Mùi quê

Mỗi người sinh ra và lớn lên trên quê hương của mình. Đấy là nơi chôn rau, cắt rốn không thể nào quên. Quê hương đối với mỗi người ở từng vùng miền khác nhau, được thẩm thấu qua hình ảnh, âm thanh và mùi (hương).

267485187-2687045334936999-2782897482812784796-n-1639823179.jpgẢnh minh họa sưu tầm

Hình ảnh là cánh đồng, cây đa, bến nước, sân đình… nếu bạn ở miền đồng bằng. Còn miền núi là rừng cọ, đồi chè… miền biển là biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Có một hình ảnh rất chung cho làng quê Việt Nam đó lũy tre xanh, giống đến mức mà (Làng tôi, làng anh/Cùng giống nhau nhỉ). Âm thanh nổi bật đối với miền biển là tiếng sóng vỗ bờ cát… Đối với miền núi là tiếng suối reo, thác đổ… Còn miền đồng bằng là tiếng gà gáy sáng, gáy trưa, tiếng xay lúa, giã gạo, tiếng sáo diều vi vu… có cả tiếng chửi ngoa ngoắt của các bà hàng xóm tiếc của, vì mất trộm gà, vịt… Hình ảnh và âm thanh thì dễ thẩm thấu. Mùi thì phải có thời gian sống tại nơi mình sinh ra và lớn lên đủ dài, trải qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông nhiều lần liên tục trong đời thì mới cảm nhận được. Tôi là người sống ở miền đồng bằng, không sinh sống ở miền biển và miền núi nên không thể cảm nhận được mùi của quê hương miền biển, miền núi. Tôi chỉ cảm nhận được mùi của miền đồng bằng.

Thứ nhất là mùi của cỏ, cây, hoa lá: Mùa xuân trăm hoa đua nở, nhưng nổi bật nhất vẫn là mùi thơm ngát hương của hoa xoan, hoa chanh, hoa bưởi nở rộ các vườn nhà. Mùa hạ là mùi thơm mát dịu của hoa sen trong đầm nước đầy. Mùi mít chín trên cây chẳng giấu được ai. Mùa thu ngát hương hoa sữa vào những đêm trời hơi se lạnh. Nhưng có lẽ không ai quên được mùi trái chín của ổi, của thị. Mùa đông thì ngát hương dạ lý nở về đêm làm ngây ngất lòng người. Mùi trái chín của bòng bưởi, cam quýt.

264864472-2687045198270346-5859388115071535990-n-1639823156.jpgẢnh minh họa sưu tầm

Thứ hai là mùi của hương đồng, gió nội: Thôn quê hai vụ chiêm, mùa. Cả cánh đồng lúa chín vàng người nông dân hối hả gặt hái, quẩy thóc về nhà tuốt rơm, đập lúa. Mùi thóc mới phơi ngoài sân ngan ngát. Mùi hăng hắc của rơm, rạ phơi chật đường làng. Thôn quê có đồng, có bãi, có sông. Người nông dân cấy, cày đượm mùi bùn đất trên cánh đồng làng, xuống khúc sông quê để tắm rửa. Trẻ em chạy nhảy, chơi đùa mô hôi nhễ nhại cũng xuống sông quê tắm mát. Người lớn, trẻ em ngâm mình dưới làn nước mát, trên dòng sông thắm đượm mùi phù sa. Hương đồng, gió nội là ý mà nhà thơ Nguyễn Bính trách khéo người yêu (Hôm qua em đi tỉnh về/Hương đồng, gió nội bay đi ít nhiều).

265835662-2687045318270334-8073363112823693858-n-1639823123.jpgẢnh minh họa sưu tầm

Thứ ba là mùi các món ăn thôn dã: Đi làm đồng về đang lúc đói bụng mà ngửi thấy mùi cơm của nhà ai cạnh đường đang vào bữa, làm cho đôi chân của mình muốn nhanh hơn về nhà để thỏa mãn cơn đói. Trên đường về mà gặp nhà nào nướng cá khô, mùi cá khô nướng thúc dục cái dạ dày biểu tình đấy. Nếu gặp nhà nào phi hành mỡ, thì dạ dày của mình làm loạn mất. Còn các món dân dã khác như cá kho tương, ốc ếch nấu chuối…canh cua, cà muối…đều có mùi đậm chất quê.

Thứ tư là mùi Tết mà ai cũng háo hức. Mỗi năm Tết đến, xuân về trước bàn thờ tổ tiên mùi hương trầm thành kính, ấm áp tình thân. Sáng mồng một Tết ngủ dậy, rửa mặt nước cây mùi thơm phức, may mắn cả năm. Mùi của dưa hành, thịt mỡ, bánh chưng xanh theo ta đi khắp các nẻo đường, suốt cả cuộc đời.

Một thứ mùi nữa nếu không nhắc tới sẽ là khiếm khuyết, đó là (mùi chợ). Mỗi làng quê đều có một cái chợ, mùa nào thức ấy, những sản vật của người nông dân làm ra đem bán ở chợ, như: lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, tôm cá… rau và hoa quả các loại. Vì đều là cây nhà, lá vườn tập hợp lại thành một thứ mùi hỗn hợp mà người xa quê vạn dặm vẫn nhớ cái chợ làng mình.

268772688-2687045251603674-2297025087028710363-n-1639823037.jpgẢnh minh họa sưu tầm

Đặc biệt dù ở bất cứ nơi đâu miền xuôi hay miền ngược, nông thôn hay thành thị. Ngay từ khi ta sinh ra đã được cha mẹ ấp ủ, nuôi dưỡng từng ngày đến khi lớn khôn. Vậy thì làm sao mà quên được mùi của cha, mùi của mẹ. Đây là thứ mùi đặc biệt nhất không thể thiếu trong mùi quê hương mình.

 

HD18/12/21NH

Theo Chuyện quê