Miếu làng

Miếu Cô đầu ở làng tôi rất thiêng. Nghe một bà cụ kể rằng: “Ngày ấy có một cô gái xinh đẹp, đàn giỏi, hát hay (hát cô đầu), nổi tiếng cả một vùng làng quê trồng lúa, nuôi tằm nằm dọc bờ con sông Ninh cơ hiền hòa, nối từ sông Hồng ra biển”.

269781172-894995064495126-8719821102095226959-n-1640850649.jpgẢnh tải trên mạng. Mang tính minh họa.

Bà cụ lúc ấy còn nhỏ, cũng nghe kể lại nên chẳng biết cô gái ấy tên gì? Ở đâu? Chỉ nhớ khi đến hát ở hội làng, cô đột ngột ốm rồi chết. Hồng nhan bạc mệnh, dân làng thương tình làm ma rồi chôn cô ở một mảnh đất nhỏ, cạnh lũy tre bao bọc ở đầu làng. Hồi đầu chỉ là một ngôi mồ hoang trồng bụi tầm xuân, cỏ dại mọc um tùm. Cứ mỗi độ tháng 3 hoa nở lung linh màu trắng tím, gió lay rưng rưng, rơi lả tả làm khắc khoải lòng người ...

Một hôm, có cô gái nọ đi cấy ở thửa ruộng bên cạnh, bị đỉa bám vào chân. Chẳng hiểu luống cuống, lỡ tay thế nào? Lại bắt quăng lầm vào đó. Cô gái bỗng thấy xây xẩm mặt mày về nhà lăn ra ốm liệt giường, liệt chiếu... Rồi cô mơ thấy một người con gái đến trách rằng: "Nhà tôi đang đông người, sao cô lại quẳng con vật ô uế vào?". Nghe kể cả nhà kinh hãi vội sắm lễ, đèn nhang cúng tế, rồi xây mộ. Quả nhiên cô gái khỏi bệnh. Câu chuyện ly kỳ ấy nhanh chóng loang chuyền khắp làng. Vốn là những con người hiền lành chất phác, sống sợ trời, thương đất, trọng lễ nghĩa và nhạy cảm với tâm linh. Mọi người bàn nhau chụm tiền xây thêm một am thờ, có bệ cao và trồng một cây ngâu ở phía trước.

Ngày rằm, mồng một, các dịp lễ tết, lúc nào cũng hương hoa; Ai có điều gì trắc trở về tình, tiền, tài, vận hạn, cầu xin đều có điều linh nghiệm. Đầu tiên người ta gọi là miếu Cô đầu, sau dân làng tôn thờ gọi là miếu Bà làng. Một thời có phong trào bài trừ mê tín, dị đoan; người ta phá các miếu khác, nhưng không ai đủ can đảm phá miếu Bà làng. Cũng bởi những câu chuyện kỳ bí, rỉ tai nhau qua nhiều thời như:

......

"Xưa có ông quan đi qua, không chịu bỏ ô xuống thì một trận gió nổi lên giữa trời yên đất lặng, bụi đất như ai hắt vào mặt, cái ô bay vèo xuống ruộng".

"Có tay ba trợn không tin, dám nói lời khinh mạn Cô, thì mồm bị méo xệch đến mang tai".

"Đêm khuya thanh vắng có người còn nghe thấy tiếng đàn, sáo véo von..."

"Người buôn bán thành tâm cầu xin, thì buôn bán gặp may"

"Người ốm, nhất là trẻ con ốm đau, cầu khấn thì gặp thầy, gặp thuốc"...

"Rồi thời vào hợp tác xã Người ta đào ao và xây một trại lợn bên cạnh, đàn lợn cứ chết dần, chết mòn, cuối cùng phải để hoang".

"Gần đây nhất khi thấy cây hoa ngâu già đầy hoa thơm ngát, cành gốc cổ kính ngoằn ngèo như những cánh tay múa. Bọn chơi cây cảnh đang đêm đến đào trộm. Đào xong đưa lên xe, nhưng xe không thể nổ máy. Sợ quá! Chúng lại khấn vái và cấy trả lại về chỗ cũ".

".............."

