À ơi ! mang phận tép tôm
Lưng còng, mò mẫm sớm hôm nhọc nhằn…
Lời ru của mẹ còn dài lắm, nhưng tôi chỉ nhớ trọn vẹn 2 câu đầu là như vậy. Và đến hôm nay, cứ mỗi lần về tới đầu làng, nhìn bờ tre rám nắng, nhìn dáng mẹ còng lưng thì những lời ru ấy lại đưa tôi về với những ký ức ngọt ngào về đời tôm phận tép.
Nhà tôi ở vùng đồng bằng. Nói là đồng bằng nhưng ruộng cao, ruộng thấp bờ vùng bờ thửa nhăng nhít. Thỉnh thoảng lại có những hố bom sâu còn thiếu đất tạo thành những ao hồ, nước đọng quanh năm. Ruộng thấp hố trũng, bàu biền thường là nơi hội ngộ của bầy tép rạy. Sau trận mưa rào chúng nó lại tỏ tình hân hoan, rồi sinh sôi nẩy nở. Của đáng tội: Thời đó làm gì có tôm hùm, cá lớn mà ăn, mấy con tép đất đã trở thành món khoái khẩu và bổ dưỡng của con nhà nông ở buổi hàn vi. "Trời cho đấy" - Mẹ tôi nói vậy.
Tôi sinh ra giữa năm đại hạn mất mùa. Nhưng nhờ những muỗng cơm ré độn khoai chiêm bông, trộn với tép rang muối do mẹ tôi mớm mà lớn dần lên. Khi lên bốn lên năm tôi thường chơi với mấy chị tép rong. Mỗi lần chị cả đi cất te về thì thế nào cũng lượm cho tôi dăm bảy con tép chúa, bụng no nóc chùm trứng xanh. Có lẽ vì quá nặng nề với ổ trứng nên chúng bò lom khom, chậm rãi. Có con khoẻ mạnh búng tanh tách rồi nằm bật ra thềm thở hổn hển.
Mẹ tôi rửa sẵn cái lọ thuỷ tinh cổ rụt. Tôi khoái chí bỏ chúng vào, đổ ít nước mưa. Nhìn chúng chạy tung tăng tạo thành vòng tròn nối đuôi nhau như đoàn tàu ngầm thật thích thú. Trò chơi thời thơ ấu chỉ có vậy. Chơi chán tôi bắt mấy ả khờ liệng ra sân cho đàn gà làm món khai vị sau buổi sáng mới dậy đập cánh bay ra khỏi chuồng. Dần dần tôi biết được sống trong cái vòng luẩn quẩn của cái lọ thuỷ tinh thì sớm muộn thế nào chúng nó cũng kiệt sức mà chết, thế là tôi đổ chúng ra cái rổ tre, lấy tăm nhọn xâu thành từng dọc nướng trên than củi rực hồng. Tôi lại háo hức, ngồi túc trực. Ngửi thấy mùi thịt tép đang cháy tôi nuốt nước bọt ừng ực. Chờ cháy lẹm vàng, tôi lần lượt rút từng con dúm dém cho vào miệng. Thịt tép quả là thơm nức mũi, béo tới tận tâm can.
Lên bảy, lên tám có lần tôi hỏi mẹ: "Tại sao con tép hay bò khom lưng. Tại sao nó chỉ bé bằng đầu đũa". Mẹ trả lời: "Vì nó lo bươn chải để nuôi đàn con thơ dại". Tôi tò mò hỏi tiếp: "Vậy nó có qua cống Đạo tát nước lúc nửa đêm, có bơi lúc vòm trời đổ mưa giông, hay đi bắc mạ đồng xa khi gà chưa gáy canh 3 không hả mẹ?". Mẹ tôi lưỡng lự: "Chắc có con ạ!".
Nghe mẹ tôi trả lời vậy tôi ngậm ngùi rớm lệ vì nghĩ thật tội nghiệp cho lũ nó quá. Thế là từ đó tôi không xúc tép làm mồi câu cá chuối hoặc xâu vào que tre nướng trên bếp lửa nữa. Nói vậy nhưng nồi canh lá rau khoai độn tấm, không có nhúm tép tươi lội vào thì chỉ bốc mùi rau lợn. Đáng nhớ nhất là nồi cà trường bầm đen, có ít tép tươi trộn với mấy quả khế thì ăn cơm không bao giờ biết no, có lúc ngồi ăn tôi than thở rằng: "Tội cho lũ nó quá". Bố tôi đốp lại một câu: "Tội thì có tội, ngon thì thật ngon". Thế là tôi cứng họng.
