Kiên Giang: Tô thắm truyền thống Quân - Dân gắn bó

Sự phối hợp hiệu quả giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Ban chấp hành Hội Người cao tuổi tỉnh đã góp phần cùng địa phương giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, tô thắm truyền thống phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

1-kien-giang-to-tham-1645246857.jpgĐại diện Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh thăm, tặng quà Người cao tuổi nghèo xã Vĩnh Phú huyện Giang Thành.

 

5 năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Ban chấp hành Hội Người cao tuổi tỉnh đãphát huy vai trò, uy tín của Người cao tuổi, các vị chức sắc, người uy tín khu dân cư, trong cộng động người dân tộc Khmer xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia với tinh thần cảnh giác, không nghe theo lời dụ dỗ, xúi giục, kích động của kẻ xấu; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa; bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội; phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, bảo vệ môi trường, khuyến học, khuyến tài, hòa giải ở cơ sở góp phần giữ ổn định cuộc sống dân cư khu vực biên giới, biển, đảo.

Đồng thời, thực hiện phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản, các đơn vị đã thành lập 13 Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới với 182 hộ tham gia; 63 Tổ tự quản an ninh trật tự với 200 thành viên đã tạo lên “lá chắn thép”, “phên dậu lòng dân”, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Cùng với đó, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị Biên phòng đã khám, cấp thuốc miễn phí cho Người cao tuổi khi ốm đau, kinh phí trên 250 triệu đồng; tham gia 786 ngày công lao động sửa chữa nhà cho Người cao tuổi nghèo; phụng dưỡng 08 Mẹ Việt Nam anh hùng và 12 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn là hội viên Người cao tuổi, mỗi hộ 1.000.000đ/l tháng. Phân công 408 đảng viên các đồn biên phòng phụ trách 1.843 hộ gia đình, trong đó, hộ gia đình là người dân tộc Khmer chiếm 48%; giới thiệu 52 đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ ấp, khu phố biên giới.

Ngoài ra, các đồn biên phòng đã giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số lao động, sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình như: bảo lãnh các hộ dân dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn khu vực biên giới vay vốn nuôi bò phát triển kinh tế gia đình 10 hộ với 200 triệu đồng; Đề án thực hiện bố trí ổn định dân cư biên giới Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2009-2015 và bổ sung quy hoạch 2016-2020 với vốn đầu tư 820,917 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư phát triển 330,11 tỷ đồng; vốn sự nghiệp kinh tế 182,256 tỷ đồng.

Các đơn vị và Hội Người cao tuổi cơ sở giúp dân sửa chữa, xây nhà mới 3.500 căn; vận động 1.689 em học sinh bỏ học trở lại trường; đóng góp 12.465 ngày công xây dựng trường, lớp; tu sửa 246 phòng học, đóng tặng 10 bộ bàn ghế; hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng tiền mặt và dụng cụ học tập, tặng 365.000 cuốn tập và 500 chiếc xe đạp cho học sinh; nuôi 04 cháu trong Mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”; Chương trình “Nâng bước em đến trường” nhận hỗ trợ đỡ đầu 113 em từ lớp 1 đến lớp 12, trong đó có 13 em Campuchia, mỗi em 500.000đ/tháng, tổng giá tiền 678.000.000/năm.

Hoạt động “Tết Quân-Dân” tại các huyện Giang Thành, Giồng Riềng, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng, đã xây 10 căn nhà trị giá trên 520 triệu đồng; xây 29 căn nhà “Đồng đội” cho cán bộ tại ngũ và Quân nhân xuất ngũ tổng trị giá trên 1,3 tỷ đồng; sửa chữa 22 cây cầu; sửa chữa và làm mới 04 tuyến đường trên 22 km, thắp sáng đường quê trên 10 km; tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, học bổng cho học sinh nghèo 3.922 suất.

Sự phối hợp hiệu quả giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Ban chấp hành Hội Người cao tuổi tỉnh đã mang lại ý nghĩa và hiệu quả thiết thực góp phần cùng địa phương giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, tô thắm truyền thống phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân, đoàn kết Quân - Dân ngày càng gắn bó, quân với dân như cá với nước.