KINH TẾ ĐÔNG Á THÁI BÌNH DƯƠNG VÀ Ở VIỆT NAM DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19 TỪ GÓC NHÌN NGHIÊN CỨU VÀ QUẢN LÝ

Nhân loại đang phải đối mặt với một đại dịch tồi tệ chưa từng có; những gì thế giới chứng kiến về COVID-19 là một minh chứng cụ thể. Chủng Virus Corona được phát hiện tại Trung Quốc cuối tháng 12 năm 2019 đã lan rộng tới hơn 211 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 2,4 triệu ca lây nhiễm và làm hơn 165 nghìn người đã mất đi mạng sống.Trong bối cảnh đại dịch lan rộng, gây những tác hại nghiêm trọng trên khắp hành tinh,nhiều nền kinh tế đang dần hồi phục sau những căng thẳng thương mại, lại phải gồng mình đối mặt với viễn cảnh suy thoái và những cú sốc tài chính mang tính toàn cầu. Từ góc nhìn nghiên cứu, mới đây Nhóm ngân hàng Thế giới (W.B) và Viện Nghiên cứu cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR) đã công bố báo cáo về tình hình kinh tế khu vực và ở Việt Nam trong Quý I. Những báo cáo này đã đưa ra nhiều dự báo triển vọng , Diễn đàn xin gợi ra một số nét chủ yếu để cùng trao đổi

Nhân loại đang phải đối mặt với một đại dịch tồi tệ chưa từng có; những gì thế giớichứng kiến về COVID-19 là một minh chứng cụ thể. Chủng Virus Corona được phát hiện tại Trung Quốc cuối tháng 12 năm 2019 đã lan rộng tới hơn 211 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 2,4 triệu ca lây nhiễm và làm hơn 165 nghìn người đã mất đi mạng sống.

Trong bối cảnh đại dịch lan rộng, gây những tác hại nghiêm trọng trên khắp hành tinh,nhiều nền kinh tế đang dần hồi phục sau những căng thẳng thương mại, lại phải gồng mình đối mặt với viễn cảnh suy thoái và những cú sốc tài chính mang tính toàn cầu. Từ góc nhìn nghiên cứu, mới đây Nhóm ngân  hàng Thế giới (W.B) và Viện Nghiên cứu cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR) đã công bố báo cáo về tình hình kinh tế khu vực và ở Việt Nam trong Quý I. Những báo cáo này đã đưa ra nhiều dự báo triển vọng , Diễn đàn xin gợi ra một số nét chủ yếu để cùng trao đổi

1.Tình hình kinh tế toàn cầu, khu vực và Việt Nam dưới góc nhìn nghiên cứu

1,1.Tình hình kinh tế và phản ứng của các quốc gia trong đại dịch

Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế toàn cầu Quý I năm 2020 đều suy giảm mạnh tại nhiều nền kinh tế; giá dầu thô đã giảm xuống mức thấp nhất. Trong thông cáo báo chí về Đông Á và Thái Bình Dương thời COVID-19, một trong những ấn phẩm Cập nhật Kinh tế thường niên hàng đầu, Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra, hầu hết các quốc gia đã phải sử dụng những công cụ chính sách kinh tế vĩ mô thích hợp và quản lý tài chính cẩn trọng. Tuy nhiên, những gì đang phải chứng kiến lại là sự xuất hiện đồng thời của nhiều tình huống bất lợi với những tổn thất đau đớn về kinh tế. Các quốc gia buộc phải hành động ngay trước nhu cầu đầu tư cấp bách nhằm tăng cường năng lực hệ thống y tế và ban hành các biện pháp tài khóa có chọn lọc nhằm giảm nhẹ khó khăn.

