Hội thảo trực tuyến Chuyên đề: “Nghiên cứu đánh giá tác động của CNH, HĐH đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh, yêu cầu mới”

HỘI NHẬP|| Sáng ngày 24-9-2021, tại Ban Kinh tế Trung ương diễn ra Hội thảo trực tuyến Chuyên đề: “Nghiên cứu đánh giá tác động của CNH, HĐH đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh, yêu cầu mới” phục vụ tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW.

Tham dự và chủ trì buổi Hội thảo có TS. Cao Đức Phát, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; Cùng dự và thảo luận tại Tọa đàm có đại diện Lãnh đạo Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương; GS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM; PGS.TS Đào Thế Anh, P. Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, P. Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, đại diện cho Tổ biên tập chuyên đề; Đại diện Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương và các Cục, Vụ, Viện, Trường học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các điểm cầu.

bbbb-1632477001.jpg

CNH - HĐH NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN GẮN VỚI CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ PHÁT HUY LỢI THẾ QUỐC GIA

Sau phần phát biểu chỉ đạo và đề dẫn Hội thảo của TS. Cao Đức Phát, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, PGS. TS Đào Thế Anh thay mặt Tổ biên tập chuyên đề đã trình bày khái quát một số nội dung cơ bản trong Chuyên đề: “Nghiên cứu đánh giá tác động của CNH, HĐH đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh, yêu cầu mới”.

Trong đó, khẳng định Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã thúc đẩy quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nước ta đạt được những kết quả to lớn gắn với các mục tiêu thiết thực cụ thể như: Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hoà giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường. Xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

ts1-1632477705.jpg

PGS. TS Đào Thế Anh, P. Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, P. Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam

Tuy nhiên, cùng với những khó khăn nội tại của một nền kinh tế đang phát triển, các tác động của hội nhậpkinh tế quốc tế và những thách thức toàn cầu trong tình hình mới, nhất là vấn đề biến đổi khí và dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp…đòi hỏi phải nghiên cứu đánh giá tác động của quá trình CNH, HĐH đến sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam để đề ra các giải pháp thúc đẩy CNH, HĐH phù hợp dựa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Phát triển nông nghiệp, kinh tếnông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

ts123-1632478327.jpg

Từ phân tích thực trạng CNH - HĐH gắn với vấn đề Nông nghiệp, Nông thôn, Nông dân sau quá trình thực hiện Nghị quyết số 26 NQ/TW, những bài học kinh nghiệm quốc tế, đến nghiên cứu những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu đặt ra với quá trình CNH - HĐH trong giai đoạn mới, Tổ biên tập chuyên đề đã đề xuất 07 nhóm giải pháp:

Nhóm giải pháp về thúc đẩy nhanh chuyển đổi số trong CNH, HĐH nông nghiệpnông thôn: Đẩy mạnh chuyển đổi số (chính phủ số, kinh tế số và xã hội số) và ứng dụng phổ biến CNTT tất cả các lĩnh vực của sản xuất nông nghiệp; Thay đổi tư duy của người nông dân chuyển sang kinh tế NN, dùng phân hữu cơ trong nông nghiệp và phổ biến các giải pháp nông nghiệp sinh thái. Phát triển sản xuất nông nghiệp sinh thái, kết hợp NN thông minh và chính xác; Xây dựng hệ thống dịch vụ công NN và NT cho mọi người dân nông thôn trên nền tảng số dùng chung. Phát triển mô hình làng xã thông minh; Phát triển hệ thống quản lý quy trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp dựa trên kỹ thuật Chuỗi khối (Blockchain) để đảm bảo minh bạch chất lượng và an toàn thực phẩm.

