Chợ tết ngày hai bẩy

Nhân sự kiện “Lễ hội 5 làng Mọc” đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia“. xin kể về chợ tết của Làng Mọc xưa.

di-san-1650125708.jpgChú bé và những băng pháo tết (ảnh sưu tầm)

Chợ 27 là phiên chợ tết được tổ chức vào cuối tháng chạp hàng năm, đã có từ rất lâu và chỉ họp đúng vào ngày 27 chợ của làng Nhân Chính quê tôi, ngày còn bé mỗi khi sắp đến ngày là đã thấy háo hức rồi chờ đợi...

Chợ họp trên đường làng đoạn trước cửa đình Hội Xuân, đình thờ Tướng Bà vợ thần Hoàng làng, bà người làng Quan Nhân.

Làng Nhân Chính, xưa là Tổng Mọc gồm 5 làng: Giáp Nhất, Quan Nhân, Chính Kinh, Cự Lộc, Phùng Khoang. Nhà văn Vũ Trọng Phụng tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Số Đỏ lúc đương thời ông đã sống cùng vợ ở đây, bà là con gái làng Giáp Nhất. Ông mất năm 1939, năm 1988 phần mộ của ông đã được người con gái đưa về khu vườn nơi ông đã từng sống...

Nay Nhân Chính đã thành phường sau một thời gộp 3 làng Giáp Nhất, Quan Nhân, Chính Kinh thành xã Nhân Chính thuộc huyện Từ Liêm, con đường làng xưa là phố Quan Nhân bây giờ, nối dài từ Cống Mọc (Đường Láng) đến phố Vũ Trọng Phụng.

Chợ bán rất nhiều thứ để phục vụ nhân dân mua bán cho dịp tết... từ câu đối đến hoa quả như chuối, bưởi, cam, quýt, những quả phật thủ để bày mâm ngũ quả...rồi hàng quà những chiếc bánh rán bọc đường mật bóng mỡ, chiếc bánh dày nhân đậu béo ngậy v v. Đồ chơi thì trẻ con rất thích những chiếc còi cuốn bằng sắt tây được sơn màu đỏ ánh tím, khi thổi vẫn còn hắc mùi sơn, những viên bi ve thuỷ tinh óng ánh màu...

Ở góc đường trước cổng trường cấp một, trường có 2 phòng học được xây từ thời Pháp và một dãy nhà lợp lá ông thợ tò he chỉ với một chiếc lược nhỏ, cùng những cục bột nhuộm phầm màu đang nặn các chú gà, ông Tiên, Tôn Ngộ Không xong cắm lên chiếc que tre hồi ấy tôi rất thích hình nặn 3 ông Lưu Bị, Quan Vân Trường và Trương Phi trong truyện Tam Quốc đã từng được đọc bên cạnh ông bán kẹo kéo luôn tay véo vào một tảng kẹo lớn được làm từ đường có phủ bột cho khỏi dính, bọc trong tấm vải bố màu trắng nhưng đã ngả màu... lũ trẻ con đang xúm quanh...

Còn về pháo có rất nhiều loại, từ pháo cối, pháo tét, pháo dây khi đốt cháy xẹt xẹt khói mù...có cả pháo đập được gắn vào tờ giấy từng viên nhỏ, dùng búa đập nổ bép bép...

Chợ ngày nay vẫn còn, vẫn họp đúng ngày 27 tháng chạp hàng năm.

“Lễ hội 5 làng Mọc” được đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia theo Quyết định số 1727/QĐ-TTg ngày 27/5/2021 của Bộ VHTT&DL.

Lễ hội này được hình thành từ tục kết chạ giữa năm làng Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc, Quan Nhân và Phùng Khoang. Ở năm làng Mọc, mỗi làng thờ một vị Thành hoàng làng riêng. Làng Giáp Nhất thờ Phùng Luông - Một vị tướng dưới thời Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng; Làng Cự Chính thờ Đức Thánh Lã Đại Liệu - một nha tướng dưới thời Ngô Quyền; Làng Quan Nhân thờ Trung Nghĩa Đại Vương Hùng Lãng Công - người có công đánh giặc Nam Chiếu và dưới phủ thờ phu nhân là Thánh bà Trương Mỵ Nương; Làng Phùng Khoang thờ Đoàn Thượng tướng quân - một trung thần thời Lý.

Từ năm 1992, dân các làng thống nhất 5 năm tổ chức lễ hội một lần (gọi là Đại đám) vào ngày 11, 12 tháng Hai âm lịch theo hình thức luân phiên từng làng đăng cai; những năm không phải hội lớn, từng làng vẫn tổ chức riêng theo tập tục.

Cũng như các lễ hội truyền thống của cả nước, “Lễ hội 5 làng Mọc” là lễ hội dân gian được Nhân dân địa phương nắm giữ, thực hành, trao truyền qua các thế hệ. Lễ hội có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần, đời sống tâm linh, thể hiện sự biết ơn các vị tiền nhân, vừa thể hiện trách nhiệm và niềm tự hào của cộng đồng trong tổ chức lễ hội, thể hiện truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của Nhân dân địa phương.

Chuyện Làng Quê