Lê Thu Uyên sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quảng Trị đầy nắng và gió. Từ năm lên 6 tuổi, cô đã được ba mẹ cho đi biểu diễn, tham gia nhiều chương trình văn nghệ ở trường, rồi ở huyện, ở tỉnh. Nhận thấy khả năng tiến xa với nghệ thuật của con gái, ba mẹ đã quyết định rời quê hương để đưa cô vào TP. Hồ Chí Minh – nơi có môi trường tốt để cô có thể phát huy được giọng hát. Năm ấy Lê Thu Uyên mới 13 tuổi.
Nhớ lại những năm tháng ấy, giọng Uyên chùng xuống, đôi mắt đỏ hoe. Cô kể, bỡ ngỡ đầu tiên đó là xa bà ngoại, xa bạn bè người thân vào sinh sống ở một thành phố đông đúc, chật chội và xa lạ. Lạ trường lớp, lạ thầy cô và bạn bè. Cô bé gầy gò, đen nhẻm nói giọng Quảng Trị đặc sệt khó nghe nên đi học lúc nào cũng bị bạn bè chọc ghẹo. Cô còn nhớ ngày mới vào mẹ mở cửa hàng bán gạo sau đó là mở nhà may quần áo công nghiệp còn ba thì thầu sơn sửa nhà. Công việc buôn bán không như mong muốn, mẹ lại chuyển qua bán thức ăn nhanh, trà sữa cho học sinh rồi mẹ phải đi lao động nước ngoài để có tiền nuôi 3 anh em ăn học.
Và Lê Thu Uyên đã không phụ sự kỳ vọng của ba mẹ khi đã cùng lúc đỗ 3 trường là Đại Học Văn hoá nghệ thuật quân đội (cơ sở 2), Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh và Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng cũng vì gia đình quá nghèo khó mà cô đã chọn theo học Đại Học Văn hoá nghệ thuật quân đội Khoa Sư phạm âm nhạc để không mất tiền học phí.
Được rèn luyện trong ngôi trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, bài bản, Lê Thu Uyên đã được các thầy cô dạy dỗ và truyền đạt nhiều kiến thức âm nhạc mà trước đây mình chưa hề hay biết. Ngoài thời gian đi học, cô cũng xin đi dạy thêm ở các trường về bộ môn thanh nhạc, một phần để kiếm thêm thu nhập và cũng để rèn luyện nghề. Tuy nhiên ra trường đi dạy được vài năm thì cô nhận ra bục giảng, giáo án và những tiết học không phù hợp với mình, mà chỉ có sân khấu mới đem lại cảm xúc cho cô, là “thánh đường” để cô có thể thỏa sức rực cháy. “Trái ngọt” với nghề đã đến vào năm 2019 cô đã vào đến Vòng Chung kết khu vực miền Nam giải Sao Mai.
Lê Thu Uyên luôn tự hào là người con Quảng Trị. Mặc dù xa quê đã lâu nhưng cô vẫn luôn nhớ về cội nguồn, giữ được những đức tính quý giá của người con gái nơi đây, đó là hiền lành, chất phác, thật thà, chịu thương, chịu khó. Và để tri ân quê hương, vừa qua cô cũng đã phát hành 2 MV “Anh có về Quảng Trị với em không” và “Nhớ về Quảng Trị”. Ca khúc đã chiếm được những tình cảm đặc biệt của những người đồng hương. Với cô thì chỉ khi hát về nơi “chôn rau cắt rốn” mới thể hiện hết tình cảm và cảm xúc của mình như thế.
Ngoài công việc biểu diễn, Lê Thu Uyên còn dành thời gian đầu tư cho kênh YouTube “Lê Thu Uyên Official” và hợp tác với nhiều kênh YouTube khác. Ở đó cô cùng ekip đã sản xuất hàng trăm MV bài hát về các địa danh trên dọc dài đất nước, trong đó chủ yếu là những ca khúc về miền Trung như Huế, Quảng Trị, Nghệ An… Trong thời gian tới, cô dự tính sẽ hát tặng mỗi địa danh một ca khúc để ca ngợi nét đẹp từng vùng miền. Cô cũng thành thật chia sẻ, mình không có tiêu chí cho các MV chỉ cần mình thích ca khúc đó là sẽ cùng ekip dàn dựng và phát hành để gửi tới những người yêu mến.
Đang sống giữa TP. Hồ Chí Minh – một trong những tâm dịch của đợt dịch này, Lê Thu Uyên không thể biểu diễn trực tiếp phục vụ khán giả nên cô rất nhớ sân khấu và thèm được hát. Cô chỉ thoả mãn nổi nhớ ấy bằng cách ở nhà tập luyện thật nhiều bài mới rồi đi thu âm.
Trải qua bao sóng gió cuộc đời, hiện nay Lê Thu Uyên đã có thể mỉm cười hạnh phúc với những gì làm được trên con đường ca hát. Và có một niềm hạnh phúc khác với cô là sau bao năm mẹ của mình phải bươn chải ở nước ngoài nay đã được đoàn tụ với con cái. Cô bồi hồi cho biết, mẹ luôn là động lực để mình cố gắng và cũng như người bạn đồng hành thân thiết trên từng bước đi của mình.