Ngày lễ Tình nhân: Gieo chữ trên mây

Các em đã đón anh đến thăm, thức tỉnh trong em niềm khao khát của tuổi thanh xuân đương độ. Cuộc sống hàng ngày của các em từ lâu đã như chiếc đồng hồ ngày nào cũng giống ngày nào. Anh đến với các em chốc lát rồi anh lại ra đi, như vô tình gieo vào lòng em nỗi buồn, nỗi cô đơn sâu hơn, nặng hơn.

mot-goc-nui-dinh-1642643236.JPG 

 

Theo lệnh của thủ trưởng, chiều hôm đó Trung phải đi xã Điện-Quan gấp. Xã Điện-Quan ở cuối huyện Bảo -Yên, tỉnh Lào Cai. Bốn giờ chiều anh đến nơi, tìm vào nhà cán bộ xã để làm việc.

Ông Toại đang sửa lại cái máng nước làm bằng những cây tre gối đầu lên nhau, dẫn dòng nước từ trong khe sâu sát tận chân núi đá. Nước rót xuống đuôi cối gạo đã đục rỗng như một cái máng. Trong hốc, gạo đang giã dở chừng. Thấy nhà có khách, ông Toại thõng tay dao:

- Chào anh cán bộ.

- Chào bác Toại - Trung đáp lời rồi theo ông leo lên chiếc cầu thang vào căn nhà sàn rộng thênh thang.

Ông thong thả rút chiếc chiếu hoa trải xuống sàn gần cửa sổ, sau đó chọc than đun nước. Ông tiếp tục chậm rãi lấy ra bộ chén sành, lau chùi cẩn thận bằng chiếc khăn xỉn mầu.

Dù cán bộ có công việc cần kíp đến đâu cũng phải kiên nhẫn chờ khi nào ông pha trà uống nước xong đã.

Sau mười lăm phút trao đổi, công việc đã được giải quyết xong một cách không ngờ.

Chiều rừng chảy về chầm chậm, tiếng mõ trâu lốc cốc quanh bụi tre ven suối. Trên lưng đồi tiếng chày giã gạo điểm nhịp trong không gian.

Công việc đã xong, Trung cảm thấy lẻ loi trong khung cảnh âm u tĩnh mịch. Anh lại nhớ về cơ quan của mình. Ở đó mỗi khi nghỉ việc, những người xa nhà hay rủ nhau đi chơi, họ sống cần có nhau trong những căn nhà lá vừa là nơi ở vừa là nơi làm việc.

Nhét cân gạo kho vào trong túi xách quyết định ra về, Trung đột ngột chìa tay cho ông Toại:

- Xong công việc rồi, tôi phải về cơ quan đây bác Toại ạ.

Ông Toại nhìn anh ái ngại:

- Anh về không khéo là dính tối đấy.

- Kịp, về vẫn kịp mà, không tối đâu - Trung quyết tâm cáo từ.

Thế rồi anh quàng xắc-cốt, xách túi dắt xe ra đường Hữu Nghị.

Con đường rải đá cấp phối chạy ngoằn ngoèo liên tục theo triền núi. Lưng chừng dốc, ngay mé đường có cây chò cao vút bị sét đánh chết đứng còn hằn rõ một đường cháy sém chạy từ ngọn xuống gốc.

Mặt trời khuất sau dãy núi phía xa, nhưng bóng tối chưa vội ập xuống, cảnh vật mờ ảo trong sương chiều. Đang mải miết xoải người đùn xe lên một con dốc, tới chân cột điện. Trên tảng xi-măng, Trung chợt thấy có hai đôi dép nữ, một đôi mầu đỏ, một màu xanh để ngay ngắn, chồng lên trên là chiếc túi ni-lon tết tay cũng mầu đỏ, bên trong có chiếc khăn mùi xoa bọc một vật hình vuông như một cuốn sổ tay.

Lòng Trung bỗng trỗi dậy một cảm xúc mơ hồ, anh tự hỏi: Giữa chốn rừng hoang vu thế này, trời sắp tối rồi, còn có cô gái nào ở nơi đây làm gì? Nhìn những vật dụng kia chắc chắn chỉ có thể là cô gái miền xuôi. Anh đang phân vân nhìn xuống thung sâu bạt ngàn là chuối rừng, thỉnh thoảng có những búp hoa đỏ như lửa đâm thẳng lên trời như một ngọn mác. Từ dưới đó chợt vang lên tiếng con gái trong lanh lảnh:

- Chị Phương ơi! Lại đây có nhiều bắp pi lắm.