Nhóm giải pháp CNH, HĐH gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, kinh tế NT theo hướng xanh, sinh thái, đầu tư có trách nhiệm: Tập trung đầu tư, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến nông sản theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững; Cơ cấu lại sản xuất theo lĩnh vực hoạt động theo hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất cây lương thực xuống còn khoảng 35%, cây công nghiệp ngắn ngày khoảng 2,1% và cây công nghiệp lâu năm còn khoảng 14,5%, tăng tỷ trọng cây ăn quả lên 21%, rau 17%. Phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo vệ quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, hải đảo; Đa dạng hoá sản phẩm bản địa, địa phương, Chỉ dẫn địa lý, OCOP, bảo tồn di sản NN, thúc đẩy du lịch NN, NT; Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX NN, Tổ hợp tác trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi từ cung cấp dịch vụ đầu vào, bảo quản, chế biến nông sản và tiếp cận thị trường: Nhanh chóng hoàn thành đề án phát triển các trung tâm cung ứng NLTS hiện đại, và xây dựng và nhân rộng các mô hình cụm công nghiệp chế biến và cụm làng nghề: Gắn quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tếnông thôn với phát triển công nghiệp và đô thị hóa theo hướng phân tán các cụm CN-ĐT về địa bàn nông thôn: Tổ chức thị trường lao động chính thức để rút lao động ra khỏi nông thôn. Tập trung hỗ trợ đào tạo nghề có bằng cấp cho lao động nông nghiệp theo hướng nông dân chuyên nghiệp, thông minh; Phát triển nông thôn mới phải dựa vào sự liên kết vùng, phát huy vai trò và lợi thế của 3 trụ cột chính trong quá trình xây dựng nông thôn mới Nhà nước-Cộng đồng-Tư nhân. 

Nhóm giải pháp CNH, HĐH gắn với đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, huy động nguồn lực:Hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai theo hướng bảo vệ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, khuyến khích và tạo điều kiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; Rà soát, bổ sung các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với điều kiện thực tiễn; Chính sách về thuế, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế GTGT trong các ngành công nghiệp sản xuất vật tư nông nghiệp và chế biến nông sản, các ngành dịch vụ tạo giá trị gia tăng cao; Chính sách hỗ trợ đầu tư tập trung vào các lĩnh vực đem lại giá trị gia tăng cao, tạo hiệu ứng lan toả mạnh: nghiên cứu khoa học công nghệ, chế biến, công nghệ sau thu hoạch, giao thông nông thôn; Xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; Có cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp phù hợp với cơ chế thị trường. Phát triển thị trường công nghệ nông nghiệp trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.

Nhóm giải pháp Xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông tin trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị, kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh; Ưu tiên đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đủ trình độ tiếp cận công nghệ hiện đại để tạo những bước đột phá trong nghiên cứu, chọn, tạo và sản xuất giống, công nghệ di truyền, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Hỗ trợ để hình thành các cơ quan nghiên cứu và chuyển giao TBKT của các thành phần kinh tế; Đổi mới hệ thống KHCN công lập theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm bằng cơ chế đấu thầu, tự chủ về tổ chức, về tài chính theo hướng đặt hàng, giao nhiệm vụ, để đối tượng sử dụng tham gia vào giao nhiệm vụ và đánh giá hiệu quả; Tăng kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ và khuyến nông, ưu tiên cho công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, công nghệ thông tin; Phát triển các “trung tâm khoa học” cho các vùng trọng điểm nông nghiệp theo nguyên tắc ở đâu sản xuất nông nghiệp giá trị càng cao thì ở đó phải tập trung nhiều cơ quan, cán bộ khoa học; Xây dựng tổ chức và tập trung đầu tư cho công tác nghiên cứu, dự báo phân tích thị trường đối với các mặt hàng nông sản và vật tư nông nghiệp.

Nhóm giải pháp Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm NLTS, đảm bảo ATTP, cải thiện dịch vụ logistics cho thị trường trong nước và xuất khẩu: Tăng cường triển khai rộng rãi, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm theo chuỗi từ nuôi, trồng, đánh bắt, thu hoạch đến khâu vận chuyển, bảo quản, chế biến để tạo sản phẩm an toàn; Hoàn thiện xây dựng các QCVN và TCVN về cơ sở sản xuất và sản phẩm nông sản còn thiếu như cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, các sản phẩm mới, các mặt hàng có khối lượng lớn; Xây dựng và áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia trên cơ sở cập nhật, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế như ISO, CODEX; Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của thế giới như ISO, HACCP trong tất cả các cơ sở chế biến nông sản, đặc biệt các cơ sở chế biến xuất khẩu để nâng cao chất lượng và ATTP; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, công nghệ chế biến sâu để nâng cao GTGT cho sản phẩm NLS; Xây dựng và ban hành bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững của Việt Nam; Phát triển các dịch vụ xử lý kiểm soát dịch bệnh như chiếu xạ, xử lý bằng nhiệt;tăng cường đầu tư nghiên cứu, xây dựng cơ chế ưu đãi hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư vào khâu sau thu hoạch như bảo quản, sơ chế, đóng gói, logistics; Tiếp tục xây dựng các thương hiệu quốc gia cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực (cà phê, gạo, cá tra, tôm, điều, tiêu, cao su, trái cây) và các sản phẩm tiềm năng khác. 

