Kỷ niệm ngày 21 tháng 4 CÙNG NHÌN LẠI CHẶNG ĐƯỜNG 70 NĂM CỦA HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 của 2 thế kỷ trước (XIX) đã có một số tờ báo ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương. Đầu thế kỷ XX, những tờ báo Việt đã tập hợp được một số nhà văn, nhà báo và trí thức theo nhóm nhỏ các khuynh hướng chính trị khác nhau, nhưng chưa có một tổ chức nghề nghiệp thống nhất. Cách mạng tháng Tám thành công, hàng loạt cơ quan và tổ chức báo chí được thành lập,đén cuối tháng 12 năm 1945, Đoàn Báo chí Việt Nam mới chính thức ra đời.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đoàn báo chí Việt Nam được đổi tên thành Đoàn Báo chí Kháng chiến và Việt Bắc đã trở thành cái nôi của báo chí kháng chiến. Trước đòi hỏi của cách mạng, để đáp ứng yêu cầu nâng cao nghiệp vụ, đầu năm 1950 Hội những người viết báo Việt Nam được thành lập.Kể từ ngày thành lập đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã không ngừng phát triển, đưa số hội viên từ 300 lên trên 25.000 người hiện nay và đã trải qua thêm 9 kỳ Đại hội.

Hội Nhà báo Việt Nam, 70 năm với 10 kỳ Đại hội

1.Đại hội lập Hội những người viết báo Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp

Hội nghị thành lập Hội khai mạc vào ngày 21 tháng 4 năm 1950 tại xóm Roòng Khoa, xã Mặc Điềm, huyện Định Hóa, Tỉnh Thái Nguyên. Tại Hội nghị này, đại biểu tham dự đã thông qua Điều lệ, bầu Ban chấp hành và bầu nhà báo Xuân Thủy làm Hội trưởng; các nhà báo Hoàng Tùng, Đỗ Đức Dục là Phó Hội trưởng và Nhà báo Nguyễn Thành Lê là Tổng Thư ký.

Ngày 02 tháng 6 năm 1950, Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị định số 232-NV/H chính thức công nhận sự hợp pháp của Hội những người viết báo Việt Nam. Đến tháng 7 năm 1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) họp ở Phần Lan đã công nhận Hội là thành viên chính thức của tổ chức này. Đây là những dấu mốc quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam, khi những người làm báo đã có một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp của mình.

2. Đại hội lần thứ II trong giai đoạn xâm lược Mỹ can thiệp vào miền Nam

Cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp thắng lợi, Hội Những người viết báo Việt Nam chuyển về Hà Nội, đặt trụ sở chính tại số nhà 59 phố Lý Thái Tổ. Đại hội lần II của Hội  diễn ra trong 2 ngày 16 và 17 tháng 4 năm 1959, với 123 đại biểu thay mặt cho 700 hội viên tham dự, Đại hội vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và  Người đã phát biểu chỉ đạo.

Ðại hội đã nhất trí đổi tên Hội thành Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN), thông qua điều lệ mới, bầu Ban Chấp hành gồm 25 ủy viên, do nhà báo Xuân Thuỷ làm Chủ tịch, 3 nhà báo  Hoàng Tùng, Huỳnh Văn Tiểng , Phùng Bảo Thạch làm Phó Chủ tịch và nhà báo Nguyễn Thành Lê là Tổng Thư ký.

Đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 11 tháng 11 năm 1961, Hội Nhà báo Yêu nước và Dân chủ miền Nam Việt Nam ra đời do nhà báo Vũ Tùng (Nguyễn Văn Thọ) làm Chủ tịch.

http://nguoilambao.vn/upload_images/images/Bac%20Ho%20voi%20Bao%20chi.jpg

Chủ tịch HồChí MInh - Người lãnh đạo Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ảnh: tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà báo vĩ đại mà còn là người khai sinh và đặt nền móng vững chắc cho báo chí cách mạng Việt Nam. Gần 50 năm hoạt động báo chí, Người đã viết hơn 2.000 bài báo, 300 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký với khoảng 200 bút danh, đã để lại cho các thế hệ nhiều bài họclớn về nghề làm báo.

