Mất

Ngày tôi vào lớp 10 phần thưởng ba cho tôi là một chiếc xe đạp cà tàng. Nhà tui cách trường 11 km, những buổi học đầu tiên không ước tính được thời gian nên đi học trễ. Bỏ xe đạp ngoài cổng trường, "lông kẻo" vào học. Hết giờ ra thăm xe, chao ôi! Nó bốc hơi mất rồi!

273476948-494775258829981-7036899824389966036-n-1644463626.jpg 

Tui ngồi bệt xuống đất và khóc. Một phần vì tiếc, một phần sợ mẹ đánh, một phần sợ không có xe đi học phải đi bộ. Trưa hôm đó học xong không dám về, cứ đi loanh hoanh mãi rốt cuộc tối mịt cũng phải về. Từ sân vào nhà tui khóc rất to, ba tui chạy ra hỏi: Bị sao mà khóc dzữ? Tui nói: Ba ơi! Con lỡ làm mất xe, con xin lỗi! Ba tui rất nhẹ nhàng: À! Tưởng chuyện gì, của đi thay người! Tắm rửa, ăn cơm đi con! Tui như trút được gánh nặng. Từ đó tui có bị mất gì thì "của đi thay người". Mất tiền là không mất gì. Ba tui nghèo nhưng thương con và hiểu được người đánh mất đau khổ hơn nhiều!

Anh bạn tôi kể: “Vợ tôi không thích đeo nhẫn, có một lần đã đem hai chiếc nhẫn đặt trên bệ cửa sổ, bị dì dọn vệ sinh lau chùi rồi quét vào sọt rác ở kế bên luôn. Ngày hôm sau, vợ tôi đem túi rác đi bỏ. Qua một tuần mới nhớ đến mấy chiếc nhẫn, hỏi dì dọn vệ sinh, rồi tức tốc chạy đến thùng rác lục tìm. Làm sao mà tìm đựơc... Hai chiếc nhẫn, một chiếc 26 phân, một chiếc 50 phân, tổng giá trị hơn 103 triệu. Vợ tôi lo đến phát cáu, tôi an ủi em: “Em không thích đeo nhẫn, lỡ làm mất thì thôi... Cô ngạc nhiên: Vì sao anh không giận? “Vì sao anh phải giận?”. Mẹ em nếu làm rơi cái chén, bị bố em mắng. "Đầu óc để ở cái xó nào mà rơi bể cái chén đắt tiền thế hả!".

Tôi bỗng nhiên hiểu được, hóa ra trong mắt cô, đồ vật mà bị thiệt hại thì nhất định sẽ bị mắng. Cô cũng bất ngờ khi tôi chẳng nói gì! Bởi khi tôi còn nhỏ, trong nhà có đồ gì đó bị phá hư, người trong nhà cũng chưa từng mắng chửi nhau. Hồi học cấp 2, tôi chơi bóng đá bể kính cửa hàng xóm phải đền tiền, bố mẹ sang xin lỗi cho người sửa mà không mắng tôi một lời. Mẹ tôi chiên đồ ăn, dầu ăn văng trúng tay mẹ, nóng quá nên lỡ tay làm rơi cái tô vỡ vụn, thức ăn vương vãi khắp nhà, bố tôi không mắng mẹ, chỉ chạy thật nhanh lấy thuốc trị bỏng. Qua đó nghiệm ra: Kỹ năng thân mật, lòng trắc ẩn và yêu thương gia đình có hay không sẽ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ sau, sự tương tác của bố mẹ tốt hay xấu chính là tấm gương phản chiếu để con cái họ nhìn thấy khắc ghi trong lòng.

Sau khi kết hôn, họ sẽ sử dụng các phương pháp tương tự để hòa hợp với bạn đời và con cái. Một chuyện khác của cô bạn tôi: Bạn tôi nhà nghèo nhưng có nghề nghiệp ổn định và có chút nhan sắc nên được anh con trai nhà giàu cưới về. Bạn tôi biết thân phận mình nên lao vào làm việc bất kể ngày đêm để bù vào sự nghèo khó của nhà mình. Người chồng con nhà giàu ỷ lại không làm gì cả “miệng ăn núi lở” nên sau 20 năm tài sản cũng cạn kiệt. Bạn tôi còng lưng nuôi chồng và hai con, thấm thía cảnh làm dâu nhà giàu. Nuôi mẹ chồng đau yếu hơn 10 năm rồi bà cũng về với tổ tiên. Cả đời mẹ chồng bạn tôi chỉ còn lại ngôi nhà. Khi bà mất người chồng sang tên và anh ta đứng tên một mình. Khi biết được bạn tôi hỏi: “nhà của mẹ để lại cho Anh, khi làm giấy tờ cũng nói với em một tiếng chứ!”. Chồng bạn tôi trợn mắt trả lời: “nhà của mẹ tui cho thì tui đứng tên. Nói với em thì em ăn cướp nhà tui à!”. Bạn tôi như rơi xuống chín tầng đia ngục, uất ức nói: “tui tuy nghèo nhưng chưa bao giờ là kẻ cướp. Nhưng ngược lại tui đã bị cướp sức lao động, bị cướp tuổi thanh xuân của mình!”. Vậy là bạn tôi “kẻ cướp” bất đắc dĩ lập tức rời khỏi ngôi nhà với trắng hai tay như cách đây 30 năm bạn tôi đến với hai bàn tay trắng.

Mất nhưng mà được ở chỗ: mọi việc không cưỡng cầu. Tình yêu không có chỗ của ích kỷ và tham lam. Tôi cầu mong bạn tôi ở nơi chân trời góc bể không còn làm “kẻ cướp” nữa.

 

Chuyện quê