HỘI NHẬP|| Đông Nam Á gồm 11 quốc gia, là khu vực đông dân và đi lên trên nền tảng nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp hình thành từ lâu đời, nặng về lương thực, đặc biệt là trồng lúa nước. Đến nay, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP của các nước trong khu vực dao động từ 10% đến trên 20%. Nông nghiệp đóng vai trò trụ cột và được ưu tiên trong nhiều chính sách trọng điểm về phát triển bền vững. Đông Nam Á chịu ảnh hưởng năng nề trước tác động của những cuộc khủng hoảng bao gồm cả suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đại dịch như Covid-19 cả trong ngắn hạn và dài hạn. Biến đổi khí hậu (BĐKH) đặt ra những thách thức to lớn đối với các hệ sinh thái, nhất là sản xuất nông nghiệp. Đại dịch Covid-19, bùng nổ, đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với các nền kinh tế ở mọi lĩnh vực. Tác động kép của BĐKH và đại dịch Covid-19 gây tiêu cực đối với sản xuất và đời sống, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp, đòi hỏi phải có những điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh cụ thể của từng quốc gia. Trên cơ sở phân tích tư liệu thống kê nông nghiệp và nguồn tài liệu nghiên cứu của tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO), bài viết đề cập đến thực trạng phát triển khu vực và những dự báo đinh hướng tương lai trong tầm nhin dài hạn đến năm 2050 ở Viêt Nam.
Kỳ I: NÔNG NGHIỆP ĐÔNG NAM Á
I. VỀ HIỆN TRẠNG NÔNG NGHIỆP ĐÔNG NAM Á
1.1. Đặc thù khu vực
Là nơi sinh sống của hơn 600 triệu dân, trên diện tích chừng 4,55 triệu km2, khu vực Đông Nam Á (ĐNA) gồm 11 nước là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, Philippines và Đông timor. Riêng Đông Timor không phải là thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á(ASEAN). Những chỉ số cơ bản của các Quốc gia trong khu vực được thể hiện trong biểu 1
Đông Nam Á không có những đồng bằng rộng lớn như châu thổ sông Ấn, sông Hằng hay Hoàng Hà; cũng không có những đồng cỏ mênh mông như các vùng thảo nguyên. Không gian sinh tồn ở đây nhỏ hẹp nhưng rất phong phú, đa dạng. Con người có thể khai thác từ thiên nhiên đủ loại thức ăn để sinh tồn nên Đông Nam Á còn được gọi là khu vực khai thác thức ăn theo nghĩa rộng, rất thuận lợi cho cuộc sống con người buổi ban đầu, nhưng không tránh khỏi những ảnh hưởng đến sự phát triển của một nền sản xuất tạo khối lượng sản phẩm lớn trong những giai đoạn sau này. Sự đa dạng, đan xen của những địa bàn sinh tụ nhỏ đã ảnh hưởng đến văn hóa tộc người của cả khu vực và trong mỗi quốc gia (Wikipedia 2021).
Đông Nam Á có những vịnh, biển ăn sâu vào đất liền, tạo thuận lợi cho luồng di dân giữa đất liền và biển đảo, cho sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia và các dân tộc. Người Đông Nam Á có nhiều nét tương đồng trong sinh hoạt, sản xuất, như cùng trồng lúa nước, sử dụng trâu bò làm sức kéo, dùng gạo làm nguồn lương thực chính.Tuy nhiên, từng nước lại có những phong tục, tập quán, tín ngưỡng riêng tạo nên sự đa dạng trong văn hóa khu vực.
Vị trí cầu nối và nguồn tài nguyên giàu có của Đông Nam Á đã từng thu hút sự chú ý của nhiều đế quốc lớn. Trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam bị Pháp xâm chiếm; Myanmar, Malaysia trở thành thuộc địa của Anh; Indonesia là thuộc địa của Hà Lan; Philippines bị Tây Ban Nha và sau đó Hoa Kỳ chiếm đóng. Thái Lan giữ được nền độc lập nhưng lệ thuộc phương Tây nhiều mặt. Trong chiến tranh thế giới, hầu hết các nước Đông Nam Á bị phát xít Nhật xâm chiếm. Sau chiến tranh, các nước đã lần lượt giành lại độc lập. Đến nay, đa số quốc gia trong khu vực theo chế độ cộng hòa, bên cạnh đó, một số còn theo chính thể quân chủ lập hiến. Khu vực vực có những nét tương đồng trong nền văn hóa giữa các dân tộc, trong lịch sử đấu tranh giành độc lập và đang cùng xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện để cùng phát triển.