Tại nước Mỹ, nhằm chống lại ảnh hưởng bất lợi về kinh tế, Cục Dự trữ Liên bang FED đã phải hạ lãi suất USD xuống mức 0-0.25% đồng thời cam kết sẽ mua ít nhất 500 tỉ USD trái phiếu kho bạc và 200 tỉ USD chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp. Chính phủ Mỹ cũng phải tung ra gói trị giá 2000 tỷ USD để cứu trợ nhằm đảm bảo an ninh kinh tế.

Trong nền kinh tế Cộng đồng Châu Âu, cả EU28 lẫn EA19 đều giảm mức tăng trưởng Quý I/2020 lần lượt xuống còn 1,22% và 1,03% so với cùng kỳ năm trước. Lo ngại trước sự bùng phát của Virus Corona, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã chi thêm 120 tỷ Euro vào chương trình mua tài sản (APP) và bổ sung thêm chương trình mua khẩn cấp đại dịch (PEPP) trị giá 750 tỷ Euro

Do giảm tăng trưởng tiêu dùng và tổng vốn cố định giảm mạnh. Kinh tế nước Anh tiếp tục đà suy giảm tăng trưởng từ Quý 4/2019. Nhằm ứng phó với dịch bệnh COVID-19, Ngân hàng Trung ương (BoE) đã cắt giảm lãi suất xuống mức 0,1% đồng thời với tiếp tục thực hiện chương trình mua trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, đưa đầu tư phi tài chính lên 645 tỷ bảng Anh.

Ở Đông Bắc Á, do tiêu dùng cá nhân, đầu tư công và chi tiêu tư nhân đều sụt giảm nên kinh tế tiếp tục suy giảm sau khi xuống mức âm 0,69% vào Quý cuối năm 2019; trước những biến động kinh tế, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản buộc phải nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm ứng phó với sự bùng phát của COVID-19.

Kinh tế Trung Quốc biến động mạnh khi dịch Covid bùng phát vào cuối năm 2019, tăng trưởng Quý 4 ở mức 6%, là mức thấp nhất trong 30 năm gần đây, chỉ số Quản lý sức mua (PMI) tháng 2 năm 2020 chỉ còn 35,7 điểm. Trong tháng 2, chỉ số nhà quản trị mua hàng sụt xuống dưới mốc ranh giới giữa tăng trưởng và suy giảm. Mức giảm diễn ra còn mạnh và rộng hơn khi chỉ số trong ngành chế tạo, chế biến xuống 36 và 30 cho các ngành ngoài chế tạo chế biến; sản xuất công nghiệp lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng âm.

Thực tế diễn ra, buộc Chính phủ trung Quốc trong 2 tháng đầu năm đã phải chi 16,4 tỷ USD dưới dạng các gói kích thích kinh tế cùng 112,5 tỷ USD dưới hình thức cắt giảm thuế, phí để vực dậy nền kinh tế. Cũng trong thời gian này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) phải chi 162 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp và tỷ giá đồng nhân dân tệ (CNY)/USD liên tục biến động từ 6 lên tới 7,1 CNY/USD vào cuối tháng 3 năm 2020;

Trong xu thế giảm tốc toàn cầu; các nước BRICS cũng trong tình trạng tăng trưởng kinh tế đạt thấp kể từ Quý 4 năm 2019.

Để đối phó với dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế, chính phủ Ấn Độ đã tung gói cứu trợ trị giá 2,1 tỷ USD cho khu vực y tế; công bố kế hoạch chi tiêu trị giá 22,5 tỷ USD để giúp người nghèo đối phó với dịch bệnh; gia hạn thời hạn đóng thuế thu nhập, thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) năm 2019 cho các doanh nghiệp đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2020 và Ngân hàng trung ương của Quốc gia này đã phải thông qua các ngân hàng thương mại để bơm vào thị trường khoảng 10 tỷ USD.

Tăng trưởng kinh tế thấp cùng với tình trạng nợ công và ngân sách ngày càng xấu đi khiến nền kinh tế Nam Phi có thể rơi vào suy thoái. Nhằm giảm bớt ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nền kinh tế, chính phủ Brazil đã tung ra gói hỗ trợ trị giá 150 tỷ Real thông qua các khoản trợ cấp xã hội, hoãn nộp thuế cùng các quỹ bảo trợ thất nghiệp.