Tiếng gọi vang vọng vào vách đá ngân dài xa xa.

Nghe tiếng gọi nhau của cô gái đã níu bước chân Trung lại. Sự có mặt của các em đã làm lòng anh rộn ràng và thêm can đảm.

Không bao lâu sau, tiếng rẽ lá vạch cây tiến về nơi cột điện. Hai cô gái trẻ trung ngời sáng xuất hiện. Đi trước có lẽ cô gái tên là Phương, trên đầu em chít chiếc khăn mầu xanh, tay xách ba hoa chuối rừng buộc vào nhau bằng sợi dây sắn. Cô gái đi sau mặc áo hồng nhạt người nhỏ nhắn thanh mảnh như gái mới lớn. Hai cô đều đẹp như hai nàng tiên giữa rừng!

Các em còn mải giúp nhau leo lên ta-luy đường, khi ngước mắt lên các em phát hiện sự có mặt của Trung. Dường như em sững lại vì bất ngờ nhưng không có vẻ hoảng sợ. Trung kịp thời cúi xuống mé dốc chìa tay ra thân thiện:

- Em đưa bắp pi đây, anh cầm giúp cho.

Phương tin cậy đưa chùm hoa chuối cho anh. Hai cô gái kéo tay nhau vượt lên trên đường.

Sự có mặt của Trung, một người trai trẻ vai đeo xắc-cốt, có vẻ là cán bộ vùng cao, em đã vội tin.

Vâng, sự cả tin của em không có lỗi, chỉ có kẻ lợi dụng lòng tin con người để làm điều không tốt mới là kẻ ác.

Dáng vẻ lần khân không vội vàng, anh biết các em chưa muốn rời. Chùm hoa chuối em trao vẫn còn trong tay anh. Như đọc được ý muốn của nhau, cô gái trẻ hồn nhiên:

- Mời anh vào trường em chơi đã.

Thì ra các em là cô giáo. Trong lòng Trung có thêm sự đồng cảm anh hỏi:

- Trường của các em có gần đây không ?

- Gần thôi anh ạ! - Phương trả lời thay cho sự đồng lòng.

Trung thong thả treo chùm hoa chuối vào ghi-đông xe đạp, anh không thể từ chối một lời mời tha thiết như thế!

Ba người thong dong đi bộ trở lại con đường lớn một đoạn rồi rẽ trái theo một lối mòn không biết đi tới đâu. Những ngọn lau, ngọn chít đổ nghiêng chắn lối. Trung tâm tình:

- Các em quê ở đâu? - Phương nhỏ nhẹ trả lời:

- Em quê ở Vũ Thư tỉnh Thái Bình, còn Thủy ở thị xã Yên Bái anh ạ!

- Các em về đây dạy học đã lâu chưa?

- Em về đây đã hai năm rồi còn Thủy mới về…

Em nói là gần thôi, thế mà có lẽ đã hơn nửa tiếng đồng hồ mà vẫn chưa thấy trường em ở đâu. Qua một thửa ruộng bậc thang, báo hiệu sắp tới nhà dân. Phía xa nhô lên một ngôi nhà sàn, khói bếp bay lơ lửng trên nóc. Phương chỉ tay về phía ngôi nhà nói:

- Đến kia rồi anh.

Anh nhìn về phía ngôi nhà mà em Phương nói là trường toan hỏi song chợt nghĩ lại thôi.

Các em đưa Trung tới ngôi nhà đầu tiên, bỏ lại con đường mòn như dài vô tận. Nhìn phía xa trong thung lũng, từng cột khói lam bay lên trên những nóc nhà sàn nép bên sườn núi.

Trung dựng chiếc xe đạp vào chân cột. Dưới sàn có những hàng ghế băng đơn sơ mà Trung đoán có thể các em nói là trường học. Như hiểu được ý nghĩ của anh Phương nói:

- Chúng em nhờ nhà ông Pôn để làm trường học. Chúng em ăn ở tại đây, dưới sàn này là lớp học.

Chúng tôi theo bậc cầu thang bước lên trên nhà. Ông Pôn thấy nhà có khách đứng lên xoa tay:

- Chào anh cán bộ.

- Chào bác - Trung đáp lại đồng thời đưa cho ông chùm hoa chuối nói tiếp:

- Làm canh ăn bác ạ!

