Nghệ nhân Hoàng Ngọc Viện sinh ngày 10/06/1946 tại làng quê nghèo huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, chứng kiến bao cảnh đau thương mất mát của đất nước, ông luôn hướng về tiền tuyến, theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường để bảo vệ quê hương, đất nước. Ông đã tham gia nhiều trận đánh cam go, quyết liệt và đã cùng đồng đội lập được nhiều chiến công. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính Cụ Hồ, ông rời quân ngũ trở về quê hương. Sống trên mảnh đất quê hương còn nhiều gian khó, trong lòng người cựu chiến bình luôn đau đáu tâm niệm phải làm những điều có ý nghĩa để góp sức xây dựng làng quê đổi mới.
Có nhân duyên được trò chuyện cùng Nghệ nhân Hoàng Ngọc Viện, thủ nhang An Phúc Tự tại xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, chúng tôi có ấn tượng sâu sắc về một con người bình dị, đời thường nhưng trong mỗi câu chuyện của thầy đều thấm nhuần những yếu tố tích cực của tư tưởng Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Đó là cốt cách của các cụ đồ nho đất Bắc, mang đậm giá trị tinh thần, văn hóa của thời đại. Câu chuyện về Nghệ nhân Hoàng Ngọc Viện là câu chuyện thật dài, qua đó gắn liền bản sắc, giá trị văn hóa tâm linh và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ đất Việt xưa và nay.
Ông chia sẻ, gia đình ông may mắn được thừa hưởng nền văn hóa thờ Mẫu nên ông dành nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu và bảo tồn đạo Mẫu. Gia đình ông từ đời bà nội đã có căn duyên với đạo Mẫu rồi đến ông và con cháu ông là thế hệ thứ năm trong gia đình đã gìn giữ bảo tồn đạo Mẫu, đó là một niềm vinh dự cũng là trọng trách đối với gia đình ông. Ông tâm niệm còn sống thì còn phải cống hiến cho xã hội, cho nền văn hóa nước nhà. Cho dù ở độ tuổi ngoài thất thập sức khỏe không được như trước nhưng ông nhất tâm một lòng một dạ để gìn giữ và phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong cuộc sống có nhiều lúc xảy ra những biến cố thăng trầm, nhưng với bản chất ý chí vững vàng của người lính cụ Hồ đã giúp ông đã vượt qua bao gian nan vất vả để gìn giữ và truyền dạy cho những thế hệ kế cận tiếp tục gìn giữ và phát huy nét đẹp tinh hoa văn hóa Việt đó chính là Hoàng Dương Đạo Mẫu.
Ông tích cực giúp đỡ bách gia trăm họ và truyền dạy cho các đệ tử những nét nghi lễ cổ xưa để không bị mai mòn, để đời đời Đạo Mẫu phát triển và phồn thịnh. Hiện nay nghi thức thờ Mẫu đã được Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và được Đảng, nhà nước quan tâm và quyền tự do tín ngưỡng được đề cao trong cuộc sống. Trong bao năm vất vả từ nhiều thế hệ để bảo tồn đến ngày nay, gia đình ông đã trải nhiều cay đắng ngọt bùi của cuộc đời và nhiều lúc phải chịu hy sinh giữa cái được và cái mất nhưng với tâm niệm một lòng một dạ để phụng sự việc thánh việc Mẫu giao, ông đã vượt qua để được hưởng niềm vui trong cuộc sống. Trong thời gian vừa qua với nhiều nỗ lực cống hiến của bản thân, ông đã vinh dự đón nhận nhiều bằng khen giấy khen của các cơ quan trao tặng. Với bà con quê hương xóm làng ông là một người thầy một người lính cụ Hồ và là một nhà hảo tâm luôn xung phong đi đầu trong các phong trào an sinh xã hội ở địa phương. Hàng năm ông tích cực hưởng ứng các phong trào tu sửa đền, đình nơi ông sinh sống và ủng hộ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, người nghèo ở địa phương do địa phương phát động và ông xứng đáng là người sống tốt đời đẹp đạo.
Suốt những năm tháng hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, ông luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, là tấm gương sáng cho các bạn đồng, đệ tử về tinh thần học hỏi, ý thức tu dưỡng, khiêm tốn, hòa đồng, tinh thần thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Chúc cho ông thật nhiều sức khỏe để tiếp tục cuộc hành trình trong sự nghiệp giữ gìn và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.