Cô bán rượu

Quê tôi họ không gọi rượu là rượu mà gọi rượu là diệu. Thật sự gọi diệu, tôi lại mới cảm thấy nó phiêu, dễ, diệu, miên, say, cay và lãng, ghê lắm.

278802312-792288365509436-1231425696281436285-n-1650439521.jpgẢnh minh họa sưu tầm

Không thế mà các ông bố yêu diệu, ở quê tôi thường hay gọi con gái quý của mình là: Con gái diệu. Chả là khi lớn lên, thể nào chẳng có người mang trầu cau, chai diệu đến dạm hỏi theo phong tục và tất nhiên chai diệu sau đó thuộc về phần bố nó. Rồi sau sau nữa sẽ có hẳn một thằng rể thường xuyên biếu và hầu diệu bố vợ. Con rể và bố vợ bao giờ chẳng là bạn diệu tâm giao. Hay còn gọi là: Hợp cạ.

Cuối làng tôi có ông bác thích uống diệu với mồi nhậu là thịt chim, mà lại có hẳn bốn cô con gái xinh xắn. Ông liền lần lượt đặt tên nôm na là: Diệu Oanh, Diệu Yến và Diệu Phượng. Nhưng đến đứa  út chả hiểu bà vợ nói gì? Ông lại đặt là: Diệu Bướm.  Bướm học cùng tôi từ lớp một. Nó hiền ngoan và dễ thương. Chỉ tội mắt nó hơi bị hiếng một tí, nên hình như nó tự ti. Bởi các bạn hay trêu ghẹo  gọi nó là: Bướm Hiếng. Nó buồn lắm, hay lảng tránh chơi đùa. Chỉ có tôi ngồi cùng bàn lại đồng cảnh vì cái tên của tôi cũng có vấn đề. Tôi tên là Vẹo bị bọn bạn gọi là: Cu Vẹo. Nên tôi và nó tự nhiên thông cảm và thân nhau hơn. Nhưng tệ nhất bọn nó thấy chúng tôi thân nhau lại ghép đôi thành vợ chồng. Rồi đồng thanh hô trêu: Vẹo Bướm... Bướm Vẹo... Rồi lại hát:

Vẹo ơi cứ lấy Bướm nha

Học hết lớp bảy ở nhà trông con

Thế rồi cứ vậy cho đến hết lớp bảy. Sau khi ba tháng nghỉ hè chị Bướm đi theo bố ra tỉnh trở về. Bỗng tự nhiên hết hiếng, phổng phao xinh đẹp ra một cách kỳ lạ. Má cứ hây hây, mắt lúc nào cũng mơ màng như người say rượu. Rồi thầy chủ nhiệm bảo: "Từ nay các bạn gọi bạn ý là Diệu Lan chứ không Diệu Bướm nữa nhé!". Tôi vẫn có may mắn ngồi cạnh chị và cảm thấy rất hãnh diện vì là bạn trung thành suốt từ thời kỳ hiếng đến hết hiếng. Và tự nhiên rất là lạ. Tuy hai đứa vẫn thân nhau nhưng bỗng trở lên ý tứ hơn, khoảng cách hơn. Ít nói chuyện với nhau như trước. Vô tình chạm vào tay nhau thì ngường ngượng đỏ lừ mặt.

 Một hôm Lan bảo: "Sao mày không đổi tên là Điệp đi. Như vậy hay hơn". Lần đầu tôi phát hiện, nó là điểm yếu của tôi. Thấy lời nó như là một mệnh lệnh. Thế là tôi về nằng nặc đòi bố đi đổi tên từ: Văn Cu, thành: Văn Điệp. Tôi hiểu ý Lan. Để phòng khí bạn bè trêu chọc, ghép tên vợ chồng. Thì sẽ gọi chúng tôi là: Lan Điệp. Những cái tên gắn đến câu chuyện tình mê hoặc mà hồi đó chúng tôi thường truyền tay nhau đọc trộm.