Nhưng người ta nói: Cô phù hộ dân làng, để trả ơn nghĩa; Còn người nơi khác đến cầu xin khó mà được. Họ còn quả quyết là: Cô rất quý và hay trêu ghẹo trẻ con... Hồi nhỏ tôi đã chứng kiến một chuyện thế này: Trại lợn bỏ hoang có cái sân rộng kia là một nơi lý tưởng cho bọn trẻ, chơi đùa. Lũ trẻ vô tư, ham chơi, không màng những lời dặn dò của các bà mẹ: "Đi qua miếu Bà phải bỏ mũ, xuống xe. Không được khạc nhổ. Không nhìn chòng chọc vào nhất là không được động đến bất kỳ vật gì của miếu". Sau giờ đi học chúng tụ tập đánh khăng, ném đáo, bắn bi, đá bưởi, chơi trận giả, bắt cào cào cho sáo... thôi thì đủ thứ nghịch ngũ mà chúng nghĩ ra, đúng như thường nói: "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Một chiều tay Tí đen nói: "Hôm nay bọn mình chơi đái thi, đứa nào đái gần thì phải cõng đứa đái xa nhất". Cuộc thi đấu nảy nước tàn. Tối về không hiểu sao “chim con” của cả lũ hơn chục đứa bỗng sưng tướng, đỏ như quả ớt chín. Sau khi căn vặn, các bà mẹ tá hỏa, tụm nhau rủ rỉ. Sáng hôm sau vội mua hương hoa cầu khẩn xin cô tha cho lũ trẻ. Có bà lang vườn trong làng bảo: "Xin Cô là xin gặp thầy, gặp thuốc, chứ xin khỏi ngay là không được; Các bà về mang mỗi người một cái lọ, một đôi đũa và lôi lũ quỷ con đó ra đây". Bà đốt một đống rơm cháy đùng đùng, rồi quát chúng tụt quần, đứng xếp hàng chờ đến lượt. Rồi bà vừa hua hua đôi đũa vào lửa vừa gắp vào "chim con" từng đứa bỏ ví dụ vào lọ, Vừa hát cùng tiếng đũa lách cách như tiếng phách, nghe thật vui tai.

Bà hát rằng:

"Gắp bống bỏ lọ

Trẻ chưa biết lo

Trẻ chưa biết nghĩ

Lỡ điều xấu xí

Xin cô tha cho!

Gắp bống bỏ lọ

Gắp bống bỏ lọ

..........."

(Lặp câu "Gắp bống bỏ lọ" đúng 7 lần)

Cuối cùng đến lượt Tí đen, tay cầm đầu lớn nhất, có thể do mỏi tay nên bà kẹp lâu hơn. Nóng quá, làm cu cậu nhảy dựng, hét toáng lên. Bỗng một cô gái trẻ, xinh đẹp, chưa chồng đang đứng xem như nhập đồng, múa may, tay bịt miệng cười khúc khích. Xong về đến nhà thì: Như một điều kỳ lạ. "Bống" của bọn trẻ đã lành khỏi y như cũ. Bây giờ xóm làng đã thay đổi rất nhiều; Nhà nào cũng xây; làm ruộng cũng có nhiều máy móc, đỉa cũng chết sạch, cuộc sống có phần sung túc hơn. Người ta lại góp tiền (tức là bổ đầu gia đình theo xuất bằng nhau, chứ không chụm tiền, ai có bằng nào góp bằng ấy như xưa nữa) xây ngôi miếu to, đẹp hơn, đè lên ngôi miếu cổ. Đổ đường bê tông, kéo điện đến tận nơi. Cây hoa ngâu vẫn nguyên chỗ cũ, đầy hoa vàng li ti, những đêm trăng thanh, gió mát, ngào ngạt khắp cả đầu làng. Người ta cũng láu lỉnh hơn. Xây một cái chậu thật to để đốt vàng mã, lấy cớ đó, xây một bức bình phong cao chắn gió phía trước. Thế là chẳng ai còn phải giữ lễ, xe máy cứ phóng qua miếu vèo vèo với chiếc mũ bảo hiểm tùm hụp trên đầu. Thế là Cô chịu không phạt được nữa.

Dân làng vẫn sùng bái Cô lắm! Tế lễ cũng tốn kém hơn. Thay cho hương, hoa, nải quả, cơi trầu. Nào là: Ngựa tía, nón qoai thao, hài phượng, quần áo mớ bảy mớ ba, đàn, nhị, tiền đô la, máy điện thoại, thậm trí máy ghi âm, dĩ nhiên tất cả đều bằng giấy. Lễ xong liền hóa cho Cô. Ngoài ra còn lộc Cô dành cho người sống, nào là: Xôi, thịt, rượu nếp, bánh trái. Những tiết lễ lớn, người ta không quên có nồi cháo loãng, cái long đầy ngô rang, khoai lang luộc, trái quả, kẹo, tiền lẻ, đặt ngang mấy thẻ nhang, dành riêng cho những cô hồn lang thang, không nới nương tựa.

