Với thân hình to khỏe, dũng mãnh, uy nghiêm và những vạch trên trán vẽ thành chữ "vương", hổ được tôn là vua của muôn loài.
Hình tượng con hổ đã xuất hiện từ lâu và gắn bó với lịch sử của loài người. Trong nhiều nền văn hóa khác nhau, nói về hổ là người ta luôn liên tưởng về sức mạnh, sự thanh thế, oai linh, vẻ đẹp rực rỡ nhưng đầy bí hiểm, sự uyển chuyển với cơ thể vằn vện thấp thoáng lượn sóng cũng như tính hung hãn của một dã thú. Hổ là loài động vật săn mồi hàng đầu và cũng là một biểu tượng của đẳng cấp chiến binh, toát lên vẻ đẹp khôi vĩ. Hổ là loài động vật tượng trưng cho sức mạnh nên được chọn làm linh vật biểu trưng cho nhiều tín ngưỡng và tôn giáo ở nhiều quốc gia. Có một số quốc gia đã chọn loài hổ là biểu tượng của đất nước.
Hổ Mã Lai là biểu tượng của Malaysia, tượng trưng cho lòng dũng cảm và sức mạnh của con người Malaysia. Hình ảnh của hổ Mã Lai xuất hiện trên phù hiệu áo giáp trên logo biểu tượng của Cảnh sát Hoàng gia Malaysia, ngân hàng Maybank, hãng ô tô Proton và cả Liên đoàn Bóng đá Malaysia. Chúng được coi như người hộ mệnh luôn sát cánh đất nước này vượt qua mọi sóng gió. Người Malaysia còn đặt biệt danh cho chúng là “Pak Belang” - “Quý ngài Lông Vằn”.
Hổ Đông Dương hay hổ Corbett là một phân loài hổ sống chủ yếu ở bán đảo Đông Dương, được tìm thấy tại Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam. Hộp sọ của hổ Đông Dương nhỏ hơn hổ Bengal; bộ lông có màu nền tối hơn với các sọc đơn ngắn hơn và hẹp hơn. Về kích thước cơ thể, chúng cũng nhỏ hơn hổ Bengal.
Một phân loài hổ nhỏ nhất còn sống sót đến nay là hổ Sumatra, được tìm thấy ở đảo Sumatra (Indonesia). Theo Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), chúng là loài cực kỳ nguy cấp khi quần thể hoang dã chỉ còn khoảng 441 đến 678 cá thể, chủ yếu sinh sống ở 5 vườn quốc gia trên đảo. Hổ Sumatra không có quần thể phụ lớn hơn 50 cá thể và đang có xu hướng giảm dần.
Trong khi đó, hổ Bengal hay Hổ hoàng gia Bengal được tuyên bố là con vật biểu tượng quốc gia của Ấn Độ từ năm 1973. Đây là loài hổ có số lượng lớn nhất trong tự nhiên với hơn 2.500 con, thể hiện cho sức mạnh và sự nhanh nhẹn. Đây là một phân loài hổ được tìm thấy nhiều nhất tại Bangladesh và Ấn Độ cũng như Nepal, Bhutan, Myanmar và miền Nam Tây Tạng, được liệt kê là loài có nguy cơ tuyệt chủng trong Danh sách Đỏ của IUCN kể từ năm 2008.
Hổ là một trong những con vật được trưng bày trên con dấu Pashupati của nền văn minh lưu vực sông Ấn. Hình hổ xuất hiện trên đồng tiền Chola. Các con dấu của một số đồng xu Chola khắc hình con hổ, con cá biểu tượng Pandya và cây cung biểu tượng Chera. Đồng tiền vàng được tìm thấy ở Kavilayadavalli ở bang Andhra Pradesh (Ấn Độ) có họa tiết của con hổ và cây cung. Tiền giấy Bangladesh có in hình một con hổ. Đảng chính trị Liên đoàn Hồi giáo Pakistan cũng sử dụng con hổ làm biểu tượng bầu cử.
Bên cạnh đó, hổ Bengal cũng liên tục được sử dụng trong các mặt trận văn hóa khác nhau như biểu tượng quốc gia, logo, thể thao, phim ảnh và văn học và cũng được sử dụng làm biệt danh cho các nhân vật nổi tiếng. Logo của Hội đồng Cricket Bangladesh có hình con hổ; đội bóng của Ấn Độ trong Liên đoàn cricket Ấn Độ được gọi là Hổ Hoàng gia Bengal, đội đại diện cho Tollywood trong Người nổi tiếng Cricket League được đặt tên là Hổ Bengal.
Trong tiểu thuyết phiêu lưu giả tưởng "Cuộc đời của Pi" và trong bộ phim chuyển thể năm 2012, một con hổ Bengal tên Richard Parker là nhân vật chính. Đại học Missouri có một con hổ Bengal là linh vật của họ; các sinh viên được gọi là hổ, đội thể thao của họ là Missouri Tigerers.... Một tin mừng là hổ Bengal Nepal đang hồi sinh, số lượng tăng gấp đôi chỉ trong chưa đầy một thập kỷ qua.