Tại khu vực Đông Nam Á (ASEAN),các nước khu vực đã suy giảm tăng trưởng kể từ Q4 năm 2019. Ứng phó với dịch bệnh COVID-19, Chính phủ Malaysia đã tung ra ba gói kích thích kinh tế với tổng trị giá 65 tỷ đô la Mỹ (USD); Chính phủ Indonesia  phải chi thêm 24,8 tỷ USD để bảo vệ nền kinh tế trong năm 2020; Chính phủ Phillipines đưa ra gói hỗ trợ tài chính trị giá 526 triệu USD nhằm chống dịch và hỗ trợ người lao động, ….  Bộ tài chính Thái Lan cũng thực hiện gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 3,17 tỷ USD nhằm hỗ trợ người lao động thu nhập thấp và người nghèo; còn Hiệp hội Ngân hàng nước này đã phải thông qua Quỹ ổn định trái phiếu doanh nghiệp (SBSF) trị giá 3,2 tỷ USD , nhằm giúp các doanh nghiệp không còn khả năng đảo nợ các khoản nợ trái phiếu đến hạn.

1.2. Kinh tế Việt Nam và chủ trương ứng phó của Chính phủ

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu, là quốc gia có độ mở kinh tế rộng Việt Nam không thể đứng ngoài tầm ảnh hưởng, nền kinh tế đã phải gánh chịu nhiều hậu quả trực tiếp. Tăng trưởng kinh tế trong Quý 1 năm 2020 đạt mức thấp hơn gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước;

Phân tích thực trạng tăng trưởng, các nhà nghiên cứu nhận thấy, tăng trưởng ở cả ba khu vực kinh tế đều suy giảm mạnh. Khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 3,27%: công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%  và ngành nông nghiệp chỉ đạt mức 0,08%. Cùng kỳ năm trước, chỉ số này lần lượt là 6,5%, 8,63% và 2,68%. Đại dịch đã tác động mạnh đến khu vực dịch vụ nhất là ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ lưu trú , ăn uống .

Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống Kê (TCTK) về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy chỉ có 38,8% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất sẽ tốt lên trong Quý 2; 25,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn với  mức độ lạc quan kinh doanh thấp nhất kể từ tháng 4/2012 đến nay.

Phân tích những số liệu thông kê trong Quí I/2020 còn cho thấy: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 1,6% so với Q1năm 2019; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 9,6% và  du lịch lữ hành giảm 27,8%.

So với cùng kỳ năm trước vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chỉ tăng 2,2%,; cán cân thương mại có thặng dư 2,8 tỷ USD,nhưng khu vực kinh tế trong nước lại nhập siêu tới 4,4 tỷ USD; ngược lại, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại xuất siêu trên 7,2 tỷ USD. Bức tranh kinh tế đất nước vẫn nặng về vốn đầu tư nước ngoài, khu vực này với tổng kim ngạch xuất khẩu trên 40,4 tỷ USD  đã chiếm 68,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trước diễn biến của Đạị dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã công bố gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá  62.000 tỷ đồng (khoảng 2,5 tỷ USD), bằng 1% GDP cả nươc.Các nhà nghiên cứu cho rằng, đất nước ta đang chứng kiến một đại dịch đặc biệt trong lịch sử xã hội và khó có thể chỉ dùng chính sách tiền tệ hay tài khóa để giải quyết khủng hoảng mà quan trọng là phải tìm cách để duy trì được nguồn lực con người, cũng như nhanh chóng hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường để nhanh chóng phục hồi trở lại sau dịch bệnh.

Theo PGS, TS Phạm Sỹ Thành, ở Đại học Quốc gia Hà Nội, các giải pháp hỗ trợ Chính phủ đưa ra là chính sách ứng phó dịch bệnh mà chưa tính đến các phương án hỗ trợ sau dịch bệnh.

