Khơi nguồn cảm hứng từ những phụ nữ “quyền lực” của Việt Nam

Xin chia sẻ nội dung trên http://baochinhphu.vn/ đến cộng đồng bạn đọc https://doisongvaphattrien.vn/...Chia sẻ đầy tâm huyết từ những người phụ nữ quyền lực của Việt Nam đã khơi nguồn tới mỗi sinh viên ngành y đang ngồi trên ghế nhà trường. “Quyền lực” do chính họ tạo ra từ năng lực, sự rèn luyện, tính bền bỉ và kiên trì với những khát vọng cao lớn của những con người hoàn toàn bình thường, đi từ những sinh viên nghèo vượt khó, thậm chí trượt cả đại học.

"Đường tới thành công" là một chương trình giao lưu giữa những người có nhiều cống hiến và ảnh hưởng lớn tới xã hội với những sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ có thể là các nhà chính trị gia, thương gia, nhà quản lý, CEO…

Đây chính là ý tưởng của GS.TS Tạ Thành Văn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội.

“Đây là mô hình thế giới đã và đang đi với những kết quả tích cực rất lớn. Chúng ta cũng sẽ bắt đầu đi theo mô hình này. Thông qua các buổi giao lưu với những con người nổi tiếng, chúng tôi muốn gửi đến các em sinh viên thông điệp: Người thầy thuốc không chỉ biết khám, chữa bệnh, mà còn tùy theo năng lực, điều kiện, cơ hội, chúng ta cũng có thể phát triển, trở thành những nhà quản lý, những thương gia thành đạt”, GS.TS Tạ Thành Văn chia sẻ.

Mới đây, hai người phụ nữ thành đạt là nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và nữ doanh nhân Thái Hương đã tham gia cuộc giao lưu “Đường tới thành công” do Trường Đại học Y Hà Nội lần đầu tiên tổ chức.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do Forbes Việt Nam bình chọn.

Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần sữa TH True Milk, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á, là nữ doanh nhân Việt trong Top 50 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á do Forbes bình chọn.

Đừng nghĩ chọn ngành y chỉ là khám, chữa bệnh

Ngay tại buổi giao lưu, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã trao tặng 8 suất học bổng từ tiến cá nhân của bà cho các sinh viên nghèo vượt khó. Ảnh: VGP/Hữu Linh

Từ những bài học, vốn sống được tích lũy của một sinh viên nội trú chuyên ngành Dự phòng đến những kinh nghiệm quý báu trong quản lý của một "tư lệnh" ngành, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Trưởng Ban tổ chức bảo vệ sức khỏe Trung ương, chia sẻ với các em sinh viên rằng, mỗi đam mê đều có hạnh phúc riêng, khi yêu thích thì mình sẽ có đam mê, sẽ có khát vọng và hãy từng bước chinh phục khát vọng đó, đừng “đứng núi này trông núi nọ”. Đặc biệt, khi chọn theo học ngành sức khỏe, “các bạn đừng nghĩ, chỉ là khám, chữa bệnh, là mổ xẻ mà còn rất nhiều lĩnh vực khác rất hay và bảo vệ sức khỏe của hàng triệu người cùng một lúc. Hãy có cái nhìn tổng quát hơn về ngành sức khỏe để chúng ta cùng biết rằng, bác sĩ chỉ là một phần trong đó”.

Nguyên Bộ trưởng đã chia sẻ với các em sinh viên những minh chứng cụ thể sau nhiều chuyến công tác nước ngoài, tham dự nhiều hội thảo quốc tế rằng, khối ngành sức khỏe hiện nay rất rộng, bao gồm dự phòng, y tế công cộng, dinh dưỡng, tiêm chủng, di truyền, môi trường, dược… Khối điều trị, chăm sóc y tế như bác sĩ, y tá, điều dưỡng chỉ chiếm 10-15% sinh viên theo học ngành sức khỏe.

“Ở Việt Nam cũng vậy, thực tế chỉ có 5% người dân trên cả nước vào bệnh viện điều trị bệnh, khoảng 20-30% khác tự điều trị tại nhà vì bệnh nhẹ đơn thuần, còn phần lớn (65-75%) là người khỏe mạnh, chưa mắc bệnh, chưa phải vào bệnh viện, hoặc bệnh nhẹ có thể tự điều trị bằng những chương trình chăm sóc sức khỏe dự phòng. Tại các cuộc họp quốc tế, các chuyên gia cũng không bàn tới việc mổ được bao nhiêu kỹ thuật, ghép được những tạng gì…mà nội dung tập trung chủ yếu vào chăm sóc dự phòng.”, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.