Trong văn hoá Trung Quốc, hổ là động vật duy nhất được người ta ghép đôi với rồng - một loài hư cấu tượng trưng cho quyền lực của tự nhiên. Nhiều bức tranh vẽ, thư pháp, tranh thủy mặc ở Trung Quốc có vẽ cảnh đẹp hổ và rồng đang ở tư thế chuẩn bị giao chiến. Ở Trung Quốc, nhiều động tác võ thuật được thực hiện dựa trên hoạt động, cách di chuyển của hổ.
Vì khả năng rình mồi và săn mồi của mình, hổ còn được sử dụng để đại diện cho vị tướng quân cao nhất trong quân đội của Đế quốc Trung Hoa. Nghĩa là nếu rồng là biểu tượng cho vua chúa, vương quyền; phượng hoàng biểu tượng cho hoàng hậu thì hổ biểu tượng cho các vị tướng và đại diện cho quân đội. Người Trung Quốc coi hổ là biểu tượng của sự can đảm. Họ tôn sùng đấu sĩ dữ tợn, không biết sợ hãi này và coi đây là biểu tượng chống lại ba đại họa của một gia đình gồm hỏa hoạn, trộm cắp và tà ma.
Trong lịch sử và văn hóa Hàn Quốc, hổ vừa được dân gian tôn làm thần giám hộ, vừa là biểu tượng của uy dũng và quyền lực, vừa giúp con người tránh được vận hạn và đem đến nhiều phúc lộc. Tại Olympic mùa Hè 1988 tổ chức ở thủ đô Seoul, hổ là hình tượng đại diện cho các vận động viên và người hâm mộ Hàn Quốc. Nhiều người Hàn Quốc còn tin rằng khi một con hổ đã trải qua nhiều thử thách và hiểu biết đặc biệt về cách thức vận hành của thế giới, nó sẽ trở thành một con Hổ trắng. Và vì tin rằng hổ xua đuổi tà ma, mang lại may mắn, an lành nên người Hàn Quốc thường treo tranh, để tượng hổ trong nhà hoặc sử dụng hình tượng hổ trong đồ trang sức.
Trong văn hoá Việt Nam, hổ là một trong 12 linh vật theo lịch phương Đông, là con vật dũng mãnh, biểu tượng của sức mạnh vô song, có uy quyền nhất, buộc tất cả các loài thú trong núi rừng phải khuất phục. Cùng với diễn trình lịch sử, văn hóa Việt Nam, hình tượng hổ có những diễn biến và ý nghĩa tương ứng, từ ý nghĩa tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng, biểu tượng vương quyền đến văn học, mỹ thuật…
Tục thờ cúng Thần hổ của người Việt có nguồn gốc sâu xa từ việc con người phải đối đầu với nhiều loài động vật hung hãn, ghê sợ trong quá trình sinh tồn và phát triển. Tâm lý sợ hãi những loài động vật có quyền uy đã tác động trực tiếp đến việc tôn sùng, lễ bái động vật của con người. Việc phụng thờ Thần hổ chính là một cách giải tỏa tâm lý, tâm linh. Từ việc tôn sùng hổ, một số dân tộc đã coi hổ là vị thần may mắn, đem lại bình an cho cuộc sống.
Hổ đi vào đời sống dân gian, lưu dấu ấn qua phương thức truyền miệng. Theo thống kê sơ bộ, người Việt có khoảng 1.300 câu ngạn ngữ, phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca có liên quan đến loài hổ. Hổ còn là đề tài trung tâm của nhiều truyện cổ tích, ngụ ngôn, huyền thoại, giai thoại; là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ để họ viết, vẽ nên những tác phẩm nghệ thuật lớn.
Ở nước ta, tác phẩm hội họa dân gian tiêu biểu nhất vẽ về hổ mang tính cộng đồng thuộc về dòng tranh dân gian Hàng Trống. Tranh Hàng Trống khắc họa hình tượng ngũ hổ, còn được gọi là tranh ông Năm Dinh. Hình tượng ông Năm Dinh sau được kết hợp độc đáo trong bản điện thờ tín ngưỡng tam, tứ phủ với đủ phong cách thể hiện. Trong nghệ thuật múa, người ta cố gắng thể hiện những động tác diễn tả lại hành động của hổ với những cử chỉ hết sức tinh tế.
Điệu múa “Long hổ hội” là đỉnh cao nghệ thuật múa của nghệ nhân cung đình Huế. Bên cạnh đó, hầu đồng, một trong nghi lễ thờ tam, tứ phủ cũng có giá đồng hầu ngũ hổ. Nghệ thuật miêu tả lại sức mạnh thần hổ thể hiện rất rõ trong nghi lễ này. Trong võ thuật, hình ảnh con hổ thể hiện khả năng chiến đấu, sự hung hãn, tinh ranh, liều lĩnh cũng như bản năng tự vệ và chiến đấu cao, oai phong lẫm liệt, không chịu khuất phục….