Chân dung ông bạn “Tuột xích”

Nghe tin lớp A khoa Tâm lý- Giáo dục khóa 79-83 của chúng tôi sắp được đón nhận một sinh viên khóa trên bị “tuột xích”, cả lớp không được vui… Hai hôm sau, Nguyễn Văn Hiệp - người nhận án kỷ luật vì “quan hệ” với học sinh thực tập đã đến “hiện diện” sau một năm phải nghỉ ở nhà. Không nói ra nhưng cả lớp gần như không ai muốn chơi với Hiệp. Riêng tôi, đành phải “chấp nhận”, vì hắn được phân ở cùng tổ, và hắn lại chung giường tầng với tôi…

      

ban-hoc-1639226541.jpgNguyễn Văn Hiệp (người ngoài cùng bên phải) và các  sinh viên lớp A khóa 79-83 Khoa TLGD (ảnh chụp năm 1982)

 

Qua một thời gian ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng học), định kiến của tôi với tay sinh viên “tuột xích” kia cũng bắt đầu được cởi bỏ dần. Hóa ra hắn cũng không đến nỗi nào. Trong cái “án kỷ luật” của hắn cũng có phần bị oan.

Hiệp tâm sự với tôi: -Năm ngoái tớ đi kiến tập ở Trường Sư phạm 10+3 Bắc Thái, trong lớp tớ chủ nhiệm có một cô giáo sinh rất đẹp, tớ có biết đâu cô bạn sinh viên kia cũng có một tay “người bản địa” đang theo đuổi. Kiến tập xong tớ về Hà Nội học tiếp. Một lần lên Bắc Thái, tớ ghé nhà trọ của bạn sinh viên nữ này chơi, lúc chuẩn bị ra về thì Công an Đồng Bẩm đến. Họhỏi: “Anh ở đâu đến? Đến địa phương có khai báo gì không? Anh chị gần nhau thế này có làm gì không?”. Tớ bảo: “Tôi từ Hà Nội lên hôm qua, không khai báo gì, nam nữ gần nhau, thích nhau thì phải có chuyện đó chứ”. Thế là Công an lập biên bản với tội danh “lưu trú bất hợp pháp và quan hệ nam nữ bất chính”. Biên bản gửi về trường, tớ bị cải tạo lao động một năm, còn cô kia bị đuổi học…

Một hôm Hiệp rủ tôi đi Thái Nguyên. Tôi hỏi hắn: - Cậu định đi đâu? Hắn trả lời giọng ráo hoảnh: - Đi gặp “nạn nhân”. Tôi không hiểu hắn định nói gì, thì hắn lại nói: - Đi rồi sẽ biết.

Hai thằng chúng tôi lếch thếch đi ra Bến xe Long Biên chờ gần nữa ngày vẫn không mua được vé. Mãi đến hai giờ chiều mới đến lượt để mua vé. Khi tôi chuẩn bị bước lên xe bổng nghe thấy tiếng động mạnh ở phía sau, ngoái lại, thấy Hiệp bằng một động tác vũ thuật nhanh gọn đá tung chiếc ví trên tay kẻ gian và bẻ quặt tay hắn …, Bấy giờ tôi mới biết Hiệp rất giỏi võ và mình đã bị kẻ gian móc túi. Hiệp giao kẻ gian đó cho công an bến rồi hai chúng tôi vội vã trở về xe để đi Thái Nguyên. Hiệp nói, sở dĩ hắn có những động tác võ thuật điêu luyện đấy là nhờ ông anh là giáo viên võ thuật chuyên dạy võ cho Công an biên phòng truyền lại.