2.Triển vọng tăng trưởng khu vực và Việt Nam trong năm 2020 từ góc nhìn nghiên cứu

Dự báo tăng trưởng chính xác trong môi trường thay đổi nhanh chóng là việc làm không dễ; vấn đề càng trở nên khó khăn hơn trước đai dich COVID-19 lây lan khó lường và biến động tài chính tăng cao. Các nhà phân tích đều nhận thấy, triển vọng tăng trưởng khu vực và toàn cầu trong năm 2020 sẽ suy giảm mạnh.

2.1 Tăng trưởng của những nền kinh tế khu vực

Trong các báo cáo tháng 4 năm 2020, nhóm Ngân hàng Thế giới đã gợi ra 3 kịch bản. Theo đó, tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển Đông Á và Thái Bình Dương (bao gồm cả Trung Quốc) năm 2020 được dự báo sẽ giảm xuống còn 2,1% ở kịch bản cơ sở, trong tình huống thấp hơn chỉ đạt mức âm 0,5% (mức dự báo vào năm 2019 là 5,8%). Nếu không tính Trung Quốc, tăng trưởng của khu vực theo kịch bản cơ sở sẽ từ 4,7% (năm 2019)sẽ giảm xuống còn 2,3% và trong tình huống thấp chỉ còn 0,1%, thấp hơn nhiều lần so với dự báo của năm 2019 là 6,1%.

Mặc dù căng thẳng còn tiếp diễn, thị trường tài chính chịu rủi ro đáng kể; song nếu kiềm chế được đại dịch nền kinh tế trong khu vực vẫn có thể hồi phục một cách bền vững. Tuy nhiên, cú sốc COVID-19 lại tác động nghiêm trọng đến nỗ lực giảm nghèo.Với kịch bản tăng trưởng cơ sở, số người thoát nghèo (ngưỡng nghèo dưới 5,50 USD/ngày) toàn khu vực giảm đi 24 triệu so với không có đại dịch; nếu tình hình kinh tế tiếp tục xấu hơn và kịch bản thấp xảy ra, số người nghèo ước tính sẽ còn gia tăng thêm 11 triệu. Những dự báo trước đây ước tính khoảng 35 triệu dân trong khu vực, trong đó có 25 triệu người Trung Quốc sẽ thoát nghèo.

W.B nhận xét, các ngành kinh tế bị ảnh hưởng bởi COVID-19 sẽ dẫn đến nhiều gia đình phải đối mặt với rủi ro gia tăng, họ dễ bị rơi vào cảnh nghèo đói trong ngắn hạn. Theo đó, các ngành như du lịch và bán lẻ tại Thái Lan, chế tạo, chế biến và dệt may tại Việt Nam và lao động làm việc trong khu vực phi chính thức là những đối tượng bị ảnh hưởng và khó hỗ trợ nhất; các hệ thống tài chính toàn khu vực vẫn dễ bị tổn thương với các cú sốc bên ngoài, đặc biệt là ở những nước nợ khu vực tư nhân ở mức cao.

2.2. Triển vọng của nền kinh tế Việt Nam

Trong bối cảnh toàn cầu và khu vực, vào năm 2020 khi dịch COVID khởi phát. Nền kinh tế Việt Nam đã phải đón nhận những hậu quả khó lường. Trong Quý I năm 2020, tăng trưởng chỉ đạt 3,82%, là mức thấp nhất trong 11 năm gần đây, chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước. Dẫu sao so với thế giới và khu vực, tăng trưởng này vẫn là mức cao.

