Lấy muối làm ngon

Lấy muối làm ngon, lấy nước làm sạch, lấy con làm giàu. Đây là câu tục ngữ nằm trong kho ngữ liệu gần đây của chúng tôi (tại Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) mà lâu nay chưa được thống kê trong các cuốn từ điển thành ngữ - tục ngữ ở ta.

lay-muoi-lam-ngon-1644114737.jpgMuối. Ảnh internet

 

Mãi tới gần đây (vào năm 2010), tôi mới thấy xuất hiện trong cuốn Từ điển tục ngữ Việt (Tác giả: Nguyễn Đức Dương, NXB Tổng hợp TP HCM) nhưng lại được “cắt” thành 2 mục từ như sau:

Lấy mặn làm ngon; lấy con làm giàu. Nên lấy vị mặn (của món ăn) thay cho vị ngon; nên lấy sự đông con thay cho lắm của. Hay dùng để nhắc nhở mọi người nên lấy cuộc sống kham khổ thay cho cuộc sống phong lưu và lấy con cái thay cho của cải (tr. 509).

Lấy nước làm sạch (Hãy) lấy nước làm thứ tẩy sạch hết thảy mọi thứ dơ bẩn trên đời (tr. 509).

Tuy tách ra thành 2 đơn vị, nhưng về cơ bản, cách hiểu của tác giả đều nằm trong sự kết hợp ngữ nghĩa của cấu trúc “lấy A làm x”. Ta có thể gặp cấu trúc này ở nhiều trường hợp khác: (không có cá) lấy rau má làm trọng, lấy công việc làm niềm vui, lấy công làm lãi… Cấu trúc này hình thành từ một thái độ ứng xử của dân gian ta trước một thực tại (diễn ra không như bình thường): Chấp nhận một cái đang có để thay thế cho một cái khác mà lẽ ra cần phải có (mặc dù giá trị của nó kém hơn).

Như cá vốn dĩ được coi là món ăn quen thuộc, ngon, giàu dinh dưỡng (có cơm ăn với cá thì còn gì bằng!), thế nhưng nếu vì hoàn cảnh khó khăn không đáp ứng thì ta có thể lấy rau má (một loại rau mọc tự nhiên, rẻ tiền) làm thức ăn chính thay thế. Khi đó, rau má sẽ được coi là quý, là ngon, là đáng trân trọng. Cũng theo Nguyễn Đức Dương (sách đã dẫn) thì câu này “nhắc mọi người hãy khéo xoay xở nhằm biến thiếu thành đủ để còn sống được ở đời” (tr. 158).

Ngẫm cho kĩ, đó không hẳn chỉ là một cách ứng xử như một “giải pháp tình thế” trước sự tình không xuôi thuận mà còn là một quan niệm rất rõ ràng, rất đẹp của ông cha ta: Trong khó khăn cần phải biết tìm cách “vượt lên cuộc sống”, chấp nhận hiện tại để bước tiếp. Hơn thế nữa, chúng ta cần biết coi đó là một giá trị sống. Có rất nhiều ví dụ sinh động về điều này. Trong Truyện Kiều, Kim Trọng còn vượt lên cả quan niệm ngàn đời về “Chữ trinh đáng giá ngàn vàng” để khảng khái nói với Thuý Kiều trong ngày đoàn viên: Xưa nay trong đạo đàn bà / Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường / … / Như nàng lấy hiếu làm trinh / Bụi nào cho đục được mình ấy vay? Lấy hiếu làm trinh, quả là một suy nghĩ hết sức nhân văn mới mẻ, “đi trước thời đại”.

Trở lại với câu tục ngữ đang bàn (mà theo tôi phải được viết đầy đủ là “Lấy muối làm ngon, lấy nước làm sạch, lấy con làm giàu”) thì hướng suy luận ngữ nghĩa có khác. Ở đây người nói muốn nhấn mạnh tới một nhân tố cơ bản làm nên giá trị của một sự việc nào đó: Trong việc nấu nướng, muối là gia vị quyết định làm cho món ăn có ngon hay không bất luận nó được chế biến từ nguyên liệu gì và chế biến thế nào. Cũng như thiếu nước (một dạng chất lỏng không màu, không mùi, không vị, có nhiều trong tự nhiên) thì không thể rửa sạch bất cứ thứ gì. Theo hướng đó, ta suy luận tiếp là, con cái chính là những người làm nên sự giàu có của mọi gia đình (dù là giàu có về tiền bạc của cải vật chất hay là giàu có về danh tiếng (công danh thành đạt, đức độ) thì cuối cùng cũng là những giá trị quý giá). Vì vậy, tôi không nghĩ câu “lấy muối làm ngon” đơn thuần chỉ là “lấy vị mặn thay cho vị ngon”. Bởi nếu thế nó sẽ không tạo ra suy luận tương đồng của hai vế tiếp theo (nước quyết định cho sự sạch và con quyết định cho sự giàu, cũng như muối quyết định làm nên các món ngon).

Thành ngữ, tục ngữ (cũng như ca dao, dân ca, truyện cổ tích…) là những cứ liệu văn hoá dân gian (folklore) được lưu truyền chủ yếu bằng hình thức truyền khẩu. Chính vì vậy mà việc sưu tầm, truy nguyên xuất xứ gặp khó khăn và việc giải nghĩa chúng sao cho chính xác càng khó khăn hơn. Nhân cuốn Từ điển tục ngữ Việt của Nguyễn Đức Dương xuất bản gần đây mà tôi có cơ hội trao đổi về một trường hợp mà tôi vẫn băn khoăn bấy lâu nay.