GIÁ TRỊ PHỤ THUỘC VÀO THỊ HIẾU CỦA NGƯỜI CHƠI
Huyện Hoài Đức, Hà Nội mới đây đang nổi lên thương vụ giao dịch 1 giò lan phi điệp đột biến mang tên “Bạch Tuyết Á hậu” có giá trị 20 tỷ đồng. Một kie (mầm con phát triển từ mắt của cây lan mẹ) lan đột biến “Huyền thoại bướm đại ngàn” được bán với giá 15 tỷ đồng; Hay chậu lan Juliet đột biến với giá lên tới hàng chục tỷ đồng...
GS.TSKH Trần Duy Quý - Nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Chủ tịch Hội Hoa lan Hà Nội cho biết: “Ở góc độ khoa học, hiện nay trên thế giới có khoảng 35.000 loài lan, trong đó Việt Nam có khoảng hơn 1.009 loài khác nhau. Trong đó, lan Hoàng Thảo có hơn 100 loài, loài này có rất nhiều loại đột biến khác nhau đang tạo ra cơn sốt trên thị trường. Đột biến là một hiện tượng xảy ra trong tự nhiên, nó có thể đột biến một gen hoặc nhiều gen. Hiện tượng bên ngoài có thể nhìn thấy được nhưng cũng có những đột biến thể hiện ở bên trong không nhìn thấy được mà phải dùng phương pháp tách triết hóa học mới nhìn thấy. Còn bình thường màu sắc của hoa, thân, lá, rễ... những người am hiểu lan có thể nhìn và nhận biết được ngay”.
Lan đột biến đang làm “khuynh đảo” thị trường trong nước bởi tâm lý ai cũng muốn sở hữu những bông hoa đẹp, độc, hiếm. Vì vậy, việc một giò lan đột biến có giá lên đến tiền tỷ là chuyện bình thường bởi giá trị này phụ thuộc rất lớn vào thị hiếu của người chơi.
Giáo sư Quý cho biết thêm: “Hoa lan đột biến thường biểu hiện ở màu sắc cánh hoa. Đột biến là do tác động của các tác nhân bên ngoài và bên trong. Bên ngoài là do các tác nhân của tia vũ trụ như tia hồng ngoại, tử ngoại, các tia bức xạ mặt trời, các vụ nổ của bom hạt nhân và dưới tác động của nhiệt độ bất thường, chênh lệch ngày đêm. Các yếu tố bên trong là do quá trình trao đổi chất do cơ thể sinh ra, những chất này tích tụ lại gây ra đột biến. Trong những đột biến ấy có đột biến có giá trị nhưng cũng có đột biến không có giá trị”.
CHƠI LAN ĐỘT BIẾN LÀ CHƠI MẶT HOA GIỐNG HỆT CÂY MẸ
Về nguyên tắc, hầu hết các loài cây trồng đều có thể nuôi cấy mô được. Tuy nhiên trong quá trình nuôi cấy mô về mặt kiểu gen vẫn giữ được, nhưng kiểu hình do tác động chặt chẽ giữa môi trường và kiểu gen nên đôi khi nó không giống với bố mẹ. Khi chơi lan đột biến người ta luôn chú trọng đến kiểu hoa, nếu như hoa không giống mẹ sẽ bị loại.Việc nuôi cấy mô chỉ được áp dụng với những loài lan cắt cành, dễ làm và đặc biệt là những loài lan dùng để làm thuốc. Còn đối với những loài lan đắt đỏ, có giá trị cao thì không nên sử dụng phương pháp này bởi sự rủi ro rất lớn.
GS.TSKH Trần Duy Quý - Nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Chủ tịch Hội Hoa lan Hà Nội
Lan đột biến vốn rất quý hiếm bởi hàng chục vạn giò mới có được một giò lan đột biến. Việc các giao dịch hoa lan đột biến được đẩy giá lên tới hàng chục tỷ đồng là có thật bởi lan đột biến có giá tiền tỷ, cá biệt có giò lên đến hàng chục tỷ là có thật bởi những lý do sau: Nguồn gen đặc biệt quý hiếm lần đầu được phát hiện trong tự nhiên, ở Việt Nam (chưa từng có ai sở hữu hay đặt tên) có mặt hoa đẹp - độc - dị, có hương thơm, màu sắc, kết cấu bông hấp dẫn, khác biệt rất lớn so các loại lan đã có trước đó; Đoạn thân dài và số lượng kie, mầm gốc nhiều; Nhiều người mong muốn sưu tầm sở hữu; Không thể nhân giống nhân tạo đại trà; Khó chăm sóc, đòi hỏi sự cầu kỳ đòi hỏi phải có sự am hiểu về hoa lan nhất định...