Tháng 3 tiết thanh minh mát mẻ, lúa tốt ngập đồng, cỏ thơm ngào ngạt, hương lúa quện lẫn hương trời làm lòng người rạo rực đến ngây ngất. Lúa ré cao cây, khóm này khóm nọ vừa qua thời con gái, bụng ôm đòng chờ trời đổ sấm để đẻ nhánh, cũng là lúc lũ tép đất háo hức đi đón cơn mưa. Chập tối bố dắt tay tôi ra đồng đặt đó, đơm lừ. Bố bảo: "Đó nằm đồng hơn đàn ông nằm nhà". Tôi về giường nằm, lòng cứ nao nao chờ sáng để được nhìn lũ tép mắc bẫy. Trời tang tảng. Ngọn lúa còn đọng những giọt sương như trời vừa vương ngọc. Hai bố con lại rẽ bờ cỏ cháp đi lấy đó về. Có cái được vài bát tép tươi nhảy lao xao. Nhưng có cái chỉ độc hai vợ chồng rắn nước ềnh bụng, khoanh tròn vì nhờ ăn của sẵn.
Riêng tôi, con tôm con tép còn có nhiều kỷ niệm ngáo ộp. Trước hết cũng vì nồi tép rang của mẹ, mà tôi sinh tật bốc vụng. Nghĩ lại thật nực cười, nhờ tôi hay trốn sau cánh cửa ăn vụng tép nên xương cốt tôi rất cứng cáp. Lớn lên nhờ những bài học ở trường mà tôi được biết thêm con tôm, con tép rất giàu hàm lượng can xi. Ăn nhiều chẳng sao, chỉ tăng sức đề kháng, không sinh bệnh tiểu đường, cũng không phát u, phát gút.
Chuyện thời thơ ấu đi qua đời tôi có vài chục năm, mặc dầu đến nay đã không ít nhà hàng cao cấp mà tôi đã từng hãnh diện cùng tốp bạn bè ghé vào, mặc sức thả cửa với đủ thực đơn cao sang mỹ vị, nhưng cam đoan rằng không có hương vị nào ngon bằng thịt tép xâu tăm tre nướng trên than củi ngày xưa.
Rồi cái món tép đồng cũng được giá. Nay lại là thước đo lòng chung thuỷ, sự đảm đang của những bà vợ sếp thời hiện đại. Thời nay bữa cơm những gia đình giàu có thường không cần món thịt rừng, cũng không phải là những chai rượu ngoại cao cấp. Mà chỉ món tép đất nấu khế chua bỏ nắm lá nghệ là đức lang quân bằng lòng hả dạ. Âu cũng do trời sinh ra - như lời mẹ nói ngày nào.
Còn mẹ tôi thời ấy có lẽ vì tình thương vô bờ bến đã nhường lại mấy con tép chúa cho chị em tôi nên lưng mẹ sớm còng. Tôi vào Đại học, trường ở tận Từ Liêm. Dịp ôn thi tốt nghiệp, mẹ tôi một mình lọ mọ vượt hàng trăm cây số ra thủ đô thăm con.Giỏ mẹ chẳng có gì ngoài hũ tép đồng rang muối, trộn ớt cay. Lúc đầu tôi xấu hổ với tốp bạn ở thành phố đã đưa hũ đi giấu. Thế mà trò ngụy trang vụng về này bị một đứa bạn cùng phòng phát giác. Tôi đỏ mặt bê hũ tép bổ sung vào thực đơn bữa cơm chiều hôm ấy. Không ngờ món tép đất rang muối của mẹ lại được cả hội bạn ưa chuộng, khen típ mắt. Xong bữa ăn, thịt rim, rau xào thừa nhan nhãn, chắc vì món tép của mẹ đã tiên phong vào trong bữa cơm khoái khẩu của mọi người. Nhìn mấy đĩa thức ăn bỏ thừa mẹ tôi tặc lưỡi: "Ôi! lãng phí quá". Một đứa bạn tôi kịp lên tiếng: "Vì hũ tép rang của bác đó ạ". Tôi càng tự hào về mẹ.
Mẹ già như chuối chín cây. Một lần mẹ tôi lâm bệnh nặng phải chuyển viện tuyến trên. Thật may thời điểm ấy tôi đã đi làm thêm và có đồng ra đồng vào. Tôi liền đưa mẹ ra bệnh viện thành phố để có điều kiện chăm sóc, điều trị. Ngày mẹ khỏi bệnh tôi đưa mẹ vào nhà hàng hải sản cùng ăn một đĩa tôm hùm gọi là báo hiếu. Mẹ gõ nhẹ vào đầu tôi và mắng yêu: "Cha mày! tôm tép, phận tép tôm. Mới đi làm được mấy tháng mà đã học làm sang, dám ăn con tôm hùm bạc triệu".
Tôi nhìn mẹ, chợt nhớ ngày xưa…