Chuyện làng quê: Ba mảnh ghép

Xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc (cũ) có ba làng: làng Vân (Yên Viên); làng Thổ Hà và làng Nguyệt Đức. Ba làng của xã Vân Hà là ba mảnh ghép hoàn toàn khác nhau.

manh-ghep-1641616557.jpg

      Mảnh ghép thứ nhất - Làng Vân (Yên Viên) là làng thuần nông; có nghề phụ nấu rượu nổi tiếng (rượu làng Vân). Cái tên Yên Viên của làng hiện nay ít được nhắc tới; tuy nhiên cái tên ấy lại là một dấu ấn tự hào của làng Vân nói riêng và của xã Vân Hà nói chung. Cuối thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ thứ 20; Yên Viên (làng Vân) chính là thủ phủ của huyện Việt Yên. Sau này (thời Pháp thuộc); thủ phủ của huyện Việt Yên mới chuyển lên Bích Động (nay là thị trấn Bích Động). Cái tên Yên Viên của làng Vân dần bị lãng quên; nhưng quyền uy của nó thì vẫn tồn tại cho đến nay. Trụ sở Ủy ban nhân dân xã Vân Hà luôn đặt tại làng Vân; Chủ tịch UBND xã Vân Hà từ 1945 đến nay luôn là người làng Vân; Trường cấp II Vân Hà (trung học cơ sở) luôn chỉ có ở làng Vân. (trước năm 1945; xã Vân Hà được nhập với xã Tiên Sơn và được gọi là xã Sơn Hà; trước nữa là xã Yên Hà) . Do con trai làng Vân luôn bắt nạt con trai Làng Thổ Hà nên hai làng Thổ Hà và làng Vân thường được bọn học trò chúng tôi ngày ấy gọi là hai làng “Tà Pình và Động Hía”; một làng người Mèo, một làng người Mán luôn chứa đầy xung khắc – một tác phẩm văn học thời đó của tác giả Bắc Thôn mà học sinh cấp II nào cũng biết (vì nằm trong chương trình phải học)

        Tôi có 3 năm học cấp II (lớp 5; lớp 6; lớp 7) học ở làng Vân; bạn học cùng lớp, cùng trường là bọn trẻ làng Vân khá nhiều. Tôi được mang danh Việt kiều về nước; lại học giỏi nhất nhì trường nên các bạn học làng Vân có vẻ nể trọng; không xếp tôi vào trai Thổ Hà (phần nữa vì nhà tôi ở Thái Lan về nên trai làng Vân nghe đồn thổi là tôi có võ Thái nên cũng dè chừng). Năm tôi học lớp 8 (cấp III; Trung học phổ thông); hàng ngày tôi phải đạp xe xuyên qua làng Vân để sang xã khác học (cả huyện mới có một trường cấp III). Tôi lại hay vào rủ một bạn học cùng lớp người làng Vân đi cùng nên hình ảnh tôi đạp xe đi buổi sang; đạp xe về buổi chiều trên con đường làng phơi đầy rơm rạ của làng Vân đã thành một hình ảnh quen thuộc đối với nhiều người, nhiều nhà dân làng Vân ở hai bên đường. Nếu không thấy tôi xuất hiện trong khoảng những giờ ấy trên đường làng là họ thường mong ngóng hoặc chợt nhận ra hôm đó là chủ nhật (hồi đấy học sinh học cấp III của cả xã Vân Hà chỉ có dăm đứa). Dân làng Vân luôn mỉm cười khi thấy tôi; luôn gật đầu khi tôi chào họ; rất nhiều người tôi không biết tên, chỉ thấy quen quen nhưng họ luôn gọi đúng tên tôi.

