Lư hương thế kỷ XVII.
Thổ Hà là tên gọi một làng nghề thủ công sản xuất gốm sứ, thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, nằm bên hữu ngạn sông Như Nguyệt (sông Cầu), là một ngôi làng cổ phong cảnh hữu tình “cây đa, giếng nước, sân đình” với những ngôi nhà san sát nằm sâu trong các ngõ cổ kính với những tường ngõ, tường nhà xây bằng những mảnh gốm vỡ hay những tiểu sành phế phẩm chồng lên nhau mà không dùng bất cứ một thứ vôi vữa, chất dính nào, mà chỉ dùng bùn sông Cầu kết dính.
Khác với các làng đồng bằng Bắc Bộ, dân Thổ Hà không có ruộng đất, ba mặt là sông nước, bao đời nay đều sống bằng “gạo chợ nước sông”, thu nhập chủ yếu từ nghề thủ công trong đó nghề gốm có từ lâu đời và nghề buôn bán nhỏ.
Thổ Hà nằm nghiêng nghiêng soi bóng sông Cầu, ba mặt sông bao bọc, như một ốc đảo, ra khỏi làng là phải đi đò. Làng có ba bến đò: Bến Chùa ở trước cửa đình, bến đò dưới ở xóm Bốn, bến đò trên ở xóm Một. Làng chỉ có một con đường bộ duy nhất chạy dọc theo bờ Bắc sông Cầu, xuôi theo dòng chảy.. Vuông góc với trục đường chính là các ngõ cổ sâu và hẹp, hun hút.
Do điều kiện tự nhiên thuận lợi, Thổ Hà là một thương cảng tấp nập, thuyền bè buôn bán ngược xuôi, ra vào bến sông Như Nguyệt, mang đi những hàng gốm sứ được thổi hồn từ đất và bàn tay khéo léo của nghệ nhân làng.
Thổ Hà là một trong ba trung tâm gốm cổ xưa nhất của người Việt bên cạnh Phù Lãng, Kinh Bắc, Bát Tràng đất Hà Thành. Theo gia phả các dòng họ trong làng và qua các di vật khảo cổ tìm thấy khẳng định rằng Thổ Hà là một trong những chiếc nôi của nghề gốm sứ của nước ta.
Các già làng kể: Ông Tổ nghề gốm Thổ Hà là Tiến sỹ Đào Trí Tiến. Vào thời Lý, thế kỷ XII, triều đình đã cử ba ông: Đào Tiến Trí, Hứa Vĩnh Cảo và Lưu Phong Tú là các quan của triều đình, đi sứ sang Bắc Tống (960 – 1127). Sau khi hoàn thành sứ mệnh triều đình giao cho, trên đường về nước, các ông đi qua Thiều Châu, Quảng Đông Trung Quốc, không may gặp phải bão lớn, phải nghỉ lại. Tại đây có lò gốm nổi tiếng, ba ông tranh thủ đến tham quan và học được kỹ thuật làm gốm.
Về nước, ông Đào Trí Tiến đến truyền nghề làm gốm sắc nâu sẫm cho dân Thổ Hà. Ông Hứa Vĩnh Cảo truyền nghề gốm sắc trắng cho dân chúng Bát Tràng, còn cụ Lưu Phong Tú về Phù Lãng truyền nghề gốm sắc vàng thẫm.
Từ đó nghề gốm sứ sắc nâu sẫm Thổ Hà phát triển rất nhanh, do sản xuất giỏi, giao lưu hàng hóa nhanh tốt. Gốm sắc nâu sẫm Thổ Hà chủ yếu làm đồ gia dụng: chum, vại, tiểu sành, chĩnh… Ngoài ra cũng có sản xuất một số đồ mỹ nghệ trang trí: đôn, chậu hoa, chậu cảnh, hoa văn rồng phượng cho các đình chùa…Gốm Thổ Hà nâu sẫm trông rất bắt mắt, mát dịu, mặt gốm đanh chắc, gõ kêu coong coong vang như tiếng chuông.
