Người Tày Bắc Sơn có nguồn gốc từ vùng trung du, đồng bằng Bắc bộ di cư đến vùng đất này. Nhờ sự giao thoa, tiếp biến mạnh của văn hóa Tày bản địa mà hát ví có xu hướng “Tày hóa” và trở thành một loại hình dân ca của người Tày. Hát ví Tày Bắc Sơn chủ yếu là dùng tiếng Việt, hiếm khi thấy dùng tiếng Tày. Giọng điệu, ngôn từ dân tộc Tày được lồng trong ngôn ngữ Việt thông qua thể thơ lục bát, với lối gieo vần uyển chuyển, khiến cho những câu hát ví của người Tày Bắc Sơn rất khác với lối hát truyền thống.
Tại các bản Tày nơi đây có những bậc cao niên mà tuổi hát ví gần bằng tuổi đời. Ông Dương Công Quang, 85 tuổi ở bản Quỳnh Sơn, xã Bắc Quỳnh là người am hiểu về văn hóa vùng Quỳnh Sơn này cho biết: Có những nghệ nhân cao tuổi ở Bắc Sơn không biết tiếng Kinh, nhưng họ vẫn cứ hát ví một cách rất rõ ràng.
Ông Quang nói: "Đây là bản sắc dân tộc từ xa xưa, ví ở quê tôi là hay nhất. Thanh niên nam nữ đều biết. Các cụ ngày xưa hát ví có những câu chẳng hạn như: "Hôm nay em đứng vườn đào, thấy đôi én nhạn bay vào làng đây. Bây giờ có khách tương phùng. Đôi ta kết nghĩa Châu Trần với nhau". Có nhiều điệu ví như ví hoa tình, ví trống, ví truyện... Thế hệ biết hát ví hiện giờ không còn nhiều. Tết Nguyên Đán ở đây vẫn có lễ lên đền, chùa, có hát hò, lượn, chơi ném còn, đáng cù, đánh yến..."
Về cách hát ví, Nghệ nhân Ưu tú Dương Thị Vuông cũng ở bản Quỳnh Sơn cho biết: "Khi hát ví chia làm 2 đội: Hai nam, hai nữ hát đối đáp giao duyên. Ví gặp mặt, ví tiễn chân. Hát đến nỗi mê rồi lấy nhau. Khi đã chọn được người ưng ý, họ tách ra thành cặp trai gái để dễ tìm hiểu, hát ví. Đám cưới ở đây không hát ví, chỉ hát quan làng, đàn ông hát quan làng. Còn trên Bình Gia thì lại là đàn bà. Hát ví giao duyên toàn bằng tiếng Kinh, về sau mới có ví tiếng Tày, cứ đời nọ truyền đời kia".
Bản văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, xã Bắc Quỳnh có hơn 400 hộ gia đình. Hàng trăm mái nhà sàn lợp ngói âm dương xoay theo cùng hướng Nam. Mỗi ngôi nhà thoạt nhìn tưởng giống nhau nhưng lại có sự khác biệt ít nhiều, phảng phất phong cách nhà cửa các vùng quê dưới đồng bằng Bắc Bộ xưa. Du khách hứng thú khi được cùng sinh hoạt, khám phá phong tục của người Tày Bắc Sơn, vừa được nghe hát then, hát sli, lượn, xem múa tán đàn, múa chầu đậm chất dân gian Tày... và cũng thật bất ngờ khi được nghe hát ví.
Chị Dương Thị Ngà, Đội trưởng đội Văn nghệ Quỳnh Sơn cho biết: Phong trào hát ví được người dân xã Bắc Quỳnh tiếp tục lưu giữ và dạy lại cho thế hệ trẻ: "Các cấp các ngành ở xã, phòng văn hóa huyện quan tâm hơn đến thế hệ trẻ kế cận chúng tôi, động viên các cháu thấy yêu các làn điệu dân ca ở Bắc Sơn, đặc biệt là hát ví rất khác nhiều nơi. Làm thế nào phát triển ví để ai ai cũng biết đến, biết hát, biết làn điệu ngân nga. Khó khăn thì rất nhiều nhưng nếu được quan tâm đầu tư cho đội văn nghệ lớn mạnh hơn, thấy được lợi ích của việc lưu truyền làn điệu hát ví, từ đó nhiều người sẽ muốn học làn điệu của cha ông".
Các điệu ví ở Quỳnh Sơn nói riêng và Bắc Sơn nói chung đã được sử dụng nhiều hơn trong các hội thi, hội diễn văn nghệ ở cơ sở, đặc biệt là các tiết mục dân ca trong lễ hội truyền thống hàng năm, qua đó góp phần xây dựng, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trên địa bàn. Tết đến, Xuân về, nếu có dịp được lên Bắc Sơn, du khách sẽ được ngủ nhà sàn, thưởng thức các món ăn độc đáo của người Tày và điệu ví mượt mà, da diết như muốn níu bước chân dùng dằng của du khách.