Dựa vào khả năng kiểm soát bệnh dịch COVID-19 ở trong nước và trên thế giới, các nhà nghiên cứu thuộc VEPR đã xây dựng nhiều kịch bản phát triển, trên cơ sở đó đã đề xuất 3 lựa chọn. Theo đó, kịch bản lạc quan với giả định dịch bệnh được khống chế vào giữa tháng 5/2020 và hoạt động kinh tế trở lại bình thường từ quý II/2020, Tăng trưởng GDP quý II/2020 có thể đạt âm 3,3%. Sau đó, tốc độ tăng trưởng trong các quý III, IV sẽ tăng mạnh lên đạt khoảng 7%. và tăng trưởng GDP năm 2020 sẽ đạt mức 4,2%.

Kịch bản thứ 2mang tính trung dung. Với dịch bệnh trong nước kéo dài, chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau Quý 3 năm 2020 và các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối Quý 3. Theo kịch bản này, trong Q2 và Q3: các ngành nông nghiệp, khai khoáng tăng trưởng âm, công nghiệp chế biến chế tạo có chiều hướng hồi phục; trong khu vực 3, ngành bị ảnh hưởng nặng nhất là vận tải và kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, nghệ thuật và giải trí , y tế, truyền thông; lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có khả năng duy trì tăng trưởng nhờ vào những hoạt động liên quan đến phòng chống bệnh dịch. Với những giả định nêu ra bẳt đầu từ Q4, có thể quay trở lại mức tăng trưởng của những năm gần đây và triển tăng trưởng cả năm có thể đạt 1,5%

Kịch bản 3 bi quan hơn với giả định dịch bệnh trong nước kéo dài tới hết năm 2020. Theo đó. Tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt mức âm 1%

Phân tích các kịch bản nêu ra , các nhà nghiên cứu cho rằng: Ở mọi tình huống, trong thời kỳ hậu COVID-19, sự phục hồi hoàn toàn của những ngành như hàng không, du lịch và xuất khẩu đều gặp khó khăn và sẽ kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh.

Trong ngắn hạn, chi tiêu của khu vực công có thể bù đắp được khó khăn, nhưng trong dài hạn là không thể. Do vậy, triển vọng kinh tế Việt Nam những năm sau này còn phụ thuộc nhiều vào việc phát triển thành công vác-xin hoặc thuốc đặc trị chống COVID-19 trên thế giới.

Con số tăng trưởng GDP nêu ra, chưa phản ánh được hết những khó khăn thật của nền kinh tế do không phản ánh được đầy đủ khu vực phi chính thức vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn hẳn so với những đợt suy thoái trước đây.

3 Khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới và các nhà nghiên cứu

Các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương đã từng gồng mình chống chọi với căng thẳng thương mại quốc tế và ảnh hưởng do COVID-19 lan truyền, nay lại phải đối mặt với những  cú sốc toàn cầu. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới,Victoria Kwakwa thì  “….khu vực có những điểm mạnh có thể tận dụng, nhưng các quốc gia cần phải hành động nhanh chóng ở quy mô chưa từng có.”. Một trong những hành động W.B khuyến nghị  đó là đầu tư khẩn cấp nhằm tăng cường năng lực hệ thống y tế và dự phòng dài hạn của các quốc gia.  Trong Báo cáo Đông Á và Thái Bình Dương thời COVID-19, tổ chức này cho rằng, cần có cách tiếp cận tích hợp về kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo kinh tế vĩ mô. Theo đó, biện pháp tài khóa có mục tiêu trợ cấp nghỉ ốm và y tế sẽ giúp kiềm chế và đảm bảo khó khăn tạm thời không biến thành tổn thất dài hạn về nguồn nhân lực.

