Cái đám rước dâu ở làng Vạn Bảo ngày hôm nay chẳng phải lớn hay rình rang gì cho cam, ấy thế mà lại khiến người ta xôn xao bàn tán, kéo cả làng ra xem. Sự là cô dâu năm nay vừa tròn mười tám, cô tên Tiên, người đẹp như tên, đã thế lại còn vẹn đường cái nết. Người từ nơi khác tới cái làng này mà hỏi, mười người thì đến chín người trả lời rằng cô Tiên là cô gái đẹp người đẹp nết nhất làng. Người như thế nói trai làng này, trai làng khác rồi trai làng kia xiêu lòng đốn tim vì cô cũng chẳng ngoa. Ấy thế mà có ai ngờ được, bao nhiêu đám tốt cô Tiên còn chẳng ưng một ai, đùng một cái lại đồng ý gả cho một gã đàn ông hơn mình những ba chục tuổi. Mà người đàn ông này có giàu có gì cho cam. Từ khi tin cô Tiên sẽ lấy ông Trọng truyền ra, cả làng đã bàn tàn xôn xao, nhất là đám trai tráng vừa bất mãn vừa tiếc hận. Cái việc bàn tán ấy kéo đến tận lễ cưới đang diễn ra lúc này. Bọn trẻ con trong làng chẳng biết là do nghịch ngợm hay là có kẻ ghen ăn tức ở với ông Trọng khi không lại lấy được người đẹp nên xúi bẩy đám trẻ mà chúng chạy loạn quanh đám rước, vừa chạy vừa nghêu ngao đồng thanh hát mấy câu tục ngữ:
- Trâu già gặm được cỏ non, chưa chắc gặm được, khéo lại gãy luôn cả hàm.
- Chim khôn lựa nhánh lựa cành/Gái khôn lựa chốn trai lành gửi thân.
- Cưới vợ không cheo, như néo không mấu/Cưới vợ không cheo, tiền gieo xuống bể.
Xen lẫn nhưng tiếng nghêu ngao tròng ghẹo của đám trẻ là tiếng của người lớn nhỏ to:
- Thật là, sao cô Tiên lại đồng ý lấy ông Trọng chứ? Người đẹp như thế kiếm đâu chẳng được tấm chồng tốt. - Một cô chép miệng
- Tôi cũng chẳng hiểu nổi. Nếu ông Trọng giàu có thì còn có nhẽ, đằng này - Một anh thở dài.
- Ấy trước kia đúng là ông Trọng giàu có, là bá hộ có cơ ngơi to nhất nhì cái làng này. Chỉ là mấy năm trước không may, kho lụa bị cháy, không kịp giao hàng cho người ta, phải nộp tiền phạt lớn lắm, rồi từ đấy vận rủi cứ bám riết, làm ăn ngày càng thua lỗ, lại thêm đứa em trai không lo cùng anh tu chí làm ăn, cứ suốt ngày tổ tôm, núi vàng núi bạc thì cũng cắp nón ra đi hết - Một bà kể lể.
- Ai biết đâu được. Người ta nói nhà giàu tán gia bại sản vẫn còn khối của ăn của để hơn nhà nghèo. Có khi cô Tiên biết ông Trọng vẫn còn của lắm nên mới đồng ý lấy - Một chị nguýt dài.
- Được thế đã tốt. Nghe đâu ông Trọng còn chẳng có tiền cheo [1] mà cưới vợ. Là cô Tiên phải bỏ tiền ra nộp cho làng hộ đó - Một anh bĩu môi. - Không nghe bọn trẻ hát sao?
- Kể cả thế thì cũng có sao. Chú chỉ biết một mà không biết hai. Nhà ông Trọng mấy đời làm lụa, lụa đẹp có tiếng trong vùng. Cô Tiên không vì tiền thì có khi vì cái bí quyết nghề dệt cũng nên - Chị kia cong cớn đáp lại.
- Có khi thế cũng nên, cô Tiên mà lấy được bí nghề tổ truyền rồi, dễ đá ông Trọng lắm. Người trẻ đẹp thế kia cơ mà - Một người hùa theo.
- Haizzz, có gì đâu mà thắc mắc bàn tán nhiều. Họ lấy nhau vì một chữ yêu mà thôi. - Một cụ già chép miệng.