 Nhưng oái oăm thay! Chẳng hiểu sao bọn bạn lại không gán ghép chúng tôi như trước nữa mà lại gọi mỗi tên nó: Diệu Lan ngược lại là: Lan Diệu. Và bọn bạn hình như có vẻ mỉa mai, xa lánh Lan thì phải. Điều đó lại cho tôi cảm thấy rất chi là thích và gắn bó với Lan hơn. Coi Lan như của riêng mình. Quả thực từ khi hết hiếng và xinh đẹp hơn. Lan làm hồn tôi xao xuyến. Dù đôi lúc tôi bỗng phát hiện ra người nó cứ thoang thoảng mùi diệu. Có hôm gặp nó ngoài đê mùi rất nồng nặc. Đầu tiên chưa biết gì? Tôi cứ nghĩ: Chắc mùi con gái nó vậy. Hơn nữa tôi thích nó, nó có mùi gì thì tôi cũng thích. Và cứ vậy. Suốt thời học phổ thông mùi diệu của nó đã làm tôi quen thuộc. Tình cảm của tôi với Lan càng lớn dần. Từ thích, thành thầm yêu trộm nhớ. Ngày nào không nhìn thấy nó thì cứ ngu ngơ như mất hồn, thấy nó thì như say say. Mà sau này tôi mới hiểu đó là say tình. Đôi lúc tôi thấy nó trầm buồn, thậm chí đôi lúc nó kín đáo lau trộm những giọt nước mắt.

 Tuổi trẻ vô tư tôi đâu có để ý đến những điều bất thường đó, vì say tình thì luôn thấy người mình say là nàng tiên, cái gì cũng đẹp đẽ, hoàn hảo. Ở nàng tất cả chỉ là sự đắm đuối, lãng quên... Cho đến một hôm. Khi ấy dịp hè học hết phổ thông. Sau một chập ôn bài chuẩn bị thi đại học. Thi đại học hồi ấy nó đơn giản lắm! Tự kiếm bài, tự ôn. Thi được thì tốt, không được thì thôi! Con trai chủ yếu thì đến tuổi đi bộ đội. Con gái thường vào trung cấp hay thoát ly đi công nhân, phần lớn thì lấy chồng.

Tôi lang thang ra bờ sông cái xem phù sa. Đang đứng bên bụi tre trên triền đê ngắm nhìn dòng nước đỏ ngầu cuồn cuộn đổ về từ thượng nguồn. Thì bất ngờ thấy một bà chửa hớt hải, lạch bạch chạy tới. Tôi ngạc nhiên đến sửng sốt nhận ra đó là Diệu Lan. Mới tuần trước còn nhìn thấy nó bình thường từ đằng xa. Mà sao giờ đã chửa to tướng được? Bỗng nó tạt vào bụi tre tụt ỗng quần xuống trước mặt tôi rồi vội vàng tháo cái bụng chửa ra thả xuống đất. Kệ cho tôi nhìn thấy cái bụng dưới trắng muốt cùng đám lông đen xoăn tít. Hấp tấp phủ lá tre khô lên bào thai, kéo vội quần lên, lôi tuột tôi ngồi xuống. Nó thì thào trong hơi thở gấp gáp:

- Điệp ơi! Cứu Lan với! Rượu lậu đấy! Họ bắt được thì tớ chết mất.

Dứt lời thì thấy một đội dân quân và phòng thuế đã đứng trên đê quát vọng xuống:

- Này hai đứa mất nết kia! Không lo học hành, phấn đấu suốt ngày yêu đương hư hỏng thế à? Chúng bay có nhìn thấy một bà chửa chạy qua đây không? Chửa mà chạy. Thì chỉ có chửa rượu lậu thôi!

Lúc ấy sao mà nhận thức được đúng, sai? Chỉ biết Nàng tiên của tôi cần được bảo vệ. Bất chấp tất cả, tôi trả lời tỉnh bơ:

- Dạ! Cháu thấy có một bà chạy ngược vào lũy tre làng đằng kia rồi ạ!

