- Ủa sao mấy bác sĩ kia dặn tui kiêng đủ thứ, không được ăn cái này không được ăn cái kia.
- Haha thì mấy bác sĩ kia muốn tốt cho bà, bà nghĩ coi bà ăn có được nhiều nữa đâu, bà còn thèm ăn và muốn ăn là mừng rồi.
- Ờ he bác sĩ, tôi ăn đâu có được nhiều.
- Cả đời bà gồng gánh bao nhiêu áp lực rồi, 77 tuổi rồi, nếu tính luôn tuổi mụ là 78, vậy mà còn phải gánh gồng thêm áp lực về chuyện ăn uống nữa ... thì mệt lắm thay. Nghe con, thả lỏng, thích gì thì ăn nhưng ăn vừa đủ thôi và nhớ uống thuốc nghe.
Nhìn bà cụ lọm khọm đi ra khỏi cửa phòng mà thương. Bảy năm nay bà đến chỗ mình khám bệnh có mình ên dù bà khai có 7 đứa con.
- Bác sĩ đừng trách mắng tụi nó nghe. Tụi nó ở riêng hết à, với lại còn vợ còn chồng còn con ... Lỗi là do tôi, tôi sinh đẻ nhiều quá, lại không có của để dành cho con, giờ tụi nó phải đi làm vất vả. Kêu tụi nó dắt đi khám lại phiền tụi nó.
- Ơ bà .... Bà đã sinh con và nuôi con bằng một tài sản hết sức quí giá đó là tình thương của người mẹ. Có tình thương là đủ, con nghĩ mọi thứ khác chẳng ý nghĩa gì bà à.
Bạn thấy đó, nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi, sắp trút hơi thở cuối, người mẹ vẫn thương và luôn cố gắng bảo vệ con mình sợ bác sĩ trách chúng hờ hững.
- Bác sĩ này lạ à nghen, cho bệnh nhân ăn chè ăn chuối.
Một bệnh nhân nam, đái tháo đường, béo phì 57 tuổi lên tiếng với điệu cười khây khẩy.
- Dạ, ăn gì cũng được miễn ăn thấy ngon và thấy vui ạ. Một người ăn trong niềm biết ơn và niềm vui thì không thể ăn nhiều được. Một người biết yêu thương cơ thể mình, biết lắng nghe trái tim mình thì không thể nào béo phì được.
- Hả?
- Bởi vì khi chúng ta biết thương cơ thể mình, tâm hồn mình thì chúng ta sẽ tìm cách và hành động cho chúng đẹp hơn, tốt hơn, khoẻ hơn. Ví dụ, anh thương cơ thể anh nặng nề anh không thể ăn nhiều được.
- ....
- Giống như trong cuộc sống vậy, khi mình thương ai thì mình sẽ tìm cách và làm cho họ đẹp hơn, hạnh phúc hơn, bình an hơn. Chứ có ai thương nhau mà gây đau khổ và tù đày cho nhau?
- ....
- Ví dụ như nếu thương cơ thể mình chúng ta sẽ ngừng thuốc lá, ngừng rượu bia, ngừng những đêm thức khuya vì căng thẳng, ngừng những sinh hoạt tiêu cực. Chúng ta năng hoạt động thể thao ngoài trời, tìm những việc làm mang lại niềm vui, tìm những cuốn sách hay để đọc. Những chương trình tivi có thể làm chúng ta vui vẻ chốc lát, hời hợt nhưng đọc sách sẽ làm chúng ta chậm lại và sâu sắc hơn.
- Cảm ơn bác sĩ. Có lẽ anh về sẽ thay đổi.
- Chúng ta không biết thương lấy chính mình thì làm sao thương được người xung quanh. Có thể chúng ta có vợ có chồng có con nhưng tình thương đó không sâu sắc, sự hiện diện không làm tươi mát và bình an cho nhau. Chúng ta thương ai thật lòng thì sự hiện diện của chúng ta phải làm cho họ sống động hơn, đáng yêu hơn chứ không làm họ lo âu và mệt mỏi.
- ....
- Bác sĩ nói thì nói vậy thôi, tất cả đều là lý thuyết. Thực hành mới khó. Chỉ cần nhớ cho bác sĩ một điều ăn gì, làm gì, nghĩ gì là phải cân bằng. Ví dụ hôm nào lỡ ăn thêm cái bánh ngọt là phải đi bộ thêm 30 phút, nếu đau khớp gối thì ngồi xoay vòng, đánh tay, gập bụng. Khi chúng ta vận động thể lực sẽ làm mất đi năng lượng ăn vào. Thay vì tính chế độ Calories khó khăn hay cứ phải chú ý calories trên những hộp thực phẩm. Vận động thể lực, ăn ngon, ngủ ngon, suy nghĩ thoáng đạt ... giúp cơ thể tiết ra một lượng hormon mà các nhà khoa học gọi là hormon hạnh phúc, giúp chúng ta tươi trẻ và yêu đời hơn.
Rồi một bệnh nhân khác hỏi:
- Mẹ tôi có uống được cà phê không bác sĩ?
- Bác sĩ thần kinh có bảo ngừng cà phê cho bệnh nhược cơ không?
- Dạ không.
- Vậy tại sao lại ngừng cà phê khi bà cụ 84 tuổi, đã có cả đời uống cà phê rồi, biết đâu cà phê giúp bà ấy sống ngần ấy tuổi mà không có ung thư gan?
- Ơ ....
- Cho bà uống cà phê sữa cũng được, hay cho chút đường cũng được.
- Ơ ....
- Uống cà phê mà đắng quá đâu có phê, chúng ta thường thích những gì ngọt ngào hơn đắng cay, chẳng phải vậy sao? Chỉ là nhớ chỉnh lại chế độ ăn bớt tinh bột một chút, tập thể dục thụ động cho bà. Người già không cần kiểm soát đường huyết quá nghiêm ngặt. Đứng ở góc độ khác, sống phải có chất lượng cuộc sống, phải vui mới đáng sống. Tạo áp lực cho nhau để sống tốt hơn cũng tốt, nhưng bác sĩ đâu có thể ở bên bệnh nhân 24/24 một ngày đâu. Đôi khi bác sĩ chỉ thấy bệnh mà không thấy người bệnh. Đôi khi bác sĩ chỉ kê toa đúng phác đồ nhưng không biết để mua được toa thuốc đó là lương cả tháng của họ hay con họ.
Hãy thương cơ thể mình nghe.
Theo Chuyện quê