Do điều kiện tự nhiên chi phối, Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của gió mùa, tạo nên hai muà ; mùa khô lạnh, mát và mùa mưa nóng, ẩm. Khu vực còn được gọi là “Châu Á gió mùa". Gió mùa kèm theo những cơn mưa nhiệt đới đã cung cấp đủ nước cho con người trong đời sống và sản xuất hằng năm, tạo nên những cánh rừng nhiệt đới phong phú về thảo mộc và muông thú. Gió mùa và không khí biển làm cho khí hậu của vùng trở nên xanh tốt và trù phú với những đô thị đông đúc và thịnh vượng, đưa khu vực trở thành quê hương của những cây gia vị, cây hương liệu như hồ tiêu, sa nhân, đậu khấu, hồi, quế, trầm hương và cây lương thực, đặc trưng là lúa nước. (Wikipedia 2021).
II. THỰC TRẠNG NÔNG NGHIỆP ĐÔNG NAM Á QUA TƯ LIỆU THỐNG KÊ VÀ NGHIÊN CỨU
2.1. Chỉ số phát triển nông nghiệp qua các dữ liệu thống kê
Sự gia tăng nhanh chóng của dân số toàn cầu cùng với mở rộng quy mô thị trường, đổi mới thể chế, tài chính và cách mạng khoa học công nghệ đã mang lại nhiều cơ hội cho các quốc gia. Nông nghiệp đã được sử dụng như một giải pháp then chốt thúc đẩy phát triển, thay thế cho xu hướng cũ để trở hành công cụ cho quá trình công nghiệp hóa thông qua chuyển đổi cơ cấu. Nông nghiệp đã được coi là “bệ đỡ” của nhiều nền kinh tế, giúp các quốc gia vượt qua những biến động và khủng hoảng trong quá khứ, hiện tại và trong tương lai.
Nông nghiệp Đông Nam Á đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất nông nghiệp châu Á và trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2018 của khu vực đạt 254,18 tỷ USD, chiếm 12.9% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp Châu Á và trên 7.1% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn cầu.
2. 2. Xu thế phát triển qua các công trình nghiên cứu
Phân tích chỉ số tổng sản xuất nông nghiệp (PIN) và tổng sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người của khu vực, các nhà nghiên cứu nhận thấy, vào những năm thuộc thập niên 2010-2020, những chỉ số này đều có giá trị tương đối cao hơn so với Châu Á và Thế giới. Điều này cho thấy sự phát triển nông nghiệp của khu vực theo thời gian đã tiếp tục gia tăng. Mặt khác, theo giá trị gia tăng của ngành, năm 2019 khu vực đạt trên 307, tỷ USD, chiếm 8.76% so với thế giới và 13.75% so với khu vực Châu Á (Nguyễn An Thịnh 2021).
Xem xét giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp khu vực trong năm 2019 các nhà phân tích của FAO cũng đã chỉ ra: Với những thế mạnh khác nhau, Indonesia là nước dẫn đầu khu vực về sản xuất nông nghiệp, có tổng giá trị đạt 76,96 tỷ USD. Các vị trí số 2, 3, 4 lần lượt thuộc về các nước Việt Nam (40,69 tỷ USD), Thái Lan (29,77 tỷ USD) và Malaysia (17,40 tỷ USD).
Nhiều nước Đông Nam Á được xếp ở thứ hạng cao trong nhóm nước sản xuất nông sản hàng đầu thế giới. 4 trong 10 quốc gia sản xuất nhiều lúa gạo nhất liên vụ 2019/2020 là Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Phillipines. Indonesia và Việt Nam còn nằm trong nhóm10 nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới nhiều năm liên tục.
Nông nghiệp ĐNA đã đóng góp lớn vào tạo việc làm và sinh kế cho đông đảo dân cư trong khu vực. Tại 7 quốc gia, bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Phillipines, Thái Lan và Việt Nam, số lao động làm việc của ngành nông nghiệp đã lên tới 92,27 triệu người (FAO) với giá trị gia tăng trên 1lao động năm 2017 ước tính đạt 8.776,5 USD.
Trong thương mại, nông nghiệp đã ghi dấu ấn đậm nét trong thúc đẩy thương mại ra, vào. Năm 2019, tổng giá trị nhập khẩu nông nghiệp đạt 68,43 tỷ USD, trong khi tổng giá trị xuất khẩu lên tới 109,33 tỷ USD. Chênh lệch cán cân thương mại là +40,9 tỷ USD.
Về năng suất, nhiều nghiên cứu cho thấy, đã có sự sụt giảm tổng thể về năng suất nông nghiệp trong giai đoạn 2002-2016. Tiến bộ kỹ thuật là nguồn chính của tăng trưởng năng suất các nhân tố tông hợp (TFP), mức tăng trưởng này có dấu hiệu chậm lại trong những năm gần đây. Mặt khác, việc thay đổi quy mô và hiệu quả kỹ thuật có xu hướng giảm dần, dẫn đến năng suất giảm theo thời gian. Hiệu suất lao động khác nhau quan sát được ở nhiều nước cho thấy, chủ yếu là do tiến bộ công nghệ thúc đẩy. Trong những yếu tố quyết định đến nhân tố này, vốn con người, mức độ đô thị hóa và dòng chảy phát triển nông nghiệp đã ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng TFP.
Từ thực tế diễn ra, khuyến nghị chính sách đã hướng vào những đề xuất, bao gồm cả tăng cường đầu tư vào vốn con người, tập trung đổi mới công nghệ và thực hiện hỗ trợ tài chính và khơi dòng chảy phát triển cho nông nghiệp để tăng trưởng và duy trì năng suất .
Nông nghiệp các nước Đông Nam Á đã có những thay đổi đáng kể về cơ cấu theo thời gian. Tầm quan trọng của lĩnh vực này trong GDP có giảm trong những năm từ 1985 đến 2020. Trong đó, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản là yếu tố quan trọng đóng góp vào an ninh lương thực và dinh dưỡng; cùng với sinh kế và thu nhập hộ gia đình của nhiều người sống tại khu vực Đông Nam Á, đây là vấn đề cần được quan tâm trong giai đoạn tới.
III NÔNG NGHIỆP MỘT SỐ NƯỚC ĐNÁ-XU THẾ PHÁT TRIỂN VÀ NHỮNG THÁCH THỨC
Đông Nam Á có nền nông nghiệp nhiệt đới, giữ vị trí quan trọng trong việc nuôi sống trên 600 triệu dân bản địa. Các ngành chính trong sản xuất nông nghiệp là lúa nước; cây công nghiệp và cây ăn quả; chăn nuôi, đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản.
Lúa nước là cây lương thực truyền thống và quan trọng hàng đầu của khu vực với sản lượng lúa không ngừng gia tăng (từ 103 triệu tấn năm 1985 tăng lên 161 triệu tấn năm 2004, tăng 53,6%). Trong đó, Thái Lan và Việt Nam đã trở thành những nước ở hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Các nước Đông Nam Á đã cơ bản giải quyết được nhu cầu lương thực là vấn đề nan giải của nhiều quốc gia đang phát triển.
Cây công nghiệp và cây ăn quả cho nhiều sản phẩm xuất khẩu để thu về ngoại tệ. Cao su được trồng nhiều ở Thái Lan. In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Việt Nam. Cà phê và hồ tiêu trồng nhiều nhất ờ Việt Nam, sau đó là In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Thái Lan. Ngoài ra, Đông Nam Á còn là nơi cung cấp cho thế giới những sản phẩm từ nhiều loại cây lấy dầu, lấy sợi. Cây ăn quả được trồng ở hầu hết các nước trong khu vực.