Hiện nay, cũng có một số người không hiểu về lan đột biến hay gọi là lan Var nên đưa ra rất nhiều thông tin không đúng sự thật. Họ đem so sánh giữa lan đột biến với lan công nghiệp (sử dụng bằng phương pháp nuôi cấy mô). Vì thế, để chơi lan an toàn, hiệu quả, người chơi nên tìm hiểu rõ thế nào là lan đột biến và lan công nghiệp để tránh tình trạng bị mắc lừa bởi những người buôn bán “không có tâm”.
“Hoa đẹp thường được thể hiện ở màu sắc, cấu trúc hoa cân đối và hương thơm quyến rũ, dáng cây đẹp thì những người chơi lan, mê lan sẽ “mê” và muốn được sở hữu bằng được. Chính vì vậy việc đẩy giá lan “lên trời”, vượt quá giá trị thực của nó là điều hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, những người thực sự hiểu lan, am tường về lan thường cất công đến những vườn lớn, uy tín để mua hàng cho đảm bảo. Và họ chính là những người tiêu dùng thông minh”, Giáo sư Trần Duy Quý - Nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Chủ tịch Hội Hoa lan Hà Nội chia sẻ.
GS.TSKH Trần Duy Quý chia sẻ: “Hiện nay có nhiều người vì lợi nhuận mà tạo ra lan đột biến bằng phương pháp nuôi cấy mô, bán với giá cao. Loại này cho ra nhiều kie nhưng hoa rất ít, thậm chí không nở hoa và đôi khi màu sắc hoa cũng không đẹp như loài gốc. Vì vậy khách hàng cần có sự hiểu biết nhất định để phân biệt được đâu mới là hoa “xịn”.
GIẢM THIỂU RỦI RO CHO NGƯỜI CHƠI LAN
Với mong muốn được tìm hiểu rõ hơn về thị trường lan đột biến, PV đã có buổi tham quan thực tế Vườn Lan Tấn Phong. Vườn Lan này hiện có gần 1.000 loài lan, từ những loài dân dã có giá vài chục nghìn đồng đến những dòng lan cao cấp có giá trị lên đến tiền tỷ. Mỗi giò lan ở đây được phân chia thành từng khu vực khác nhau, được chăm sóc theo các phương pháp khác nhau để tạo ra những giá trị riêng biệt cho thị trường.
Anh Nguyễn Huy Tấn - Chủ vườn Lan Tấn Phong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Hoa Lan Việt Nam (ảnh trên) chia sẻ: “Lan được chia làm ba loại: Giống quý sẽ dành cho những ai chuyên sâu nghiên cứu về lan; Những giống giá trị vừa sẽ dành cho người thích có sự khác biệt ở trong sân vườn; Giống hoa có giá trị bình thường sẽ dành cho đa số người chơi. Để ổn định thị trường lan hiện nay, theo tôi nên thành lập một Hiệp hội nhằm định giá được giá trị thực của hoa lan; Có chế tài rõ ràng để tránh làm cho thị trường này bị nhũng nhiễu bởi những thông tin tiêu cực. Đặc biệt để phát triển ổn định được ngành lan thì cần có một cơ sở đứng ra định hướng cho người chơi lan và chủ vườn lan trên cả nước”.
“Thực tế hiện nay đã xuất hiện những người ăn theo, bán cây không đúng mặt hoa cho những người mới chơi lan và ham rẻ nên khiến cho thị trường bị đảo lộn. Tôi khuyên những người chơi lan khi mua hàng phải tìm hiểu kỹ, nên lựa chọn những cơ sở bán lan uy tín, những đơn vị của các Hội, Câu lạc bộ chính thống để đảm bảo cho việc không bị tiền mất, tật mang”, anh Tấn nói.
Tháng 11/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chính thức cấp phép hoạt động khoa học cho Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát triển Hoa lan Việt Nam. Điều này càng khẳng định uy tín của ngành lan Việt Nam không chỉ được các tổ chức Hội nghề nghiệp quan tâm mà còn được các cơ quan Nhà nước ghi nhận, tin tưởng.
Thực hiện: Vân Hương - Minh Nguyệt