Lời cụ vừa thốt ra lập tức lại có cả ối người nhao nhao phản bác. Mặc kệ nhiều lời nhiễu nhưỡng, cụ già nọ chỉ điềm đạm đáp:
- Chuyện của người ta, các người là người ngoài cũng hay được chăng?
Lời ấy cụ nói mới phải làm sao. Tại sao cô Tiên lại lấy ông bá Trọng nay đã thất thế chỉ có họ mới tỏ được.
*
Mười hai năm về trước....
Ở quê mất mùa đói kém, mẹ góa con côi nhà Tiên phải dắt díu nhau tha hương sang vùng khác kiếm ăn. Đến được làng Vạn Bảo nọ thì mẹ Tiên cũng kiệt sức vì đói. Sự đời lại cứ chó cắn áo rách, cái đói kéo theo đau ốm bệnh tật. May sao năm ấy, cô bé sáu tuổi là Tiên lại vẫn khỏe mạnh, lại đủ lanh lợi khôn ngoan để đi cầu xin người cứu mẹ mình. Khi đó, ông Trọng đương 36 tuổi, trong làng quen gọi là cậu Trọng. Mối duyên giữa hai người bắt đầu khi Tiên vì vội vàng chạy đi tìm người giúp đỡ mà ngã oạch trước mũi giày sang trọng của cậu Trọng nhà ông bá hộ ở bờ sông. Cậu Trọng bấy giờ dù là quý tử của nhà ông bá giàu có trong vùng nhưng lại là người tử tế, đối nhân xử thế hòa ái thân thiện với dân làng. Thấy có đưa bé gái ngã trước mặt mình liền không ngại người nó nhem nhuốc bẩn thỉu mà đỡ dậy. Tiên ngước mắt nhìn người đàn ông có ánh mắt ấm áp dịu dàng vừa đỡ mình. Đôi mắt con bé trong veo lanh lợi nhìn thẳng vào cậu chẳng chút e dè. Nhìn cái mặt mèo bầu bĩnh và đôi mắt to tròn ẩn nét tinh nghịch lém lỉnh của nó, cậu buột miệng đọc câu đối viên quan nhà Nguyên từng thách đố ông Mạc Đĩnh Chi thời Trần khi ông trạng đi sứ ra mà trêu nó:
- Can Mộc Hoành Cừ Lục Giả Tương Như Tự Đạo (Nghĩa là: “Gỗ thẳng, cầu ngang, đường đi ngỡ là đất phẳng”).
Cậu Trọng chỉ buột miệng đọc trêu vậy thôi chứ cậu chẳng mong đứa bé gái này hiểu được, ấy thế mà nó rành rọt đáp lại cậu ngay bằng câu đối của ông Mạc Đĩnh Chi.
- Bẩm cậu, Đại Đình An Thạch Vọng Chi Nghiễm Lược Thiên Thai (Nghĩa là: “Đình to, đá vững, nhác trông như thể (núi) Thiên Thai”) - Tiên lễ phép khoanh tay thưa.
Ngạc nhiên qua đi, cậu Trọng bật cười xoa đầu nó:
- Giỏi lắm.
Nhìn phục sức của Trọng lại thấy thái độ dễ gần cậu, Tiên chẳng nghĩ nhiều chỉ cho rằng người này có thể cứu được mẹ mình liền quỳ xuống:
- Lạy cậu, xin cậu cứu mẹ con.
Trông vẻ lanh lợi thông minh của con bé, cậu Trọng lại nảy ra ý định cố ý làm khó:
- Cậu giúp mày thì mày lấy gì trả ơn cho cậu. - Cậu khoanh tay nhìn nó.
- Con xin lấy thân báo đáp, nguyện suốt đời nâng khăn sửa túi cho cậu ạ. Mong cậu giúp cho - Tiên hồn nhiên đáp. Một đứa trẻ sáu tuổi dẫu có thông minh đến mấy thì vẫn là trẻ con, vì nóng lòng cứu mẹ nó liền đáp bừa bằng mấy câu hay nghe trong mấy vở chèo được diễn đầu đình.