Nhóm giải pháp CNH, HĐH gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH và PCTT, đảm bảo chất lượng và ATTP: Tăng cường công tác tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường nông thôn; Đẩy mạnh áp dụng các biện pháp sử dụng tiết kiệm nước và vật tư nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính; phối hợp quản lý tốt nguồn nước các lưu vực sông và hệ thống thủy lợi bảo đảm quá trình khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, phục vụ có hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài; Rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quản lý chất lượng sản phẩm, vật tư nông nghiệp; Phát triển các vùng trồng trọt và chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, nhất là ở các vùng sản xuất hàng hóa trọng điểm, vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến; Tăng cường hệ thống kiểm soát dịch hại, dịch bệnh xuyên biên giới và sự lan tràn dịch hại, dịch bệnh giữa các vùng miền, địa phương; Khuyến khích cách tiếp cận đa ngành trong phòng trừ, kiểm soát dịch bệnh.

Nhóm giải pháp CNH, HĐH với hội nhập Quốc tế và mở rộng thị trường xuất khẩu: Tăng cường năng lực hội nhập quốc tế; khai thác tốt tiềm năng thị trường từ các hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế đã ký kết; Tiếp tục đàm phán các FTA để mở rộng thị trường nông sản, thực phẩm; Hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế; Thúc đẩy công tác phát triển thị trường NLTS quốc tế; Hợp tác quốc tế về KHCN để hiện đại hóa chuỗi giá trị nông nghiệp và hệ thống thực phẩm; Thúc đẩy hợp tác song phương và Nam – Nam về nông nghiệpnông thôn; Đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp về tiếng Anh và kỹ năng mềm để chủ động hội nhập quốc tế hiệu quả.

Thay mặt Tổ biên tập chuyên đề, PGS. TS Đào Thế Anh đã nhấn mạnh quá trình CNH, HĐH được coi là một quy luật có tính phổ biến trong quá trình phát triển của tất cả các quốc gia có tác động đến tất cả các khu vực của nền kinh tế. CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nằm trong tổng thể quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mục tiêu tổng quát và lâu dài của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài; Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; là miền quê đáng sống; Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hoà giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; Thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn chính là từng bước phát triển nông thôn theo hướng hiện đại, xóa dần khoảng cách giữa thành thị với nông thôn; Để thực hiện được mục tiêu nông thôn hiện đại và nông dân thông minh, chuyên nghiệp của CNH, HĐH nông nghiệpnông thôn cần tính đến là cải cách thể chế tổ chức sản xuất và chuỗi giá trị, kết hợp với ứng dụng KHCN, chuyển đổi số nhằm sử dụng với hiệu quả cao hơn nguồn lực, tăng năng suất lao động.

XÂY DỰNG NỀN NÔNG NGHIỆP SINH THÁI, NÔNG THÔN HIỆN ĐẠI VÀ NÔNG DÂN CHUYÊN NGHIỆP, VĂN MINH

Phát biểu tham luận tại buổi Hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia và đại diện các cơ quan quản lý nhà nước đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu chuyên đề “Nghiên cứu đánh giá tác động của CNH, HĐH đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh, yêu cầu mới”, đồng thời, các đại biểu cũng đã thẳng thắn đóng góp nhiều ý kiến nhằm làm sáng tỏ thêm những luận điểm đặt ra trong Chuyên đề nghiên cứu dưới các góc nhìn khách quan, đa chiều. 

