Hòa Bình: Đưa sản phẩm thổ cẩm truyền thống vươn xa

Được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao là cơ hội để các sản phẩm thổ cẩm dệt tay của HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) tiếp tục phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ... Xin chia sẻ nội dung trên vanhien.vn đến cộng đồng bạn đọc https://doisongvaphattrien.vn/

Sản phẩm thổ cẩm được chứng nhận OCOP 4 sao của HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) được dệt hoàn toàn thủ công

Từ bao đời nay, bà con dân tộc Thái ở huyện Mai Châu duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Thổ cẩm trở thành một trong những sản phẩm du lịch độc đáo, được du khách trong nước và nước ngoài ưa chuộng. Từ khi du lịch phát triển, người dân bản Lác đã khôi phục, phát triển các sản phẩm thổ cẩm truyền thống và sản phẩm được may bằng thổ cẩm. Tuy nhiên, đa số sản phẩm được may công nghiệp. Với mong muốn giữ lại nghề dệt truyền thống, chị Lò Thị Dị (sinh năm 1986) tìm cho mình hướng đi riêng, đó là tạo ra các sản phẩm thổ cẩm dệt bằng đôi tay khéo léo của những người phụ nữ Thái. Đến nay, chị Dị đã có 11 năm gắn bó với khung dệt truyền thống của dân tộc mình.
Chị Dị chia sẻ: Để tạo ra các sản phẩm thổ cẩm dệt bằng tay cần nhiều công đoạn, từ nguyên liệu, kéo sợi, nhuộm vải, dệt vải,  đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì, tỉ mỉ. Tạo ra sản phẩm thủ công vất vả như vậy nên giá thành cao hơn so với sản phẩm được may công nghiệp từ 2 - 3 lần. Dù vậy, khi đến thăm quan, được chứng kiến các công đoạn chúng tôi tạo ra sản phẩm và trực tiếp trải nghiệm, du khách rất ưa chuộng sản phẩm, nhất là khách nước ngoài. 
Ban đầu, các chị chủ yếu tự làm, tự bán chứ chưa có sự liên kết. Năm 2019, chị Dị đứng ra thành lập HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch bản Lác. Từ đây, việc tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn, HTX đã tạo việc làm cho 25 lao động, thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Với nền tảng đó, HTX đã tham gia xây dựng sản phẩm OCOP, mong muốn tiếp tục phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ để đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ đó tạo động lực để gìn giữ, phát huy nghề dệt truyền thống của dân tộc.
"Khi tham gia Chương trình OCOP, chúng tôi được hỗ trợ về xây dựng nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, sản phẩm chủ yếu bán cho khách hàng trong nước. Trong thời gian chờ thị trường ổn định trở lại, HTX tập trung nghiên cứu, thiết kế mẫu mã sản phẩm mới có tính ứng dụng cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, làm những sản phẩm từ cao cấp đến bình dân để phục vụ được tất cả các khách hàng" - chị Dị chia sẻ thêm.
Mặc dù việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chị Dị và các thành viên HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch bản Lác lạc quan về sự phát triển trong tương lai, nhất là khi sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 4 sao.  

Viết Đào