Ông Pôn cầm chùm hoa chuối treo lên vách nứa. Trung quay sang nói chuyện với Phương:

- Các em dạy học ở đây có nhiều học sinh không?

- Có hai mươi mốt em anh ạ! Nhưng vất vả lắm, hai đứa chúng em thay nhau dạy, có khi mất cả ngày, có ngày lại không có học sinh nào tới học.

- Sao thế hả em? - Phương giãi bầy:

- Học sinh ở xa anh ạ, mà lại tuổi tác không đều. Có em bảy tám tuổi, có em mười ba, mười bốn tuổi vẫn học vỡ lòng.

Nghe chúng tôi tâm sự đến đây ông Pôn xen vào :

- Học sinh còn cạy vách nhìn trộm cô giáo tắm mà.

Phương đỏ mặt thẹn thùng, nở nụ cười gượng, nét khắc khổ còn vương mãi trên khuôn mặt em. Câu chuyện giây lát ngừng lại. Phương tiếp tục trút tâm sự:

- Chúng em dạy chữ cho các em ở đây, hễ có một vài em đến trước dạy trước đến sau dạy sau, chẳng có khi nào đủ cả. - Trung muốn chuyển đề tài cho vui câu chuyện:

- Tết vừa qua các em có được về quê không? - Phương nhỏ nhẹ như là tiếng thở dài:

- Có, chúng em có về, lại còn được giấy ưu tiên giáo viên miền núi, đi tầu xe cũng dễ.

Trong mắt em ánh lên một niềm tự hào nhỏ nhoi nhưng chỉ thoảng qua. Em nói tiếp: - Về nhà mẹ em không muốn cho con gái lên mạn ngược nhưng em còn phải đi làm nhiệm vụ của mình.

- Các em có đi chơi đâu không?

Trung đã lỡ hỏi mà lại không muốn em trả lời. Lòng anh thắt buồn nghĩ rằng: Nơi đây các em biết đi chơi ở đâu! Nhìn sang em, anh lại thấy mắt em như sáng lên tia hy vọng, giọng em vui hơn:

- Mỗi tháng chúng em đi bộ về huyện một lần để đong gạo, mua dầu hỏa, thực phẩm và nhận thư nữa.

- Thế vừa nãy các em đi đâu? - Lần này Trung tỏ ra mình tò mò thực sự. Em ngồi bên bếp lửa tay cầm que củi tần ngần vẽ hình ngôi sao, nghe anh hỏi vậy ngước mắt nhìn sang giọng dịu dàng sâu lặng:

- Chiều nay chúng em cho học sinh về sớm, rồi rủ nhau ra đường cái xem ô tô chạy qua nhưng chẳng có cái xe nào cả.

Trung không hiểu ý, Phương bộc trực:

- Hôm trước chúng em gặp hai chiếc ô tô của đoàn địa chất, cái Thủy nó vẫy, họ dừng cả lại, chiếc đi sau mở cửa cứ tưởng chúng em nhờ đi lên Lào Cai, anh tài xế vẫy lại, ngượng quá em phải kéo Thủy nấp vào trong bụi. Biết chúng em chỉ trêu đùa, mấy anh còn nhìn lại mãi.

Nghe những lời tâm sự nỗi niềm của người con gái ở nơi thâm sơn cùng cốc này, lòng anh mang đầy thương cảm!

Em Thủy đi tắm xong, vào ngăn buồng ông chủ nhà dành cho hai cô, lấy ra chiếc đèn dầu không còn bóng chụp. Bàn tay hồng hào tuyệt đẹp khum khum che gió nghiêng mình đi vào.

Ông Pôn trịnh trọng bê mâm đặt xuống giữa chiếc chiếu Phương đã trải xuống sàn, xong rồi em ý tứ đứng lên. Trên mâm không có món hoa chuối rừng. Một đĩa thịt lợn hun khói trên bếp, có lẽ ông chủ để dành từ Tết, một bát canh măng nấu với những con cá bống, tép suối bé tý, một nắm rau cải nương lẫn với lá tỏi tươi. Cạnh mâm đặt nửa cút rượu trắng đục.

Trung quyết mời bằng được hai cô giáo cùng ngồi.

Trải qua bao năm tháng cuộc đời, Trung đã dự bao nhiêu bữa tiệc thịnh soạn nhưng anh không thể quên bữa cơm cùng các em chiều tối hôm ấy. Những món ăn đạm bạc dân dã nhưng quí giá vì còn có một tình cảm trong trắng, chân thành.