Đoàn người vội đi về hướng ấy. Lúc ấy mới thấy Lan gục vào vai tôi run lẩy bẩy, khóc nức nở:

- Điệp ơi! Tớ khổ lắm! Muốn nhảy xuống sông mà chết cho rồi! Từ ngày học lớp tám nhà tớ thêm hai đứa em trai nữa! Cuộc sống thiếu thốn lắm! Bố tớ cứ nấu diệu trộm rồi bắt chị em tớ mang sang bên kia sông bán cho người ta. Hôm nay đến lượt tớ.  Không đi bố tớ đánh chết. Nên tớ phải đóng giả như vậy để mang đi hu.. Hu.. Vậy chúng nó mới gọi tớ là: Lan Diệu đấy! Tại cậu không để ý đấy thôi! Tớ xấu xa, bỉ ổi không xứng là đoàn viên thanh niên hu.. Hu.. Chỉ có cậu là luôn hiểu tớ, thương tớ nhiều nhất! Tớ biết mà! Cậu tha thứ cho tớ nhé! Hu..  Hu hu.. Ôi! Ước gì..

Tối hôm ấy tôi quyết định không thi đại học nữa. Nằng nặc đòi mẹ sang hỏi cưới Lan về làm vợ. Mẹ tôi thích lắm muốn tôi lấy vợ ở nhà xong rồi muốn đi đâu thì đi. Hồi ấy thật sự lấy vợ ở quê tôi cũng không khắt khe như bây giờ. Mọi "đám cưới chui" vẫn chót lọt. Chỉ cần hai bên bố mẹ đồng ý, mang trầu cau, chai diệu sang dạm hỏi. Đêm hôm sau làm mâm cơm diệu, rồi rước dâu về là êm. Tất cả hậu quả sẽ tính sau. Nhưng khi bố tôi biết ông chửi cho vuốt mặt không kịp:

- Đàn ông, con trai. Vừa nứt mắt đã định chui đầu vào háng đàn bà. Mà chui vào đâu? Chui vào gia đình chậm tiến bộ, buôn diệu lậu. Mọi hạt gạo giờ đều phải dành cho phía trước. Chính quyền tuyên truyền rồi. Nhà nước cấm rồi. Mà vẫn cố tình phạm pháp. Lấy gạo nấu diệu bán. Hơn nữa mày đến tuổi rồi phải đi làm nghĩa vụ rồi cống hiến, phấn đấu cho đất nước cho bằng người đã con ạ! Vợ con để sau. Không nói nhiều.

Là một đứa trẻ mới lớn, hai bàn tay trắng. Tình yêu thì cháy bỏng, thương Lan vô cùng tận. Nhưng tôi bất lực chẳng biết phải làm sao. Thế rồi tổng động viên. Tôi lên đường nhập ngũ. Lan không đến chia tay, chỉ đứng khuất sau gốc phượng già đằng xa âm thầm lau nước mắt. Tôi để lại mối tình đầy day dứt... Thời gian trôi đi theo dòng chảy cuộc đời cùng bao biến cố của cuộc sống và số phận..

Nơi góc biển, chân trời. Mỗi khi nhớ đến Bướm tôi lại bâng khuâng, day dứt. Tôi thường lầm lũi tìm đến một quán vắng nào đó. Mua một chai rượu cùng vài con chim nướng. Chậm rãi nhấp nháp từng ngụm đắng cay. Để nó lan toả đến từng đường gân, thớ thịt. Đến mọi ngóc ngách ẩn khuất của tâm hồn, nơi đáy sâu tối thẳm, trắc ẩn của trái tim. Rồi dịn ra cay xè trên khóe mắt. Bướm Hiếng ơi! Lan Diệu ơi! Nàng tiên ơi! Giờ đây em ở đâu? Cuộc đời ra sao? Có nhớ tôi không?

 

Chuyện Làng quê