Trong không khi tang thương này, Tạp chí trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những dòng ghi chép của nhà báo Nguyễn Đặng Hà Anh, cộng tác viên thân thiết của Tạp chí, thể hiện tình yêu thương, lòng hiếu thảo của một người con với người mẹ kính yêu!
Má đã đến sân ga cuối cùng
Vậy là má đã kết thúc hành trình cho chuyến tàu của riêng mình và về đến sân ga cuối cùng. Trong suốt cả hành trình gian nan ấy, má đã sống một đời trong sạch, nhân hậu, dù trải qua nhiều nghèo khó nhưng luôn nuôi và dạy con cái nên người.
Má ra đi trong sự quí mến của bà con láng giềng, trong sự yêu kính và tiếc thương của bà con dòng họ Nội, Ngoại.
Đêm qua, khi má nói với con bằng giọng đứt quãng, má bảo: “Má tắt tiếng rồi”. Lúc đó, con cố kìm nén mọi thứ khi biết má đã cố gắng khi để con đút những muỗng nước cuối cùng.
Con tàu đã dừng lại, ông thần đèn đã ngủ quên nên không kịp dời sân ga cho đường tàu của má dài thêm chút nữa.
Xin má hãy yên nghỉ!
Con sẽ sống theo cái cách mà má đã sống.
Con sẽ yêu thương và nuôi dạy con của con, là cháu của má, theo cái cách mà má đã nuôi dạy chị em con.
Và như má đã nói: Sống đừng nên hơn thua, nếu yêu thương được ai đó thì nên yêu thương, còn không yêu thương được cũng đừng nên ghét bỏ hay đố kị.
Tiếng còi tàu đã ngừng, con tàu chở má đi suốt hành trình 88 năm qua đã dừng lại ở sân ga lúc sáng nay. Má chối bỏ nhìn ngắm mùa xuân thêm một lần nữa, nhưng với những hạt mầm yêu thương mà má đã gieo trồng trong suốt cả hành trình ấy vẫn tiếp tục lên xanh và xanh mãi, xanh theo cái cách mà má đã gieo trồng!
Má hãy yên nghỉ má nhé!
Tụi con luôn nhớ và hãnh diện về người mẹ của mình!
Quê nhà - ngày mẹ "ra đi"!
Con tàu - sân ga - đời người
Những ngày này được về chăm sóc má khi má đã rất yếu, mới thấy đời một người cũng giống như con tàu trên hành trình về "sân ga" của riêng mình.
Và lúc này, một thằng con với đôi chân lang bạt như mình chỉ mong đường tàu của má cứ dài ra, con tàu di chuyển chậm và sân ga thì vẫn cứ ở phía đường chân trời!
Dẫu biết ai rồi cũng phải đi theo cái hành trình mang tính quy luật bất biến ấy, nhưng đứng trước những cố gắng của má với mong ước làm chậm "hành trình hướng về sân ga", mới thấy từng nhịp rung hiện lên qua từng hơi thở!
Chẳng biết làm gì được ngoài cầu xin có một vị thần đèn đứng cạnh sân ga, để mỗi lần "con tàu hành trình" của má sắp tới thì vị thần đèn ấy lại dời sân ga ra xa hơn, kéo đường tàu dài hơn để đích đến cứ như một trò chơi đuổi bắt chạy theo cùng tháng ngày!
Con về Xứ Quảng
Cuối đông con về Xứ Quảng
Ngoài kia, lúa đã xanh rồi
Mạ non gieo từ tháng trước
Bây giờ bám rễ, sinh sôi !
Cuối đông con về Xứ Quảng
Lưa thưa những giọt nắng mềm
Xuân, đang trở mình thức giấc
Hoa tràn về phố giữa đêm !
Cuối đông con về Xứ Quảng
Quê hương, đáy mắt mẹ hiền
Ầu ơ lời ru theo gió
Cánh cò chiều khẽ chao nghiêng !
Cuối đông con về Xứ Quảng
Mẹ ơi...! Xuân cũng sắp về
Ngày xuân rộn ràng biết mấy
Ta về có mẹ, có quê !
Quê nhà - 22 Tháng Chạp, Tân Sửu - NDHA
Hai chữ "mùa xuân"...!
Má nằm đó, nhưng con không thể vào với má được vì những qui định nghiêm ngặt trong việc phòng tránh dịch covid.
Mọi việc chăm sóc do em con lo.
Ở đó là bệnh viện, nơi những bệnh nhân đang được chăm sóc bởi các bác sĩ và ai cũng cần được bảo vệ trước con virus.
Ở gần mà cũng chỉ biết nói chuyện qua điện thoại thôi. Con biết má cố gắng lắm, điều này con cảm nhận được từ trong sâu thẳm của những điều không thể định hình!