Ngoài những biện pháp mạnh trong nước cần tăng cường, chiều sâu hợp tác quốc tế sẽ là liều vắc-xin hiệu quả nhất để chống lại nguy cơ do vi-rút gây ra. Chuyên gia Kinh tế trưởng Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, Aaditya Mattoo cho rằng “ Các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương cũng như các quốc gia khác phải cùng nhau chống lại dịch bệnh, tiếp tục mở cửa thương mại và phối hợp về chính sách kinh tế vĩ mô,". Từ đây, báo cáo của Ngân hàng Thế giới kêu gọi sự hợp tác quốc tế và hợp tác công-tư xuyên biên giới kiểu mới, để đẩy mạnh sản xuất và cung ứng các mặt hàng và dịch vụ y tế quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh, đồng thời đảm bảo ổn định tài chính sau đó. Và điều quan trọng là, chính sách mở cửa thương mại phải được duy trì sao cho vật tư y tế và các mặt hàng cung ứng khác dễ dàng đến với mọi quốc gia, đồng thời tạo thuận lợi để phục hồi kinh tế nhanh chóng

Theo hướng hành động trên tinh thần hợp tác ở quy mô lớn, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra các khuyến nghị chính sách đối với khu vực, những khuyến nghị này đã tập trung vào:

1. Điều chỉnh chính sách y tế và chính sách kinh tế vĩ mô. Theo đó, để ngăn ngừa lây nhiễm,  cần áp dụng các biện pháp kiểm soát truyền nhiễm như cấm đi lại và đóng cửa ở nhà để "làm phẳng đường cong đại dịch". Nhằm giảm thiểu hệ quả tác động kinh tế bất lợi, chính phủ các nước cần tiến hành các biện pháp tiền tệ, tài khóa và tái cơ cấu để "làm phẳng đường cong suy thoái". Ngoài ra, đầu tư sớm hơn cho y tế có thể giúp giảm nhu cầu phải tiến hành các biện pháp phòng ngừa tốn kém khi đại dịch tấn công.:

2.Khẩn trương nâng cao năng lực chăm sóc y tế, Để đáp ứng nhu cầu tăng cao trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài, ngoài mở rộng cơ sở y tế truyền thống và các nhà máy sản xuất thiết bị, cần có biện pháp đổi mới sáng tạo để chuyển đổi giường bệnh thông thường thành giường hồi sức tích cực và nhanh chóng đào tạo nhân lực cho chăm sóc y tế cơ bản.

3.Điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm ứng phó với khủng hoảng COVID-19. Chính sách kinh tế vĩ mô nới lỏng không giúp được nhiều trong đẩy mạnh sản xuất và tạo việc làm trong thời gian người lao động buộc phải ở nhà. Theo đó, cần thực hiện biện pháp tài khóa hỗ trợ ứng phó y tế công cộng và trợ cấp xã hội nhằm chống đỡ các cú sốc, đặc biệt đối với những người dễ tổn thương về kinh tế.

4.Trong khu vực tài chính, cần giúp các hộ gia đình tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn giúp họ vượt qua khó khăn, đồng thời cần nới lỏng cơ hội tiếp cận thanh khoản giúp cho doanh nghiệp có thể trụ lại được trong thời kỳ gián đoạn.

5.Cần tiếp tục duy trì chính sách thương mại mở nhằm đảm bảo sản xuất hàng cung ứng thiết yếu cho người tiêu dùng trong nước, nhất là các mặt hàng y tế.

6. Ngoài ngoài các biện pháp mạnh mẽ trong nước, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh, các quốc gia trong khu vực cần ghi nhận tăng cường chiều sâu hợp tác quốc tế, đó  là liều vắc-xin hiệu quả nhất để chống lại nguy cơ do vi-rút gây ra. Theo đó, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tăng cường hợp tác công tư, đặc biệt là đảm bảo nguồn cung các mặt hàng y tế quan trọng.