Khi xe vào đến bến Thái Nguyên đã gần 9 giờ đêm, hai thằng chúng tôi cuốc bộ ra phía cầu Gia Bẩy để đến nhà “nạn nhân”. Lúc này hắn mới cho tôi biết là đi dự sinh nhật của cô sinh viên cùng chịu “án kỹ luật” với hắn. Đến cầu Gia Bẩy cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi là một vùng nước mênh mông của con sông Cầu… nước ngập lên cả cầu không thể nào sang sông được. Chúng tôi quyết định đi xuôi một đoạn xuống phía hạ lưu để bơi qua sông. Đêm rằm Trung thu trăng thật sáng nhưng nước chảy quá xiết…, sau một lúc ngần ngừ, cuối cùng chúng tôi quyết định cho quần áo vào mũ cối cầm lên tay và lao mình xuống dòng sông Cầu lạnh buốt để bơi qua sông. Đến giữa sông mệt quá tôi bị đuối sức không giữ nổi chiếc mũ cối đựng quần áo, nên… nó đã bị cuốn theo dòng sông chảy về xuôi… Đến bây giờ nghĩ lại cảnh tượng đó tôi vẫn rùng mình “sao mà mình dại dột thế, nhỡ lúc đấy có chuyện gì thì có giời cứu”. Hai thằng lóp ngóp cố lết vào bờ trong cái lạnh buốt xương và bụng đói cồn cào, gần như không còn một chút sinh lực. Hiệp lớn lên bên dòng sông Đuống nên bơi lội rất giỏi, hai tay hắn cầm mũ cối và quần áo, chỉ hai chân bơi đứng qua sông nên quần áo của Hiệp còn nguyên. Tụi tôi chia nhau một thằng mặc quần và một thằng mặc áo cho đỡ lạnh…Hai thằng như kẻ hành khất loanh quanh mãi mới tới được nhà bạn của Hiệp ở bên quả đồi. Bấy giờ đã gần 11 giờ đêm, gia đình cô gái đã ngủ, gọi cửa mãi trong nhà mới có ánh đèn bật sáng và một người đàn ông lên tiếng: - Ai mà đêm hôm gọi gì vậy?

Mặc dù rất ngại vì đã quá khuya nhưng cuối cùng Hiệp cũng lên tiếng: -Dạ cháu là Hiệp đây ạ, bác mở cửa cho cháu vào với.

Tiếng người đàn ông lại nói vọng ra: -Hiệp nào vậy, có phải Hiệp sinh viên Tâm lý-Giáo dục không?

-Vâng dạ đúng cháu ạ! Hiệp trả lời

Lúc này Ngọc Anh, tên cô bạn gái của Hiệp mới vội chạy ra mở cửa và nói:

- Sao anh lên mà không báo trước?

Cô gái ngước nhìn hai thằng tôi ngạc nhiên và buồn cười khi thấy chúng tôi ăn mặc cọc cạch:- Ôi sao hai anh lại thế kia…Nói rồi Ngọc Anh chạy vội vào tủ lấy quần áo của bố đưa cho hai chúng tôi mặc…

Sáng hôm sau, Hiệp dậy rất sớm ra vườn hái một quả đu đủ xanh mang về làm thành một bông hoa màu trắng trông rất đẹp để tặng sinh nhật Ngọc Anh. Phải nói hắn rất khéo tay, nếu nhìn xa không ai có thể nhận ra đấy là hoa giả…Ngọc Anh xuất hiện lộng lẫy ở buổi sinh nhật trong bộ quần áo lụa màu mỡ gà mềm mại với dáng cao, eo thon và đôi mắt to, khuôn mặt trái xoan với làn da trắng hồng hết sức hấp dẫn. “Thầy giáo” Hiệp trong bộ comple ngắn cũn cỡn mượn của bố Ngọc Anh (vì Hiệp rất cao, hắn cao khoảng mét bảy lăm, có cặp lông mày lưỡi mác dựng ngược trông dữ tợn, rất đàn ông) tay cầm bông hoa đu đủ màu trắng tặng em trông hết sức ngộ nghĩnh, nhưng thật cảm động… Tôi thầm nghĩ đôi bạn trẻ rất đẹp đôi nhưng chỉ một sơ suất nhỏ mà cả hai người phải “trả giá”để rồi Hiệp phải đi cải tạo lao động một năm, còn Ngọc Anh bỏ lại ước mơ được làm cô giáo trẻ để đi làm công nhân ở xí nghiệp than. Thật tiếc cho đôi bạn trẻ chỉ vì thù ghét cá nhân và những định kiến cổ hủ lạc hậu của một số người đã làm cho tương lại của họ ảnh hưởng nặng nề…Mà cũng không trách được ai bởi thời đấy chuyện quan hệ nam nữ là kinh khủng lắm.