GS.TS Mai Quỳnh Nam, Viện Văn hóa con người (Viện Hàn lân Khoa học Xã hội Việt Nam) và TS. Đặng Kim Sơn, Viện nghiên cứu Thị trường và Thể chế Nông nghiệp cùng nhấn mạnh vai trò của văn hóa - xã hội trong quá trình CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn nước ta. Theo quan điểm của các chuyên gia, thì văn hóa - xã hội là một trong bốn cột trụ phát triển nông thôn hiện đại gồm: kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường và thể chế. Phát triển nông thôn phải bảo đảm nguyên tắc của phát triển bền vững và lấy con người làm trung tâm. Cần có giải pháp đồng bộ để từng bước hạn chế thực trạng những giá trị truyền thống tốt đẹp được kế thừa và phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử của ông cha đang dần dần bị mai một và thay thế vào đó là những giá trị mới, những trào lưu mới trong lối sống thôn quê. Từ góc tiếp cận đó, các chuyên gia đề nghị đánh giá rõ hơn những tác động không mong muốn của quá trình CNH - HĐH tới đời sống văn hóa - xã hội ở nông thôn như vấn đề: Phân hóa giàu nghèo, mất công bằng phân phối và tiếp cận các dịch vụ xã hội, ô nhiễm môi trường sống, cạn kiệt nguồn tài nguyên, phá vỡ cảnh quan kiến trúc không gian sống ở nông thôn, mai một những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, suy giảm sức khỏe tuổi thọ con người ở nông thôn...

db123-1632477865.jpgCác đại biểu tham luận tại Tọa đàm

Nhà báo Hoàng Trọng Thủy, Hội Nhà báo Việt Nam thì đặt ra vấn đề mục tiêu cuối cùng của CNH - HĐH là góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, những giá trị đích thực mà người nông dân thực tế đã tiếp cận được và những thay đổi tích cực trong đời sống của họ vẫn còn nhiều hạn chế trong phát triển nông thôn hiện đại. Từ đó, ông đề nghị trong Nghị quyết mới cần xác định rõ hơn vai trò của người nông dân và các chính sách tác động có liên quan để người nông dân thực sự là chủ thể của quá trình CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn. Để "thân phận" của họ được thay đổi, họ không còn bị "lẻ loi" yếu thế trong tiếp cận chính sách và hưởng thụ các phúc lợi xã hội.

ThS. Vương Xuân Nguyên, Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, thì nhấn mạnh trong xây dựng Nghị quyết và thể chế hóa chính sách về CNH - HĐH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay phải đặc biệt chú ý gắn với dòng chảy của Hội nhập Quốc tế; Giải phóng được các nguồn lực xã hội; Thúc đẩy các liên kết theo chuỗi gia tăng giá trị, tạo sự khác biệt vượt trội dựa trên những lợi thế của Việt Nam để phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa đủ sức cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng tình với những luận điểm nêu trong báo cáo và các ý kiến của các chuyên gia đã trình bày tại Tọa đàm, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh phải đánh giá được những thay đổi căn bản trong lực lượng sản xuất hiện đại. Ở đó, khoa học công nghệ đóng vai trò dẫn dắt là nguồn lực chính; Cấu trúc nhu cầu hàng hóa đã có sự điều chỉnh theo hướng tăng những nhu cầu khác biệt, đẳng cấp. Từ đó đòi hỏi phải tăng cường sản xuất, phân phối theo chuỗi mà doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt định hướng sự phát triển của chuỗi. Khi đó, cần những chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuỗi phát triển, cụ thể là các chính sách hỗ trợ khuyến khích cho các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp yên tâm đầu tư dài hạn...

Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững là vấn đề được TS. Ngô Kiều Oanh đề cập trong phần tham luận của mình. Theo TS. Ngô Kiều Oanh, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần tích cực tạo diện mạo mới cho các vùng nông thôn nước ta. Đặc biệt, nhiều vùng nông thôn đã có cơ sở hạ tầng thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là ở các làng nghề truyền thống trên khắp đất nước. Mặc khác, khi phát triển du lịch, các khu vực nông thôn sẽ có thêm nguồn lực tiếp tục thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới nhanh, bền vững hơn, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa gốc của nông thôn.

Các sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệpnông thôn góp phần thúc đẩy tăng trưởng du khách với nhiều sản phẩm mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp của các vùng, miền trải dài từ Bắc đến Nam như: Tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội); tham quan đồi chè, trang trại bò sữa ở nông trường Mộc Châu (Sơn La); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Căng Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai); làng rau Trà Quế (Quảng Nam); du lịch canh nông Đà  Lạt (Lâm Đồng); tour tham quan, khám phá đời sống ngư dân, các trang trại sản xuất thanh long ở Bình Thuận;  Tour khai thác các yếu tố gắn với văn hóa, sinh thái sông nước Cửu Long như du lịch miệt vườn, chợ nổi, cù lao ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang; thưởng thức văn hóa, đờn ca tài tử ở Bạc Liêu; văn hóa Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh; lễ hội trái cây, hoa kiểng miền Tây…Từ đó thúc đẩy quảng bá hình ảnh Việt Nam - Đất nước - Con người, thu hút đầu tư, tiếp thị một cách hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tới bạn bè quốc tế. 

