Đồng điệu những tâm hồn khoa học
Chúng tôi lại gần và vô cùng xúc động khi nhận ra ông chính là GS. Pierre Darriulat, nhà vật lý hạt cơ bản nổi tiếng, Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học Pháp, nguyên giám đốc khoa học Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN). Ông là nhà khoa học có vai trò quan trọng của thí nghiệm UA2 đồng thời phát hiện các hạt Boson truyền tương tác yếu và cũng là thí nghiệm đưa ra bằng chứng cho sự phát ra các hạt Quark và Gluon dưới dạng các tia Hadron. Là một công dân Pháp nhưng 20 năm nay ông đã chọn Việt Nam là quê hương thứ hai và có một mối quan hệ rất đặc biệt với GS. Hoàng Tụy.
Chúng tôi thăm hỏi và mời ông lên vị trí hàng đầu trong lễ truy điệu vị GS khả kính. Vẻ mặt buồn bã và những bước đi chậm rãi nặng nề của ông cũng đã phần nào nói thay tình cảm của ông với người bạn, người anh là GS. Hoàng Tụy trong giờ phút linh thiêng tiễn biệt.
GS. Pierre Darriulat buồn lặng lẽ giữa đám tang GS. Hoàng Tụy |
Phóng viên Ngọc Tùng đề nghị tôi trao đổi nhanh với GS. Pierre Darriulat để có thêm tư liệu về mối quan hệ giữa ông với GS. Hoàng Tụy và tình yêu với Việt Nam. Cuộc trao đổi và những tư liệu cho thấy, GS. Pierre Darriulat sinh năm 1938 tại Cộng hòa Pháp. Cũng giống như GS. Hoàng Tụy, ông sớm say mê nghiên cứu khoa học và đã gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp của mình.
Từ năm 1979 đến năm 1987, ông là người phát ngôn của Thí nghiệm UA2 nổi tiếng tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN), nhằm tìm ra các hạt boson W± và Z0 trong lý thuyết thống nhất tương tác yếu và tương tác điện từ.
Ông trở thành một nhà vật lý hàng đầu quốc tế, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp từ năm 1986. Từ 1987 đến 1994, ông là giám đốc nghiên cứu tại CERN. Năm 1999, GS. Pierre Darriulat đã sang Việt Nam sinh sống cùng vợ là người Việt, nơi ông luôn coi là quê hương thứ hai của mình.
Với những nỗ lực của GS. Pierre Darriulat, Phòng thí nghiệm Vật lý tia vũ trụ đầu tiên của Việt Nam tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân, trực thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam vào năm 2001. Về sau đơn vị này được đổi tên là Phòng thí nghiệm Đào tạo Vật lý thiên văn VATY (Vietnam Astronphysics Training Loboratory ). VATLY định hướng trở thành một phòng thí nghiệm hiện đại có trình độ tương đương với các nhóm nghiên cứu ở các nước phát triển và đưa ngành vật lý thiên văn hiện đại vào giảng dạy tại một số trường đại học của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với Giáo sư Vật lý Thiên văn Pierre Darriulat |
Sau gần 20 năm hoạt động, VATLY đã hoạt động rất có hiệu quả và đã có những đóng góp nhất định cho các dự án quốc tế và đặc biệt các hoạt động nghiên cứu của nhóm đã khơi dậy niềm đam mê khoa học nói chung và ngành vật lý thiên văn nói riêng cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam. Đặc biệt là việc thúc đẩy hợp tác quốc tế và đào tạo tài năng trẻ cho ngành khoa học quan trong này. Năm 2007, nghiên cứu của VATLY về phát hiện mối quan hệ giữa nguồn phát của các tia vũ trụ này và các tâm thiên hà hoạt động, đăng trên tạp chí Science được bình chọn là một trong 10 sự kiện vật lý tại Mỹ.
Nhờ có những nhà khoa học tài năng luôn hết lòng cống hiến cho khoa học Việt Nam như GS. Pierre Darriulat đã truyền lửa cho những nhà khoa học trẻ, khơi dậy niềm đam mê trong họ về ngành khoa học vật lý thiên văn Việt Nam. Chính sự đồng điệu những tâm hồn yêu khoa học như GS. Pierre Darriulat và GS. Hoàng Tụy đã làm cho nền móng khoa học nước nhà ngày càng trở nên bền vững và tạo đà cho sự phát triển trong tương lai.