Cầu mong má nhanh khỏe để được về đón Tết cùng con cháu. Ít bữa nữa con cháu sẽ về, cả nhà ta sum họp.
Lần cả nhà con bị covid, con đã nghĩ: có khi đây là sự may mắn để lỡ má bệnh và về tết cũng an tâm hơn!
Giờ chỉ biết cầu mong ơn trên gia hộ cho má, để má được khỏe lại về chơi cùng con cháu. Để má đón một mùa xuân mới với bàn tay gầy run run khi con, cháu cầm chiếc bao lì xì tặng má cùng lời chúc phúc cho má, cho bà nội, bà ngoại được sống lâu trăm tuổi!
Hoa mai đã bắt đầu nở rồi. Ngoài kia những chậu hoa cúc, hướng dương, quất, hoa hồng... được bày bán khắp đường. Người ta đang đi chở cả mùa xuân về nhà đó má à!
Má cũng cố gắng lên nhé!
Với tụi con, sức khỏe của má chính là mùa xuân đó!
Má ráng ăn, uống sữa cho mau khỏe nhé, con đang trên đường về thăm má đây!
Công việc gác hết lại, chỉ mong má nhanh hồi phục thôi !
Bác Ẩn Giám đốc BV mới nhắn tin cho con: má bị hở van tim, suy tim nhưng vẫn ổn!
Bác ấy bảo con yên tâm, các bác sĩ, điều dưỡng sẽ chăm sóc hết mình!
Lạy Ơn Trời cho má mau khỏe !
Mẹ ghẻ
Năm tôi lên 12 tuổi, một buổi trưa đi học về thấy chiếc nôi đưa em bé đang đong đưa trong nhà. Hơi ngạc nhiên nên tôi hỏi má mình, đứa mô nằm trong nôi rứa má?
Má tôi nhìn tôi cười hiền từ và nói, em con chớ đứa mô.
Em con…! Tôi hơi bất ngờ xen lẫn những tò mò và rất nhiều cảm xúc khác nhau của một thằng bé 12 tuổi đầu. Khi bước lại gần, bất ngờ nó tè một phát bay lên ướt hết áo tôi luôn. Đó là cái mà tôi nhận được ngày đầu tiên gặp nó.
Vì rất nhiều lí do, nhưng cái khó khăn về kinh tế đã không cho phép Dì tôi chăm sóc được nó. Chuyện người lớn, tôi không dám có ý kiến hay bất kì suy nghĩ gì. Và đến tận bây giờ, tôi vẫn không đưa ra sự phán xét nào đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực tình cảm cá nhân của đời trước. Vì với tôi, con cái không có quyền lựa chọn.
Mới 03 tháng tuổi, việc chăm sóc nó là không hề đơn giản chút nào khi má tôi đã không còn sữa. Nguồn dinh dưỡng chủ yếu là cháo hầm khoai tây, cà rốt với thịt bò và vitamin B1. Ơn trời! Nó cứ vậy mà lớn lên mỗi ngày và tiếng khóc thì to phát khiếp. Những lúc ba má đi làm, tôi ở nhà giữ nó cũng gian nan lắm, nhưng đến một hôm tôi phát hiện ra một độc chiêu hù dọa em mà nó không dám khóc.
Nhà ở quê có một vườn chè rộng nên ba tôi nuôi nhiều gà. Do tiếp giáp với một ngọn đồi nên có khá nhiều loại chồn hay xuống vườn bắt gà. Mỗi lần nghe gà kêu toáng lên là tôi suýt chó chạy ra đuổi chồn và thét: “Chồn…. w…ơ… chồn…”, và hôm đó tôi vừa hét lên thì nó hoảng sợ ôm chặt tôi và nín thin thít. Tôi phát hiện ra, thì ra cu cậu sợ chồn, nên mỗi lần đút cháo cho ăn hay khóc nhè tôi dọa chồn là nín ngay lập tức. Chiêu này tôi giữ kín không chia sẻ với má hay chị vì để đảm bảo ở nhà với tôi nó không dám khóc.
Cuộc sống vất vả với nhiều lo toan, là người đàn ông trụ cột của gia đình nên ba tôi không có thời gian để chơi đùa với con cái. Và đứa nào cũng có thể bị ăn đòn mỗi khi ông bực bội chuyện gì đó. Và nó cũng không ngoại lệ vì cái tội hay khóc nhè đòi má tôi phải ẳm bồng.
Mỗi lần như vậy, má tôi luôn can ngăn và nói với ba tôi: Ông có cực, có dỗ hay ru hắn đâu mà cứ đòi đánh hấn. Tui nuôi chớ ông có nuôi đâu! Và thật sự là như vậy! Từ khuấy ly sữa lúc nửa đêm, thay tã hay áo quần hoặc hâm nồi cháo giữa đêm đông lạnh giá để đút cho nó, tất cả đều do má tôi làm. Ngày đó, làm gì có bếp ga. Chiếc ống thổi lửa phì phò gạt mẻ than để dưới giường sưởi ấm cho nó, hoặc có chén cháo nóng để cho nó ăn giữa đêm khuya là do má tôi làm hết.
