Đường Lên Đỉnh Olympia là cuộc thi kiến thức dành cho học sinh cấp 3 uy tín, lâu đời. Dù trải qua 21 năm phát sóng song gameshow vẫn duy trì được sức nóng. Các Quán quân bước ra từ trong chương trình đều nhận được số tiền thưởng giá trị kèm học bổng du học 4 năm.
Dù là 1 cuộc thi học thuật nhưng Olympia vẫn không thể tránh khỏi những sai sót. Một trong những sự việc gây chú ý nhất là kết quả chung cuộc trong trận chung kết năm thứ 5.
Trận thi chung kết có phần Về đích hy hữu nhất lịch sử OlympiaNăm đó, người bước lên ngôi vô địch là anh Đỗ Lâm Hoàng, cựu học sinh THPT Gò Vấp, TP.HCM. Người ta vẫn nhớ trong trận chung kết năm ấy, người về nhì là thí sinh Nguyễn Nguyễn Thái Bảo (THPT Chuyên Quốc học Huế - Thừa Thiên Huế) đã cùng Quán quân đuổi bám chức vô địch không ngừng.
Không những vậy, sự kịch tính còn đẩy lên cao khi 2 người còn lại của cuộc đua cũng có khoảng cách chỉ từ 10 đến 20 điểm so với 2 người dẫn đầu.
Ở câu hỏi gần cuối của phần Về đích, Lâm Hoàng đã trả lời khá tự tin, tuy dài dòng nhưng vẫn được MC Minh Vũ chấp nhận.
Tuy thế, Ban cố vấn của chương trình cho rằng câu trả lời chưa đúng và ngay tức khắc, anh bị lấy lại 20 điểm mới được cộng. Lúc này, cả trường quay nín thở vì Thái Bảo chỉ kém đối thủ đúng 10 điểm.
Phương án cho sự cố lần này là Ban tổ chức quyết định thay thế câu hỏi khác để Lâm Hoàng trả lời và nếu có đáp án đúng, nam sinh từ TP.HCM sẽ được hoàn lại 20 điểm vừa mất. Bỏ qua trạng thái tâm lý vì mất bình tĩnh trước nhận xét của Ban cố vấn, anh đã hoàn thành tốt và qua đó lên ngôi vô địch.
Khán giả năm đó đã vô cùng bức xúc vì nếu có sự thống nhất ý kiến từ trước về đáp án thì tất nhiên, người giành vòng nguyệt quế phải là Nguyễn Nguyễn Thái Bảo. Cho đến nay, với những fan ruột của chương trình thì câu chuyện này vẫn được nhớ đến và người ta hay gọi chàng trai xứ Huế với danh xưng "Người về nhì vĩ đại."
Nhà vô địch Đỗ Lâm Hoàng sau cuộc thi
Sau khi lên chức vô địch, Đỗ Lâm Hoàng thi và học đại học tại Việt Nam. Anh có 10 tháng chuẩn bị trước khi lên đường đi du học. Được biết, sau đó anh trở thành tân sinh viên ngành Kỹ sư công nghệ viễn thông và Internet, ĐH Kỹ thuật Swinburne, Australia.
Đây là ngôi trường được 19/20 Quán quân lựa chọn theo học và ai cũng được đánh giá cao, đạt thành tích tốt trong các ngành mà họ theo đuổi.
Tại Úc, Lâm Hoàng có dịp gặp gỡ với các nhà vô địch khác. Anh đặc biệt có liên hệ thân thiết với Lê Vũ Hoàng, Quán quân mùa thứ 6. Ngoài ra, anh cũng tham gia nhiệt tình vào các dịp họp mặt của đại gia đình Olympia ở xứ sở chuột túi.
Sau thời gian tích cực học tập anh đã tốt nghiệp và chọn Melbourne làm nơi lập nghiệp. Anh trở thành chuyên viên mạng của Sở Giáo dục bang Victoria. Năm 2016, anh đã lập gia đình và có con.
Á quân Nguyễn Nguyễn Thái Bảo sau 17 năm
Sau khi kết thúc cuộc thi, Á quân Nguyễn Nguyễn Thái Bảo được miễn thi tốt nghiệp và được tuyển thẳng vào Đại học Y dược Huế. Anh cũng từng tham gia cuộc thi học thuật khác dành cho sinh viên là Rung Chuông Vàng và thắng cuộc trong trận chung kết toàn quốc.
Với những nỗ lực học tập và rèn luyện trong những năm qua, Thái Bảo đã nhận được nhiều thành tựu như danh hiệu "Sinh viên tiêu biểu xuất sắc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh toàn quốc", được Bộ GD&ĐT và TW Đoàn Thanh Niên tặng bằng khen; danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" toàn quốc; Giải Ba cuộc thi Sinh viên Nghiên cứu khoa học cấp ĐH Huế,...
Năm 2011, anh tốt nghiệp loại giỏi ngành Bác sĩ Đa khoa. Sau đó, vì thành tích học tập vượt trội, anh được trường ĐH Y dược Huế giữ lại làm giảng viên. Tiếp tục, anh được sang New Zealand tham gia 1 khóa tu nghiệp.
Năm 2015, anh nhận học bổng toàn phần làm nghiên cứu sinh tại khoa Phẫu thuật chỉnh hình, Trường đại học Y khoa Hamamatsu, Nhật Bản.
Thay vì phải bỏ ra 4 năm hoàn thành khóa học, anh đã nỗ lực kết thúc chương trình trong 2 năm. Thời gian còn lại Thái Bảo xin tham gia các ca mổ khó cùng các chuyên gia đầu ngành và tham gia làm thành viên các đề tài của các giáo sư để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời để tiếp cận những kỹ thuật hiện đại trong phẫu thuật chuyên ngành. Đến năm 2019, anh nhận bằng Tiến sĩ Y học khi chỉ mới 32 tuổi.
Năm 2019, anh trở về nước làm giảng viên, bác sĩ tại Bộ môn Ngoại, Trường đại học Y Dược, Đại học Huế.