Tuy chăn nuôi nuôi gia súc chưa trở thành ngành chính, nhưng số lượng đã khá lớn, Trâu, bò phân bố nhiều ở: Myanmar, Indonesia, Thái Lan; lợn ở Việt Nam, Philippin và Thái Lan. Đông Nam Á còn là khu vực nuôi nhiều gia cầm: gà, vịt, ngan, Trong đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, sản lượng cá khai thác lớn và tăng liên tục qua từng năm; những nước có sản lượng lớn thủy hải sản lớn là Indonexia, Thái Lan, Philippin và Việt Nam. Để làm rõ thêm thực trạng khu vực, dưới đây xin làm rõ thêm tình cụ thể ở nột số quốc gia
3.1. Nông nghiệp ở Campuchia
Nông nghiệp là ngành quan trọng nhất của nền kinh tế xét về tỷ trọng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ngành sử dụng phần lớn lao động xã hội và là ngành xuất khẩu quan trọng nhất của đất nước này. Lúa được trồng trên hầu hết diện tích đất canh tác. Những vùng lúa chính bao quanh sông Mekong và sông Tonle Sap, đặc biệt thâm canh cao ở các tỉnh Bătdâmbâng, Kâmpóng Cham, Takêv và Prey Vêng. Theo mô hình nông nghiệp truyền thống, việc trồng lúa thường bắt đầu vào tháng 7 hoặc tháng 8, và thời kỳ thu hoạch kéo dài từ tháng 11 đến tháng 01năm sau.
Chính phủ Campuchia đã có nhiều nỗ lực xây dựng hệ thống thủy lợi. Ở một số vùng nhờ hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, nông dân có thể trồng hai hoặc ba vụ lúa trong năm. Ngoài gạo, các sản phẩm lương thực khác bao gồm sắn, ngô, mía, đậu tương và dừa. Các loại cây ăn quả chính bao gồm chuối, cam, xoài và được bổ sung bởi nhiều loại trái cây nhiệt đới khác, bao gồm cả trái cây măng cụt và đu đủ.
- Chăn nuôi: Gia súc, đặc biệt là trâu nước, được sử dụng chủ yếu làm sức kéo trên đồng ruộng. Sản xuất thịt lợn cũng đóng vai trò lớn trong nông nghiệp.
- Thủy sản: Cá có ở nhiều dạng như tươi, khô, hun khói và muối tạo nguồn protein quan trọng trong chế độ ăn của người dân.
Campuchia như một hình mẫu trong phát triển kinh tế bắt đầu từ nông nghiệp với sự hợp tác giữa các bộ/ngành, chính quyền địa phương, đối tác và cơ quan phát triển, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, khu vực tư nhân và cộng đồng. Sự hợp tác và hỗ trợ trong xây dựng kế hoạch hành động và tổ chức thực hiện đã nhằm vào nâng cao hiệu quả, chất lượng và đẩy nhanh tiến độ trong lĩnh vực nông nghiệp. Đất nước này có tiềm năng xuất khẩu nông sản, đặc biệt là gạo. Tuy nhiên, để chuyển từ sản xuất tự cung tự cấp sang nước xuất khẩu lương thực không phải là việc dễ dàng. Thay đổi hành vi của mọi người từ doanh nghiệp tư nhân và gia đình sang một doanh nghiệp thương mại hoặc cộng đồng sản xuất vẫn sòn là một nhiệm vụ khó khăn.
3.2. Nông nghiệp ở Indonesia
Indonesia là một nhà sản xuất nông sản lớn trên thế giới, đất nước này cung cấp các mặt hàng quan trọng như dầu cọ, cao su tự nhiên, ca cao, cà phê, gạo và gia vị. Trong những thập kỷ qua, đây là lĩnh vực tạo việc làm lớn nhất trong cả nước. Tuy nhiên, tỷ trọng của khu vực nông nghiệp trong GDP đã giảm dần khi đất nước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa. Các phân ngành nông nghiệp chủ chốt của Indonesia bao gồm:
- Trồng trọt: Là nhà sản xuất lớn về dầu cọ và cao su tự nhiên, sản lượng cây trồng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân; thế nhưng, sản lượng thức ăn và chất dinh dưỡng lại tương đối thấp. Những thập kỷ gần đây, đất nước nay đã phải gia tăng nhập khẩu nông sản, mặc dù đất nước có tiềm năng mở rộng thị trường bằng trồng các loại trái cây và rau quả mang lại nhiều lợi nhuận.
