Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm và làm việc tại Vĩnh Phúc

Chiều 23/12, đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã đến thăm và làm việc tại Vĩnh Phúc.

vuong-dinh-hue-1640268343.jpgChủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc

 

Đón tiếp, làm việc với Chủ tịch Quốc hội có các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh.

Sau khi nghe báo về những thành tựu Vĩnh Phúc đạt được sau 25 năm tái lập và kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - Hoàng Thị Thúy Lan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu đặc biệt quan trọng mà tỉnh Vĩnh Phúc đạt được trong phát triển kinh tế xã hội kể từ khi tái lập đến nay cũng như trong năm 2021 nhiều khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Đồng chí mong muốn Vĩnh Phúc tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa địa phương, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền trong xây dựng và phát triển  kinh tế- xã hội, sớm đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo lộ trình đề ra và trở thành thành phố Vĩnh Phúc trong tương lai gần.

vuong-dinh-hue2-1640268445.jpgQuang cảnh buổi làm việc

Theo Chủ tịch Quốc hội, Vĩnh Phúc từ một tỉnh phụ thuộc phần lớn vào ngân sách Trung ương, năm 2004 (tức là chỉ 7 năm sau ngày tái lập tỉnh), Vĩnh Phúc đã tự cân đối được ngân sách và đóng góp cho ngân sách Trung ương. Trong năm 2021 mặc dù tác động của đại dịch COVID-19 nhưng tổng thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt trên 32.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt gần 28 nghìn tỷ đồng, gấp 282 lần so với số thu ngân sách của năm 1997. Từ  chỗ không có khu công nghiệp, đến nay tỉnh đã có 19 khu công nghiệp được quy hoạch, trong đó 14 khu công nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đã có 08 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Toàn tỉnh đã có gần 30 đô thị, trong đó, thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II được quy hoạch; thành phố Phúc Yên là đô thị loại III, trở thành thành phố công nghiệp, du lịch dịch vụ và giáo dục của tỉnh. Vĩnh Phúc có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã nông thôn mới nâng cao, 36 thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 5/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Những kết quả mà Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Phúc đạt được trong thời gian qua là rất đáng tự hào, tạo được sự chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Những thành quả trên sẽ là tiền đề để Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện tốt một số 5 nội dung trong thời gian tới:

Một là, Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Trung ương về xây dựng Đảng. Trọng tâm về xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của BCH Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và các quy định về trách nhiệm nêu gương với nhiều nội dung phong phú, hình thức phù hợp, bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ.

Hai là, Tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp. Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩyphục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Ba là, Đẩy nhanh việc ứng dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong xây dựng chính quyền số và quản lý xã hội, phát triển kinh tế số. Tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp để công nghiệp thật sự trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển của tỉnh; đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp chủ lực, ưu tiên phát triển ngành, sản phẩm công nghiệp điện tử, cơ khí, chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Bốn là, Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, hoàn thiện các hìnhthức tổ chức dạy và học phù hợp với tình hình dịch bệnh. Thực hiện có hiệu quả chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao.

Năm là, Tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân đón năm mới 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế, quyết tâm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 08/12/2021…

vuong-dinh-hue1-1640268343.jpgChủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng bức tranh cho tỉnh Vĩnh Phúc

 

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội về những thành tựu Vĩnh Phúc đạt được sau 25 năm tái lập và kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan nêu rõ: Nhờ tinh thần đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng bộ, nhân dân và việc vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, 25 năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển, nhiều năm duy trì tốc độ tăng trưởng cao, thu ngân sách liên tục đạt những mốc mới và luôn nằm trong TOP các địa phương có số thu cao nhất cả nước; là 1 trong 16 tỉnh có điều tiết về ngân sách Trung ương với tỷ lệ cao.

Thu hút đầu tư trở thành điểm sáng của cả nước. Hết năm 2021, toàn tỉnh thu hút được 429 dự án FDI tổng vốn đầu tư đăng ký 7,1 tỷ USD; 824 dự án DDI, tổng vốn đầu tư gần 110 nghìn tỷ đồng. Sản xuất công nghiệp trở thành nền tảng của nền kinh tế; nông nghiệp đã phát huy truyền thống và tiếp tục có những cơ chế, chính sách đi tiên phong cả nước với nhiều vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi quy mô tập trung. Các lĩnh vực: văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội được quan tâm. Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Riêng năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng tỉnh vẫn thực hiện tốt mục tiêu kép “vừa kiểm soát tốt dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội”, với 18/19 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra. GRDP bình quân đầu người đạt 114,2 triệu đồng/người, tăng 8,7 triệu đồng/người so với năm 2020. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 32.094 tỷ đồng, đạt 104,55% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 27.674 tỷ đồng, đạt 102,39% dự toán.

Đặc biệt, ứng phó với dịch bệnh Covid-19, nhất là trong làn sóng dịch lần thứ 4, HĐND tỉnh đã ban hành 3 Nghị quyết về tăng cường nguồn lực cho công tác phòng chống dịch; Đoàn ĐBQH tỉnh đã kịp thời nắm tình hình, hằng tuần có báo cáo Tổ công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tỉnh chủ động đón hơn 30.000 công dân, trong đó hơn 1.200 công dân có hoàn cảnh khó khăn đang học tập, sinh sống tại các địa phương có dịch bệnh diễn biến phức tạp về Vĩnh Phúc, bảo đảm an toàn phòng chống dịch; hỗ trợ gần 20,2 tỷ đồng cho nhóm chính sách về bảo hiểm, trên 24,6 tỷ đồng cho nhóm đối tượng là người lao động; giải quyết cho 226.252 lượt người lao động hưởng chế độ hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp với số tiền hơn 303,2 tỷ đồng.

Trong năm tới và các năm tiếp theo, Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung cao độ, quyết liệt cho việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, bám sát 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn, tạo điều kiện khơi thông các nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Quyết liệt, chủ động thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội, với trọng tâm bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân, lấy nhân dân là trung tâm của thành quả phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, nhất quán thực hiện 3 trụ cột là: Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm an ninh trật tự, môi trường, xây dựng con người Vĩnh Phúc bản lĩnh, phong cách, có kiến thức.

Cùng ngày, đồng chí Chủ tịch Quốc hội cùng Đoàn công tác của Trung ương đã dự Lễ khánh thành Trung tâm Hội nghị quốc tế FLC Vĩnh Phúc tại địa bàn xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường; dự Lễ khởi công Dự án Trung tâm Logistic ICD Vĩnh Phúc tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên.