Vâỵ nên, mỗi khi nhà có khách từ quê ra, tôi rất vui vì chắc mẩm sẽ có những bữa ăn tươm tất hơn trong thời gian khách ở chơi.
Bố mẹ tôi trước khi ra Hà Nội là người nhà quê, ở cùng một xã. Họ hàng hai đường nội, ngoại nên khá đông. Gốc quê, bố mẹ tôi sống quý người, chân thật, giản dị nên kể cả là họ hàng xa, khi có việc lên Hà Nội cũng ghé qua nhà tôi chơi. Mà đã đến chơi thì bằng được, bố mẹ tôi sẽ mời họ ở ăn cơm. Có người thì chỉ đến chơi, ăn bữa cơm rồi ra tàu về ngay. Có người ra chữa bệnh, hoặc đưa con đi nhập học thì ở lại vài ba hôm. Dĩ nhiên, người quê cũng có ý, bao giờ cũng mang theo lương thực để "làm quà".
Người Hà Nội ăn uống thanh cảnh, nhưng nhà tôi thì khác, nhà có 5 người con, có tới 4 là con trai, "mỗi ông" một bữa phải xơi từ 3 đến 5 bát cơm có ngọn nên nồi cơm nhà tôi thời ấy phải to bằng nồi thổi cơm quán bình dân bây giờ. Thấy nhà tôi thổi nồi cơm to, chúng tôi ăn khỏe, nên khách quê cũng thấy thoải mái, ăn không phải làm khách; nếu ai ăn một hai bát, bố mẹ tôi lại ép ăn thêm, vì biết họ ăn như thế là chưa "đủ đô". Có người khách nói với bố mẹ tôi:
- Ra nhà bác thích thật, không phải giữ ý…
Đổi lại, khi theo bố mẹ tôi về quê chơi, gia đình tôi cũng được đón tiếp rất nhiệt tình.
Thường thì, khi về quê, bố mẹ tôi sẽ chọn ăn nghỉ tại nhà anh em ruột, hoặc cháu ruột trong đại gia đình ở quê.
Quê hương tôi là một miền quê nghèo, bữa ăn có khi trộn ngô, sắn. Nhưng khi có khách quý từ Hà Nội vào, ai cũng tìm bố mẹ tôi bằng được để mời cơm. Kể cả những người họ hàng xa, biết tin bố mẹ tôi về chơi, cũng đạp xe chục cây số để đến gặp, "đăng ký" mời bố mẹ tôi sang nhà chơi ăn cơm… Nhiều người mời, mà thời gian ở lại chỉ dăm ba ngày. Bố tôi vì nể nên cứ nhận lời nhưng không đến ăn được. Thế là họ trách móc:
- Nhà em đã thịt gà, làm cơm rồi mà bác không đến, hay bác chê nhà em nghèo, không đãi bác được bữa cơm thịnh soạn…
Bố mẹ tôi chẳng biết thanh minh thế nào, chỉ viện lý do ở ít ngày quá, không có thời gian đi hết thăm họ hàng.
Đối với tôi, bữa cơm đãi khách ở quê thật ngon, gà chạy bộ, rau dưa trong vườn, nếu có mua thịt cá ở ngoài chợ thì cũng là đồ sạch, tươi ngon. Thêm không khí đầm ấm, trân quý khách phương xa lâu ngày gặp nhau hàn huyên vui vẻ nên bữa cơm rất đầm ấm.
*
Thời gian trôi đi đã hơn 1/4 thế kỷ, đời sống nông thôn đã đổi thay theo chiều hướng tích cực. Tôi sinh ra ở thành phố; khi có việc họ hàng vẫn đều đặn về quê cha, đất tổ. Những người bà con ở quê bây giờ, chủ yếu là thế hệ thứ hai như tôi. Lớp thế hệ với bố mẹ tôi đều đã già yếu, người còn, người mất; anh em ruột thịt với bố, mẹ tôi thì không còn; vì vậy, tình cảm cũng không mặn mà như trước.
Về quê bây giờ, tôi chủ động vào ăn nghỉ ở khách sạn cho thoải mái. Mới đầu, còn sợ những người bà con trong quê quở trách: Tại sao về quê lại nghỉ ở khách sạn? Tại sao lại ăn quán mà không vào nhà bà con ăn cơm cho tình cảm? Nhưng chắc là tôi quá lo xa, vì cũng chẳng có ai để ý tôi về bao giờ, ăn nghỉ ở đâu nữa…
Cũng không thể trách họ được, cuộc sống nông thôn bây giờ rất bận rộn cho những mưu sinh về kinh tế. Bản thân họ khi ra Hà Nội giờ cũng tránh, không muốn vào nhà chúng tôi chơi nữa.
Vì vậy, cũng nên nghĩ thoang thoáng tránh làm phiền, làm xáo trộn đến sinh hoạt của nhau có phải không các anh chị và các bác?
Theo Chuyện quê