Từ thực tiễn Việt Nam,  các nhà nghiên cứu thuộc VEPR nhận thấy có những khác biệt so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Những vấn đề đặt ra từ vị trí địa lý, vai trò đất nước và thực trạng của nền kinh tế đã gợi ra cho các nhà khoa học những khuyến nghị phù hợp với điều kiện đất nước, Theo đó, các khuyến nghị đã tập trung vào:

1.Trước hết cần xây dựng các kịch bản ứng phó khác nhauđối với từng cấp độ dịch bệnh để hình thành các cấp độ chính sách “hỗ trợ” và “cứu trợ”. Trong mọi hoàn cảnh đều rất cần tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp còn khả năng hoạt động, để họ có phương án thích ứng vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh; tránh ngăn sông cấm chợ cực đoan ở một số địa phương;

2. Hai là, ưu tiên thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ những người bị ngừng việc tạm thời; trợ cấp cho người nghèo, cá nhân và hộ kinh doanh bị mất kế sinh nhai. Đối với nhóm doanh nghiệp bị ngừng hoạt động cần khoanh lại các chi phí tài chính như nợ/lãi, tiền thuê đất.... Khuyến khích tín dụng, thực hiện chính sách  giãn hoặc miễn thuế đối với những doanh nghiệp còn hoạt động khó khăn

3. Đối với nhóm các Doanh nghiệp bị ảnh hưởng dich bệnh : Cần có tiêu chí phân loại mức độ chịu ảnh hưởng và hưởng hỗ trợ. Hoãn/miễn đóng BHXH, tiền thuê đất, lãi vay, giãn thu thuế giá trị gia tăng VAT; ưu đãi vốn vay trên cơ sởi đảm bảo phương án kinh doanh khả thi để tránh nợ xấu. Đối với nhóm các DN ít hoặc không bị ảnh hưởng, hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả. Cần coi đây là nhóm gánh đỡ khó khăn cho nền kinh tế nên cần tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành nhằm thúc đẩy phát triển.

4. Muốn phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch  phải tạo được nền tảng hạ tầng vững mạnh., thúc đẩy đầu tư công đi kèm tiết kiệm chi thường xuyên để đẩy nhanh tiến độ xây dựng là việc làm cần thiết. Theo đó; cần có kế hoạch thực hiện cụ thể nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các dự án hạ tầng đã được phê duyêt;

5 . Để phát triển bền vững, trong tầm nhìn dài hạn, cần có những chính sách dài hơi nhằm tạo nền tảng vĩ mô ổn định để chuẩn bị cho sự phục hồi sau dịch bệnh và từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu covid-19 như đã diễn ra. Đặc biệt, trong hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, cần đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào từng nhóm nước quá mạnh

 

Thay cho lời kết

Là một quốc gia hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, Viêt Nam thể hiện là nước có thế mạnh về thương mại và du lịch trong khu vực. Trước hiểm họa của đại dịch COVID-19,Việt Nam đã nhanh chóng triển khai hàng loạt biện pháp quyết liệt và là một trong số ít những quốc gia đang kiểm soát dịch bệnh khá thành công. Cho đến nay, trong cả nước chưa có trường hợp tử vong nào liên quan tới COVID-19, số ca nhiễm bệnh tính tới hết ngày 20 tháng 4 năm 2020 vẫn thấp so với nhiều nước rong khu vực (268 ca). Chiến lược ứng phó với đại dịch COVID của Việt Nam được cộng đồng Thế giới đánh giá rất cao

Có thể coi kết quả phòng chống đại dịch COVID-19 là một thành quả tổng hợp của tất cả các hệ thống, từ cấp quốc gia cho tới từng con người. Đó là sức mạnh đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái của toàn dân tộc. Đây cũng là điều nhắc nhở chúng ta có thể tận dụng nhiều cơ hội hơn nữa để vượt qua những thử thách gian nan trên con đường phát triển.

Đại dịch COVID-19,đã ảnh hưởng nhạy cảm và làm thay hàng ngày tình hình kinh tế xã hội của từng quốc gia và trong khu vực. Những đóng góp của các nhà khoa học và đánh giá của công đồng quốc tế giúp chúng ta có niềm tin vững chắc rằng, đất nước sẽ vượt được qua những khó khăn để khôi phục lại đà tăng trưởng sau đại dịch./.

 

File Cov