Cậu Trọng nghe câu trả lời của nó lại bật cười và cũng đùa lại:
- Được. Chỉ cần sau này lớn lên, mày đừng có mà chê cậu già rồi nuốt lời đấy.
Lời hứa "nâng khăn sửa túi" của đứa bé gái sáu tuổi, cậu Trọng sau đó liền quên khi tiếng cười tan chỉ còn Tiên là vẫn còn nhớ đến tận mười hai năm, nhớ đến lúc cậu Trọng đồng ý cho nó thực hiện lời hứa mới thôi.
................
Cậu Trọng cho thầy lang cứu mẹ Tiên lại cho hai mẹ con ở tạm cái lều dựng để gác đêm trong ruộng dâu nhà cậu, rồi lại cho họ làm công trong xưởng dệt lụa của nhà.
.
Cậu Trọng đã ba sáu tuổi mà vẫn chưa thành gia lập thất. Cũng có lắm kẻ tò mò là tại sao đến giờ cậu vẫn lẻ bóng trong khi với gia thế tiền tài nhà cậu thì ối đám tranh nhau nhưng ngại nỗi sợ kẻ cao sang nên chẳng dám bàn tán gì nhiều, sợ đến tai nhà cậu thì vạ vào thân. Sợ vạ thân thì vạ thân nhưng vẫn có đứa bạo gan rỉ tai nhau rằng cậu Trọng mắc bệnh khó nói không thể lấy vợ.
.
Mẹ con nhà Tiên cứ an an ổn ổn ở lại làng Vạn Bảo mà làm thuê cho nhà cậu Trọng rồi dần dần cũng thạo cái nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa của làng này. Cậu thấy con Tiên càng lớn càng sáng láng được việc, liền cho nó theo hầu cậu việc sổ sách xưởng dệt, dạy thêm nó ít chữ và cách tính toán để tiện giao việc. Thầy Tiên vốn là thầy đồ nên từ nhỏ cô cũng được học một chút, sau khi thầy cô mất cuộc sống của hai mẹ con mới trở nên khó khăn, dòng đời đưa đẩy mới đến sống ở làng này. Năm tháng thoi đưa, thầy mẹ cậu qua đời, cậu và em trai kế thừa sản nghiệp. Người làng đổi cách gọi thành ông bá Trọng. Trước còn thầy mẹ, em trai ông Trọng còn đỡ, nay không còn ai kiêng sợ liền đổ đốn, liền thêm bạn bè xấu rủ rê chỉ suốt ngày bài bạc tổ tôm, chè chén, ả đào con hát. Ông Trọng khuyên thế nào cũng không được. Của nả thầy mẹ chia cho em trai ông Trọng chẳng mấy không cánh mà bay, lại về ăn bám anh. Ông Trọng quản lý gia sản rất tốt nhưng cái lần gặp họa, kho lụa dệt theo đơn đặt hàng của mấy ông lớn trên kinh bị cháy rụi cả khiến ông khốn đốn, phần vì vốn liếng đổ vào đấy nhiều, phần vì nộp phạt để xoa dịu mấy ông trên còn hơn là dính đến họa quan quyền. Người ta nói "họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai". Sau đó mấy đợt làm ăn của ông đều thua lỗ, đứa em thì chẳng chịu tỉnh ngộ vẫn cứ phá gia chi tử, miệng ăn núi lở huống hồ cứ phá như em ông. Đến lúc thằng em giời đánh lén mang cả khế ước ruộng đất nhà cửa đi nướng vào bài bạc hết cả mà vẫn không đủ trả nợ cho mấy xới bạc, chúng kéo đến nhà làm ầm lên, ông mới ngã ngửa. Thằng em thua bạc trán đời, uống rượu say mèm vào một đêm trăng thanh ngã lộn cổ xuống ao chết đuối. Gia sản thầy mẹ để lại tiêu tan, đứa em trai duy nhất chết, ông Trọng đem chút tiền phòng thân còn lại lo ma chay tử tế cho nó. Sau đám tang thằng em, ông Trọng lâm bệnh nặng ngỡ chẳng dậy nổi. Lúc giàu có sung túc thì nhiều kẻ tìm đến, khi khốn khó cơ nhỡ thì người liền chạy xa, kẻ ăn người ở đã bỏ đi từ lâu, chẳng có ai lo cho, ông Trọng nghĩ phen này mình cũng chết.
