Cùng với không gian rất hài hòa của rừng thông và hoa đẹp, của các thác nước và sông hồ, thành phố Đà Lạt là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa đặc sắc, nhất là các công trình kiến trúc Pháp. Tuy nhiên, theo các đại biểu, quá trình đô thị hóa ồ ạt khiến kiến trúc và môi trường thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều danh thắng và di tích ở đây đang bị xuống cấp và bị xâm thực bởi rác thải và nước thải.
TS. Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định, không gian xanh là quan trọng hàng đầu với Đà Lạt. Tỉnh Lâm Đồng cần sớm có biện pháp pháp ngăn chặn sự xuống cấp nhanh chóng của không gian xanh trong lòng thành phố.
Trường Cao đẳng Su phạm Đà Lạt một trong hàng ngàn công trình mang kiến trúc Pháp nổi tiếng của Lâm Đồng.
"Chúng ta đang mất nhiều rừng, nhiều mảng xanh vì quá trình phát triển nhanh. Khi quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt nêu rõ cần phát triển khu vực xung quanh và giữ lại nội đô của Đà Lạt. Chúng ta cần hạn chế việc xây dựng lại, dùng quỹ đất xây dựng tiến hành trồng lại thông trả lại cho Đà Lạt tên gọi rừng trong thành phố” - TS. Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng nói.
Còn theo bà Phạm Hoài Linh, Viện Quy hoạch đô thị Quốc gia, việc xây dựng với mật độ quá cao các công trình trong đô thị và các nhà kính, nhà lưới nông nghiệp, đang khiến Đà Lạt bị bóp nghẹt. Hệ quả là thành phố bị quá tải chất thải, quá tải thoát nước. Trước khi tính những điều sâu xa hơn, Lâm Đồng phải khắc phục những bất cập đang thấy rõ hiện nay.
“Để tiếp nối cấu trúc đô thị di sản mang tính chất truyền thống trong cấu trúc hiện đại thì chúng ta phải khôi phục lại những mạch trũng thoát nước gắn với cả không gian cây xanh công cộng” - bà Phạm Hoài Linh cho biết.
Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ghi nhận những đóng góp, gợi mở tại diễn đàn và cho biết: tỉnh rất kiên trì với việc xây dựng thành phố di sản Đà Lạt. Sau tọa đàm này, tỉnh sẽ tiếp tục các bước nghiên cứu để tìm những giải pháp toàn diện hơn.
“Vấn đề đô thi Đà lạt di sản đã được dặt ra cách đây 20 năm, đến nay tiếp tục đặt lại vấn đề. Do vậy tọa đàm hôm nay là dịp để các nhà kiến trúc sư tiếp tục có những nghiên cứu đầy đủ hơn, mang tính khoa học hơn trong quá trình xây dựng đô thị di sản Đà Lạt” - ông Đoàn Văn Việt nói.