Sau buổi sinh nhật ấm áp của Ngọc Anh tròn tuổi hai mươi ấy, tôi càng hiểu và thông cảm với đôi bạn trẻ nhiều hơn và những định kiến về Hiệp bấy lâu nay đã tan biến. Suốt một năm ở nhà nghỉ học Hiệp vẫn giấu nhà trường, thường xuyên trao đổi và quan tâm đến bạn gái, bố hắn đã lên Bắc Thái hỏi vợ cho hắn nhưng bố của Ngọc Anh không chịu và nói “ tụi nó yêu nhau vậy thôi chứ là vợ chồng không hợp đâu”… Sự thật là vậy, nhưng hồi đó, cũng có những dư luận ác ý, đồn thổi không có lợi cho hắn: “Tay này làm con kia có bầu rồi quất ngựa truy phong”…

Không hiểu sao hắn được thầy Nguyễn Quang Uẩn -Chủ nhiệm Khoa rất thông cảm và quý mến, thầy luôn lấy những phương pháp giáo dục nhân cách mà nhà giáo dục học nổi tiếng Macarenco thường sử dụng để động viên, “cảm hóa” hắn, nên hắn có sự tiến bộ nhanh, dần dần mọi người trong lớp đã nhìn hắn với đôi mắt thiện cảm hơn.

Người ta thường nói “kẻ có tài thường có tật”. Trong trường hợp này thật đúng với hắn. Hiệp đa tài, đặc biệt là về văn hóa, văn nghệ. Hắn hát hay, đàn ghi ta giỏi, múa rất đẹp và sau này còn thêm món khiêu vũ… Với dáng người cao cân đối với khuôn mặt sắc sảo tạo được lợi thế cho hắn trong hoạt động văn nghệ. Tôi vẫn nhớ mãi đôi múa đẹp nhất khoa lúc bấy giờ, đó là Hiệp và bạn Kim Thoa ở lớp C. Cứ mỗi lần hội diễn văn nghệ của khoa, đôi “diễn viên” múa này biểu diễn trên nền nhạc bài “Tình ca Tây Nguyên” là cả hội trường đứng lên vỗ tay trầm trồ khen ngợi. Tiếng đàn và hát của hắn thì thôi rồi, với âm hưởng mang màu sắc quan họ (vì hắn quê ở Bắc Ninh) mỗi khi hắn cất lên tiếng hát là cả hội trường im phăng phắc. Tôi rất thích Hiệp biểu diễn những bài mang giai điệu của quan họ Bắc Ninh và những bài  nhạc đỏ. Có lần Trường Đại học Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tổ chức văn nghệ, là khách được trường mời, tôi rủ Hiệp đi cùng rồi đăng ký cho hắn hát, hắn nói với dàn nhạc mấy câu rồi bảo “OK, hồn ai nấy giữ nhé”, hắn hát bài : “Bình - Trị - Thiên khói lửa” thật tuyệt. Với chất giọng hào sảng, tròn vành, rõ chữ…hắn như đưa người nghe đến với một Bình - Trị - Thiên oanh liệt, hào hùng, hàng ngàn sinh viên của Đại học cảnh sát PCCC vỗ tay rầm rầm. Đấy là phần biểu diễn chính thức, còn những buổi sinh nhật của chị em trong khoa, trong trường mỗi khi có sự xuất hiện của hắn là “một niềm vui lớn” cho chị em. Hắn ôm đàn ghi ta hát những bài bolero như: “Thư của lính”, “Dấu chân địa đàng”…các em nghe như nuốt từng lời. Khi bài hát: “Mặt trời bé con” của nhạc sĩ Trần Tiến ra đời, hắn coi đây là “Giấy thông hành” để đi biểu diễn phục vụ sinh nhật. Tôi thường xuyên được hắn rủ đi dự các buổi sinh nhật với hắn, tôi chỉ làm phông nền cho hắn, nhiều khi tôi cũng  ghen tỵ với hắn và ước gì mình có một chút tài mọn của hắn. Tôi tâm sự với Hiệp: - Cậu dạy tớ mấy gam của bài: “Mặt trời bé con” để tớ cũng đi “kiếm ăn” như cậu… Đổi lại hắn cũng thích kịch câm lắm nên tôi cũng dạy hắn một vài kỹ thuật về kịch câm. Mỗi lần nịnh tôi dạy kịch câm, hắn thường đưa bài “gã em gái” của hắn cho tôi. Quả thật em gái hắn cũng xinh thật, lại đang học y sĩ ở quê. Nhưng hắn cũng “hứa gả” cho nhiều thằng bạn hắn lắm… Sau này ra trường vào dạy ở Long An, hắn cũng lên biểu diễn kịch câm, nghe nói sinh viên trường hắn thích xem kịch câm lắm. Có một lần tôi đi công tác Sài Gòn, hắn đích thân xuống chở tôi về trường để cùng biểu diễn kịch câm với hắn.

