“Làm mới” bảo tàng

Hệ thống bảo tàng Việt Nam rất phong phú và đa dạng, nhưng số lượng các bảo tàng ứng dụng công nghệ hiện đại còn rất hạn chế.

Du khách tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

 

Theo  TS Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, nước ta có 63 tỉnh, thành phố, mà tỉnh, thành phố nào cũng thành lập bảo tàng. Phần lớn bảo tàng tỉnh đều trong tình trạng hoạt động chưa đồng bộ, thành lập nhưng chưa có trưng bày thường xuyên, có nơi chỉ là trưng bày tạm, phải đi thuê địa điểm. Một số tỉnh, thành phố lập bảo tàng có địa điểm rồi nhưng “cái lõi” bên trong lại chưa chuyên nghiệp, trưng bày hết sức cứng nhắc, giống nhau. Nhiều người bảo, đến tỉnh nào cũng thấy như tỉnh nào nên họ không thích đến bảo tàng. Trong khi đó, bảo tàng ở nước ngoài đều có các chương trình giáo dục, quảng bá trên website và luôn có chương trình mới hằng tháng, nhưng bảo tàng của ta lại rất ít.

Đặc biệt, với sự tác động của cuộc cách mạng 4.0, để thu hút công chúng đến với thiết chế văn hóa bảo tàng, giới chuyên gia cho rằng, vấn đề sống còn hiện nay là phải đổi mới “linh hồn” của bảo tàng, đó chính là đổi mới hoạt động trưng bày, nếu không hiện vật sẽ thành vô tri, vô giác.

Hiện nay, Việt Nam có 127 bảo tàng, trong đó có 7 bảo tàng quốc gia (6 bảo tàng quốc gia tại Hà Nội, 1 bảo tàng quốc gia tại TP Thái Nguyên là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam). Có 26 bảo tàng thuộc lĩnh vực quân đội. Sau khi Luật Di sản văn hóa ra đời, cho phép tư nhân được thành lập bảo tàng, đến nay hàng chục bảo tàng tư nhân được phép hoạt động. Trong đó, 2 bảo tàng được đánh giá cao về chuyên môn là Bảo tàng Y học cổ truyền Fi tô ở thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Cội nguồn ở Phú Quốc. Tuy nhiên số bảo tàng ứng dụng công nghệ số trong trưng bày hiện cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ có ba điểm tham quan được thí điểm công nghệ mới là Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và Khu di tích Địa đạo Củ Chi.

Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng- đơn vị đang thí nghiệm công nghệ mới-  Phạm Thành Nam cho rằng: Với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hoạt động trưng bày không thể thụ động với việc chỉ bày các hiện vật, chú thích đầy đủ thông tin, thuyết minh, giới thiệu nội dung trưng bày theo các bài được chuẩn bị sẵn; hoặc trưng bày những gì bảo tàng muốn khách tham quan tìm hiểu, các thông điệp mà bảo tàng cho rằng công chúng nên biết. Bảo tàng hiện đại phải hiểu rõ nhu cầu tìm hiểu, mong muốn học tập, trải nghiệm của công chúng để xây dựng các nội dung, các hoạt động phù hợp nhu cầu của công chúng tham quan.

Còn TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, bảo tàng đang đứng trước những yêu cầu cạnh tranh trong môi trường cực kỳ khó khăn, bởi sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí, thiết chế văn hóa mới. Trong bối cảnh này, hệ thống bảo tàng muốn chiếm ưu thế, buộc phải chuyển đổi công nghệ, cho phép người dùng tương tác và tìm hiểu thông tin một cách trực tiếp.

Bà Bùi Thị Thanh Thủy, Phòng Nghiên cứu- Sưu tầm trưng bày Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết: Sau 8 năm thay đổi, khu vực trưng bày tương tác của bảo tàng được duy trì thường xuyên phục vụ nhu cầu của du khách với những thay đổi nội dung liên tục, hiện vật được bổ sung thường xuyên như: Triển lãm “Đồ chơi và trò dân gian của trẻ em Việt Nam và quốc tế” với các trải nghiệm thực tế; Triển lãm “Trang sức phụ nữ và các dân tộc Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại” với phần trình diễn thời trang của chính các em học sinh...

Tương tác, trải nghiệm ở bảo tàng rõ ràng là xu thế của thời đại 4.0, điều quan trọng các bảo tàng phải tìm cho mình hướng đi đúng, với những cách làm, nội dung hiện vật phong phú, hấp dẫn để kéo người xem đến và trải nghiệm...

Nhìn rộng ra các nước, để thu hút khách, các bảo tàng có nhiều giải pháp mới. nhất là trong thời đại công nghệ 4.0. Nếu không muốn tụt hậu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hệ thống bảo tàng trong nước buộc phải đổi mới, chuyển mình sang mô hình bảo tàng thông minh, hiện đại để phục vụ nhu cầu tiếp cận với nhiều hình thức khám phá độc đáo của công chúng tham quan.