Lão Tí đen có bận còn thuê cả loa phóng thanh, nhà chùa, làm lễ rộn rã cả một vùng. Các cô, cậu học sinh thì có phần đơn giản hơn. Khi kỳ thi tốt nghiệp hay đại học; Các phụ huynh chẳng cần gửi ra Hà Nội học thêm cho quá tốn kém; Chỉ cần thổi đĩa xôi đỗ, dâng Cô. Chẳng rõ thế nào? Không đỗ đại học, thì cũng vào cao đẳng hay đi nước ngoài... Nhất nhất linh nghiệm. Có lẽ cô là người ca nương của thời xưa duy nhất ở triền đất này, được dân làng thờ phụng vì cái tình, cái tài, cái duyên... Lớp trẻ trong làng giờ đây, chẳng ai còn biết thế nào là tiếng hát Ả Đào khi xưa làm say đắm lòng người. Chiều chiều chúng dán mắt vào màn hình mở hết cỡ loa, những cái đĩa có các cô, cậu ca sỹ đời mới, ăn mặc hở hang, nhảy nhót, có những bài hát chẳng ra đâu, vào đâu. Rồi hầu như bị quên lãng ngay trong hiện tại. Còn tay Tí đen, tay cầm đầu nghịch ngũ nhất hồi ấy. Không hiểu sao duyên phước lớn lấy được cô vợ hơn hẳn 5 tuổi, xinh ngoan nhất làng mà hát chầu văn thì tuyệt vời. Khi có lễ tiết, giỗ tổ hay cúng tế, người ta hay mời cô ấy đến hầu đồng bởi cô rất thành tâm. Còn hắn sau khi tốt nghiệp 10/10. Đi bộ đội xong trở về ở nhà xây dựng quê hương. Con đường quan lộ cũng vô cùng gian nan, cả đời chỉ được làm phó. Chức thì lờ mờ còn Vụ thì nặng nề, rất làng nhàng nhưng được cái trong sạch, đòi hỏi lòng nhiệt tình và vất vả, hy sinh. Gọi đùa nôm na là: "Người đưa đầu chịu báng". Thật phù hợp cho một tay thông minh, khỏe mà cứng đầu. Hắn bảo:

- Mọi con đường cổ, mỗi một xóm trong làng ta đều có một thậm trí hai miếu thờ. Họ là ai? Họ là những con người vô danh, khi chết rồi đều có sự hiển linh nào đó nên được mọi người tôn thành Thần. Họ đều là những phúc thần, nên bà con đã gửi gắm thành tâm, niềm tin, khát vọng qua bao thời, qua đói nghèo, lạc hậu, qua thiên tai địch họa, qua khang trang sung túc của một cộng đồng nhỏ bé. Bằng một duyên phận nào đó đã cư ngụ mãi mãi bên nhau mà ta đã gọi là: Hàng xóm láng giềng.

Thần xóm! Một niềm tin tâm linh tự phát của mỗi xóm quê vẫn thường cho là mê tín, dị đoan. Vậy có đúng không? Kệ thôi! Những ngôi miếu cổ vẫn tồn tại ở đó với thời gian và tình làng nghĩa xóm. Nó nằm trong một bộ tâm linh mà các cụ gọi là: Chùa, Đền, Đình, Miếu, Từ. Thiếu miếu làng khó trọn vẹn là một ngôi làng mang hồn cốt quê hương bắc bộ. Những người con đi xa. Không biết có để ý rằng: Những người bà, người cha, người mẹ, người anh, em... Giờ đây cứ dịp đầu xuân người ta vẫn dành hẳn một ngày đầu xuân gọi là "việc làng". Tất cả mọi gia đình đều góp tiền làm tế lễ, vẫn thành tâm hương khói khẩn cầu cho họ được mạnh khỏe, thăng tiến, làm ăn phát đạt, mọi sự an lành. Và rất thật thà! Đôi khi cầu xin cho xóm ngõ an lành, họ còn cầu xin vượt quá quyền năng của cô. Đó là cầu xin cho cả quốc thái, dân an...

Cát chử.

 

Theo Chuyện Làng quê