Khoảng 30 năm trước, khi lần đầu tiên tôi tới, thấy chùa rất đơn sơ, cổ kính. Muốn lên chùa phải đi bộ leo khoảng 2.500m, thường phải mất 2 tiếng. Chùa cũng muốn tu bổ lại nhưng việc vận chuyển vật liệu vô cùng khó khăn, nên nhà chùa có đề nghị phật tử, khách hành hương khi lên thăm chùa mang dùm cho 1 viên gạch từ chân núi lên chùa, nhiều người nghĩ cầm 1 viên thì bõ bèn gì, chơi mỗi tay 1 viên... nhưng khi đến chùa cũng chỉ còn 1 viên hoặc có khi không còn viên nào. Thế mới thấy việc xây chùa ngày xưa không dễ dàng chút nào. Nghe nói chùa rất linh thiêng nên khách thập phương hành hương về chùa rất nhiều, nhất là dịp tết hoặc các ngày lễ Phật.
Do nhu cầu của người dân và kích cầu du lịch, năm 2003, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng tuyến cáp treo Tà Cú, đây là 1 trong những tuyến cáp treo đầu tiên ở VN. Chính nhờ tuyến cáp treo này mà việc vận chuyển khách du lịch, nguyên vật liệu xây dựng chùa được dễ dàng hơn. Vậy mà gần 20 năm chùa vẫn chưa hoàn thành, mới xong được bên ngoài, còn nội thất, chánh điện vẫn chưa hoàn chỉnh. Khách thập phương vẫn phải thắp hương cho Phật ở bàn thờ tạm bên ngoài chùa chính đang xây.
Ấn tượng nhất trên chùa là 3 pho tượng Phật Di Đà, Quan Thế Âm và Đại Thế Chí với nước sơn màu trắng, tạo nên sự tinh khiết giữa màu xanh của trời và lá cây rừng. Khi mới có cáp treo tôi đã lên đây và thấy các pho tượng này luôn được khoác áo choàng rất đẹp, nhưng năm nay lại không thấy. Tiếp theo là tượng Phật Thích Ca nằm dài 49m, cao 11m. Tôi nghe nói đây là công trình của 1 vị tướng hồi chế độ cũ đã dùng trực thăng vận chuyển nguyên vật liệu lên xây dựng. Ngày nay, pho tượng Phật nằm này được công nhận là pho tượng dài nhất Đông Nam Á.
Ai đã lên đến Linh Sơn Trường Thọ Tự đều cảm thấy thoải mái, tâm hồn thư thái, ở đây có thể nhìn thấy biển Tân Hải, Lagi, thấy hòn Bà giữa biển nước mênh mông, thấy những khu vườn thanh long ngút ngàn, một loại cây đã trở thành đặc sản của huyện Hàm Thuận Nam nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung. Có thể nói, tỉnh Bình thuận giàu lên là phần lớn nhờ vào cây thanh long này.
Hiện nay, khu du lịch núi Tà cú đã sang lại cho tập đoàn TTC, không biết TTC có chiến lược phát triển du lịch núi Tà Cú như thế nào? nhưng giá vé đi cáp treo đã tăng từ 100 ngàn 1 người lên 250 ngàn rồi. Có lẽ dấu ấn của TTC là tượng ông phật Di Lặc được tạc bằng đá của núi Tà Cú ngay trên đường đến 3 pho tượng Phật. Còn lại không khác gì so với 6, 7 năm trước, có khi còn cũ kỹ hơn.
Bên cạnh khu chùa đang xây, có quán cơm chay của chùa phục vụ khách thập phương do các đệ tử phụ nấu, với 25 ngàn 1 dĩa cũng đầy đủ các món và rất ngon. Trên đường từ chùa chính lên tượng Phật nằm cũng có dịch vụ cho thuê bạt, võng cho khách ngả lưng hay tổ chức ăn uống dưới những tán cây rừng rợp bóng xanh mát, có cả thợ chụp hình, rửa lấy ngay rất thuận lợi.
Tuy đã có hệ thống cáp treo, nhưng con đường leo bộ vẫn tồn tại song song. Rất nhiều người muốn trải nghiệm, thử thách, họ đã đi bộ lên chùa.
Hàng năm, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn tổ chức giải thi leo núi Tà Cú, nhưng năm nay do dịch covid nên tạm hoãn.