.
- Ông tỉnh rồi, may quá đã hạ sốt. Ông làm con lo muốn chết. Sao ông lại thảm đến nông nỗi này. Con mới đi có hai năm chứ mấy mà trở về ông đã thành thế này rồi - Tiên lúc này vừa bước sang tuổi mười tám vừa thay khăn đắp trên trán ông Trọng vừa cằn nhằn.
- Mày khóc đấy à? - Ông Trọng nhìn đôi mắt đỏ hoe của Tiên, khàn giọng hỏi.
Tiên quay ngắt mặt đi, đưa tay áo lau mặt, trề môi:
- Con thèm vào khóc ấy. Con chỉ thấy có ông khóc nức nở than thầy gọi mẹ trong mơ thôi.
- Con gái lớn phải nết na thùy mỵ. Mày cứ đanh đá ngoa ngoắt như thế khéo ế đấy con ạ - Ông tặc lưỡi.
- Đám trai làng này mê con như điếu đổ mà con còn chưa thèm ưng đấy - Tiên quay lại lườm ông, đoạn nói - Thôi ông nghỉ đi cho khỏe, con về nấu chút cháo cho ông ăn ấm bụng.
.
Trở về nhà Tiên xuống bếp nhóm lửa, bắc nồi nấu cháo. Mẹ con cô bây giờ không còn ở túp lều ở ruộng dâu nữa mà đã có một căn nhà nhỏ tương đối khang trang với tường đắp đất và lập ngói đàng hoàng. Cũng là nhớ mười năm qua, mẹ con cô thạo nghề lại khéo tay nên kiếm ăn cũng khá, tích lũy được chút của ăn của để. Lụa Vạn Bảo nổi tiếng khắp nơi nhưng gần đây cũng nhiều làng lụa khác nổi lên, lụa cũng tốt lắm nên Tiên liền quyết định khăn gói đến mấy làng đó học hỏi. Cô đi tròn hai năm, đến khi quay về mới hay nhà ông bá Trọng xảy ra chuyện. Cô nhặt được ông Trọng đang nằm co ro ở gốc đa đầu làng liền tá hỏa tất tả lôi ông về túp lều ở ruộng dâu. Vốn định lôi ông về nhà tiện chăm sóc nhưng lại sợ lời ra tiếng vào của chòm xóm nên đành để ông ở đấy.
.
Nhờ Tiên ngược xuôi chạy ngược chạy xuôi chăm sóc thuốc thang cuối cùng ông Trọng cũng khỏi bệnh, chỉ là tinh thần chưa vực được dậy hoàn toàn.
- Tôi đã khỏe hẳn rồi, cô Tiên lần sau đừng qua đây nữa. Không hay cho cô lắm. - Hôm nay, Tiên vừa tới, ông Trọng liền nói.
- Tại sao? - Tiên không vui hỏi vặn lại ông.
- Cô thông minh đáo để là vậy mà không hiểu ý tôi sao - Ông Trọng cau mày.
- Con chẳng hiểu gì sất. - Tiên hừ nhẹ. - Ông nói thẳng ra đi.
- Cô đã đến tuổi cập kê rồi, chẳng còn là trẻ con như xưa nữa. Cô cứ qua lại với tôi như thế này, lời ra tiếng vào, sau này sao mà lấy chồng - Ông Trọng thở dài.
- Không lấy được chồng, thì con lấy ông là xong. Dù sao ngày xưa con cũng đã hứa nguyện suốt đời nâng khăn sửa túi cho ông - Tiên buột miệng đáp ngay. Nói xong nàng sững người, vội đưa tay che miệng, hai má đỏ ửng xấu hổ nhưng không bỏ chạy.
Ông Trọng đần mặt một hồi rồi cười xòa:
- Cô Tiên không cần vì cái ơn tôi cứu mẹ cô ngày xưa mà phải trả đâu.
Ai dè ông vừa nói xong, nàng thiếu nữ xinh đẹp như trăng rằm trước mặt liền bĩu môi:
- Cái ơn ấy, con trả từ hôm tha ông trắng bệch như xác chết ở gốc đa về đây rồi. Còn gì nữa đâu mà trả.
