Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tạo sức bật phát huy giá trị văn hóa

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới làm thay đổi mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa, không nằm ngoài xu hướng đó, Việt Nam cũng đang tích cực xây dựng nền công nghiệp văn hóa.

Việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được coi là cách “đi tắt đón đầu”, tạo sức bật trong bảo tồn, phát huy và phát triển giá trị văn hóa, hội nhập quốc tế về văn hóa.

Nhiều chủ trương, chính sách khẳng định vai trò khoa học và công nghệ trong phát triển văn hóa

Chú thích ảnh Du khách vừa đạp xe, vừa nghe thuyết minh qua audio guide nhờ công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo). Ảnh tư liệu: XM.

 

Có thể nói trong bảo tồn, phát huy và phát triển giá trị văn hóa, hội nhập quốc tế, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được cụ thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo, trong đó vấn đề ứng dụng khoa học, công nghệ đã được đặt ra như một nhiệm vụ để ngành văn hóa nói riêng và các ngành, lĩnh vực khác có liên quan thích nghi, ứng phó với các thách thức, phù hợp với xu thế phát triển nhanh của khoa học và các ứng dụng công nghệ của thế giới. 

Hơn 20 năm trước, từ năm 1998, tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, việc xây dựng, ban hành các chính sách phải chú trọng đến việc tạo điều kiện trong xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ theo hướng vừa đảm bảo cho sự phát triển các giá trị văn hóa phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn.

Đến năm 2014, Nghị quyết số 33-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa đã được đặt ra. Chủ trương xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa là rất đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập quốc tế về văn hóa.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2016 nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trước nguy cơ về sự đồng nhất hóa các hệ giá trị văn hóa trước ý đồ của một số cường quốc muốn áp đặt những giá trị văn hóa cho các dân tộc khác. Theo đó, để bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, chiến lược đã đề ra các nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ như: Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong chuỗi sản xuất sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa; sản xuất phim theo công nghệ hiện đại, đạt chuẩn kỹ thuật quốc tế về hình ảnh và âm thanh...

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1909/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, trong nhiều mục tiêu chiến lược đề ra, có mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực “Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa”. Chiến lược cũng nêu rõ cần nâng cao năng lực nghiên cứu cơ bản, dự báo xu thế phát triển văn hóa cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, quản lý văn hóa để thực hiện chiến lược phát triển ngành. Cùng với đó, phát triển hạ tầng công nghệ đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng công nghệ số xây dựng hệ thống thư viện công nghệ số quốc gia; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về văn hóa nghệ thuật, bảo đảm kết nối, tích hợp đồng bộ với hệ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của Đề án Hệ Tri thức Việt số hóa được Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện.

Công nghệ - Xu hướng tất yếu giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết: Theo nghiên cứu, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính là công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý. Trong đó, những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số là: Trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data)... những kỹ thuật này sẽ có tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật... Việc sử dụng Big Data sẽ hỗ trợ các nhà nghiên cứu, nhà đầu tư trong sản xuất thăm dò được thị hiếu công chúng thích loại hình văn hóa gì, phim gì... và AI sẽ tạo ra các kịch bản phù hợp với thị hiếu công chúng. Cùng với đó, thành tựu kỹ thuật số sẽ làm các công việc kỹ xảo, thay thế một phần diễn xuất của diễn viên... IoT sẽ đưa "cả rạp phim, sân khấu ảo" về nhà thông qua kết nối internet...

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dự báo sẽ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa toàn cầu với quy mô rộng, tốc độ nhanh chưa từng thấy. Quốc gia nào đi trước, ứng dụng thành tựu Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thành công sẽ giành thị phần tiêu dùng văn hóa; ngoài thu về lợi nhuận khổng lồ, sẽ biến sản phẩm văn hóa thành “vũ khí”, “sức mạnh mềm” áp đảo văn hóa các quốc gia khác bởi một trong các yếu tố cấu thành sản phẩm văn hóa là công nghệ, vì vậy, không ứng dụng công nghệ tiên tiến đồng nghĩa với việc sản phẩm văn hóa không được tiêu thụ hoặc tiêu thụ không hiệu quả.

Thực tế, trong thời gian qua, mức độ ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa đã có bước phát triển như: Ứng dụng các công nghệ phát triển du lịch văn hóa, trong điện ảnh cũng đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất, xử lý kỹ xảo, hậu kỳ... tuy nhiên hiệu quả ứng dụng chưa cao nên điện ảnh Việt Nam vẫn chưa sản xuất được những bộ phim “bom tấn” về đề tài văn hóa, lịch sử chiến tranh cách mạng như kỳ vọng... Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cần hội đủ các yếu tố như: kinh phí mua sắm, thuê mượn trang thiết bị và nhân lực chất lượng cao để sử dụng công nghệ, mang lại nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn cho công chúng.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ cũng xác định phát triển ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số lĩnh vực đang có tốc độ phát triển tốt như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn... việc ứng dụng công nghệ để giữ gìn bản sắc văn hóa là tất yếu, tạo đà bứt phá cho các lĩnh vực thông qua ứng dụng công nghệ hiện đại của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đồng thời, tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học về văn hóa nghệ thuật với các tổ chức nghiên cứu khoa học nước ngoài, đẩy mạnh công bố quốc tế các công trình khoa học về văn hóa, nghệ thuật; tiếp tục thực hiện chính sách tôn vinh, đãi ngộ đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia đầu ngành về văn hóa nghệ thuật; Phấn đấu có viện hàn lâm văn hóa nghệ thuật ngang tầm viện nghiên cứu tiên tiến của các nước trong khu vực, nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo khoa học quản lý văn hóa tại các viện nghiên cứu và các trường đại học về văn hóa, nghệ thuật.