GS.TS. Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và PGS. TS. Phạm Quang Hà, Hội Khoa học Đất Việt Nam thì nhấn mạnh nội hàm của CNH - HĐH nông nghiệpnông thôn chính là những thay đổi căn bản và toàn diện "tư duy công nghiệp" trong nông nghiệp. Nông nghiệp cần phải được đầu tư theo hướng sản xuất công nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đồng thời đảm bảo tính cạnh tranh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cần hình thành các khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp của từng vùng, gồm các phân khu chức năng: Phân khu đầu vào gồm các nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học; trung tâm nghiên cứu, đào tạo, cánh đồng thực nghiệm nhằm ứng dụng cơ giới tự động hóa và quản trị dựa trên số hóa. Phân khu chế biến đầu ra gồm hệ thống kho chứa và bảo quản nông sản; các nhà máy xay xát, sản xuất chế biến lương thực từ ngũ cốc. Cùng với đó là hệ thống cảng sông và phân khu bến thủy nội đồng kết nối khu công nghiệp với các cánh đồng. Hình thành hệ thống các công ty chuyên sản xuất, chế biến nhằm cung ứng giống, vật tư nông nghiệp; bao tiêu sản phẩm, bảo quản, chế biến và phân phối, trong đó có xuất khẩu. 

Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Cao Đức Phát, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Tổ biên tập chuyên đề “Nghiên cứu đánh giá tác động của CNH, HĐH đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh, yêu cầu mới” đã khát quát được thực trạng phát triển Nông nghiệp, Nông thôn và Nông dân nước ta trong thời gian qua; đánh giá những tác động đa chiều của quá trình đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước đến sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong thời gian qua; Kịp thời đưa ra những dự báo xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, tác động của môi trường quốc tế, tình hình biến đổi khí hậu, dịch bệnh và những chuyển biến trong nước để đề ra hệ thống các giải pháp phù hợp kịp thời khắc phục những bất cập, tồn tại hạn chế, đồng thời phát huy những mặt mạnh và kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua...

TS. Cao Đức Phát đánh giá cao những ý kiến tâm huyết trách nhiệm của các nhà khoa học, các chuyên gia đã tham luận tại buổi Tọa đàm đã góp phần làm sáng tỏ những luận điểm nêu trong Chuyên đề “Nghiên cứu đánh giá tác động của CNH, HĐH đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh, yêu cầu mới” cũng như Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng Nông thôn mới.

TS. Cao Đức Phát nhấn mạnh, những cơ sở khoa học được đưa ra từ các buổi Hội thảo chuyên đề như hôm nay, cùng các báo cáo của các Bộ, ban ngành có liên quan sẽ là cơ sở giúp Đảng và Nhà nước tham khảo trong quá trình thể chế hóa những chính sách về phát triển Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn trong tình tình mới để kịp thời định hướng thực hiện các mục tiêu của ĐH Đảng 13 đã đề ra trong bối cảnh có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước, hướng đến Nông nghiệp sinh thái, Nông thôn hiện đại, Nông dân thông minh. Trong đó, xác định rõ hơn vai trò của nông nghiệp, nông thôn là động lực mới cho phát triển kinh tế và CNH-HĐH đất nước trong giai đoạn đến 2045; Làm rõ mô hình tăng trưởng mới trong điều kiện hậu Đại dịch, vai trò KHCN và đổi mới sáng tạo nhằm tăng năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng gắn với kinh tếnông nghiệp và xã hội nông thôn, phát huy được lợi thế để CNH, HĐH; Tập trung cải thiện môi trường nông thôn, phát triển du lịch nông thôn nhằm mục tiêu nông thôn trở thành miền quê đáng sống; Tạo đột phá về tổ chức thể chế và đào tạo nghề theo hướng chuyên nghiệp hóa nông dân, đẩy mạnh kinh tế hợp tác, phát triển chuỗi giá trị; Tiếp tục tăng đầu tư công cho nông nghiệp, phân cấp quản lý đầu tư công, các dịch vụ công, quản lý công trình, tài nguyên công cộng cho các tổ chức cộng đồng./.