3. Đại hội lần thứ III và hoạt động của Hội những năm chống Mỹ cứu nước

Trong 2 ngày từ ngày 07 đến 08 tháng 9 năm1962, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III với160 đại biểu thay mặt 757 hội viên tham dự. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và nói chuyện với Đại hội với chủ đề: “Nâng cao hơn nữa chất lượng báo chí”. Người căn dặn“Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.

Đại hội bầu ban chấp hành gồm 29 người, nhà báo Hoàng Tùng được bầu làm Chủ tịch Hội; 2 nhà báo Huỳnh Văn Tiểng, Phùng Bảo Thạch làm phó chủ tich và nhà báo Lưu Quý Kỳ làm Tổng Thư ký.

Nhiệm kỳ Đại hội III của Hội Nhà báo Việt Nam đã chứng kiến sự kiện lịch sử , sau ngày đất nước thống nhất, ngày 07 tháng 7 năm 1976, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Yêu nước và Dân chủ miền Nam Việt Nam hợp nhất, lấy tên là Hội Nhà báo Việt Nam,do nhà báo Hoàng Tùng làm Chủ tịch.

4. Đại hội lần thứ IV khi đất nước chuẩn bị bước vào Đổi mới

Ðại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ IV đã được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian từ ngày 8 đến 10 tháng 12 năm 1983. Ðại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 53 ủy viên, do nhà báo Hoàng Tùng làm Chủ tịch ( từ tháng 01 năm 1987 do bận công tác Trung ương, nhà báo Hoàng Tùng xin thôi làm Chủ tịch Hội, Hội nghị Ban chấp hành đã bầu nhà báo Hồng Chương làm Chủ tịch Hội) và 6 Phó Chủ tịch là các nhà báo Hồng Chương, Hồng Hà, Trần Lâm, Trần công Mẫn, Thanh Nho, Đào Tùng; nhà báo Lưu Quý Kỳ tiếp tục làm Tổng Thư ký.

Sự kiện đáng chú ý của nhiệm kỳ Đại hội lần thứ IV là tháng 2 năm1985, Ban Bí thư Trung ương Ðảng quyết định lấy ngày 21 tháng 6 năm 1925, ngày ra số đầu của báo Thanh Niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, làm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam.

5. Đại hội V trong không khí Đổi mới đất nước

Từ ngày 16 đến18 tháng 10 năm1989, Ðại hội lần thứ V Hội Nhà báo Việt Nam đã diễn ra. tại Hà Nội. Đại hội thông qua nghị quyết Đại hội “Đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước” và thông qua điều lệ sửa đổi của Hội Nhà báo Việt Nam. Theo đó, Ban Chấp hành Hội không còn chức Chủ tịch mà có chức danh Tổng thư ký. Ðại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 39 ủy viên do nhà báo Phan Quang làm Tổng Thư ký. Cũng trong nhiệm kỳ này, ngày 28 tháng 12 năm1989, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa VIII đã  biểu quyết thông qua Luật báo chí.

6. Đại hội VI khi đất nước mở cửa hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu

Hội Nhà báo Việt Nam tiến hành Ðại hội lần thứ VI tại Hà Nội từ ngày 08 đến 09 tháng 3 năm 1995. Điều lệ mới của Hội đã khôi phục lại chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch.  Ðại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 35 uỷ viên, do nhà báo Phan Quang làm Chủ tịch; nhà báo Trần Mai Hạnh làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký….

Điểm nhấn trong nhiệm kỳ này là Đại hội đã thông qua Quy ước về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của báo chí Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn báo chí ASEAN (CAJ).

7. Đạị hội VII trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa và đất nước hội nhập sâu

Ðại hội lần thứ VII Hội Nhà báo Việt Nam họp trong 2 ngày 24 và 25 tháng 3 năm 2000 tại Hà Nội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành do nhà báo Hồng Vinh làm Chủ tịch, nhà báoTrần Mai Hạnh làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký và nhà báo ông Ðinh Phong làm Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam.

Sau Ðại hội VII, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21tháng 4năm1950- 21tháng 4 năm 2000), Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã trao tặng Hội  Huân chương Hồ Chí Minh và trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2000),  giới báo chí Việt Nam và Hội đã được Ban Chấp hành Trung ương Ðảng trao bức trướng với dòng chữ vàng “Báo chí Cách mạng Việt Nam trung thành, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

8. Đại hội VIII với quyết tâm nâng cao đạo đức trong sáng của người làm báo Việt Nam

Hội Nhà báo Việt Nam đã tiến hànhÐại hội lần thứ VIII từ ngày 11 đến13 tháng 8 năm 2005 tại Hà Nội. Ðại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 43 uỷ viên. Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ gồm 9 uỷ viên. Nhà báo Ðinh Thế Huynh, được bầu làm Chủ tịch; nhà báo Lê Quốc Trung, làm Phó Chủ tịch Thường trực và nhà báo Phạm Quốc Toàn, làm Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam.