Hiệp không chỉ giỏi đàn hát mà lĩnh vực sáng sáng tác hắn cũng rất thành công, hắn cũng cho ra nhiều ca khúc trữ tình ấn tượng. Trong đó tôi vẫn thích nhất ca khúc: “Kỷ niệm dốc Đán” của hắn viết khi nghe tin Ngọc Anh đi lấy chồng. Thỉnh thoảng tôi cũng  ôm đàn  ngêu ngao bài hát của hắn sáng tác. Lời bài hát thốt lên sự tiếc nuối không thể nào quên: ... “Em ơi, em ơi/Sao em vội vã chia lý/ không nói một điều chi/Kỷ niệm xa xưa đưa ta vào giấc mộng/Dốc Đán đêm nào -giây phút đó không bao giờ quên”.

Hiệp dạy học ở Trường Trung học sư phạm Long An được mấy năm, con đường quan lộ của hắn tiến nhanh như diều gặp gió: Từ giáo viên rồi làm Bí thư đoàn trường, ra làm Phó Giám đốc Nhà thiếu nhi tỉnh Long An, rồi làm Trưởng ban thanh niên trường học, Thường vụ Tỉnh đoàn Long An. Sau hắn  đi kinh doanh than, làm Phó phòng Tổ chức - Công ty than miền Nam rồi chuyển đi làm Giám đốc xí nghiệp than Sài Gòn. Với khả năng của mình, hắn được điều ra Hà Nội, giúp việc trực tiếp cho Tổng giám đốc và HĐQT của Tổng Công ty than Việt Nam về công tác pháp chế. Được một thời gian Hiệp lại chuyển công tác về Vụ địa phương - Văn phòng Chính phủ tại TP Hồ Chí Minh. Đùng một cái hắn lại quay ra Hà Nội để làm ở Vụ I (Vụ Theo dõi khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng ...) của Văn phòng Chính phủ. Rồi hắn lại được phân công làm Thường trực tiếp dân của Văn phòng Chính phủ tại Trụ sở Tiếp công dân trung ương. Tôi theo hắn thật chóng cả mặt, kể cả khi ra trường công tác rồi khi có điều kiện, tôi và hắn vẫn gắn với nhau như hình với bóng. Năm tháng trôi đi nhưng máu văn nghệ của hắn vẫn luôn sục sôi, bất kỳ ở môi trường nào có thể biểu diễn được là hắn lại trổ tài…Tôi còn nhớ ngày kỷ niệm 30 năm thành lập Khoa Tâm lý- Giáo dục, hắn từ Sài Gòn bay ra, triệu tập tôi và Đinh Đức Lập (Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đoàn) và mời thầy Trần Quốc Thành, Phó chủ nhiệm khoa lên biểu diễn bài “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”. Tốp ca nam đã làm nức lòng các thế hệ sinh viên của khoa lúc bấy giờ…

