Mấy anh em rủ nhau cuốc bộ. Tâm trạng được gặp lại quê hương sau bao năm trong chiến trường vừa đi vừa chuyện trò, ra đến bến phà đã thấy người và xe nối đuôi nhau thành hàng dài chờ phà sang cập bến. Anh em tôi vào cửa xếp hàng ưu tiên đứng đợi. Không hẹn mà nên toàn đồng hương gặp nhau vui cười chuyện như pháo ran. Con phà cập bến, mọi người đi bộ chạy ngược lên dốc và đẩy những xe đạp thồ rau hoa quả của vùng Thuận vi Bách tính.
Khi chiếc xe ô tô cuối cùng lao lên con phà tròng trành. Dưới sự hướng dẫn của nhân viên nhà phà tiếp tục đón xe xuống trước và đoàn người chen chúc nhau chạy xuống dốc phà. Vẫn con phà cũ kĩ như ngày nào chúng tôi lên đường nhập ngũ. Chiếc ca nô nổ máy giật đùng đùng mới đẩy được con phà nặng nề chậm chạp sang sông, tiếng máy nổ toành toạch hoà lẫn hơi dầu ma zút khó chịu. Không giống như con phà hai tầng phương Nam nhẹ nhàng sang sông rông lớn như khúc sông này cập bến bằng mặt đường bằng phẳng... Chia tay bạn bè, tôi về làng không hề báo trước, cây đa cổ thụ và chiếc cầu đá vẫn còn. Qua cửa chợ mọi người nhìn tôi ngỡ ngàng, chắc họ chưa nhận ra anh bộ đội nhỏ con có vết sẹo lớn làm biến dạng khuôn mặt chăng..? Một cụ già nhận ra và lên tiếng:
- Thằng Trung con bác Kiên đã về..!
Mọi người chạy ra, người đỡ hộ chiếc khung xe đạp, người khoác giúp chiếc ba lô con cóc, ngạc nhiên khen con búp bê bằng đứa trẻ con biết nhắm mắt khi nằm nghiêng. Trong những người đó có cả vợ tôi, trước còn ngập ngưng sau ôm chầm lấy tôi và khóc nước mắt dàn dua, quên mất trước bao người chứng kiến... Việc đầu tiên khi bước vào nhà là vắng bóng song thân phụ mẫu. Tôi oà khóc trước bàn thờ, nhìn đi ảnh của hai người sinh thành ra tôi. Và không khỏi ngạc nhiên có ảnh của tôi dưới hàng bát hương hai cụ. Bên cạnh là khung tấm bằng GIA ĐÌNH VẺ VANG lồng kính dã ngả mầu vàng. Bữa cơm đoàn tụ gia đình, trước cô dì chú bác tôi thuật lại qua đôi nét về trận Mậu Thân bị thương lạc trong thành phố may nhờ có dân cứu chữa cưu mang, sau đó bổ sung vào dơn vị khác...!
Đã hơn một tuần lễ tôi không làm quen được với thằng con trai, mặc dù tôi đã tặng nó con búp bê. Nó cứ nấp vào sau lưng mẹ nó như nghi ngờ không phải nó qua lời mẹ kể. Bố nó to con trắng trẻo, đằng này sẹo to trên mặt đen nhẻm gày gò và đen như vỏ củ ấu luộc mỗi khi mẹ nó đi chợ mua về làm quà. Đã nhiều lần tôi đẻ ý thấy cô em gái tôi kém vui mỗi lần khi tôi gạ gầm chuyện trò với đứa trẻ. Rồi một hôm hai anh em ra đồng gặt nốt đám lúa ở mảnh ruộng phần trăm của nhà. Cô em gái tôi mới kể chuyện và đột nhiên hỏi:
- Anh xem thằng con trai có nét gì giống bên nội nhà ta không, rặt cái mặt tay chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán, mắt híp, trán dô, tóc quăn, răng vẩu, cứ tính tuổi nó biết thừa cái giống đi xin...!
Tôi hỏi:
- Cơ bản đối với thầy bu mình hồi anh xa nhà ra sao mới là cơ bản..?
- Việc ấy anh cứ hỏi hàng xóm.
- Việc nhà mình lại hỏi thiên hạ là thế nào Tôi gặng lại cô em gái.
Vừa lúc đó vợ tôi mang xe đạp có quang trành ra thồ lúa. Tôi giúp vợ đẩy xe thồ lúa men theo bờ kênh dẫn nước. Tôi cứ băn khoăn về hôm họp làng, gặp tay chủ nhiệm HTX mua bán, hắn cứ nhìn trộm tôi và né tránh..?! Đêm đêm hai vợ chồng tâm sự, tôi hỏi chuyên lan man về quê hương làng xóm thời chiến tranh. Sau đó hỏi việc học hành của cậu con trai ra sao, hình như vợ tôi đã linh cảm điều gì. Nàng ngập ngùng rồi úp mặt vào ngực tôi thút thít, nghẹn ngào, nước mắt ấm đã thấm qua làn áo may ô của tôi nóng hổi như thấm vào tim tôi để xin bỏ qua lỗi lầm quá khứ...! Tôi lùa những ngón tay vào làn tóc bềnh bồng thơm hương lá sả vừa gội ban chiều:
- Ngủ đi em, mai ta còn đi làm sớm ..!
Theo Chuyện quê