  Viết về làng Vân mà không viết về "mỹ tửu Hương Vân" thì thật là thiếu xót. Tôi có cơ may là có nhiều bạn học thời cấp II; cấp III là người làng Vân nên đã nhiều lần quan sát các công đoạn của nghề nấu rượu của người dân làng Vân; từ tạo men rượu, ủ cơm rượu rồi nấu rượu. Phụ nữ làng Vân là chủ lực trong nghề nấu rượu; đó là một nghề khá vất vả và cần một kỹ năng. Phụ nữ làng Vân không nghiện rượu; không uống rượu nhưng đánh giá chất lượng rượu thì còn hơn cả thiết bị đo lường hiện đại. Phụ nữ làng vân chỉ cần một ống nứa nhỏ (giống tipet trong phòng thí nghiệm); nhúng một đầu ống nứa vào bát rượu vừa hứng ở nồi chưng cất; đầu ngón tay trỏ hoặc ngón cái bịt đầu ống còn lại. Nhấc ống nứa lên cao rồi nhả đầu ngón tay bịt ống nứa thả cho rượu trong ống nứa rơi trở lại bát đựng rượu; tạo thành những tăm bọt li ti trong bát rượu. Nhìn tăm rượu trong bát; người phụ nữ làng Vân có thể nói nồng độ rượu với sai số lớn nhất khoảng 1 độ, giống như "rượu kế - tỷ trọng kế" mà dân kinh doanh rượu thời nay hay dùng. Khi học đại học ở Hà Nội và sau này đã ra trường công tác ở Hà Nội; tôi hay dẫn bạn bè ở Hà Nội về thăm nghề nấu rượu ở làng Vân. Những ông sâu rượu rất mê uống rượu nóng tại lò nấu rượu. Trời se lạnh; bên hơi ấm của lò mà được thưởng thức bát rượu nóng vừa hứng ở nồi chưng cất ra thì thôi rồi (Lỗ Trí Thâm cũng phải gọi bằng bố). Không ít lần bạn tôi; sau khi thưởng thức loại rượu ấy đã phải liêu xiêu dắt xe đạp từ làng Vân về Thổ Hà. Khi tỉnh rượu (thường là vào ngày hôm sau) vẫn không biết bằng cách nào mà mình về được nhà bạn. Một thời làng Vân cũng nấu rượu sắn (sắn khô) nhưng rượu sắn khô do người làng vân nấu thì người sành rượu cũng không phân biệt được với rượu nấu bằng gạo. Phụ nữ làng Vân dù không biết uống rượu nhưng họ phân biệt chính xác đâu là rượu gạo đâu là rượu sắn; kỹ năng của họ hơn các thiết bị đo lường là ở chỗ đó. Hiện nay; người làng Vân chỉ nấu rượu gạo nếp; rượu làng Vân đã có thương hiệu "mỹ tửu Hương Vân"; đã có xưởng sản xuất lớn đảm bảo an toàn thực thẩm, đồ uống. Người làng Vân chưa bai giờ dùng phân đạm và bất kỳ loại hóa chất nào cho vào rượu; rượu làng Vân luôn trong sạch và say đắm tình người.

   Tôi đã xóa nhòa ranh giới mâu thuẫn giữa hai làng “Tà Pình và Động Hía” – Tôi yêu làng Vân.