 Tôi hết sức khâm phục hắn, không chỉ có tài lẻ mà cả “sự học” của hắn cũng rất đáng nể. Hắn bảo thời buổi này phải “linh tinh học” thì mới được. Ra trường công tác, hắn làm Hội thẩm Tòa án tỉnh Long An nên Tòa án lập danh sách, cho tiền để hắn học thêm Đại học Luật. Khi làm Giám đốc xí nghiệp than Sài Gòn, vì không “đủ trình” chỉ đạo Kế toán trưởng được, hắn đành đi học tiếp Đại học kinh tế TP Hồ Chí Minh. Hiệp làm Giám đốc Xí nghiệp than Sài Gòn, thế là hắn làm luận văn Thạc sĩ về “Phong cách lãnh đạo của các giám đốc doanh nghiệp ngành than”. Khi tham gia tiếp dân ở Văn phòng Chính phủ, Hiệp lại làm luận án Tiến sĩ về “Kỹ năng tiếp dân trong giải quyết khiếu kiện đông người ...”. Hiệp bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, được GS-TS Nguyễn Quang Uẩn, Chủ tịch Hội đồng đánh giá xuất sắc. Nhưng hôm đó đến động viên chúc mừng hắn, tôi cũng không được hài lòng về sự “giao tiếp” của hắn. Khi trả lời các câu hỏi của Hội đồng, hắn xưng “tôi” và nói giọng rất “Văn phòng chính phủ” nghe thật gờn gợn… Hôm đó các thầy ngồi hội đồng chắc cũng chạnh lòng (vì tất cả đều xưng em, chỉ một mình hắn…). Cũng có thể do thói quen hùng biện với vị trí của hắn lúc bấy giờ mà quên mình đang là nghiên cứu sinh chăng? Đấy cũng là “cái tật” của hắn và thế mới là hắn, chắc vậy nên hắn không làm to hơn nữa được (chỉ là Chuyên viên cao cấp và Hàm vụ phó của Văn phòng Chính phủ mà thôi).

Và có lẽ “cái tật” của hắn đi theo suốt cuộc đời, đó vẫn là “bệnh em út” và sự mãi chơi. Hắn có tài nói năng lưu loát, rất triết lý thể hiện sự sắc sảo, thông minh nên chị em mê hắn cũng đúng thôi (thành thật mà nói cũng có lúc hắn hơi quá đà). Thật may cho hắn là vợ ít ghen. Mỗi lần vào Sài Gòn hắn mời tôi đi khiêu vũ và mỗi lần như thế hắn lại giới thiệu là có một cô bạn gái “rất thân”. Có người nói với tôi: “Thường là những ông có tài rất nhiều em út”. Có lẽ câu này đúng với hắn. Thực ra chơi với Hiệp lâu tôi biết, hắn cũng vì cảm xúc nhất thời tán tỉnh vui thế thôi chứ cũng không phải là loại “đi đến tận cùng của sự ham muốn”.Hắn lại còn tếu táo bảo: -Tôi có tán em nào đâu, đi đường tự nhiên nó va vào nhau đấy. Tôi không yêu ai, ai yêu tôi thì tôi “đáp lễ” yêu lại thôi, mà đời họ khó khăn, mình có điều kiện, giúp được ai cái gì thì giúp ông ạ…

Giờ đây Hiệp đã nghỉ hưu,vui thú với con cháu và sưu tầm đồng hồ, gốm sứ, chơi cây cảnh, thi thoảng hắn vẫn đi cà phê hát với nhau… Vậy là cũng được rồi nhưng tôi vẫn tiếc cho hắn. Đáng lẽ với trình độ học vấn như vậy, với mọi khả năng luôn hơn người như hắn sẽ được nắm giữ trọng trách cao hơn. “Kẻ có tài thường có tật” ông cha ta nói đúng, cấm có sai câu nào.