Những mảnh gốm xưa còn để lại dấu ấn trên các bức tường ngõ, tường nhà vẫn còn “nguyên hình vẹn trạng”, không hề một chút đổi thay. Vì thế, nếu có dịp đến thăm làng gốm Thổ Hà, là bạn đã bước vào trang sử với những nét đặc trưng nhất của kiến trúc nghệ thuật làm gốm. Điều này còn thể hiện rõ ở kiến trúc đình làng Thổ Hà được xây dựng năm 1692. Nói khác đi, đình làng Thổ Hà là một vật chứng lịch sử của nghề gốm Thổ Hà. Đó là các hoa văn rồng, phượng ẩn hiện trong mây hài hòa cùng con người và cây cỏ, hoa lá, chim muông …đã ghi lại dấu ấn bàn tay tài hoa của người thợ gốm Thổ Hà.
Lư hương thời Lê Trung Hưng.
Để có những sản phẩm, chum, vại, chĩnh, tiểu sành… có màu nâu sẫm, bóng nhẫy da lươn, rất bền đẹp, người thợ gốm Thổ Hà đã phải lặn lội đi mua đất sét từ Choá, huyện Yên Phong cách Thổ Hà trên 10km hoặc mua đất sét ở Xuân Lai, cách 12km, đường đi trắc trở, phải qua sông qua đò, vất vả. Đất sét ở đây là loại đất sét vàng, sét xanh, ít sạn và tạp chất, dễ tạo dáng và dễ định hình khi nung ở nhiệt độ cao. Nhờ vậy, nghệ nhân Thổ Hà có thể tạo ra các sản phẩm cỡ lớn với dung tích lên tới 400 – 500 lít.
Gốm Thổ Hà không thể trộn lẫn với bất cứ nơi nào, bởi gốm Thổ Hà không dùng men, nhưng với tài năng của người thợ chuốt gốm và đốt lò nung với một nhiệt độ nhất định sẽ tạo ra một lớp men vô hình mầu nâu sẫm, láng bóng như da lươn phủ kín mặt gốm.
Thổ Hà là một thương cảng rất thuận lợi cho việc giao lưu hàng hoá. Vì vậy thương nhân Thổ Hà có mặt khắp nơi. Sản phẩm gốm được xếp xuống thuyền xuôi dòng sông Cầu, thuyền về Phả Lại, thuyền ra biển cả vào tận miền Trung. Ngược sông Cầu lên Hiệp Hoà, Thái Nguyên, Bắc Kạn... . Theo dòng sông Thương, sông Lục Nam lên các chợ Vạn Phúc, chợ Chờ. Phù Lỗ…, rồi kẽo kẹt trên đôi quang gánh của các tiểu thương về các làng bản cung cấp chum làm tương, vại muối cà, lọ đựng hạt giống cho người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Dù phải đi xa, nhưng chợ Thổ Hà vẫn họp đông đúc, khách tứ phương đến mua hàng tận gốc. Tấm bia dựng năm Chính Hòa 14 (1693), đời vua Lê Hy Tông, đặt ở đình làng Thổ Hà ghi rằng: “Xưa Thổ Hà có bến đò và chợ Tam Bảo, mỗi tháng 12 phiên, mọi người tới mua đồ sành để giao dịch lưu thông … nhân dân nhà nào cũng có lò gốm, nung thành dụng cụ, năm nào vào mùa thu cũng mở hội vui mừng”.
Hình minh họa lò nung gốm.
Nghệ nhân với bàn tay làm gốm điêu luyện.
Từ xa xưa gốm Thổ Hà đã chiếm được cảm tình của người dân Hà Thành. Sử sách ghi rằng vào thời vua Lê Hy Tông (1680 – 1705) có hai thương nhân Thổ Hà đã đến tạm trú chùa Hà (Từ Liêm Hà Nội), để bán đồ gốm sứ ở các chợ trong và ngoài thành Thăng Long. Do buôn bán phát tài, hai thương gia cùng bà con khối phố cho xây lại chùa to lớn hơn với tường gạch, mái ngói. Hiện trong chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ bằng gốm Thổ Hà như bát hương, chum, vại chĩnh, ang…
Hình ảnh minh họa cuốn sách "Các làng gốm cổ truyền Việt Nam".