Lào Cai: Bất cập việc sử dụng nhà văn hóa sau sáp nhập thôn

Việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy cơ sở. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, nhiều địa phương đang đối diện với tình trạng thừa, thiếu nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, ảnh hưởng đến việc sinh hoạt cộng đồng của người dân tại các khối phố, khu dân cư.

nha-van-hoa

Nhà văn hóa thôn Xuân Lý (Gia Phú - Bảo Thắng) chật chội, lại nằm trong khuôn viên một điểm trường mầm non.

Nhà văn hóa thôn Đông Xía cũ, xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng) phủ rêu mốc nằm trơ trọi giữa bãi đất phủ đầy lau lách, cỏ dại. Nếu không được người dân giới thiệu, chúng tôi có lẽ không hình dung nổi vì cách đây không lâu, căn nhà này từng là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của hàng chục hộ. 3 năm trước, thôn Đông Xía được sáp nhập vào thôn Xuân Lý và lấy nhà văn hóa thôn Xuân Lý làm nơi sinh hoạt, hội họp của thôn mới. Cũng từ đó, nhà văn hóa thôn Đông Xía đóng cửa, không tổ chức bất kỳ hoạt động nào.

Trưởng thôn Xuân Lý - Đặng Văn Phong cho biết: Sau sáp nhập, việc sinh hoạt tại nhà văn hóa thôn mới nảy sinh nhiều bất cập. Với số hộ nhiều gấp đôi (138 hộ) nhưng nhà văn hóa chỉ rộng 60 m2 khiến mọi cuộc sinh hoạt, hội họp trở nên chật chội. Chưa kể nhà văn hóa đặt trong khuôn viên của điểm trường mầm non nên việc tổ chức các hoạt động rất khó khăn do phải tránh giờ học của học sinh. Ngoài ra, do nhà văn hóa không đặt ở trung tâm thôn nên việc đi lại cũng không thuận tiện. Biện pháp được người dân đồng thuận là thanh lý nhà văn hóa thôn Đông Xía cũ để lấy kinh phí xây dựng nhà văn hóa mới nhưng chưa được cấp trên cho ý kiến. Việc huy động kinh phí từ người dân thêm một lần nữa để xây nhà văn hóa là rất khó!

Tại xã Lùng Vai (huyện Mường Khương), sau khi sáp nhập có 11 nhà văn hóa có nhu cầu xây dựng lại do vị trí không phù hợp. Mặc dù trước đó để đạt chuẩn nông thôn mới, hầu hết các thôn đã được xây dựng nhà văn hóa từ nguồn vốn nhà nước và nguồn xã hội hóa. Để tiện cho sinh hoạt của người dân, vào ngày thường thì người dân vẫn sinh hoạt tại cả 2 nhà văn hóa cũ, chỉ đến khi có hoạt động chung thì cả thôn mới tổ chức tại 1 điểm.

Tình trạng vừa thừa vừa thiếu nhà văn hóa thôn sinh hoạt chung không phải là vấn đề riêng ở xã Gia Phú hay xã Lùng Vai, đây là câu chuyện chung của hầu hết các xã, phường, thị trấn có thôn, tổ dân phố sáp nhập. Sau khi sáp nhập, một số nhà văn hóa không đảm bảo về diện tích và các trang - thiết bị hoạt động, số khác có vị trí không thuận tiện cho việc đi lại và sinh hoạt của dân cư.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có 1.718 thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có 1.544 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa (90%). Số nhà văn hóa đạt chuẩn và đáp ứng được quy mô số hộ sau khi sáp nhập là 965, số nhà văn hóa cần nâng cấp mở rộng là 283, số nhà văn hóa cần xây dựng lại do xuống cấp và hỏng không sử dụng được hoặc vị trí không thuận lợi cho việc tổ chức sinh hoạt là 296 (263 thôn và 33 tổ dân phố). Trong 263 thôn có nhà văn hóa cần xây dựng lại, có 124 nhà văn hóa không đạt chuẩn về diện tích, xuống cấp, hỏng không sử dụng được; 139  nhà văn hóa có vị trí, quy mô xây dựng không phù hợp với thôn mới sau khi sáp nhập. Trong 33 nhà văn hóa tổ dân phố cần xây dựng lại có 24 nhà văn hóa xuống cấp, hỏng, không đạt chuẩn theo quy định và 9 nhà văn hóa có vị trí, quy mô không phù hợp sau sáp nhập.

Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng khu dân cư trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn. Có thể kể đến như định mức hỗ trợ còn thấp, chưa phù hợp với điều kiện của các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn. Đối với các thôn có ít hộ cư trú thì mức hỗ trợ lại thấp (mức hỗ trợ 100 triệu đồng đối với thôn có từ 150 hộ trở lên; 70 triệu đồng đối với các thôn có từ 50 đến dưới 150 hộ; 50 triệu đồng đối với thôn có dưới 50 hộ). Quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa còn chậm; việc quy hoạch xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao thôn còn gặp khó khăn do ở một số xã vùng cao, quỹ đất dành cho hoạt động văn hóa, thể thao nhỏ hẹp, khó tìm địa điểm cho việc xây dựng. Công tác quy hoạch, vận động người dân hiến đất ở những nơi đất có giá trị kinh tế cao như huyện Bắc Hà, thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai… còn khó.

Trong khi chưa có cơ chế, chính sách của tỉnh và huyện về giải quyết những nhà văn hóa dôi dư và cả những nhà văn hóa mới không đảm bảo sau sáp nhập, hiện các xã đang vận động người dân chủ động khắc phục khó khăn, huy động xã hội hóa để sửa chữa, nâng cấp tạm thời các nhà văn hóa đã xuống cấp.