Trân qúy một tư duy lỗi lạc
Trong hồi ức của GS. Pierre Darriulat luôn in đậm những tình cảm, những kỷ niệm sâu sắc cà cả sự đồng cảm với nhà toán học lỗi lạc nhưng luôn bình dị và gần gũi với bạn bè như GS. Hoàng Tụy. Ông trẻ hơn GS. Hoàng Tụy mười tuổi. Khi ông tám tuổi đang thụ hưởng nền hòa bình của nước Pháp sau khi bị phát xít Đức chiếm đóng thì GS. Hoàng Tụy 18 tuổi. Ở độ tuổi sung sức nhất của tuổi trẻ, GS. Tụy phải bỏ dở học đại học do chiến tranh với lực lượng quân đội đế quốc thực dân đến từ đất nước ông.
GS. Hoàng Tụy với GS. Pierre Darriulat |
GS. Pierre Darriulat tâm sự, năm 2007, ông có vinh hạnh được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại buổi gặp, ông nhận thấy, Đại tướng đã bày tỏ những trăn trở mong muốn nền giáo dục Việt Nam phát triển và nâng cao chất lượng. Ông đã nghe Đại tướng chia sẻ về đề xuất thay đổi phương thức giáo dục đại học. Với GS. Pierre Darriulat, GS. Hoàng Tụy và những người bạn trí thức của GS. Tụy chính là những người kế thừa niềm mong mỏi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về khoa học, giáo dục.
Là một người bạn, GS. Pierre Darriulat luôn dành sự ngưỡng mộ to lớn dành với GS. Hoàng Tụy và những con người cùng thế hệ của GS. Tụy đã cống hiến khi đất nước Việt Nam còn non trẻ. Hy vọng của họ khi còn thanh niên về một tương lai sáng lạn, ngày nay có thể còn chưa hoàn toàn như ý nguyện, tuy nhiên cũng đã có rất nhiều kết quả tốt đẹp.
Theo GS. Pierre Darriulat, bài học từ GS. Hoàng Tụy và thế hệ của ông đã dạy cho chúng ta về sự khiêm tốn và thái độ lạc quan; khích lệ chúng ta luôn nhìn về trước một cách tích cực và mang tính xây dựng, thay vì chỉ than phiền về nhiều khiếm khuyết cần sửa đổi; khích lệ chúng ta theo đuổi điều mà họ từng đấu tranh không biết mệt mỏi khi luôn giữ vững những giá trị căn bản về trí thức và đạo đức, điều làm nên nhân phẩm con người.
Sau ngày mất của GS. Hoàng Tụy đã gợi nhớ trong ký ức của GS. Pierre Darriulat nhiều kỷ niệm đẹp về một nhà khoa học chân chính mà ông được gắn bó trong sự nghiệp của mình. Ấn tượng về cuộc gặp giữa ông và nhóm nghiên cứu trẻ tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân năm 2005 với GS. Hoàng Tụy vẫn còn rất sâu đậm.
Khi đó, nghe những trao đổi giữa GS. Tụy với các nhà vật lý trẻ trong nhóm về mong muốn tham mưu các vấn đề khoa học và giáo dục cho Chính phủ. Cho đến tận bây giờ, GS. Pierre Darriulat vẫn rất ấn tượng về sự sắc sảo trong tầm nhìn của GS. Tụy về những vấn đề cần giải quyết, tính hợp lý trong các ý kiến và sự đúng đắn trong các phân tích ông đưa ra.
Nhưng có lẽ ấn tượng nhất của GS. Pierre Darriulat với GS. Hoàng Tụy chính là năng lực hòa đồng cùng giới trẻ, điều mà nhiều người lớn đã mất đi. GS. Hoàng Tụy luôn giữ sự tươi mới trong tình cảm và sự sáng suốt trong cách nhìn nhận, vốn là những ưu điểm thường chỉ có ở người trẻ tuổi.
"Khi những phẩm chất ấy hòa trộn cùng trí tuệ tích lũy qua tuổi tác, những trải nghiệm từ một giai đoạn đáng nhớ trong lịch sử Việt Nam mà anh được chứng kiến qua nhiều năm, tất cả đã tạo nên ở anh một con người hết mực đáng yêu quý...", GS. Pierre Darriulat tâm sự.
Bao nghĩa tình ở lại
Trong đám tang của GS. Hoàng Tụy hôm nay, có hàng ngàn người Việt Nam có tâm trạng và suy nghĩ như GS. Pierre Darriulat. Họ là chính khách, nhân sĩ trí thức, nhà khoa học hay lớp lớp thế hệ học sinh và đồng nghiệp của GS. Hoàng Tụy.