- Nếu thế thì năm nay Trọng tôi cũng đã tứ thập bát tuế rồi, chẳng còn hơi sức mà đùa với cô nữa - Ông Trọng lắc đầu.
- Con không đùa - Tiên nắm lấy bàn tay đang xua xua đuổi cô về của ông Trọng, lắp bắp mãi mới nói được thành câu, dù bình thường nàng mồm mép bẻo lẻo nhưng thiếu nữ mới lớn lại "cọc đi tìm trâu" có lẽ nào không xấu hổ thẹn thùng:
- Con...con...thầm mến...ông lâu rồi nhưng nghĩ phận mình...không xứng với ông... Nay thì khác, ông không còn là voi nữa mà đã xuống chó.
Tiên nói xong rồi bối rối buông tay ông Trọng ra, hai tay cứ xoắn lấy vạt áo tứ thân để khỏa lấp sự thẹn thùng.
- Cô Tiên nói phải, nay tôi đã xuống chó, giờ phải là tôi không xứng với cô. Cô Tiên đẹp người đẹp nết nhất làng, kiếm đâu mà chẳng được tấm chồng tốt. Các cụ nói:"Ăn đong cho đáng ăn đong/Lấy chồng cho đáng hình dong con người/Ăn đua cho đáng ăn đua/Lấy chồng cho đáng việc vua việc làng". Tôi nay trắng tay, chẳng có gì sất, cô theo tôi khéo phí một đời - Ông Trọng lắc đầu thở dài từ chối. Thực ra từ lâu tự lúc nào chính ông cũng không hay, hình bóng của Tiên đã chiếm một vị trí quan trọng trong tim ông. Cô khiến ông quên đi người con gái mà ông thương mến đã qua đời mấy chục năm trước. Ban đầu thứ tình cảm, ông giành cho cô còn mơ hồ, cứ nghĩ là đối với cô như bậc cha chú nhưng đến khi thấy mình ghen tức lúc Tiên cười nói với đám trai làng và tức giận trước ánh mắt hau háu của mấy gã thanh niên nhìn Tiên là lúc ấy ông Trọng biết tim mình đã bị cô gái nhỏ năm nào cướp mất tự bao giờ chẳng hay. Ông đắn đo muốn ngỏ lời với Tiên mà vẫn chưa dám, phần vì sợ Tiên chẳng thèm ưng mình phần ngại nỗi tuổi tác hai bên cách biệt khiến thiên hạ đàm tiếu. Miệng lưỡi thế gian vốn lắm cay nghiệt, ông chỉ sợ Tiên chịu tổn thương. Tình yêu thì chẳng có gì sai nhưng thế gian người ta tuy chẳng rảnh để quan tâm đúng sai nhưng lại dư hơi để bàn tán hỏi han xì xào. Mà ông Trọng thì chẳng muốn sầu vương trên đôi mi như nhung của Tiên. Ấy là khi đang giàu sang phú quý, ông còn lo còn lắng như thế, nay ông trắng tay, tuổi cũng đã lớn, đầu hai thứ tóc rồi, sức vóc chẳng còn như trai tráng khỏe mạnh để mà làm lại từ đầu, lúc này Tiên theo ông thì chỉ có khổ cái thân mà thôi.
- Ông nói đúng lắm, bây giờ ông không xứng với con, ông vừa già vừa nghèo
Tiên chống nạnh vênh mặt, rất là đắc ý nói:
- Thế nên cưới con về xong, con sẽ không cho ông lấy bà hai, bà ba, bà bốn...nữa. Con chỉ sợ ông không thương con thôi.
- Không, tôi cũng thương Tiên lắm.
Lần này đến lượt ông Trọng buột miệng, nói ra lời ấy xong ông hối hận vô cùng, đáng ra ông nên làm mặt lạnh kiên quyết từ chối, như thế tốt cho Tiên hơn dù rằng như thế ông rất đau:
- Bây giờ tôi nghèo lắm, gả cho tôi, Tiên sẽ khổ ghê.
- Lấy chồng khó giữa làng hơn lấy chồng sang thiên hạ. Con không sợ khổ - Tiên dịu dàng nắm lấy tay ông.
