Cười - một nét văn hóa Nam Bộ

Tính cách người Nam Bộ thường được khái quát là cần cù, chăm chỉ, chí thú làm ăn, lại rất thật thà, chất phác. Ðặc biệt, người Nam Bộ vui tính, lạc quan với nét văn hóa thú vị thể hiện qua nụ cười.

Người Nam Bộ thường cười sảng khoái khi gặp chuyện vui, lúc tề tựu cùng nhau. Nhưng khi không đồng tình, hay bất bình, họ cũng cười, nhưng là cái cười rất riêng mà nếu không phải là người sống ở Nam Bộ thì khó mà hiểu được hết ý nghĩa. 

Ở mục từ “cười”, cụ Huỳnh Tịnh Của lý giải trong sách tự vị của mình: “Ấy là cách hả miệng, nhích mép hoặc có tiếng hoặc không có tiếng, tỏ ra sự mình vui hay là có ý gì. Cũng có nghĩa là chê bai”. Song cũng nên ghi nhận thêm rằng, cười - đặc biệt là đối với người Nam Bộ - tùy vào tâm trạng trước từng sự việc mà người ta có những kiểu biểu tỏ khác nhau, chứ không phải nhất thiết là hễ cười thì “hả miệng, nhích mép”. Thí dụ như cười chúm chím, cười mỉm, cười mũi, cười thầm… Cười cũng là một cách biểu đạt trạng thái tình cảm yêu, thương, buồn, giận, ghét. 

chuyvam-xang-2-1-1646103592.jpgNụ cười hồn hậu của người phụ nữ Nam Bộ. Ảnh: KIỀU MAI

 

Người Nam Bộ có vô vàn sự diễn tả về cười và ý nghĩa của từng cách cười. Cười sảng khoái, thoải mái có vui cười, reo cười, mắc cười muốn chết, cười ha hả, cười giòn, cười toe toét, cười bò càn bò niểng, cười hì hì, cười rùm, cười lăn cười lộn, cười sặc sụa, cười nắc nẻ, cười ngặt nghẽo, cười tươi, cười khoái trá, cười vô tư, cười ngây, cười mãn nguyện, cười sang sảng, cười nghiêng ngửa, cười lăn cù lăn chiên, cười như điên, cười xòa, cười tít mắt, cười thoả thích, cười bể bụng, cười nôn ruột, cười khì… Diễn tả về cười đùa vô duyên thì có cười cợt, cười góp, cười hùn, cười khín, cười vô duyên... Lại có cách nói và ý nghĩa của cười nhưng cố ém, hoặc có ẩn ý, như: chê cười, tức cười, nực cười, cười khẩy, cười thầm, cười mũi, cười trừ, cười giả lả, cười ba ngoe, cười lỏn lẻn, cười ngả ngớn, cười xã giao, cười xộ (cười rồi nín, bẽn lẽn vì ngay lúc đó nhận ra mình vừa lầm)… Với chuyện không đáng cười nhưng vẫn cười thì có có cười ra nước mắt, cười lạt, cười khan, cười gượng, cười nửa miệng, cười ruồi... Cười với ý chê bai, chế nhạo, khinh, giận, dọa thì có: cười ngạo nghễ, cười gằn, cười khinh khỉnh, cười nhạo, cười sau lưng, cười trước mặt…

Từ đó có thể nói mỗi cái cười đều có duyên do. Cười, ngoài mục đích giải khuây, tạo lạc khoái cho mình, cho người; còn biểu thị sự đồng cảm, hoặc khen, hoặc chê, tỏ rõ sự bất bình, thậm chí đả kích! Tất cả đều chuyên chở đầy ắp ý vị, rất thâm sâu, chứ đâu chỉ cười một cách đơn điệu. Trong nhiều kiểu cười đã kể trên, kiểu cười nào cũng thể hiện rất đậm tính văn hóa, kể cả cách cười bị cho là “vô duyên” vì suy cho cùng sự nhìn nhận về cái cười ấy cũng không hẳn là vô nghĩa. 

Chỉ cần ghi nhận ở người Nam Bộ thôi, cũng đủ thấy cái cười của họ biểu lộ thái độ tình cảm hết sức phong phú, đa dạng. Ðiều không thể không ngạc nhiên là cái cười nào cũng sắc sảo nhưng lại rất nhẹ nhàng - nhẹ nhàng đến mức làm cho không ít người đã lầm là người Nam Bộ chỉ cười để mà cười! Người Nam Bộ có những cái cười không kém sâu sắc, nhưng lại thể hiện rất cao tinh thần xây dựng, chân tình chứ không ác cảm, và họ thường bảo nhau: “Cười người chớ khá cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười”.

Nói tóm lại, cái cười của người Nam Bộ không phải chỉ cười đùa cho sảng khoái kiểu “vui cười” hay “cười chút chơi” mà hầu như mọi cái cười của họ ít nhiều đều chuyên chở ý nhị, sâu lắng. Rất đúng khi cho rằng:“Cái cười của người Nam Bộ không thuộc về khả năng tư duy mà thuộc về tính cách con người được thể hiện qua lối tư duy” (Huỳnh Công Tín, Tạp chí Bông Sen). Tính cách ấy được hình thành qua sự tác động không ít từ vị thế địa chính trị, địa văn hóa của một vùng đất đã tạo nên nét độc đáo trong tính cách Nam Bộ. 

Nói và cười của người Nam Bộ còn là cả một nghệ thuật: “Chồng giận thì vợ làm lành / Miệng cười chúm chím, thưa anh giận gì?”. Trong chiều hướng đó, những gì ghi nhận được trong bài viết này chính là để hiểu thêm về một nét văn hóa và vận dụng cho đúng.