- Về lâm nghiệp: Là nước sản xuất sản phẩm gỗ nhiệt đới lớn; Indonesia, xuất khẩu từ ván ép, bột giấy và giấy đến đồ nội thất và thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, sản lượng lâm sản có xu hướng tăng chậm lại khi những nỗ lực giảm tỷ lệ phá rừng bị sụt giảm.
- Chăn nuôi và Thủy sản: Nhu cầu về thịt, cá tăng nhanh qua từng năm. Tuy là nước sản xuất gia cầm lớn thứ hai ở Châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ hai trong số các nước sản xuất thủy sản lớn trên thế giới, song Indonesia vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Đất nước có 77% diện tích lãnh thổ là đại dương, nhưng ngành thủy sản chỉ đóng góp được dưới 3% vào GDP cả nước, còn khoảng cách khá lớn giữa thu nhập từ ngành thủy sản so với nông nghiệp trên đất liền.
Từ thực tế diễn ra, ngành nông nghiệp Indonesia phải đối mặt với những thách thức cụ thể đó là:
- Rào cản nhằm tối đa hóa tiềm năng như tiến bộ công nghệ và thách thức của chuỗi cung ứng. Những thách thức này càng tăng thêm do thời tiết xấu, hạn hán kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu hụt các mặt hàng cơ bản như gạo, lúa mì, đậu tương và đường.
- Các doanh nghiệp và chính phủ đã thay đổi nông nghiệp bằng cách thành lập những tổ chức tập thể và sử dụng phương pháp canh tác hiện đại. Nhưng thách thức đang nổi lên về nhu cầu truy xuất nguồn gốc thực phẩm và tác động của BĐKH gia tăng, đang gây những thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp.
Cải thiện ngành nông nghiệp thông qua công nghệ có thể giúp rút ngắn chuỗi phân phối từ nông dân đến người tiêu dùng, giảm được lượng lớn khí thải carbon và phân bổ đồng đều hơn tăng trưởng kinh tế.
3.3. Nông nghiệp ở Lào.
Hơn 3/4 người Lào sống ở các vùng nông thôn, họ phụ thuộc vào nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên để sinh tồn. Nghèo đói tập trung chủ yếu ở nông thôn và đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa và miền núi biên giới Đông Bắc.
Nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên chiếm hơn 70% việc làm trong năm 2018 và đóng góp khoảng 24,8% vào GDP cả nước. Hơn 75% dân số Lào sống phụ thuộc vào nông nghiệp và kiếm sống từ nông nghiệp. Trong số này, hơn một nửa số hộ là nông dân tự cung tự cấp với thu nhập hàng năm dưới 300 USD.
Nông nghiệp là trụ cột của nền kinh tế, nhưng thực hiện chủ yếu ở mức tự cung tự cấp, Nông dân, đặc biệt là những gia đình đông con, phải vật lộn để đáp ứng các yêu cầu về lương thực. Hầu hết sử dụng các phương pháp canh tác truyền thống, thiếu kiến thức công nghệ và kỹ năng để cải thiện năng suất; đặc biệt thiếu khả năng tiếp cận nước tưới đã ảnh hưởng nhiều đến năng suất và độ phì nhiêu của đất đai.
Mặc dù thiên tai ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng đồng bằng, nhưng những vùng này vẫn là nơi có năng suất cao hơn vùng cao. Những năm thu hoạch “bình thường”, Lào đã tự túc được về lương thực
- Trồng trọt: Ngoài lúa gạo, ở đây còn có khoai lang, ngô, các loại rau, trái cây và thuốc lá. Cà phê được trồng chủ yếu trên Cao nguyên Bolovens và là cây trồng xuất khẩu với khối lượng đáng kể. Mặc dù cây thuốc phiện được trồng ở một số vùng đồi, nhưng việc trồng cây này để xuất khẩu được coi là một hoạt động bất hợp pháp.
