Câu chuyện thóc luộc

Tôi thuộc lớp người sinh sau đẻ muộn, không được chứng kiến cuộc kháng chiến trường kì chống Thực dân Đế quốc Pháp, Nhật của nhân dân ta. Nhưng đến thời kì chống Mĩ cứu nước, thì tất cả chúng tôi không ai có thể bị đứng ngoài cuộc được.

Trong gian khổ, thiếu đói thật sự đó, nhưng toàn xã hội thu nhỏ ở nơi tôi đang sống hồi đó là nhịp sống rất hối hả với người nào việc ấy, cùng hướng tới khẩu hiệu: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt! Tất cả cho Tiền Tuyến! Hậu Phương thi đua với Tiền Phương! Đả đảo đế quốc Mĩ và bè lũ tay sai bán nước! Đế quốc Mĩ cút đi! Bác Hồ muôn năm!!!”…

Tôi, trong nhiêm vụ học tập, và chứng kiến không khí náo nức của “Tuổi trẻ lên đường!” ở hậu phương, và dõi theo tiền tuyến qua thông tin báo đài nở rộ tin thắng trận mà tôi không thể hình dung nổi một cuộc chiến đang diễn ra lúc đó là một cuộc chiến phải đánh đổi bằng cả máu và nước mắt của nhân dân cả nước! Chiều hôm ấy, cũng như mọi chiều, tan học tôi cuốc bộ từ trường về làng. Gần đến nhà, tôi thấy thấp thoáng mọi người í ới gọi nhau, rậm rịch trong các sân nhà, ngõ xóm. Tôi tự hỏi: họ làm gì mà có vẻ như rất quan trọng, rất khẩn trương vậy? Không hiểu và cũng không dám hỏi ai, tôi vội về nhà và đã vỡ nhẽ. Hóa ra cả làng tôi, mọi người đang phải làm một nhiệm vụ quan trọng của hậu phương là: “Luộc chín thóc tẻ rồi sấy khô, đóng bao để tiếp tế cho bộ đội”. Bà ngoại tôi thì thào bảo thế, chỉ nội một đêm thôi. Bà không dám nói to, sợ lộ bí mật… Tôi hiểu, và quên ngay cả mệt vì vừa qua một chặng đường dài 8 cây số, liền vội cùng với bà hì hục bắc cái nồi mười lên bếp, nhóm lửa đun nước luộc thóc, và bắc chảo gang rang sấy thóc suốt đêm…

Sớm mai, tôi lại cuốc bộ đến trường bình thường, và giữ bí mật không kể cho ai về việc luộc thóc… Rồi suốt buổi học hôm đó, tôi đả gục đầu trên mặt bàn ngủ thiếp đi như chết không biết trời đất là gì… May tôi không bị thầy giáo nhắc nhở. Nhiều năm sau, cuộc chiến đã đi qua, đất nước đã hòa bình thống nhất. Năm 2000, năm 201 , tôi gặp lại bạn học ở hội lớp, hội trường cấp3 Kim Động, một bạn trai đã kể cho tôi chuyện bạn và đồng đội hồi trong quân ngũ từng bị ăn lương khô, ăn gạo sấy làm từ thóc luộc thay cơm. Nghe vậy, tôi nhớ ngay ra thứ mình từng được làm cùng dân làng từ cái đêm ấy (1967) và kể cho bạn nghe… Bạn tôi xúc động nói: Biết đâu là bạn lại được ăn chính món gạo sấy của tôi và dân làng gửi vào chiến trường!?. Vậy mà lúc học cùng lớp hồi đó, bạn và cả lớp đã không hề biết việc làm phải giữ kín của tôi. Ai ngờ, những bao thóc luộc có bàn tay tôi và bà con làng tôi làm nên để được chế biến thành gạo sấy đã đi khắp chiều dài đất nước nuôi quân đánh giặc; mà tôi cũng không thể biết được rằng loại gạo sấy đó có thể dự trữ trong thời gian dài như thế. Bạn tôi bảo: Khi ăn loại gạo này, chỉ cần cho nước lọc vào, không cần phải đun nấu trong điều kiện không thể đun nấu được. Nhớ lại hồi đó, chúng tôi cùng học chung lớp 9. Hết cấp 3, bạn đỗ đại học, nhưng lại phải xếp bút nghiên ở năm thứ hai để đi bộ đội bổ sung cho cuộc chiến Giải Phóng Miền Nam Thống Nhất Nước Nhà.

Rồi thời gian trôi đi… Từng ấy những vất vả gian nan xô đẩy khiến cho người mất, kẻ còn… May sao bạn tôi sống sót trở về trong đoàn quân chiến thắng. Và chúng tôi lại được gặp nhau trong hội lớp, hội trường để câu chuyện gạo sấy làm từ thóc luộc thêm thắm thiết gắn bó tình bạn tình người…

 

Hà Nội ngày 20/12/2019 

 

Theo Chuyện Làng quê