Kiên Giang: Giảm thiểu lao động trẻ em

Theo số liệu sơ bộ, 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Kiên Giang có khoảng 3.413 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 24.048 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

1-kien-giang-phong-ngua-1638928939.jpg 

 

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn; trẻ em bỏ học; trẻ em ở các xã bãi ngang ven biển, vùng sâu, vùng xa; trẻ em có cha, mẹ ly hôn; mồ côi cha, mẹ; có cha, mẹ tham gia các tệ nạn xã hội hoặc nghiện rượu, lười lao động.

Bên cạnh đó, sự phát triển của xã hội làm gia tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo; các tệ nạn xã hội ngày càng phức tạp; thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh Covid-19 xảy ra đã tác động trực tiếp đến trẻ em và gia đình,…khiến các em phải vào đời sớm bán vé số, bán hàng rong, bán tạp hóa, làm công nhật cho các cơ sở thu mua, chế biến thủy sản nhỏ, lẻ,...

Nhằm phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ và can thiệp trẻ em lao động trái quy định của pháp luật và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố truyền thông, vận động cộng đồng về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Đồng thời nâng cao năng lực quản lý về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em cho các ngành, các tổ chức, đội ngũ làm công tác trẻ em các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Thanh tra, kiểm tra, giám sát liên ngành việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; hỗ trợ, can thiệp, duy trì và nhân rộng mô hình hỗ trợ, can thiệp phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Cùng với đó, các cấp các ngành cần cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa lao động trẻ em; hỗ trợ trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em; triển khai mô hình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em; phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em với mục đích bóc lột sức lao động; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật về sử dụng lao động trẻ em; bảo vệ, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho trẻ em bị bóc lột sức lao động.

Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trong lĩnh vực nông nghiệp, trong hoạt động nghề cá, đặc biệt là tình trạng sử dụng lao động trẻ em dưới tuổi lao động trên tàu khai thác thủy sản.

Phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,9%; 100% trẻ em có nguy cơ lao động và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi; trên 90% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp.

Có 90% cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em; 70% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; 70% trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; 90% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Đào tạo, tập huấn về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em sẽ có 90% công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện, thành phố và 70% cán bộ, công chức cấp xã ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến vấn đề lao động trẻ em được tập huấn kiến thức, kỹ năng về quản lý, phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em.

Hướng tới 90% doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ; 70% hợp tác xã, hộ gia đình, đặc biệt hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được tập huấn các kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em.

Đến năm 2030, phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,5% và giảm tối đa tỷ lệ lao động trẻ em, người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số lao động trẻ em và người chưa thành niên.