- Lâm nghiệp: Khoảng 2/5 diện tích đất nước là rừng. Tài nguyên rừng đã cung cấp một số gỗ quan trọng cho ngành công nghiệp chế biến. Để bảo vệ môi trường, việc khai thác gỗ đã bị chính phủ cấm định kỳ. Tuy nhiên, nạn phá rừng do hoạt động khai thác gỗ lậu và đốn gỗ làm nhiên liệu đã dẫn đến xói mòn, bồi lấp các dòng sông, và cuối cùng là gia tăng mức độ nghiêm trọng của hạn hán và lũ lụt.
- Chăn nuôi và Thuỷ sản: chăn nuôi gia súc đặc biệt là lợn, trâu, bò và gia cầm ngày càng có ý nghĩa để đáp ứng nhu cầu thực phẩm. Là nước không có biển, đánh bắt cá sông hồ đặc biệt quan trọng đối với cư dân vùng đồng bằng, và nuôi trồng thủy sản đã gia tăng mạnh vào đầu thế kỷ 21. Cá nuôi chính trong ao bao gồm cá rô phi và nhiều loài cá chép.
Ngành Nông nghiệp sử dụng khoảng 75% lực lượng lao động cả nước, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Cho đến nay, lúa gạo là cây trồng chính và chiếm khoảng 80% sản lượng nông nghiệp của đất nước. Tuy nhiên, Lào đang phải vật lộn với vấn đề an ninh lương thực, do năng suất nông nghiệp thấp, và chỉ có 17% diện tích đất được thực sự canh tác.
3.4. Nông nghiệp ở Malaysia
Malaysia ở vị trí thứ 28 trong bảng xếp hạng các quốc gia có khả năng tự chủ về thực phẩm trong năm 2019. Nông nghiệp đóng góp 7,1% (101,5 tỷ RM) vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Cây cọ dầu đóng góp chính vào giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp chiếm 37,7%, tiếp theo là những cây nông nghiệp khác (25,9%), chăn nuôi (15,3%), đánh bắt thủy hải sản (12,0%), lâm nghiệp và khai thác gỗ (6,3%) và cao su (3,0%).
Xuất khẩu nông nghiệp năm 2019 đạt 115,5 tỷ RM tăng 0,9%. so với năm 2018, Tổng giá trị nhập khẩu đạt 93,5 tỷ RM, tăng 0,2%. so với năm 2018, Cán cân thương mại của ngành nông nghiệp năm 2016-2019 đã tăng 4,1% (từ 21,1 tỷ RM lên 22,0 tỷ RM trong năm 2019).
- Trong trồng trọt: Sản lượng hàng hóa chính là cọ dầu và cao su tự nhiên. Năm 2019 lần lượt đạt sản lượng 646,0 nghìn tấn và 36,5 nghìn tấn (tăng 0,7% và 6,1% so với cùng kỳ năm trước) Ngược lại, sản lượng lúa gạo lại từ 2.639,2 nghìn tấn giảm xuống còn 2.348,9 nghìn tấn.
- Chăn nuôi: Đàn vịt tăng 7,6% lên 10,4 triệu con vào năm 2019, tiếp theo là gà (5,8%) và dê (3,5%). Trong khi số lượng lợn và cừu lại lần lượt giảm 0,8% và 0,4%.
- Thuỷ sản: Tổng sản lượng cá biển khai thác năm 2019 là 1.455,4 nghìn tấn, tăng 0,2% so với năm 2018. Sản lượng thủy sản nuôi nước lợ và nước ngọt tăng lần lượt là 17,0 nghìn tấn (5,9%) và 3,3 nghìn tấn (3,3%).Vào năm 2019, số có việc làm trong nông nghiệp là 1.541,1 nghìn người, trong đó, nam giới chiếm 79,2%. Malaysia đang phải đối mặt với những thách thức quan trọng trong nông nghiệp đó là:
(i) quy mô trang trại không kinh tế, hạn chế để cơ giới hóa;
(ii) các vấn đề về thuê đất ở hầu hết các trang trại trái cây và rau quả;
(iii) hạn chế tiếp cận R&D và cơ sở hạ tầng;
(iv) hỗ trợ thể chế không đầy đủ từ các hợp tác xã vì thiếu tinh thần kinh doanh.
Những thực tế này đã làm trầm trọng thêm khả năng thương lượng vốn còn yếu kém của ngành nông nghiệp.
