Ngày 21/7/2016, Viện KSND quận Long Biên kháng nghị lên TAND TP. Hà Nội, đề nghị hủy bản án sơ thẩm vụ tranh chấp đất thừa kế của gia đình ông Đinh Hữu Phương, trú tại tổ 1, phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội vì “trong hồ sơ thể hiện TAND quận Long Biên chưa thu thập tài liệu, chứng cứ để làm rõ phần di sản còn lại hiện nay trong di chúc cha mẹ mình để lại sau những biến động về đất”.
Mảnh đất nơi xảy ra vụ việc
Về việc này, Luật sư Bùi Văn Thấm VPLS Thủy Nguyên, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Về nội dung đơn kháng cáo của ông Đinh Hữu Phương và kháng nghị của Viện KSND quận Long Biên, theo tài liệu chứng cứ trong hồ sơ và lời khai của các đương sự trong vụ án cho thấy:
Về thời điểm mở thừa kế các bên đều đã thống nhất cụ Đinh Văn Chuy chết ngày 8/12/2006; cụ Phạm Thị Lý chết ngày 10/4/2000. Tính đến ngày 10/10/2009 ông Phương có đơn yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Chuy và cụ Lý để lại thì thời hiệu yêu cầu chia thừa kế di sản của hai cụ vẫn còn đúng với quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự. Tòa án nhân dân quận long Biên thụ lý và giải quyết yêu cầu của ông Phương là đúng.
Đơn kêu cứu của gia đình ông Phương tới các cơ quan chức năng
Về đất của hai cụ và ông Phương mua chung của bà Lê Thị Chinh ngày 14/05/1980 hết 15,000 đồng. Cụ Chuy góp 7,236 đồng, ông Phương góp 7,764 đồng. Ông Phương cùng ông Trần Công Bình mua chung ao của ông Lê Văn Đoán. Ông Phương góp 2,200 đồng, ông Bình góp 2,000 đồng. Tổng diện tích đất mua chung theo bản đồ địa chính của Ủy ban nhân dân thị trấn Sài Đồng cấp cho ông Phương năm 1992 và ngày 24/10/2008 là 1142m2. Tổng số tiền mua lại diện tích đất là 19,200 đồng chia cho 1142m2 bằng 16,8 đồng 1m2. Như vậy cụ Chuy và cụ Lý góp 7,326 đồng tương ứng với 425m2 đất.
Năm 1997 cụ Chuy đã nhận tiền bồi thường quốc lộ 5 là 119m2, đất bị mất do ông Dũng khai để cụ Chuy ký thiếu 42,5m2 tổng cộng là 161,5m2. Như vậy di sản của hai cụ là 425m2 - 161,5m2=263.5 m2 chia cho 8 suất thừa kế bằng 32,93m2 một suất thừa kế. Do có sự chênh lệch về số liệu nên về pháp lý phải căn cứ vào diện tích đất đo vẽ thực tế của Công ty địa chính Hà Nội đo vẽ là 850,5m2.
Đối với di chúc lập năm 1990 của cụ Chuy và cụ Lý: Di chúc được lập ngày 14/9/1990 nhưng sau hai tháng mới được chứng thực là không đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, đến năm 2000, sau khi cụ Lý chết thì cụ Chuy có làm giấy cho nhà đất đối với vợ chồng ông Dũng, vợ chồng ông Lương vợ chồng ông Tuấn và bà Dung. Song về nguyên tắc cụ Chuy chỉ được định đoạt phần di sản mà cụ được hưởng, chứ không được định đoạt cả phần di sản của vợ cụ Chuy là cụ Lý và những người đồng sở hữu theo phần góp khác. Hơn nữa, khi cụ Chuy còn sống cụ đã có ý kiến hủy bỏ di chúc và giấy cho đất mà cụ đã ký giấy trước đó vì cụ không tự nguyện.
Bản Di chúc
Ngày 22/12/1997 hòa giải lần 1 tại gia đình, bố ông Phương đã công khai hủy bỏ 2 bản di chúc năm 1989 và năm 1990. Tuy không có văn bản nhưng ông Phương đã ghi âm công khai và còn lưu giữ đĩa. Việc tuyên bố trên có mặt 8 người con đẻ và 2 con rể, 1 con dâu gồm: bà Nhì, ông Phương, bà Nương, ông Bình, ông Tuấn, bà Minh, ông Lương, bà Hiền, ông Châu, bà Dung. ông Thủy, ông Dũng. Tại cuộc họp này bố ông đã thừa nhận năm 1980 bố ông Phương chỉ góp tiền mua chung đất hơn 7,000đồng. Số tiền còn lại là do ông Phương góp để mua đất hiện nay đang tranh chấp.
