Bìa album “Trách ông Nguyệt Lão” của nhạc sĩ Nguyễn Quang Long.
Vốn sinh ra ở quê hương Kinh Bắc gắn với những câu hát quan họ, rồi theo học ngành thanh nhạc, lý luận âm nhạc ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, trong Nguyễn Quang Long hội tụ hai con người: một là nghiên cứu lý luận và một nghệ sĩ biểu diễn. Vì vậy, trong suốt quá trình phục hồi, lưu giữ và truyền bá những câu hát xẩm, Nguyễn Quang Long vừa ở vai trò nhà nghiên cứu vừa trực tiếp hát những câu xẩm.
Hơn 3 năm trước, Nguyễn Quang Long giới thiệu album “Xẩm Hà Nội”. Sau đó, Nguyễn Quang Long cùng nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Khương Cường, Phạm Đình Dũng thành lập nhóm Xẩm Hà Thành, với mong muốn góp phần tái hiện lại nét đẹp của Hà Thành 36 phố phường xưa kia và thổi thêm sức sống mới để nét đẹp ấy được nối dài theo hơi thở của thời đại. Cũng từ đây, nhiều bài xẩm do Nguyễn Quang Long sáng tác ra đời và được công chúng đón nhận: “Xẩm Trà đá”, “Tiễu trừ cướp biển”, “Xẩm Đường lưỡi bò”, “Xẩm Cá chết”, “Bốn mùa hoa Hà Nội”,” Tứ vị Hà thành”…
Từ những đam mê và tâm huyết với nghệ thuật truyền thống, Nguyễn Quang Long không ngừng dấn thân để đưa xẩm hòa vào đời sống đương đại với nhiều loại hình giải trí thời đại mới đã, đang phát triển như vũ bão. “Trách ông Nguyệt Lão” của Nguyễn Quang Long chứng minh điều này, 9 bài xẩm. đều là những sáng tác của anh, trong đó, 3 bài được khai thác từ thơ của hai thi sĩ thuộc hai thế hệ anh cảm thấy đồng điệu về tâm hồn, là Nguyễn Bính và Hồng Thanh Quang để lồng điệu xẩm trở thành những bài hoàn chỉnh là “Chân quê” (Nguyễn Bính), “Thôi em cứ việc lấy chồng” và “Nghĩ kỹ mà xem” (Hồng Thanh Quang).
Điều đặc biệt, album “Trách ông Nguyệt Lão” còn góp mặt những giọng ca danh tiếng, điều này tạo nên sự đa dạng trong phong cách âm nhạc của album. Đó là nghệ sĩ hát xẩm Mai Tuyết Hoa, NSND Thúy Ngần và nữ danh ca Thu Phương, Khương Cường. Thông qua album cũng nói lên được phần nào bức tranh âm nhạc mà Nguyễn Quang Long không ngừng cống hiến cho đời sống âm nhạc trong hơn hai thập niên qua. Có điểm khá đặc biệt và độc đáo của những bản thu âm trong album, đó là do đặc thù của hát xẩm nên toàn bộ các bản thu âm này đều được thu theo lối mộc, người hát và nhạc cụ chính cùng thể hiện và thu âm trực tiếp chứ không hòa âm trước để tạo thành bản nhạc beat sau đó nghệ sĩ mới thu phần hát như cách thu phổ biến hiện nay. Đây là nét riêng tạo cho người nghe cảm giác như đang được nghe nhóm xẩm trình diễn trước mặt.
Theo đánh giá của nhà thơ Hồng Thanh Quang, album xẩm mới nhất của Quang Long là nỗ lực cá nhân của nghệ sĩ và nhóm xẩm Hà Thành. Nguyễn Quang Long và các đồng nghiệp trẻ của mình đang đưa xẩm thành thể loại nghệ thuật với biên độ cảm xúc và biểu cảm rất nhiều. Hát xẩm vừa hay là dựa trên những làn điệu có sẵn nhưng khó ở chỗ thể hiện tài năng và cá tính riêng của mình. Khi nghe Nguyễn Quang Long và nhóm xẩm Hà Thành cất lên tiếng hát, như thấy xẩm và đời sống đương đại khăng khít lạ lùng.