Mảnh ghép thứ hai - Làng Thổ Hà (trước 1970) nghề chính là làm Cang gốm; không làm ruộng và cũng chẳng có ruộng. Dân làng ở tuổi lao động thường làm công nhân Xí nghiệp cang gốm Thổ Hà hoặc là xã viên HTX cang gốm Thổ Hà đều hưởng lương theo tháng; theo năng suất lao động; gia đình được cấp gạo theo sổ. Sản phẩm cang gốm hồi đó chủ yếu là chum; vại; tiểu … sành (được đốt nóng trong lò bằng cỏ gianh; dương xỉ; củi và không sử dụng men). Nếu ai đã từng xem phim “Đến hẹn lại lên” sẽ thấy cảnh sân phơi chum, vại (chưa nung) và người thợ làng gốm Thổ Hà. Nghệ sỹ nhân dân Như Quỳnh thì chắc còn nhớ lắm những cảnh quay đầy chất thơ nơi ấy. Làng Thổ Hà (trước 1975) là một làng có khung cảnh; kiến trúc đẹp vào bậc nhất (theo tôi) ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Làng Thổ Hà cùng với làng Vân được dòng sông Cầu bao quanh giống như một bán đảo. Cổng chính của làng Thổ Hà hướng ra phía Đông; hướng ra đoạn đường (đê quai) duy nhất nối Thổ Hà với làng Vân. Cổng làng Thổ Hà cho đến nay vẫn là một cổng làng đẹp của làng quê Việt Nam; vẫn giữ được nét kiến trúc xưa lại được bao bọc trong vòm đa cổ thụ; chỉ cần tra cứu google “cổng làng Thổ Hà” là sẽ thấy rất nhiều ảnh cổng làng Thổ Hà trên mạng. Học sinh các trường kiến trúc; mỹ thuật thường về Thổ Hà để thực tập, để lấy cảm hứng sáng tác và cổng làng Thổ Hà luôn là điểm dừng chân đầu tiên. Đoạn đê quai ấy ôm trọn một phía của hồ nước rộng khoảng 5 ha; phía bên kia hồ là địa phận xóm 1, xóm 2 của Thổ Hà. Trước khi đến cổng làng; mọi người phải đi qua nhà cầu 3 gian - giống một điếm canh đê (diện tích khoảng 30m2) nằm dưới tán một cây đa cổ thụ. Chùa Thổ Hà nhô ra phía  ngoài cổng làng; được ngăn cách với con đường đê quai bằng một lũy tre dày và một ao nước (có tên là ao Dối); muốn vào được chùa thì khách buộc phải đi qua cổng làng. Qua cổng làng là tới một đường lớn (rợp bóng những cây đa cổ thụ có tuổi đời gần 100 năm) cắt ngang làng; cuối con đường lớn này là bến đò chính (Bến Chùa) để sang sông Cầu (bên kia sông là địa phận của huyện Yên Phong). Ngay trên Bến Chùa là chợ Thổ Hà và cũng là ngã ba, kết nối con đường ngang từ cổng làng  với con đường lớn không kém chạy dọc làng (đường cái làng) và cũng chạy dọc theo sông Cầu (một bên là sông Cầu; một bên là làng Thổ Hà; không có đê ngăn). Làng Thổ Hà có bốn xóm (xóm 1; xóm 2; xóm 3; xóm 4); xóm 1 là xóm đầu làng (tiếp giáp với làng Vân); xóm 4 là xóm cuối làng. Con đường chạy từ cổng làng ra Bến Chùa chia làng thành hai nửa (xóm 1; xóm 2 và xóm 3; xóm 4). Mỗi xóm của làng Thổ Hà có nhiều ngõ; các ngõ đều chạy song song hướng ra phía đường làng và kết nối với đường làng (hướng bờ sông); cấu tạo kiểu xương cá (một nửa). Làng Hành Thiện; Xuân Trường; Nam Định cũng có lối kiến trúc tương tự nhưng ở quy mô nhỏ hơn nhiều (đường chính của làng Hành Thiện chạy dọc theo sông đào; rất nhỏ). Ở các ngã ba kết nối giữa ngõ và đường làng thường có một bến sông, thuận tiện cho việc gánh nước sông phục vụ đời sống của mỗi nhà (cái thời chưa có nước máy hoặc giếng nước khoan). Các ngõ của Thổ Hà có chiều rộng khoảng 1,5m; chiều dài khoảng 200m; hai bên là tường nhà xây bằng mảnh sành, gạch, tiểu (phế phẩm) cao khoảng 4-5m. Đi trong ngõ sẽ có cảm giác như đi giữa hai bức tường thành.

        Làng Thổ Hà từ thời Pháp Thuộc (hoặc trước nữa) đã toàn là nhà xây hoặc nhà cột lợp ngói móc. Những gia đình khá giả ở Thổ Hà từ xưa đã có những khu nhà ở được quy hoạch khang trang (ngõ nào của Thổ Hà cũng có vài ba khu nhà ở như vậy). Một căn nhà chính 5 gian hoặc 7 gian (hoặc 5 gian hai chái) hướng ra phía sông Cầu (hướng Tây); hoặc hướng về phía cuối làng (hướng Nam); đa phần cột, kèo, rui, mè đều bằng gỗ lim (có những cột gỗ lim phải một vòng tay ôm. Trước mặt căn nhà chính là một khoảng sân rộng; hai bên là nhà ngang và bếp (đều là nhà gỗ lợp ngói móc). Cổng mỗi nhà đều xây kiên cố; cửa gỗ chắc chắn; nhiều nhà trên cổng còn có chòi canh nữa. Trong Sân nhà thường có bể hoặc chum to đựng nước mưa; có trồng thêm cây Bưởi; cây Lựu; Mai tứ quý… để lấy bóng mát và làm đẹp cho sân - những khu nhà ở mà dân giàu đô thị hiện nay thường mong được sở hữu. Đường làng Thổ Hà ngày xưa được lát bằng gạch xây (gạch chỉ); bền, đẹp, dễ thoát nước, thân thiện với môi trường ; nghe đâu mỗi đám cưới ở làng thì nhà trai (nhà gái) phải nộp một số gạch cho làng để lát đường. Những con đường đẹp như mơ ấy đã thật sự đi vào giấc mơ; chúng đã được thay bằng những con đường bê tông rộng hơn nhưng vô cảm – Ước gì.

(còn tiếp)

Theo Trái Tim Người Lính