ở các vùng miền có khoảng cách chênh lệch khá cao; Thu nhập của một bộ phận nông dân còn thấp và bấp bênh; Môi trường sống ở nông thôn còn ô nhiễm; Văn hóa nông thôn và một số giá trị truyền thống có nguy cơ mai một; An ninh, an toàn nông thôn xuất hiện một số yếu tố phức tạp; Còn thiếu nhiều điều kiện cần và đủ để đảm bảo cho sự phát triển Nông nghiệp, Nông thôn, Nông dân nhanh, mạnh và bền vững…Để đạt được những mục tiêu xây dựng NTM đến năm 2025 và các năm tiếp theo như Chính phủ đã đề ra thì những hạn chế bất cập trên cần sớm được giải quyết.

tt123

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng NTM tổ chức vào ngày 19/10/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá những thành tựu trong xây dung NTM đã đạt được trong 10 năm qua là to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử đã tạo ra những tiền đề thuận lợi để chúng ta hướng tới tầm cao văn hóa, hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực hơn nữa ở giai đoạn xây dựng NTM tiếp theo.

Đồng thời, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh những mục tiêu cốt lõi trong xây dựng NTM cần tiếp tục được quan tâm hơn nữa. Đó là, không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, miền núi; Xây dựng miền quê đáng sống, xanh, sạch, đẹp; Cần phải tiếp tục bảo tồn, phát triển song hành giữa văn hóa, nét đẹp văn hóa của người dân trong quá trình phát triển; Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể dưới sự lãnh đạo của Đảng không ngừng vững mạnh để phục vụ nhân dân.

Có thể nói, Chương trình xây dựng NTM sau 10 năm triển khai đã làm thay đổi nhận thức và vai trò làm chủ của cộng đồng dân cư; Đổi mới và thay đổi diện mạo, cảnh quan nông thôn; Cơ sở hạ tầng xây dựng đồng bộ, thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn cải thiện và nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân; Tạo ra diện mạo mới cho Nông thôn, sức sống mới cho Nông nghiệp, nhận thức mới cho Nông dân và trên đà hướng tới mục tiêu xây dựng "Nông nghiệp thịnh vượng, Nông dân giàu có, Nông thôn văn minh, hiện đại"…Đây cũng chính là những tiền đề quan trọng để giữ vững, củng cố ổn định chính trị, an ninh Quốc phòng, trật tự xã hội và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, tạo môi trường và động lực để tiến hành CNH, HĐH Đất nước thành công theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

------------------

* Bài viết có sử dụng một số tư liệu của đồng nghiệp.