Mùng 3 tết Thầy

 Quên đi những ngày thường, chẳng thể điện nỗi cho nhau một cuộc điện thoại. Bận bịu công việc. Nhưng cứ tới mùng 3 Tết hàng năm thì hầu như ai ai cũng chờ đợi, để được gặp bạn bè, quan trọng hơn hết là đi chúc Xuân thầy cô.

mung-ba-tet-thay-1643895536.jpg 

 

“Mùng 1 Tết cha, Mùng 2 Tết mẹ, Mùng 3 Tết Thầy”.

  Mỗi độ Xuân về, ngoài việc đón Tết truyền thống, gia đình đoàn viên, thì có một điểm nhấn khá thú vị mà trong lòng mỗi người dân Việt Nam chúng ta ai cũng thấy lâng lâng kỉ niệm xưa thân yêu ùa về. Đó là mùng 3, ngày Tết thầy.

  Ở các nước phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, tinh thần tôn sư trọng đạo có bề dày suốt chiều dài phát triển lịch sử của đất nước. Người thầy trong tâm trí của bao người đã đi vào ca dao, lời hát... gắn liền với những ngày lễ 20-11, thế hệ học trò mới cũ, tươi tắn hớn hở cầm trên tay những bó hoa thật đẹp, để dâng tặng thầy cô. Nhưng đó không phải là ngày duy nhất. Ngày mùng 3 Tết, khi Xuân về đang rung rinh từng búp chồi non xanh mơn man, tiếng chim hót lảnh lót trên cành, từng tia nắng ấm áp đang rộn ràng, thì ở một góc nào đó của trường cũ bạn xưa, lại tề tựu đông đủ, tay bắt mặt mừng, cười nói vui vẻ đôi khi là những giọt nước mắt lăn dài. Thực sự xúc động, nếu đó là các anh chị đã xa mái trường hàng chục năm, hay những bạn tân sinh viên, được về đứng trên ngôi trường thân yêu, từng ghi dấu biết bao nhiêu kỉ niệm tuổi học trò đầy nhung nhớ thì cái ngày mùng 3 là ngày để các anh chị được gục đầu vào nhau kể nhau nghe chuyện riêng của mình và ôn lại thuở “ nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”. Nhưng hơn hết là để cùng nhau, mua một món quà lưu niệm, những bó hoa xinh đẹp, tới nhà thầy cô, hỏi thăm sức khoẻ, trò chuyện những vui buồn sinh viên, những thăng trầm cuộc sống. Ở các góc trường cấp 1, cấp 2, cấp 3 những ngày này thật nhộn nhịp, ai cũng đẹp ai cũng xinh. Ngày Tết thật ấm lòng và đầy ý nghĩa.

  Chắc chắn rằng trong mỗi chúng ta, ai cũng đang cầm trên tay chiếc điện thoại, ngoài nhắn tin chúc Tết, là í ới hẹn mai chỗ nào, gặp ở đâu? Lòng vui xốn xang.

  Thơ ngây nhất là mấy em nhỏ học cấp 1, hồi xưa là ít người có xe đạp, chẳng có điện thoại, cử mấy bạn cán sự lớp nhà ai có điều kiện xe đạp chở được nhau là hẹn nhau ra chợ mua một lãng hoa, một quyển vở thế là chở nhau trên con đường quê đầy sỏi đá, ngồi mà tê hết cả mông. Vậy mà vui và hạnh phúc lắm. Nghĩ tới đó thôi thì ai nấy, nước mắt cũng nhoè, vì đó là bầu trời kỉ niệm. Tấm lòng chân thành trân quý, nhớ đến công ơn thầy cô là nghĩa  hiếu đạo, thành kính biết ơn sự dạy dỗ chỉ bảo, để trở thành những người có ích cho xã hội. Công lao trời biển ấy sẽ mãi còn trong tâm trí của chúng ta.

 Có rất nhiều vị lãnh đạo, quan chức, nhân viên nhà nước, có địa vị xã hội, những doanh nhân thành đạt... ngày này cũng cởi mở không kiểu quan cách, hồ hởi đến gặp lớp cũ. Có nhiều người dù quanh năm với công việc đồng án, cuộc sống còn nhiều khó khăn, vẫn không thấy buồn hay ngại ngùng khi đến lớp. Hoà vào nhau như thuở học sinh, vô tư, không khoảng cách. Những lúc như thế mới thấy hết niềm cảm xúc dâng trào cay cay ở khoé mắt, tình bạn đẹp biết bao nhiêu. Rồi cùng nhau đến thăm thầy cô, vẫn như những đứa trẻ hồi nào, ngồi bên thầy cô chuyện trò râm ran, cứ tỉ tê hết cả ngày vẫn chưa muốn về. Vui lắm, niềm vui hoà cùng không khí Tết an hoà, đất trời thanh tân trong trẻo thì lòng người càng thấy trân trọng và yêu thương nhau hơn biết bao nhiêu.

  Quên đi những ngày thường, chẳng thể điện nỗi cho nhau một cuộc điện thoại. Bận bịu công việc. Nhưng cứ tới mùng 3 Tết hàng năm thì hầu như ai ai cũng chờ đợi, để được gặp bạn bè, quan trọng hơn hết là đi chúc Xuân thầy cô. Ý nghĩa nhân văn, đã có tự bao giờ, là nét đẹp văn hoá của người Việt Nam “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, những trái ngọt, bông hoa thơm đã điểm tô thêm cho mùa Xuân ngập sắc hương, ngọt ngào, thi vị ngày Tết cổ truyền Việt Nam.

 

(Tản mạn đầu xuân)

TT 2-1-2022 (âm lịch)

 

Chuyện làng quê