- Ông đừng đắn đo chi nữa. Ông cũng tự biết mình già, sống còn được bao lăm nữa mà cứ đắn đo, không lấy con thì ra ma, mà lấy con thì cũng ra ma. Tơ hồng ông trời đã nối rồi. Ông phải để cho con chút thể diện chứ, ông có thấy cái cọc nào đã đi tìm trâu, lại còn là trâu già mà phải nói nhiều như con không? - Cô ấm ức.
- Đằng nào người ta cũng nói, nếu như tôi còn giàu có thật thì đỡ oan cho em khi mang tiếng tham giàu mà lấy một gã chồng già như tôi.
Ông nắm chặt tay cô:
- Tiên, tôi sẽ gây dựng lại gia nghiệp từ đầu, vừa để tạ tội với thầy mẹ vừa để em đỡ tủi khi mình chẳng thế mà lại còn bị người đời gán tội cho.
- Ông nói được thì phải làm được đó nhé.
Nàng nguýt rồi tựa đầu với trán ông.
- Con cũng sợ đàm tiếu lắm. Nhưng kệ đi. Ruộng bề bề cũng chẳng bằng cái nghề trong tay. Ông vẫn còn bí quyết của tổ nghề, con có đôi tay, chúng ta không lo chết đói.
Ôm lấy bờ vai thon thả của Tiên, ông Trọng khẽ cười:
- Còn xưng ông, con sao? Giờ tôi không còn là ông bá hộ nữa mà sắp là chồng em.
*
Sau đám cưới, cô Tiên đem hết số tiền tích cóp được mấy năm qua ra làm vốn cùng với số tiền mà ông Trọng thu được từ một số khách còn nợ tiền hàng, hai vợ chồng sắm được một mảnh ruộng dâu, mua ít tằm giống và một cái khung cửi cùng vài thứ lặt vặt cần thiết để dệt và nhuộm vải. Ai cũng bảo cô Tiên lấy ông Trọng sẽ khổ vì ông Trọng từ nhỏ là cậu ấm, trước giờ chẳng phải làm việc nặng, nay cũng chẳng còn ở độ tuổi trai tráng đương sức lao động nữa. Ờ đấy là người ngoài nhìn vào. Còn nước nóng lạnh thế nào thì chỉ có người uống mới biết. Ông Trọng giành hết việc nặng trong nhà, tranh thủ làm được việc gì là làm hết chẳng để Tiên phải mó tay vào. Chòm xòm trông vào bảo ông Trọng đã luống tuổi lại thất thế mà kiếm được cô vợ trẻ đẹp như Tiên nên phải cưng chiều là phải. Cô Tiên trước sự cưng chiều của chồng thì chỉ gật gù:
- Đó là việc đương nhiên mình phải làm. Tiếp tục cố gắng phát huy, có điều đừng cố quá mà thành quá cố, mình mà mất sớm là tôi đi bước nữa liền, đừng hòng mong tôi ở giá.
...
Người làng hết đồn lại đoán cho rằng ông Trọng và cô Tiên chẳng ở với nhau được lâu. Thế mà họ cứ tắt lửa tối đèn bên nhau cũng đã năm năm. Nhờ cần cù chịu khó làm ăn nên cuộc sống dần bớt khó khăn, đủ ăn đủ mặc. Con trai của họ năm nay đã lên ba. Thằng béo bụ bẫm kháu khỉnh rất đáng yêu. Vừa nựng nựng đôi má của con, ông Trọng nhìn cô Tiên cười đùa:
- May là năm mình sinh con, tôi mới có ngũ thập tuế, chứ lớn tuổi thêm tí nữa có khi trong làng lại đồn ầm lên đây chẳng phải con tôi cũng nên.
- Trông con giống mình như đúc, ai mà nói láo là biết tay tôi
Cô vợ của ông liền ngoa ngoắt đáp lại ngay.
- Chậc, ghê gớm thế này mà ở làng ai cũng bảo cô Tiên hiền dịu thùy mỵ
Ông lấy ngón trỏ dí yêu vào trán vợ.
