Mô hình vỗ béo bò thu nhập cao ở Cao Bằng

Sinh ra từ làng, làm bạn với con trâu, bò từ bé và luôn đau đáu suy nghĩ làm cách nào để có thể thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ những con vật này.

Đó là câu chuyện làm kinh tế của vợ chồng chị Nguyễn Thị Tiên và anh Trương Lý Nguyện ở xóm Hoàng Lạc, xã Đức Long, huyện Hòa An (Cao Bằng). Họ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ việc vỗ béo cho trâu, bò.

Hệ thống chuồng trại nuôi trâu, bò của chị Nguyễn Thị Tiên sạch sẽ, thoáng mát. Ảnh: Kông Hải.

Hệ thống chuồng trại nuôi trâu, bò của chị Nguyễn Thị Tiên sạch sẽ, thoáng mát. Ảnh: Kông Hải.

Trước những năm 2010, thấy nhiều nơi phát triển nuôi trâu, bò vỗ béo bằng cách nuôi nhốt cho hiệu quả cao, nên hai vợ chồng chị Tiên đã mạnh dạn làm chuồng trại tập trung. Mới đầu chỉ nuôi mỗi lứa 4 - 5 con, chăn chủ yếu bằng rau, chuối. Nhưng trâu, bò phát triển chậm, phải 4 tháng mới xuất bán được, hiệu quả kinh tế không cao.

Chị Tiên nói: Không nản chí, vợ chồng chị Tiên tiếp tục tìm hiểu các thông tin trên ti vi, báo đài về kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò vỗ rồi áp dụng theo. Ngoài rau, chuối, gia đình đã trồng thêm vài nghìn m2 cỏ voi, sử dụng thêm các loại cám để thay đổi thức thức ăn theo từng ngày cho thấy trâu, bò phát triển nhanh hơn hẳn.

Chị Nguyễn Thị Tiên lấy thức ăn cho đàn trâu, bò. Ảnh: Kông Hải.

Chị Nguyễn Thị Tiên lấy thức ăn cho đàn trâu, bò. Ảnh: Kông Hải.

Anh Trương Lý Nguyện cho biết: Thấy nhu cầu tiêu thụ thịt trâu, bò của thị trường ngày càng tăng, gia đình tôi đã chuyển sang làm nghề vỗ béo trâu, bò bán cho thương lái. Tôi thường đi các nơi để tìm mua trâu, bò gầy hoặc các gia đình không có điều kiện chăm sóc tốt, về tăng cường cho ăn đầy đủ dinh dưỡng để vỗ béo. 

Theo anh Nguyện, muốn chăn nuôi hiệu quả phải làm tốt từ khâu chọn giống. Trâu, bò được thu mua là giống đực hơn 1 tuổi để có thể sinh trưởng phát triển tốt. Dáng cao to, vai nở, lưng dài. Không mua loại còn non vì thời gian vỗ béo lâu, tốn thức ăn, lợi nhuận thấp, chậm quay vòng vốn.

Pha trộn thức ăn là khâu quan trọng nhất, thức ăn bao gồm: cỏ voi xay nhuyễn, rau, chuối, cám... đảm bảo sạch sẽ. Trong đó, cần trộn thêm men tiêu hóa vào thức ăn để chúng hấp thụ nhanh hơn, cho ăn 2 lần/ngày. Nguồn nước uống cũng được pha thêm các loại muối khoáng cần thiết, tăng sức đề kháng cho vật nuôi.

Ngoài nguồn dinh dưỡng, trong quá trình chăn nuôi, cần quan tâm đến vệ sinh chuồng trại, tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ. Những ngày rét, cần pha nước muối ấm cho trâu, bò uống và che chắn chuồng trại cẩn thận. Chú ý tích trữ đủ thức ăn cho mùa đông vì thức ăn chính của trâu, bò là cỏ voi đến mùa đông sẽ hết.

Anh Trương Lý Nguyện, chồng chị Tiên thường xuyên kiểm tra sức khỏe đàn trâu, bò. Ảnh: Kông Hải.

Anh Trương Lý Nguyện, chồng chị Tiên thường xuyên kiểm tra sức khỏe đàn trâu, bò. Ảnh: Kông Hải.

Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay mỗi năm gia đình chị Tiên vỗ béo trung bình 3 lứa, mỗi lứa khoảng 20 con trâu, bò. Với cách chăn nuôi khoa học, đa dạng các loại thức ăn tinh, thô, thường xuyên kiểm tra sức khỏe, các loại bệnh và tiêm phòng đầy đủ nên cứ 2 - 3 tháng là có thể xuất bán. Trước đây, muốn bán thì gia đình chị Tiên phải thuê xe chở đi các chợ gia súc nhưng hiện nay, thương lái tìm về tận nhà để chọn mua. Trừ chi phí, mỗi con bán ra cũng lãi từ 5 - 6 triệu đồng. Mỗi năm, gia đình chị Tiên thu khoảng 250 triệu đồng từ vỗ béo trâu, bò.

Trong căn nhà 2 tầng khang trang, chị Tiên tâm sự: Vợ chồng tôi nhiều khi vẫn không nghĩ là từ nuôi con trâu, con bò mà có cơ nghiệp ngày hôm nay. Vỗ béo trâu, bò khá vất vả, chủ yếu lấy công làm lãi nhưng thu nhập khá ổn định, xoay vòng vốn nhanh. Đặc biệt là nuôi trâu, bò ít bị bệnh dịch hơn so với nuôi lợn, gia cầm nên khá yên tâm. Thời gian tới, vợ chồng tôi sẽ tiếp tục tăng thêm số lượng trâu, bò vỗ béo mỗi lứa để nâng cao thu nhập, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi các hộ dân có nhu cầu muốn học hỏi.