Từ những thống kê trên, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, điều đầu tiên khi chọn ngành sức khỏe theo học các em nên nghĩ đến là nâng cao sức khỏe. Hiện tại, nước ta chưa có ngành có tên này hoặc nhiều em sẽ nghĩ nâng cao sức khỏe thì học làm gì. Nhưng ngược lại, nó rất quan trọng và phần lớn người dân đang hướng tới. Đó là dinh dưỡng, thể dục; phòng chống thuốc lá, rượu bia; tiêm chủng; phát triển chiều cao, cân nặng; giảm tỉ lệ tử vong trẻ em, mẹ; chăm sóc người cao tuổi… Những nội dung này mới bao phủ toàn bộ về sức khỏe của 90 triệu dân. Hiện, Liên Hợp Quốc cũng đã có cơ quan chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Sau chăm sóc dự phòng mới đến điều trị ,chỉ 5% trong tổng số dân của cả nước. Thậm chí, hiện nay, chúng ta còn đang rất thiếu nhân lực về phục hồi chức năng, điều trị giảm nhẹ tại bệnh viện, tại nhà, nhà dưỡng lão... Những cấu phần này cũng chiếm rất đông dân nhưng người đang theo học lại rất ít.

Dẫn chứng cho những chia sẻ của mình không phải chỉ là lý thuyết, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế đã lấy chính bản thân mình là một ví dụ. Bản thân bà cũng xuất phát từ một sinh viên nội trú ngành dự phòng. Bà tâm sự, nếu được chọn lại, bà vẫn chọn ngành y và vẫn theo học dự phòng.

Trượt đại học nhưng không ngừng khát vọng

Bà Thái Hương chia sẻ tại Chương trình. Ảnh: VGP/Hữu Linh

Nhiều sinh viên đã trầm trồ, ngạc nhiên khi tận tai nghe nữ doanh nhân có ảnh hưởng tầm thế giới Thái Hương chia biết bà đã từng thi trượt Đại học Y Hà Nội. 

“Trượt đại học, tôi có buồn, nhưng khát vọng trong tôi thì lớn lắm, buồn không dập tắt được chính tôi. Tôi sẽ quyết tâm theo ngành y và tôi bắt đầu khởi nghiệp từ lĩnh vực thực phẩm – một lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn diện ngay từ ban đầu về dinh dưỡng cho con người”.

Thông qua những kinh nghiệm của chính mình, nữ doanh nhân muốn nhắn nhủ chân thành với các sinh viên rằng, dù làm doanh nhân hay bác sĩ, để thành công, ngoài học giỏi chưa đủ, mà cần nhiều yếu tố, đầu tiên là tự biết mình là ai và hãy vươn cao ước mơ, khát vọng. Trong cuộc đời có rất nhiều thời cơ và hãy nắm bắt thời cơ đó để chinh phục khát vọng của chính mình.

Đến nay, khát vọng của người phụ nữ được bình chọn có quyền lực ảnh hưởng nhất châu Á cũng đã truyền cảm hứng cho con trai, hiện đang là sinh viên của Đại học Y Hà Nội. Khát vọng ấy còn được bà biến thành hiện thực khi thành lập Tổ hợp chăm sóc sức khỏe công nghệ cao tiêu chuẩn quốc tế TH, hướng tới sức khỏe cộng đồng.

Bà cũng chia sẻ rằng, ngoài thành công về chuyên môn nghề nghiệp, chúng ta phải có sự lương thiện. Đây là điều trân quý nhất của mỗi người. Những thầy thuốc trong tương lai muốn cống hiến phải học thật giỏi, phải quyết tâm làm những điều mình muốn, đặc biệt không được đánh mất mình. Quan trọng nhất của đời người không phải là kiếm được bao nhiêu tiền mà là mình đã làm gì và chia sẻ được bao nhiêu.

“Tôi điều tiết doanh nghiệp theo đúng quy luật của thị trường, là phải có lợi nhuận. Dịch vụ cao là để đáp ứng nhu cầu của những người có khả năng kinh tế, nhưng cũng có kế hoạch chăm sóc, hỗ trợ cho người yếu thế. Để hỗ trợ người yếu thế, dịch vụ của chúng tôi phải khoa học, hiện đại, chỉn chu ngay từ đầu. Khi đó chúng tôi mới đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của những người có khả năng kinh tế, để từ đó có kinh phí hỗ trợ, chăm người yếu thế, không để lại họ phía sau”, bà Thái Hương thẳng thắn chia sẻ.  

Với những sinh viên bắt đầu khởi nghiệp, bà cho rằng rất đáng trân trọng, nhưng nữ doanh nhân cũng nhắn nhủ rằng, để bắt đầu kinh doanh, các em hãy nghĩ đến công nghệ và chi phí. Công nghệ càng hiện đại, chi phí càng rẻ thì thành công sẽ đến càng nhanh.

 

Hiền Minh