*
Thời gian như chó chạy ngoài đồng. Lại thêm năm năm nữa trôi qua, ông Trọng đã vào tuổi năm mươi tám, còn cô Tiên thì hãn ngấp nghé đầu ba. Vào cái tuổi sắp chạm tới chữ băm, cô Tiên vẫn trẻ đẹp, tuy rằng không còn nét thanh xuân của thì con gái nhưng lại mặn mà quyến rũ, dường như được chồng chiều chuộng yêu thương nên cô ngày càng đẹp ra. Cô đi ra đường, ối kẻ phải ngoái lại nhìn theo. Thế nên mới có chuyện hay. Một lần ông Trọng bận ở nhà lo việc, cô Tiên thay chồng chuyển hàng lên kinh cho khách, lúc về lại có gã cậu ấm bám theo tới tận làng, bám chân cô đến tận nhà. Nghe đâu là do gã này vừa trông đã say đắm cái nhan sắc kiều diễm hớp hồn khiến cánh mày râu trông đến mòn con mắt của cô nên bám theo cưa cẩm dai như đỉa, cô đuổi thế nào nhất quyết cũng không đi. Trông gã trai trẻ không mời mà đến đang lỳ mặt ngồi ở nhà mình, ông Trọng vẫn lịch sự mời trà. Nhưng kẻ kia lại chẳng thèm để cái lịch sự của ông vào mắt mà nể nang một chút.
- Nghe bọn con buôn kháo nhau, cô Tiên có lão chồng già. Tôi cứ ngỡ cùng lắm trông như cha con là cùng, ai ngờ trông cô với lão chẳng khác gì ông cháu. Lão lại chẳng lo được cho cô cuộc sống ăn sung mặc sướng, đeo vàng đeo bạc. Cô bỏ quách lão theo tôi đi, tôi sẽ giao cả gia sản của mình cho cô quán xuyến.
Gã ngả ngớn đong đưa với Tiên đang sầm mặt đứng sau chồng rồi hất hàm với ông Trọng:
- Ông già rồi, có vợ trẻ đẹp thì cũng có làm ăn gì được nữa, chi bằng nhường lại cho tôi, tôi cho ông một số tiền lớn mà dưỡng lão. Thế nào?
Đến đây thì ông Trọng chẳng chịu được nữa, ông liền ném quách cái lịch sự vừa nãy đi mà mắng xơi xơi vào gã cậu ấm đang mồi chài vợ mình kia:
- Tiên sư bố mày, cút ngay khỏi nhà ông. Ông đây già râu, già tóc, già người thật nhưng nói về yêu vợ thì còn lâu ông đây mới già.
Cô Tiên cũng không nhịn được nữa, chả thèm tiếc một mối làm ăn rất hời mà tốc váy lên chửi phụ họa với chồng:
- Mày về đi. Mày có đem tiền muôn bạc vạn đến đây thì cũng chẳng mua được cái tình của bà. Ngu si cũng thể chồng ta/Dẫu rằng tốt đẹp cũng ra chồng người. Huống hồ chồng bà chỉ già thôi chứ những thứ khác đố mày theo kịp.
Trước đôi vợ chồng dữ dằn, gã cậu ấm nọ hoảng sợ mà bỏ chạy đứt guốc.
Lâu lâu sau này thỉnh thoảng ông Trọng lại trêu cô Tiên là ngày ấy có hối hận mắng gã mà để mất một mối lớn không thì cô đáp rằng cô chỉ hối là hôm ấy không kìm chế được mà để lộ bản chất thật trước mắt người làng hiếu kỳ đến xem ồn ào, thế là đi tong hình tượng hiền dịu thùy mỵ cô đã mất công gầy dựng bao năm.
