GỐM KIM LAN: LÀNG GỐM NGHÌN NĂM TUỔI

Trần Mạnh Thường

Nói đến làng gốm trên địa bàn Hà Nội, người ta nghĩ ngay tới làng gốm Bát Tràng, nhưng ít ai biết rằng nằm kề bên Bát Tràng còn có một làng gốm đã từng vang tiếng một thời, có tuổi đời hơn 1.000 năm có lẻ, lâu hơn cả làng gốm Bát Tràng, đó là làng gốm Kim Lan, cách trung tâm Hà Nội chừng 30km, về phía Đông Nam. Phía Bắc giáp với làng cổ Bát Tràng, phía Tây giáp quận Hoàng Mai.

Gốm cổ Kim Lan.

Làng Kim Lan (tên Nôm là làng Xươn), thuộc xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, cách làng Bát Tràng chỉ một con kênh, là một trong những cái nôi của nghề gốm sứ Kinh kỳ.

Theo các bậc cao niên trong làng, gốm Kim Lan có từ thế kỷ VII và phát triển rực rỡ nhất vào thế kỷ XII – XIII, là trung tâm gốm sứ kinh thành Thăng Long.

Còn theo truyền thuyết dân gian, làng Kim Lan được hình thành rất sớm có liên quan đến sự tích Chử Đồng Tử và Công chúa Tiên Dung. Chuyện kể rằng dưới thời vua Hùng thứ XVIII, Công chúa Tiên Dung, từ Kinh đô Việt Trì, theo sông Hồng đến làng Kim Lan, Công chúa thấy cảnh sắc nơi đây “sơn thủy hữu tình”, bèn cho dừng lại nghỉ ngơi, trước khi về làng Chử Xá, gặp Chử Đồng Tử. Đồng thời làng cũng có liên quan tới sự kiện lịch sử khởi nghĩa Hai Bà Trưng, năm 40 sau Công nguyên, khi một cánh quân của Hai Bà từ Luy Lâu đến tập kết tại làng Kim Lan, rồi từ đây tiếp tục vượt sông Hồng truy quét quân giặc. Điều đó càng khẳng định làng gốm Kim Lan đã có từ lâu.

Lò nung gốm.

Làng Kim Lan nằm bên tả ngạn sông Hồng, năm 1948, cả Kim Lan, Bát Tràng và Giang Cao hợp nhất thành xã Quang Minh. Đến Năm 1957, khi đào kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải, Kim Lan tách thành một xã riêng. 

Như trên đã nói, ít ai biết rằng Kim Lan vốn là một làng gốm cổ lâu đời, nhưng đến năm 1957, do mưa to gió lớn, bờ Bắc sông Hồng thuộc đất Kim Lan bị lở với độ sâu khoảng 5m, để lộ ra nhiều di vật: lọ, bình, bát, đĩa  với đủ các kích cỡ, mầu men... Năm 1980, một số gia đình ở xóm Chùa, đào đất xây nhà cũng thấy có những xâu bát nung quá lửa. Năm 1996, trên vùng đất Hàm Rồng lại tìm thấy 4 vò gốm đựng tiền cổ.

Sự việc diễn ra nhiều năm, số di vật bà con ở đây thu được ngày càng nhiều. Nhưng không thể xác định các di vật gốm này do đâu sản xuất và vào thời gian nào? Vì vậy, trước yêu cầu cấp bách của dân làng,  năm 2001 và 2003 Viện Sử học, Viện Khảo cổ học và Viện Bảo tàng Lịch sử  Việt Nam đã phối hợp khai quật vùng bãi Hàm Rồng, thuộc làng Kim Lan đã tìm thấy nhiều hiện vật gốm cổ. Qua nghiên cứu các nhà khoa học kết luận rằng: Làng Kim Lan là nơi sản xuất đồ gốm có từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII. Từ thế kỷ VIII trở đi gốm Kim Lan được xếp vào hàng những sản vật quý cùng với lụa, gấm. châu, ngọc... Nhưng đến thế kỷ XVIII, nghề gốm Kim Lan dần dần tàn lụi, bị lãng quên.

Phương pháp chế tác gốm Kim Lan ngoài một số đồ gia dụng tạo dáng trên bàn xoay, còn hầu hết khác với cách làm gốm của các làng nghề ở đồng bằng sông Hồng. Các sản phẩm của kim Lan như gạch, ngói, chum, vại... đều được làm bằng cách “đổ khuôn” . Những bình, lọ, chậu cảnh... được sản xuất bằng cách đổ đất sét, cao lanh xay nhuyễn, trộn với nước, tiếp đó. đổ vào khuôn thạch cao, sau đó đem phơi nắng cho khô, rồi mới hoàn thiện sản phẩm.

Chính do đổ khuôn, thời gian hoàn thành sản phẩm thô nhanh hơn cách tạo dáng bằng thủ công, nhưng sản phẩm làm ra đơn điệu, mọi cái đều giống nhau từ một khuôn đúc ra, không đa dạng như sản phẩm Bát Tràng. Do đó, sức tiêu thụ ngày một giảm.

Sản phẩm gốm Kim Lan chủ yếu là chậu cảnh, đôn, bình hoa, hũ rượu, đồ trang trí ở đình chùa, miếu mạo...Những chiếc chum, vại của Kim Lan tuy được thợ ở đây đánh giá khá đẹp, chế tác công phu, trông khá đơn giản thô mộc, nhưng khó có thể sánh với sản phẩm gốm Bát Tràng.

Gốm Kim Lan.

Gốm Kim Lan nung bằng lò than, cách nung thủ công này sản phẩm thu được không đạt năng suất, do sản phẩm hư hỏng nhiều trong quá trình tháo dỡ sản phẩm ra khỏi lò.

Trong số các di vật thu được qua các cuộc khai quật khảo cổ tại đây cho thấy gốm cổ Kim Lan cổ có  một số tráng men lam có chất lượng cao, phong cách trang trí hoa văn có thể so sánh với một số hiện vật tìm thấy ở Philippines và Indonesia. Điều này khẳng định rằng có khả năng sản phẩm gốm cổ Kim Lan đã từng được xuất khẩu ra nước ngoài.

Bình gốm Kim Lan.

Cùng với các làng gốm khác như Chu Đậu, Bát Tràng, Phù Lãng, Thổ Hà... gốm Kim Lan đã đang và sẽ góp phần làm đa dạng, phong phú hơn các sản phẩm gốm sứ Việt Nam.

Hình ảnh minh họa cuốn sách "Các làng gốm cổ truyền Việt Nam".

Bài viết của tác giả Trần Mạnh Thường trích trong cuốn sách "Các làng gốm cổ truyền Việt Nam" do Viện Kinh tế, Văn hóa và Nghệ thuật phối hợp với NXB Dân Trí xuất bản năm 2025.