3.5. Nông nghiệp ở Myanmar
Nông nghiệp là ngành kinh tế chính của Myanmar. Ngành, sử dụng trên ½ lực lượng lao động xã hội. Mặc dù đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) những năm gần đây, nhưng năm 2018 ngành nông nghiệp đã phải chứng kiến bước ngoặt lớn về sản lượng kinh tế. Nông nghiệp gánh chịu nhiều hậu quả, cộng thêm mức đóng góp thấp bất thường vào GDP.Theo nhiều phân tích, Myanmar có thể nâng cao gấp 4 lần tăng trương kinh tế vào năm 2030, nếu đầu tư vào các ngành công nghệ mạnh hơn. Nếu đất nước tiếp tục dựa vào nông nghiệp như một ngành kinh tế quan trọng, thì phải giải quyết các vấn đề trong ngành bằng cách nâng cấp các phương pháp canh tác nông nghiệp:
- Trồng trọt: Cây trồng chủ đạo là gạo, mía, đậu khô và rau. Myanmar đã từng là nước xuất khẩu gạo lớn nhất ở châu Á, hiện nay gạo vẫn là mặt hàng nông nghiệp quan trọng của quốc gia này. Tuy nhiên, sản lượng gạo sản xuất đã giảm đều từ năm 2010 trong khi sản lượng mía đường và đậu khô lại tăng lên.
- Chăn nuôi và thủy sản: Myanmar không chỉ sản xuất nhiều loại cây trồng mà còn sản xuất gia súc cho mục đích thực phẩm và gia tăng sử dụng lao động. Đánh bắt cá là một lĩnh vực không thể thiếu trên khắp đất nước, vì đó là nguồn cung cấp protein quan trọng cho người dân, là một phần của ẩm thực đặc trưng của Myanmar. Để tăng số lượng cá đánh bắt, chính phủ đã khuyến khích đánh bắt cá biển sâu từ những năm 1980.
- Lâm nghiệp: Myanmar hiện còn áp dụng phương thức canh tác đốt nương làm rẫy,và đất còn bị bỏ hoang. Điều này gây nhiều tranh cãi vì quá trình phá rừng làm xói mòn đất. Tuy nhiên, các lập luận phản bác lại được đưa ra rằng đốt nương làm rẫy tốt hơn các phương pháp canh tác khác vì đất không bị phá hủy sau khi sử dụng…
3.6. Nông nghiệp ở Philippines
Philippines là một quốc gia nông nghiệp quan trọng. Cả tài nguyên thực vật và động vật đều đóng góp lớn vào tổng sản phẩm quốc dân. Sản phẩm chính của các nông trại là gạo, ngô, dừa và đường. Gạo là lương thực chính của người dân trong nước; một lượng ngô đáng kể cũng được hình thành và khoảng 60% tổng sản lượng lương thực được dùng làm thức ăn cho gia súc. Những trái cây như chuối, dứa, xoài sản xuất để xuất khẩu; còn nhiều loại rau và cây ăn củ được sản xuất để tiêu dùng trong nước. Các sản phẩm khác như gỗ, ván mỏng và hoa cắt cành cũng được sản xuất để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
- Thủy sản: Những vùng biển rộng xung quanh đất nước tạo thuận lợi và làm cho việc đánh bắt cá trở nên rất quan trọng đối với chế độ ăn uống và ngành công nghiệp chế biến, Nhiều sản phẩm thủy sản nước mặn, nước ngọt và nước lợ đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Ngành thủy sản chiếm 15% đến 18,6% tổng giá trị gia tăng (GVA) trong nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp. Với tỷ trọng lớn thứ hai chỉ sau cây trồng, thủy sản đã cung cấp việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hơn 1 triệu người, chiếm 5% lực lượng lao động cả nước, trong đó 65% làm nghề đánh bắt, 26% nuôi trồng và 6% làm nghề thương mại. Nhờ chính sách tiếp cận mở trong sử dụng nguồn lợi thủy sản, sự gia tăng nhanh chóng về quy mô dân số của các cộng đồng ngư dân nghèo cho dù Chính phủ không có khả năng cung cấp một môi trường và hỗ trợ ngành thủy sản phát triển.