Những món ăn đặc sản, những lời nói sáo rỗng, thái độ vô tình cùng với những bon chen giả tạo. Nếu so sánh với không khí bữa cơm cùng các em thì mọi thứ đều vô nghĩa.

Giá như anh ở lại đây chia sẻ vui buồn cùng các em thì tốt biết mấy, nhưng không thể, Trung phải đi tiếp con đường của mình.

Sáng ngày hôm sau, khi sương mù còn giăng đầy, cảnh vật như bồng bềnh hư ảo, phía xa tiếng chày giã gạo uể oải điểm nhịp trong không gian.

Ông Pôn thắt con dao chuẩn bị lên nương, trong ngăn buồng hai em đã chong đèn soạn bài cho buổi lên lớp. Vai quàng xắc-cốt Trung lại gần. Biết anh đến là phải chia tay mà chẳng em nào nhìn lên. Anh khó khăn nói lời từ biệt mà như tiếng thở dài:

- Chào các em nhé! Anh về huyện đây.

Thủy đặt cây bút im lặng nhường lời, Phương nghiêng mặt rất nhẹ vào trong nén cảm xúc. Trong anh bỗng dâng trào một tình cảm xao xuyến…

Các em đã đón anh đến thăm, thức tỉnh trong em niềm khao khát của tuổi thanh xuân đương độ. Cuộc sống hàng ngày của các em từ lâu đã như chiếc đồng hồ ngày nào cũng giống ngày nào. Anh đến với các em chốc lát rồi anh lại ra đi, như vô tình gieo vào lòng em nỗi buồn, nỗi cô đơn sâu hơn, nặng hơn.

Quay gót ra đi Trung không nói lên nổi một lời khả dĩ có thể động viên em. Em như hờn giận anh hay hờn giận cho số phận của mình, bóng em im lìm như hóa đá!.

Trung lê bước xuống sàn, bâng khuâng lồng bàn chân vào đôi dép cao-su rồi nặng nề đắt xe ra con đường mòn hôm trước.

Họ chia tay nhau trong im lặng, cả hai cùng nén chặt tình cảm trong lòng. Nếu như em nói “ Anh về nhé” có lẽ em không kìm lòng được. Hỏi vì sao? Vì một người con trai qua đường mới quen biết ư? Tình người con gái sâu nặng lắm. Nếu Trung vẫy gọi, anh tin rằng: Dù khó khăn đến mấy, em vẫn đến với anh mà đi tới tận cùng trời cuối đất…

Nhưng không thể được, trong sâu xa còn có mối ngăn cách khắc nghiệt mà Trung chưa có đủ dũng cảm vượt qua. Trong linh cảm của người con gái cũng không cho em vội bày tỏ cõi lòng: “ Anh về nhé, liệu anh còn đến thăm các em nữa không?”. Trung cũng không dám dối lòng mà cứ để cho im lặng nói lên tất cả.

Nghĩ đến đây bất giác anh nhìn lại, bóng hai cô gái đã ra sàn nhà đứng dựa vào nhau dõi theo anh khuất dần trong sương mờ..

Tiếng còi ô tô ngoài đường cái vọng về loang ra lịm dần trong thinh không.

Thời gian vẫn trôi xuôi vô tư tàn nhẫn. Trung không ngờ rằng cuộc chia ly lần ấy lại là lần cuối cùng rồi đi vào dĩ vãng. Anh ép mình vào những khuôn phép, lăn xả vào phấn đấu công việc quên cả thời gian. Trung không có dịp nào quay trở lại thăm các em được nữa.

Chỉ một lần gặp nhưng có bao lần anh nhớ tới em và suy nghĩ về phương trời bắc.

Giờ này em đang ở đâu? Em còn ở bản cũ hay em đã ra đi. Từ nơi xa thẳm Trung thầm cầu mong cho em có một cuộc sống hạnh phúc êm đềm. Thời gian vẫn trôi lặng lẽ vô tư.

Những con chữ em gieo trên trang giấy học trò, để cho mai đây bản xa nẩy mầm hạnh phúc. Những hy sinh của các em cho cuộc đời này là vô giá, như những Anh Hùng thầm lặng.

Viên phấn trong tay em cứ thay nhau mòn dần, chúng hóa thành kỳ diệu. Thời gian vô tình trôi xuôi .

 

Eakar – VT - Chuyện quê