Ðại hội đã quyết nghị thay “Quy ước về đạo đức nghề nghiệp báo chí Việt Nam” bằng “Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”, sửa đổi Ðiều lệ và Chương trình hành động đến năm 2010. Ngày 21-6-2010, tại Hà Nội, Hội nhà báo Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ đón nhận Huân chương Sao Vàng do Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Phú Trọng thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng.

9. Đại hội lần thứ IX với những chuyển biến tích cực của đất nước trong phát triển bền vững

Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, từ ngày 10 đến12 tháng 8 năm 2010 tại Hà Nội, Hội Nhà Báo Việt Nam đã tiến hành Đại hội IX. Đại hội tiếp tục bầu nhà báo Ðinh Thế Huynh, giữ chức Chủ tịch Hội (tại Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX, ngày 27 tháng 3năm 2012, Hội nghị, đã nhất trí để nhà báo Đinh Thế Huynh thôi giữ chức Chủ tịch và bầu nhà báo Thuận Hữu, tiếp quản chức Chủ tịch Hội), nhà báo Hà Minh Huệ là Phó chủ tịch Thường trực;2 nhà báo Mã Diệu Cương, Trần Gia Thái làm Phó chủ tịch và nhà báo Phạm Quốc Toàn làm Phó chủ tịch phụ trách phía Nam.

10 . Đại hội X, nét mới trong các chương trình hành động trong thời đại bùng nổ thông tin

Từ 07đến 09 tháng 8 năm 2015 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam đã được tiến hành tại Hà Nội. Đại hội có sự tham gia của 502 đại biểu, đại diện cho hơn 22.000 hội viên thuộc 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội và gần 200 Chi hội trực thuộc.

Với tinh thần dân chủ và trách nhiệm, sự đoàn kết, trí tuệ, nhất trí cao, Đại hội đề ra 11 nhiệm vụ trọng tâm của toàn khóa, bầu ra Ban Chấp hành mới gồm 57 ủy viên, nhà báoThuận Hữu tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Hồ Quang Lợi giữ chức Phó Chủ tịch thường trực, nhà báo Mai Đức Lộc làm Phó Chủ tịch và nhà báo Nguyễn Bé làm Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam.

Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao vai trò của báo chí trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân. Đảng và Nhà nước đã dành cho báo chí sự quan tâm sâu sắc, ủng hộ và tạo các điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển. Tổng Bí thư nhấn mạnh, Báo chí cách mạng đã thực sự xứng đáng là vũ khí tinh thần, vũ khí chính trị sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay.

Nhìn lại chặng đường phát triển của Hội Nhà báo Viêt Nam 70 năn qua có thể nhận thấy:

Nền báo chí việt Nam phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng, đã hình thành một hệ thống đồng bộ, bao gồm cả thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp trong cả nước và đại diện ở nhiều nước trên thế giới.

Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, sinh động và hấp dẫn. Báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống; phát hiện, giới thiệu góp phần tích cực vào cổ vũ các mô hình kinh tế mới, cách làm ăn mới, nhân tố mới, cũng như người tốt, việc tốt.

Báo chí Việt Nam đã thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hoá dân tộc, tuyên truyền cổ vũ toàn dân phát huy có chọn lọc nền văn hoá tiên tiến của các nước trên thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hoá xấu len lỏi vào đất nước, đã khơi dậy và biến nhiều hoạt động xã hội từ thiện trở thành phong trào của toàn xã hội.

Trong quá trình hội nhập quốc tế theo cơ chế thị trường của thời đại bùng nổ thông tin ,báo chí ở nước ta đã và đang không ngừng phát triển. Trước những vấn đề và thách thức đặt ra, kiên định mục tiêu phát triển dân giầu , nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh;thực hiện chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân cần là nhiệm vụ thường trực đối với mỗi người làm báo chúng ta./.