Lai Châu bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch

Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới với 20 dân tộc cùng sinh sống. Đây là vùng đất còn lưu giữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc. Văn hóa truyền thống chính là một trong những tiềm năng to lớn để tỉnh phát triển du lịch.

Đảng bộ tỉnh Lai Châu khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 04 về bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để địa phương bảo tồn gắn với khai thác hiệu quả các tiềm năng thế mạnh trong văn hóa của đồng bào các dân tộc phục vụ phát triển du lịch.

Bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường nằm dưới chân núi Pu Ta Leng, cách thành phố Lai Châu gần 30km. Nằm ở độ cao trên 1.400m so với mực nước biển, bản có hơn 60 hộ dân với 300 nhân khẩu, trong đó 100% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, không gian thoáng đãng, khí hậu trong lành mát mẻ, cùng với những phong tục tập quán độc đáo, bản Sì Thâu Chải rất thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái.

 

Ấn tượng với du khách khi đến đây là không gian yên tĩnh, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp với rất nhiều loại hoa và cây ăn quả được trồng hai bên đường đi, trong các khu vườn và trên các sườn núi. Con đường dẫn vào bản được lát đá khang trang, hai bên là hàng rào đá đẹp mắt. Trong bản những ngôi nhà gỗ đặc trưng của đồng bào Dao với lối kiến trúc đơn giản nhưng đem lại ấn tượng đặc biệt đối với du khách.

Chị Phạm Ngọc Minh, khách du lịch đến từ Hà Nội cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi lên Sì Thâu Chải và Tam Đường. Lý do tôi đến đây bởi vì nơi này vẫn giữ được nét nguyên sơ về văn hóa, về trang phục cũng như nét đặc trưng của người dân tộc".

Từ khi được Nhà nước đầu tư điện lưới quốc gia, đường bê tông đến tận bản, đời sống của bà con Sì Thâu Chải đã thay đổi rõ nét. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khách du lịch đến với bản không nhiều, khoảng hơn 1.000 lượt khách nhưng bản vẫn tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, trồng cây ăn quả ôn đới, trồng thảo quả… Nhờ đó cuộc sống của bà con từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng một người một năm, nhiều hộ đã mua được xe máy, sắm được máy cày, máy bừa phục vụ sản xuất. 

Anh Lù Văn Páo ở bản Sì Thâu Chải cho biết: "Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khách đến đây cũng ít, nên ngoài việc tham gia vào làm dịch vụ homestay, gia đình tôi cũng trồng lúa, dong riềng và các loại cây trồng khác để phục vụ cho sinh hoạt gia đình nữa".

Tỉnh Lai Châu hiện có 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm nghệ thuật múa xòe; trò chơi kéo co của dân tộc Thái; lễ tủ cải của dân tộc Dao; lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông và nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lự. Văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc đã và đang đóng góp lớn cho các hoạt động quảng bá phục vụ du lịch của tỉnh Lai Châu.

 

Phát huy thế mạnh từ sự phong phú đa dạng, nét riêng có trong văn hóa truyền thống các dân tộc, tỉnh Lai Châu đã xây dựng thành công các bản văn hóa du lịch cộng đồng, như bản Vàng Pheo, xã Mường So và bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ; bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường; bản San Thàng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu… Các điểm du lịch cộng đồng này thường xuyên duy trì hoạt động văn nghệ, sinh hoạt văn hóa dân gian, từng bước tạo nên các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan, tìm hiểu.

Ông Vàng A Chỉnh - Trưởng bản Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ chia sẻ: "Trước chưa có du lịch thì bà con không có thu nhập gì, rất nghèo, rất khổ. Từ năm 2015 khi nhà nước đầu tư phát triển điểm du lịch này thì thu nhập của bà con khá hơn. Có khách đến đây, bà con trồng hoa thì có khách mua, có cành đào hay nuôi được lợn gà đều tiêu thụ được".

Xác định việc quản lý, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng, những năm qua tỉnh Lai Châu đã triển khai hiệu quả công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn theo từng giai đoạn. Lai Châu cũng đã xác định sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai các đề án, dự án gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhằm bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của từng dòng họ, tộc người, đặc biệt là các dân tộc chỉ có ở Lai Châu, gắn với phát triển du lịch cũng như quảng bá, giới thiệu hình ảnh thân thiện mến khách đến với du khách trong nước và quốc tế.