- Chăn nuôi: Sản xuất chăn nuôi đóng góp 12,7% vào tổng sản lượng nông nghiệp. Gia súc được chăn nuôi ở Philippines bao gồm cả gà, vịt, dê và lợn. Các trang trại lợn, gà, gia súc, trâu, dê và vịt được thuần hóa là những đại diện cho ngành chăn nuôi của nông nghiệp. Cừu, chim cút và ngựa đang trở nên phổ biến. Ngoại trừ trâu cung cấp một lượng sức kéo đáng kể, nó còn cho thịt và sữa. Sản phẩm của những loài động vật nuôi trong các trang trại đã cung cấp một lượng đáng kể thực phẩm như thịt, sữa và trứng cho nhu cầu xã hội. Trong những hệ thống canh tác, tưới tiêu và sử dụng nước mưa ở vùng đất thấp.
Những thách thức ngành nông nghiệp phải đối mặt: Là quốc gia nông nghiệp, Philippines cần đầu tư vào thúc đẩy phát triển bao trùm, xây dựng các hệ thống nông nghiệp bền vững đủ sức ứng phó với tác động của BĐKH. Nhằm đạt mục tiêu chính là tự túc lương thực và gia tăng thu nhập cho nông dân. Mục tiêu theo đuổi của ngành nông nghiệp là phải giảm thiểu, tiến tới chấm dứt nạn đói, đạt được an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.
Những thách thức cần vượt qua là những điều quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực và sau đó là giảm nghèo ở nông thôn;tiếp đó là các chương trình liên kết nông nghiệp với công nghiệp, và một số công nghệ cho các bên liên quan,.
3.7. Nông nghiệp ở Thái Lan
Là phần chính trong sự phát triển đất nước, nông nghiệp Thái lan là ngành kinh tế có tính cạnh tranh và đa dạng cao. Ngành này cùng với dịch vụ đã mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người dân Thái. Xét về tác động của ngành đối với tăng trưởng kinh tế có thể nhận thấy, tỷ trọng GDP từ nông nghiệp là nhỏ nhất so với các ngành kinh tế khác và có mức tăng trưởng thấp trong những năm gần đây. Mặc dù vậy, trong suy thoái kinh tế, Thái Lan vẫn là một xã hội nông nghiệp thành công do đất nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, các loại cây trồng đa dạng và lĩnh vực thủy sản phong phú
- Trồng trọt: Với khoảng 127 triệu mẫu đất, 52% thích hợp cho sản xuất nông nghiệp. Cây trồng ở Thái Lan rất đa dạng, nhưng lúa vẫn giữ vai trò quan trọng. Sản lượng gạo của nước này nằm trong số mười quốc gia hàng đầu ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Ngoài lúa, các loại cây chủ lực khác bao gồm cao su, mía, sắn và các cây trồng như hẹ tây, khoai tây, tỏi và hành. Trong những năm gần đây, sản lượng mía ở Thái Lan đạt cao nhất trong số các loại cây trồng.
Thái Lan với nền nông nghiệp 4.0
- Chăn nuôi và thủy sản: So với trồng trọt, chăn nuôi chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ. Trước đây, trâu bò chủ yếu được sử dụng để trồng lúa và ngày càng được nuôi nhiều hơn sau năm 1985 để đáp ứng nhu cầu thực phẩm. Sản xuất gia cầm Thái Lan cũng là một trong mười nước đứng đầu khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Ngoài chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản cũng đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực và đóng góp vào GDP với khoảng 108 tỷ baht trong những năm gần đây.
- Lâm nghiệp: Là một trong những quốc gia có đất đai màu mỡ, diện tích rừng Thái Lan chiếm 1/3 diện tích đất đai. Với nguồn tài nguyên môi trường phong phú, lâm nghiệp Thái Lan đã có những đóng góp to lớn cho nền kinh tế. Người Thái Lan đã biết tận dụng và biến những lợi thế tự nhiên thành lợi nhuận. Trong đó, rừng trồng gỗ cây cao su và gỗ tếch là một trong những sản phẩm gỗ có sản lượng cao nhất.
Kỳ 2: NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM