'Đêm thơ Việt Nam năm 2022' tại TP Hồ Chí Minh

Tối 14/2, Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Đêm thơ Việt Nam năm 2022” với chủ đề “Xuân”.

Chú thích ảnh Tiết mục bình thơ và ngâm "Rằm Tháng Giêng" của nghệ sỹ Hoàng Đức Tâm. 

 

Chương trình “Đêm thơ Việt Nam năm 2022” với 16 tiết mục đặc sắc bao gồm các thể loại như ca cảnh, liên khúc, ngâm thơ… cùng sự góp mặt của các nghệ sỹ như Cao Công Nghĩa, Đài Trang, Ngọc Quang, Ngọc Mai, Dương Quốc Hưng và Guitarist Trịnh Vũ, nhóm MTV.SG, nhóm 135 và nhóm Nhật Nguyệt, nghệ sỹ múa Nguyễn Đình Bảo Bảo…

Các tiết mục nổi bật tại chương trình như “Gái xuân”, “Xuân ca”, “Nụ cười xuân”, “Lắng nghe mùa xuân về”… là sự giao thoa giữa bình thơ cùng với ngâm thơ, tương tác cùng âm nhạc dân tộc để tạo một không gian thơ và tình.

Chú thích ảnh Tiết mục ngâm thơ "Nụ cười xuân" của nhóm ca diễn MTV.

 

Trước đó, năm 2021, do tình hình dịch COVID-19, Đêm thơ Việt Nam phải hoãn lại. Năm 2022, Bảo tàng Áo dài Việt Nam (thành phố Thủ Đức) đã tổ chức chương trình Đêm thơ Việt Nam với mong muốn tạo điều kiện giao lưu giữa các nghệ nhân thơ ca với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Đối với người yêu thơ, đây là một sự kiện quan trọng, một ngày lễ đầy ý nghĩa không thể thiếu mỗi dịp Xuân về. Tại đây, mọi người dân, đặc biệt là các bạn trẻ có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động như múa, hát, đọc thơ. Qua đó, Đêm thơ cũng giúp các bạn trẻ hiểu hơn về thơ cũng như giữ gìn và phát huy thơ Việt Nam. Tại Đêm thơ còn diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa khác như trình diễn đọc thơ, ngâm thơ, thổi sáo, trình diễn quan họ và trải nghiệm ẩm thực chợ quê.

Ngày thơ Việt Nam là ngày hội tôn vinh thành tựu thơ ca Việt Nam được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, là một món quà tinh thần quý đối với những người yêu thi ca. Dù mỗi năm Ngày thơ Việt Nam được tổ chức với một chủ đề khác nhau và mỗi chủ đề đều có một ý nghĩa riêng, đi qua nhiều cung bậc cảm xúc nhưng Ngày thơ Việt Nam đều hội tụ những tư tưởng nhân văn sâu sắc và truyền cảm hứng tới tất cả công chúng.

Chú thích ảnh Ngâm thơ và Ca khúc "Hồn quê" dưới sự trình bày của nhóm nghệ sỹ Đài Trang, Như Hảo, Kiều Trinh, Phi Lan, Minh Đức, Quốc Anh và Tiến Cường. 

 

Đến nay, Ngày thơ Việt Nam càng được hoàn thiện hơn theo hướng đa dạng hóa về nội dung, lễ hội hóa về phương thức tổ chức thu hút đông đảo hàng triệu nhà thơ và công chúng yêu thơ trong và ngoài nước tham gia.

Có thể nói, Ngày thơ Việt Nam đã phần nào đáp ứng được nhu cầu thưởng thức thơ của người dân. Đây không chỉ là một ngày hội mà còn là một sân chơi đầy bổ ích dành cho mọi lứa tuổi. Qua đó, khuấy động, kích thích không khí thơ, biến nó thành ngày hội trong sinh hoạt, sáng tạo, thưởng thức, giao lưu của công chúng và những người làm thơ, đồng thời tái hiện, hội nhập, tiếp bước và nâng cao, làm hiển minh những giá trị thi ca, lễ hội dân gian, sinh hoạt văn hoá truyền thống của dân tộc từ ngàn xưa. Bên cạnh đó, Ngày thơ còn là sự biết ơn tiền nhân, tôn vinh thi ca quá khứ và kỳ vọng vào sự đổi mới của thi ca tương lai.