Nó, thằng em trai cùng cha với tôi đã lớn lên trong vòng tay của má tôi như thế mỗi ngày.
Mỗi lần đi chợ hay đi đâu, trước khi đi khỏi nhà má tôi luôn dặn hai chị em: Trông em nghe con. Nhớ đừng để ba mi ổng đánh em đó nghe chưa! Nhưng ở nhà với tôi, với độc chiều hù dọa con chồn, nó im ru và chỉ biết ăn với ngủ hoặc chơi mà thôi.
Hồi đó, má hay nói với tôi: Nuôi hắn ri biết mô sau ni già lại có hắn ở nhà, chớ con học hành xong rồi bay đi xứ khác chắc chi ở nhà với má. Mà y như thế thật. Tuổi già của má tôi là sự chăm sóc mỗi ngày của hai vợ chồng nó, còn tôi chỉ thi thoảng ghé về vài bữa lại đi.
Thời gian cứ thế trôi đi, nó lớn lên trong vòng tay đầy ắp yêu thương của mẹ ghẻ là má tôi. Nó lớn lên trong sự chăm sóc, dỗ dành và nhường nhịn của chị em tôi. Có miếng gì ngon ai cùng nhường cho nó. Có gói quà thì phần nó cũng nhiều hơn!
Còn nhớ, khi nó bước đến tuổi thành niên, má tôi đã dành dụm và vét hết mấy chỉ vàng để thêm tiền mua cho nó một chiếc xe máy. Đó là một thứ tài sản mà ngày xưa ở quê, một thằng con trai quí đến vô ngần. Má nói với tôi, mua cho hắn chiếc xe để có đi chơi với bạn bè. Có xe rồi mới đi tán gái được, hắn mới có vợ được chớ. Tôi chỉ cười, vì tôi biết bà rất thương nó.
Đến tuổi đi học, tôi là người đi làm giấy tờ nhập học cho nó, và từ những chữ cái vỡ lòng nó đã trở thành một người đàn ông trụ cột của gia đình.
Tôi lập gia đình và sống ở phương xa, mọi thứ ở nhà từ chở má đi viện hay chăm sóc ba tôi khi ông còn sống luôn trên đôi tay nó. Dù viện phí do mấy chị em tôi đảm nhiệm, nhưng cái công và sự tận tụy mỗi ngày của nó mới lớn hơn mọi thứ trên đời.
Ngay cả việc giỗ chạp ông bà, nếu tôi không thể về thì nó cũng lo xong.
Mỗi lần má tôi vào trong này chơi, chỉ vài tháng thôi là lại đòi về với một câu quen thuộc: “Để má về nhà với em. Có má ở nhà hắn bớt đi uống rượu, chớ má không có ở nhà là hấn đi tẹt ga luôn á!”. Nói xong bà cười!
Vậy đó! Nhiều khi tôi tự hỏi, nếu như ngày xưa má tôi không chăm sóc nó bằng tất cả tình yêu thương của một người mẹ, thì liệu điều gì sẽ xảy ra…!?
Và như thế, mỗi ngày trôi qua tôi lại thầm cảm ơn Má tôi, một người phụ nữ tuyệt vời! Chính lòng bao dung, nhân hậu của bà đã chăm sóc, nuôi nấng và dạy dỗ nó nên người. Và cũng chính má tôi đã gieo trồng vào tâm hồn chị em tôi những hạt mầm yêu thương, biết sẻ chia và sẵn sàng giúp đỡ người khác. Biết nhường nhịn, chăm sóc người thân và sống hòa thuận với nhau mỗi ngày.
Không phải chỉ từ mấy chị em tôi, mà điều đó còn truyền dẫn đến cháu và con tôi nữa. Hạnh phúc của một gia đình đôi khi chỉ cần như thế là đủ.
Hôm trước, chị gái và vợ chồng nó cùng thằng cháu ngoại tổ chức sinh nhật cho má. Nhìn nó cười tươi đứng bên mẹ ghẻ, tôi thấy mình mới là con ghẻ thì đúng hơn! Còn thằng cháu ngoại vốn là cục vàng của má tôi rồi, và nó với cậu Út giống như một cặp.
Tôi viết lại câu chuyện từ trong gia đình của mình chỉ để muốn gửi gắm đến mọi người một điều, không có gì không làm được nếu như con người biết yêu thương nhau. Và em trai tôi, với má tôi nó thương bà còn hơn cả tôi nữa. Tôi hạnh phúc vì dù ở xa nhà, nhưng mỗi khi đêm về má tôi luôn có vợ chồng nó ở gần bên!
NDHA