Chúng tôi kết hôn vào năm 2011. Cuộc hôn nhân này không được gia đình tôi tán thành. Lý do mẹ tôi đưa ra là quê vợ quá xa (hai gia đình cách nhau 200km). Bà chỉ thích con dâu ở gần để sau này các dịp lễ, Tết hai bên thông gia không phải đi lại xa xôi, vất vả để thăm hỏi nhau.
Nhưng theo tôi biết, gia cảnh cô ấy nghèo khó mới chính là lý do khiến mẹ tôi không vừa lòng. Trong khi gia đình tôi có cửa hàng kinh doanh nội thất, làm ăn phát đạt thì bố mẹ vợ tôi chỉ làm nông nghiệp.
Họ rất vất vả để nuôi 4 con ăn học. Mẹ tôi nói, mẹ không chê gì nhà nghèo khó nhưng “mây tầng nào gió tầng đó”, hai gia đình quá cách biệt nhau về kinh tế sẽ dẫn đến suy nghĩ, quan điểm sống và văn hóa cũng khó hòa hợp. Tuy nhiên vì vợ tôi có thai trước, bà đành phải xuống nước đón con dâu và cháu nội về.
Sau khi cưới, vợ chồng tôi dọn về sống cùng bố mẹ chồng. Bố mẹ tôi sắm sửa mọi thứ từ A đến Z cho chúng tôi. Ông bà còn mua cho tôi chiếc xe ô tô để tiện đi lại. Hai vợ chồng cũng làm tại công ty gia đình tôi. Hàng tháng, bố mẹ trả cho chúng tôi một khoản lương cố định để tiêu xài, còn lại do bà giữ. Sau này, gia sản ông bà cũng để lại cho vợ chồng tôi vì tôi là con trai một. Em gái tôi đã lấy chồng và sang nước ngoài định cư.
Từ ngày về làm dâu, vợ tôi biết mẹ chồng không ưa mình nên luôn cố gắng để làm hài lòng cả nhà chồng. Từ việc nấu ăn đến chăm con, mua sắm trong nhà… cô ấy đều nghe theo lời mẹ chồng. Vì vậy, dù mẹ tôi khó tính nhưng trong gia đình cũng chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn hay xích mích lớn.
Ông bà ngoại ở xa nên vợ ít khi về quê. Thêm vào đó, mỗi lần vợ xin về, mẹ tôi không vui. Bà nói, ông bà ngoại làm nông nghiệp thì chẳng bận rộn gì nhưng nhà tôi làm kinh doanh thì không bao giờ hết việc. “Mỗi ngày, nhà nông nghỉ việc thì chỉ mất vài trăm nghìn nhưng một ngày, nhà này đóng cửa thì thiệt cả đống tiền”, một lần mẹ tôi nói vậy khi vợ tôi thỏ thẻ xin cho cháu về ngoại ăn giỗ.
Thấy mẹ nói cũng hợp lý nên tôi động viên vợ chịu khó ở lại phụ gia đình làm ăn. Đương nhiên vào mỗi dịp Tết, chúng tôi đều ăn Tết nhà nội. Đó như một luật bất thành văn. Vào Tết Dương lịch, tôi sẽ đánh ô tô đưa vợ và con về ngoại chơi khoảng 3 ngày. Sau đó, gần Tết âm, vợ tôi sắm sửa đồ và chuyển ít tiền cho nhà ngoại sắm Tết.
Sau khi lo các bữa cúng ở nhà tôi, ngày mùng 4 Tết, vợ chồng tôi lại đi xe về chúc Tết ông bà ngoại. Nhưng có năm tôi bận các cuộc nhậu, vợ và con lại phải bắt xe khách về ngoại.
Tôi tưởng như thế đã là chu đáo và đầy đủ với nhà ngoại nhưng lòng vợ tôi lại nghĩ khác. Năm ngoái, tôi vô tình nghe cô ấy gọi điện cho chị gái và khóc. Trong điện thoại, vợ tôi nói, nhớ cái Tết ở quê đầm ấm bên cha mẹ và các anh chị em. Bao năm ở nhà chồng đầy đủ sung túc nhưng cô ấy vẫn thấy tủi thân. Cũng vào đợt năm ngoái, bố vợ tôi ốm vì vậy cô ấy càng buồn.
Tôi khuyên vợ cứ mạnh dạn xin mẹ chồng về quê ăn Tết 1 năm. Vợ tôi sợ mẹ chồng phật ý nên không dám nói. Cuối cùng, cô ấy nghĩ ra một cách - nói bóng gió với mẹ chồng là “Chị A., chị B. bạn con năm nay được về nhà ngoại đón Tết”. Tưởng mẹ chồng thấu hiểu. Nào ngờ, mẹ tôi lại mắng con dâu té tát. Bà nói, về nhà chồng không biết đã làm được gì cho nhà chồng chưa mà lúc nào cũng chỉ lo vun vén và chăm chăm chạy về nhà ngoại
“Thuyền theo lái, gái theo chồng”, phận con dâu ba ngày Tết không được để bếp nhà chồng nguội lạnh…
Suốt 1 tiếng đồng hồ, mẹ tôi răn dạy, vợ tôi chỉ im lặng ngồi nghe. Hôm đó, tôi không có nhà, chỉ nghe người làm kể lại như vậy. Lúc tôi về, cô ấy đóng cửa phòng nằm khóc. Tôi cũng thương vợ nhưng không muốn không khí gia đình căng thẳng nên đành an ủi cô ấy cố gắng vượt qua nỗi nhớ nhà, chu toàn cho việc nhà chồng.
Vì vậy năm nay là năm thứ 10 vợ tôi về nhà chồng nhưng cô ấy chưa một lần dám xin về quê ngoại ăn Tết.
Biết cứ mỗi Tết đến xuân về, cô ấy sẽ chạnh lòng nhưng tôi nghĩ, đã là tục lệ thì thật khó để thay đổi một sớm một chiều…
Chuyện làng quê