Tôi nhớ vào tháng Chạp hàng năm, mẹ tôi thường đi chợ Phủ để mua nồi đất mới dùng trong dịp Tết Nguyên Đán. Khi mua về mẹ tôi chưa dùng ngay mà đổ đầy nước sạch vào ngâm, sau khi nồi đã ngấm no nước thì đổ tiếp nước vào nồi cho đầy và bắc nên bếp đun, khi nước trong nồi sôi thì dừng đun và đợi nước nguội thì cọ rửa lại nồi. Mẹ tôi bảo phải làm như vậy nồi sạch sẽ và bền hơn.
Cái thời nấu nồi đất ấy có rất nhiều chuyện bi hài. Chúng tôi còn bé lại bắc nồi nấu cơm trên ba “Ông Đầu rau” là ba cục đất nện phơi khô vì thế không tránh khỏi bị vỡ, có hôm nồi bị vỡ phải đợi hàng xóm ăn cơm xong rồi mượn nồi về để nấu. Nếu nồi bị dập hay vỡ nhỏ thì bố tôi lại lấy giấy bản và vôi tôi trát vào để nấu. Lại nói thêm về “Ba ông đầu rau” , hàng năm cứ Tết Ông công Ông Táo hoặc Ba mươi Tết là bố tôi lại thay “Ba ông đầu rau” mới, ba ông cũ được đưa ra sông hoặc hồ nước. Cho đến bây giờ tôi cũng chẳng hiểu sao phải làm thế. Tết ngày xưa nhà nào cũng sắm thêm nồi đất. Cái thì dùng kho cá, cái dùng hầm xương, cái dùng để nấu đông
Nhìn thấy nồi đất lại nhớ về tết xưa nghèo khó. Bố mẹ đã đi xa mãi và tôi cũng đã già rồi. Một cái tết đang đến gần
Theo Chuyện Làng quê