Trong dòng lưu tang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xúc động viết: "Thương tiếc Giáo sư Hoàng Tụy, nhà toán học nổi tiếng của Đất nước, người con của quê hương Quảng Nam không còn nữa! Cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Hoàng Tụy đã để lại nhiều tác phẩm toán học nổi tiếng được thế giới công nhận. Ở đời thường Giáo sư là người tận tụy với quê hương và anh em, bạn bè, đồng chí. Giáo sư mất đi để lại nỗi tiếc thương của giới khoa học. Đảng và Nhà nước mất đi một tài năng của Đất nước....".
Dòng cảm xúc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong sổ tang |
Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng ghi sổ tang: "Vô cùng thương tiếc giáo sư Hoàng Tuỵ, nhà toán học, nhà giáo dục tiêu biểu của Việt Nam. Người thầy, người anh của nhiều thế hệ nhà khoa học Việt Nam. Sự ra đi của giáo sư là một mất mát lớn của gia đình, người thân và ngành toán học Việt Nam. Giáo sư là tấm gương sáng về nghị lực, tinh thần, phấn đấu học tập không ngững nghỉ cho thế hệ trẻ noi theo".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xúc động ghi: "GS ra đi nhưng những cống hiến của giáo sư đối với sự nghiệp khoa giáo hưng quốc mãi ghi. Tấm gương trí tuệ, khí chất mãi sáng".
Đến với Lễ tang GS. Hoàng Tụy, TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam bồi hồi nhờ lại những kỷ niệm đẹp về thời niên thiếu được sống chung trong căn nhà 6B Kim Liên (Hà Nội) cùng gia đình GS. Hoàng Tụy.
"Lúc sinh thời, cha tôi (GS.VS Đào Thế Tuấn) sống chung trong căn nhà tập thể 6B Kim Liên. Nhà tôi ở tầng dưới, gia đình GS. Hoàng Tụy ở tầng trên. Hai cụ là những nhà khoa học chuyên ngành nhưng hay thảo luận những vấn đề chính sách, phản biện xã hội và tích cực đóng góp ý kiến tham vấn với Chính phủ và các ngành về những vấn đề quốc kế dân sinh, phát triển bền vững...", TS. Đào Thế Anh chia sẻ.
Tác giả bài viết cùng cháu nội của GS. Hoàng Tụy bên di ảnh của người trong giây phút tiễn biệt |
Với nhiều người như GS. Hoàng Xuân Phú lại cho rằng, GS. Hoàng Tụy là một ánh sao Kim “đa diện”. Lúc bình minh thì lung linh với tên gọi sao Mai. Khi hoàng hôn lại rực rỡ như sao Hôm, lúc nào cũng đẹp như thần Vệ Nữ. Ông là ánh sao Hôm dễ nhận biết của một tấm lòng yêu nước thương dân thiết tha, luôn trăn trở bàn cách chống lại nghèo nàn lạc hậu. Ông cũng chính là ánh sao Mai ẩn khuất thâm trầm của một nhà khoa học xuất sắc tầm quốc tế, luôn rực rỡ trên bầu trời khoa học nước nhà.
Hay những người con Xứ Quảng như tác giả Hữu Đông lại ví von: "Đi ra từ sông Cái, sông Mẹ, những con cá kình của Gò Nổi đã ra đời vẫy vùng, để lại kỳ tích khắp nơi, làm sao kể hết. Riêng chỉ một người, giáo sư Hoàng Tụy, người con của châu thổ Thu Bồn, câu chuyện đương đại đã thấm đỏ phù sa trên địa hạt khoa học và giáo dục...".
Và còn rất nhiều, rất nhiều những tình cảm như thế dành cho vị "Cha đẻ của tối ưu toàn cục" trong cõi nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày. Với riêng người viết bài này, lại cảm thấy vô cùng vinh hạnh bởi 20 năm qua được gần gũi nhiều bậc lão thành cách mạng, nhân sĩ trí thức, nhà khoa học tiêu biểu để được nghe, được biết, được viết về những "lát cắt" thấm đẫm bao tình cảm thân thương, sự trân quý đối với thế hệ cha anh đi trước làm nên lịch sử dân tộc trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, có những xúc cảm thiêng liêng của GS. Pierre Darriulat và bao người ở lại về GS. Hoàng Tụy, một nhân cách lớn, một trí thức lỗi lạc, một chí sĩ trên mặt trận khoa giáo và trên hết là một người con Xứ Quảng có tình yêu quê hương đất nước nồng nàn và niềm tự hào dân tộc mãnh liệt...!
Vương Xuân Nguyên
Hà Nội, ngày 21/7/2019