Hồi ấy tôi còn bé tý.
Nhà hàng xóm có đôi vợ chồng trẻ cãi nhau.
Đêm khuya nên tiếng cãi nhau vang vang cả xóm nhỏ.
Bố tôi sang can ngăn.
Nhưng hình như họ cãi nhau còn hăng hơn.
Bố tôi quát :
- Anh chị có im đi không? Có coi tôi ra gì không?
Thế là im bặt.
Chắc họ giật mình khi thấy một người hàng ngày vốn rất nghiêm cẩn, nho nhã là bố tôi bỗng nổi cơn thịnh nộ như vậy.
Sau khi cả 2 đã "ngồi yên để thở", bố tôi mới bảo anh chị ngồi vào bàn, hỏi họ sự tình sao dẫn đến cãi nhau?
Rồi bố tôi chậm rãi:
Vợ chồng đang lúc cãi nhau, có người can ngăn là thấy mừng, thấy may mắn lắm chứ. Bởi đó là cái cớ để mà dừng lại, để mà giữ sĩ diện, vì tự nhiên mình im thì sợ bị lép vế. Ai đúng ai sai thì lúc bình tĩnh rồi phân tích cho nhau. Dừng lại cũng chính là biết tôn trọng người đang can ngăn mình. Người ta có quý mình, thương mình thì người ta mới can ngăn. Anh chị thử liên tưởng đến 2 con gà chọi nhau ấy. Người xem bên ngoài càng cổ vũ thì chúng nó chọi nhau càng hăng. Cuối cùng thì một trong 2 con sẽ sứt đầu mẻ mỏ, có khi còn mất mạng. Còn nếu có ai đó xót thương, ôm một con bê đi thì con còn lại hầm hè một lúc, rồi thì cũng quẹt mỏ bỏ đi nốt. Thế là hết trò...
Anh chị nghe ra. Vâng vâng dạ dạ. Chồng giục vợ rót nước mời bố tôi như một lời vừa cảm ơn vừa tạ lỗi ( thời đó dân ta chưa có phong trào nói cảm ơn và xin lỗi như bây giờ).
Bố tôi xưa học chữ Nho nên làm gì cũng ngó trước trông sau là vậy.
Lớn lên, trên đường đời xuôi ngược, khi gặp bất cứ chuyện gì tôi cũng nhớ đến những dạy dỗ của cha mình.
Tôi là học trò ngoan của bố.