Ngày 20/11/2004, bố ông Phương đã ký giấy ủy quyền cho ông Phương với nội dung: sau 3 năm kể từ ngày bố ông mất thì ông Phương đến Ủy ban thị trấn xin hủy hai bản di chúc năm 1989 và năm 1990 đồng thời hủy các giấy cụ ký cho đất ông Lương và ông Dũng, vì lúc đó bố ông Phương bị ông Dũng đe dọa thúc ép ký di chúc. Bố ông Phương còn yêu cầu truất quyền thừa kế của ông Tuấn và ông Dũng vì đã bạc đãi, đe dọa cụ.
Giấy ủy quyền trên do ông Phương viết, có chữ ký ông Phương và bố ông Phương, có người làm chứng là ông Hoàng Văn Minh (hàng xóm). Ngày 9/12/1988, cụ Chuy đã thừa nhận là cụ không mua ao chung.
Từ những cơ sở pháp lý và thực tế nêu trên, Luật sư Bùi Văn Thấm cho rằng hội đồng xét xử cần chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Đinh Hữu Phương và nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân quận Long Biên. Cụ thể:
Cần xác định diện tích đất đang tranh chấp hiện nay sau biến động mở rộng quốc lộ 5 là 850m2. Trong đó diện tích đất của ông Phương chưa trừ biến động là 348m2, của ông Bình chưa trừ biến động là 197m2, diện tích đất là di sản của bố mẹ để chia thừa kế là 263,5m2. Chia thừa kế theo pháp luật di sản của cụ Đinh Văn Chuy và cụ Phạm Thị Lý đối với 263,5m2 đất cho 8 thừa kế là các con của cụ Chuy và cụ Lý.
Không công nhận di chúc của cụ Chuy, cụ Lý lập ngày 14/9/1990 và các giấy cho nhà đất đối với ông Dũng, ông Lương, ông Tuấn và bà Dung.
Bản án sơ thẩm do TAND quận Long Biên
Chấp nhận yêu cầu của ông Phương đòi ngôi nhà mà cụ Chuy đã làm bằng tiền bồi thường Quốc lộ 5 của ông Phương trên đất cụ đã hứa trả ông Phương. Ông Lương phải trả lại tủ thờ bằng gỗ Tứ Thiết 3 buồng mua bằng tiền của bố ông, màu mận chín, cao khoảng 1,2m2, dài khoảng 2m, rộng khoảng 0,8m, tủ thờ này do ông Phương đứng ra mua, tiền ông lấy từ tiền chế độ chính sách của bố ông, mua năm 2007, số tiền trên 6 triệu đồng. Tủ thờ hiện đang đặt gian nhà ngoài của số nhà 823 Nguyễn Văn Linh mà ông Đinh Xuân Lương đang chiếm giữ trái phép.
Ngoài ra, cần chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Phương về phần án phí sơ thẩm và miễn tiền án phí sơ thẩm, phúc thẩm cho ông Phương theo quy định tại Nghị quyết số 326 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án vì ông Phương là người cao tuổi.
Trước quan điểm của luật sư Bùi Văn Thấm và tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án và phản ánh của ông Phương, thiết nghĩ các cơ quan chức năng có liên quan cần khẩn trương vào cuộc giải quyết dứt điểm vụ việc để sớm mang lại sự công bằng cho công dân theo tinh thần thượng tôn pháp luật.
Trước sự việc trên quan điểm của ông Phương cho rằng:Việc VKS quận Long Biên kháng nghị quyền thừa kế được chia theo di chúc là không có căn cứ. Bản án chưa xác định được tài sản của 2 cụ gồm những tài sản gì. Vậy căn cứ vào đâu để Tòa phúc thẩm tuy án vì trước đó ngày 20/11/2004 cụ Chuy ký thừa nhận cụ chỉ có 7.200 nghìn đồng và 2 chỉ vàng mua đất bà Chinh còn lại đều do ông Phương đóng góp. Ngày 9/12/1988 cụ Chuy ký giấy thừa nhận cụ không mua chung ao.
Thế nhưng, Tòa phúc thẩm TP. Hà Nội đã không thực hiện kháng nghị của VKS quận Long Biên vẫn tuyên án như bản án sơ thẩm. Vẫn dùng chứng cứ cũ có dấu hiệu trái với quy định của pháp luật để tuyên án. Bản án phúc thẩm là bản án tiêu cực, lợi ích nhóm?...