*
Hai vợ chồng ông Trọng cô Tiên chăm chỉ miệt mài lao động lại thêm được trời thương tạo vận may dần dần cũng xây dựng lại được một cơ ngơi, tuy rằng chẳng thể so sánh được với cơ ngơi của ông bá Trọng từng có nhưng cũng khiến nhiều kẻ phải ao ước ganh tỵ. Lúc này người làng lại càng cho rằng cái thuyết cô Tiên trẻ đẹp là thế mà đồng ý lấy ông Trọng là do tham giàu, mờ mắt trước đồng tiền là đúng. Họ chẳng thèm để tâm đến bao mồ hôi nước mắt mà hai vợ chồng cô phải bỏ ra mới có ngày hôm nay. Giờ ông Trọng đã bảy mươi, mái tóc nhìn kỹ mới thấy sợi đen, còn cô Tiên bước sang đầu bốn nhưng trông vẫn ngọt nước lắm. Hai vợ chồng đi cạnh nhau, bảo là ông cháu thì ai cũng tin, đến khi nói là vợ chồng thì ai cũng tặc lưỡi bảo trông như đôi đũa lệch. Cô Tiên hồi mười tám vẫn còn thơ trẻ dù rằng lòng quyết lấy ông Trọng nhưng khi thị phi xì xào của người đời lọt vào tai vẫn không khỏi chạnh lòng, cũng may là năm ấy cô có mẹ ủng hộ. Giờ cô cũng đã thành vợ của ông Trọng được hai mươi hai năm rồi, đủ loại lời ra tiếng vào đã nghe chán chê nên chẳng thèm vào mà chạnh lòng rồi buồn tủi nữa. Cô chỉ buồn tủi khi ông Trọng đến tuổi về với tổ tiên mà bỏ lại cô mà thôi. Ông Trọng qua đời năm tám mươi. Trước khi mất, ông giơ bàn tay gầy guộc đầy đồi mồi nắm lấy tay cô nói những lời yêu thương cuối cùng:
- Cổ nhân có câu thất thập cổ lai hy, tôi thọ đến bát thập tuế cũng là nhờ trời thương xót. Dẫu biết rằng không nên tham lam, nhưng tôi vẫn mong được sống tiếp, tôi không nỡ bỏ lại bà. Tiên, bà vẫn còn trẻ, con cái lớn rồi cũng có gia đình riêng của nó, nếu thấy cô quạnh quá thì hãy đi bước nữa mà có người bầu bạn. Dưới suối vàng tôi sẽ mỉm cười mà chúc phúc cho bà, chẳng hề oán giận gì đâu.
- Đương nhiên, tôi sẽ không làm góa phụ đâu. Đời chồng đầu đã lấy chồng già rồi, đời chồng thứ hai tôi sẽ kiếm chồng trẻ - Bà Tiên gạt nước mắt bông đùa.
- Thế thì thôi bà cứ ở vậy cho sướng thân. Chứ giờ bà già nua xấu xí rồi đâu còn xuân sắc như xưa mà đòi lấy trai trẻ, không khéo lại chỉ gặp phải mấy đứa hám của đào mỏ - Ông Trọng lo lắng vội gàn.
- Ừ thì không lấy nữa, tôi ở vậy cho sướng thân. - Bà Tiên gật đầu - Còn ông ở dưới ấy trong lúc tôi chưa xuống mà dám léng phéng với con nào thì liệu hồn.
- Tôi sẽ thủ thân như ngọc thế nên bà cứ yên tâm mà ở dương gian hưởng thọ thật lâu nhé.
....
Suốt hai mươi năm sau đấy, người dân làng Vạn Bảo đều rất quen với hình ảnh một người đàn bà chiều chiều ra một ngôi mộ ven sông ngồi tâm sự trò chuyện với người đã yên nghỉ dưới lòng đất. Người chưa hay hỏi ra mới biết người đó là chồng bà. Chồng bà hơn bà ba mươi tuổi nên mất trước bà nhiều năm. Đến một ngày người ta không còn trông thấy bà ra thăm chồng nữa thì chợt nhận ra không biết từ lúc nào đã thêm một ngôi mộ nữa ở ven sông. Năm xưa nhiều kẻ thắc mắc chẳng biết tại sao đôi chồng già vợ trẻ như đũa lệch này lại lấy nhau. Đến nay cả hai đều đã qua đời sau mấy chục năm chung sống hòa thuận hạnh phúc kể cả lúc đói khổ nhất. Câu trả lời có lẽ chỉ là "yêu" thôi nhỉ. Đũa lệch trong mắt người đời nhưng chỉ họ thấy đối phương với mình không "lệch" là được có phải không?
_________________________________
[1] Tiền cheo: Theo tập tục cưới hỏi ngày xưa, người con trai khi xây dựng gia đình, thì phải theo làng, nộp tiền cheo, đây là khoản được sung vào công quỹ của làng.
Chuyện làng quê